MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ơn Gọi Làm Con – Lm. Gb. Trần Văn Hào
Thứ Hai, Ngày 11 tháng 1-2016
Ơn gọi làm con – Lm. GB. Trần Văn Hào

Biến cố Chúa chịu phép rửa được cả ba sách Tin mừng nhất lãm kể lại. Sự kiện này đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Đức Giêsu. Trình thuật cũng tiên báo về bí tích rửa tội mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài.

 

Một cuộc lễ phong vương trong khiêm hạ.

Ngày xưa, khi một người sắp được tấn phong làm vua, người ta tiến hành nghi thức gồm 3 giai đoạn: Tắm rửa sạch sẽ, xức dầu thơm và nghi lễ phong vương long trọng. Bài Tin mừng hôm nay cũng phác vẽ tiến trình ấy. Đức Giêsu được dìm xuống để tẩy rửa trong dòng sông Giorđan. Ngài được Thánh Thần xức dầu và đậu xuống trên Ngài. Sau cùng Ngài được chính Chúa Cha tấn phong qua lời tuyên bố ‘Đây là Con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng’. Tuy nhiên cuộc phong vương mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc chỉ là hình bóng. Đức Giêsu sẽ thực sự được tấn phong làm Vua khi Ngài được tắm rửa bằng máu đổ ra trên Thập giá, được xức dầu tẩn liệm trong huyệt đá và được Chúa Cha cho Phục sinh để khai mở một triều đại mới, một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên ơn cứu độ.

 

Các chi tiết mà thánh Luca mô tả trong Tin mừng hôm nay đều mang chở những nội dung rất sâu xa. Trước hết, sự kiện trời mở ra diễn bày sự giao hòa giữa trời và đất. Theo quan niệm Do thái cổ xưa, Thiên Chúa ở tít trên cao và con người ở sâu tận trong vực thẳm dưới đất thấp. Có cả một khoảng cách mênh mông con người không thể vươn tới. Cửa trời mãi khép lại, và con người luôn bị ngập chìm trong bóng tối của tội lỗi và sự chết. Vì vậy trong Cựu ước, chúng ta nghe những lời rên xiết ai oán của dân Chúa vọng lên cao: “Lạy Chúa xin xé trời mà ngự đến với chúng con”. Khi Đức Giêsu thụ tẩy trong dòng sông Hòa giang, bầu trời đã mở toang ra, và đất trời được giao hòa. Đây là hình tượng tiên báo bí tích Thánh tẩy của Tân ước. Một khi được dìm trong máu Đức Giêsu, chúng ta cũng được tẩy sạch mọi tội lỗi và được nâng lên địa vị làm con cái Chúa. Con người từ đất thấp được vươn lên tới trời cao.

 

Thứ đến, Thánh Luca thuật lại việc Chúa Thánh Thần đậu xuống trên Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu. Tác giả sách Sáng Thế mô tả Thần Khí như là nguyên lý tác sinh vũ trụ: “ Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2). Khi Đức Giêsu sống lại, Ngài cũng hiện ra với các Tông đồ và ‘thổi hơi ban Thánh Thần’ (Ga 20, 22). Như vậy sự hiện diện của Thần khí chứng thực một cuộc tạo dựng mới, đem đến cho con người luồng sinh khí mới để chúng ta được sống sung mãn trong nguồn ân sủng. Chúa Giêsu lãnh phép rửa để khai mở ơn cứu độ. Ngài bắt đầu đi rao giảng Tin mừng, và đây là Tin mừng giải phóng, phục hồi nơi ta sự sống thần linh. Đó chính là sự tái tạo mà Đức Giêsu sẽ thực hiện qua cái chết và sự phục sinh vinh thắng của Ngài.

 

Cuối cùng, chúng ta nghe câu tuyên bố của Chúa Cha. Lời Thánh vịnh này cũng được lập lại trong đêm Giáng sinh: “Này là Con Ta yêu dấu, ngày hôm nay Ta đã sinh ra Con”. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng thực hiện một cuộc đản sinh mới nơi loài người. Phụng vụ hôm nay là cao điểm và kết thúc mùa Giáng sinh, mùa chúng ta mừng kính việc Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài nơi Đức Giêsu. Hài nhi Giêsu đến trần gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha, diễn bày sự giao hòa trời đất, và dẫn đưa chúng ta đi vào một tạo dựng mới, phục hồi cho chúng ta phẩm giá được làm con cái Chúa.

 

Văn hóa xếp hàng.

Ngày nay, xã hội nói nhiều về loại hình văn hóa này. Sự chen lấn xô đẩy, dành giật nhau là những gì chúng ta thấy xảy ra nhan nhản hằng ngày. Người văn minh rất khó chịu khi nhìn vào những cảnh tượng ấy. Nhiều người vẫn còn nhớ thời bao cấp, chúng ta phải xếp hàng rồng rắn có khi cả ngày mới mua được vé xe đò hay mua được vài ba ký lương thực theo chế độ tem phiếu. Nhưng không phải chỉ chúng ta mà hơn 2000 năm trước đây, Đức Giêsu đã từng đứng xếp hàng bên dòng sông Giorđan. Có điều khá lạ lùng, là Ngài đứng chung với những người tội lỗi để xin thụ tẩy theo lời mời gọi của Thánh Gioan tiền hô. Gioan đã từng tuyên bố cho dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian”. Thế thì tại sao Con Chiên vô tội ấy lại lặng lẽ đứng xếp hàng, chung với các tội nhân. Đây là một nghịch lý khó hiểu, không phải chỉ đối với Gioan, nhưng còn đối với tâm thức con người thuộc mọi thời đại.

 

Bài học ở đây không phải chỉ là bài học về ‘văn hóa xếp hàng’, nhưng Đức Giêsu muốn diễn bày một linh đạo sâu xa khi đứng chung với những con người tội lỗi. Ngài tự mang lấy muôn tội của loài người cho dù Ngài hoàn toàn vô tội. Ngài xin được thanh tẩy trong dòng sông, nhưng chính con sông Giorđan ấy mới cần được thanh tẩy. Nơi con người Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra hết nghịch lý này đến nghịch lý khác. Những nghịch lý đó nhằm diễn bày chân trời yêu thương rộng mở mà Đức Giêsu đã khai sáng. “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính Con một, để ai tin Người Con ấy sẽ được cứu độ” (Ga 3, 16). ‘Văn hóa xếp hàng’ mà Đức Giêsu đi bước trước, hàm chứa bài học sâu xa về sự khiêm hạ sâu thẳm.

 

Ơn gọi làm con.

Nhà văn Flannery O’Connor trong tác phẩm “Dòng sông” có viết một câu chuyện hư cấu với nội dung gần giống với câu chuyện chúng ta nghe trong Tin mừng hôm nay. Một giáo sỹ đang giảng đạo cho dân chúng bên cạnh một con sông nhỏ và mời gọi dân chúng sám hối để thụ tẩy. Một dãy người đông đảo đứng xếp hàng nối đuôi nhau để xin ông làm phép rửa. Chú bé Bavel cũng đứng trong dãy người chờ đến lượt mình. Vị giáo sỹ dìm đứa bé xuống nước và làm nghi thức, sau đó xách cổ đứa bé lôi lên khỏi mặt nước và nói: “Này chú bé, lúc nãy chú mày chẳng là cái thớ gì, nhưng bây giờ chú em có giá rồi đấy”. Mọi Kitô hữu chúng ta cũng trở nên có giá vì đã được dìm trong máu cứu độ nơi giếng rửa tội. Chúng ta mang nơi mình giá trị vô song vì được biến đổi hoàn toàn, được lãnh nhận thiên chức trở nên con cái Thiên Chúa. Phẩm giá ưu việt chúng ta có được nhờ vào sự thanh tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội.

 

Một vị Cha già đã chua chát nhận xét: “Nhiều vị linh mục ngày nay khi được mọi người gọi mình bằng cha, bỗng quên mất đi ơn gọi làm con của mình”. Đây là ơn gọi căn bản và cao quý nhất mà tất cả chúng ta, các Kitô hữu đều được chia sẻ. Cách đây vài thập niên ở Âu Châu, có một phong trào rộ lên đòi tự do một cách vô lối. Nhiều bạn trẻ Công giáo đặt vấn đề tại sao bố mẹ đem tôi đến nhà thờ để rửa tội mà không hỏi ý kiến trước. Họ phải đợi chúng tôi lớn lên, đủ trưởng thành để chúng tôi quyết định về sự tự do chọn lựa của mình. Khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đi thăm viếng mục vụ nước Pháp vào những năm thập niên 80, nhiều người đồng loạt ký tên xin ra khỏi Giáo hội vì não trạng và thái độ mang tính ngụy biện giống như vậy.

 

Không cần nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, không ít Kitô hữu vẫn có tên trong giáo xứ, nhưng cuộc sống của họ cũng giống như những con người vô thần, xa rời hẳn mẹ Hội Thánh. Ở bên Pháp người ta vẫn gọi họ là ‘le croyant mais non-practiquant’, chỉ tin trên lý thuyết còn thực hành thì không. Còn chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta đã sống ơn gọi Bí tích rửa tội như thế nào?

 

Kết luận

Phụng vụ hôm nay gợi nhắc về ơn gọi cao quý chúng ta đã lãnh nhận nơi giếng rửa tội. Chúng ta nhìn vào gương mẫu Đức Giêsu, một Con Chiên vô tội đã tự hạ, xếp mình ngang hàng với những tội nhân hèn mọn. Về phần chúng ta, chúng ta có đủ khiêm tốn nhận ra những bất toàn nơi con người mình để cố gắng sống thật sung mãn ơn gọi của Bí tích rửa tội hay không? Bí tích thánh thiêng ấy đã ghi ấn tích vĩnh viễn nơi tâm hồn chúng ta, một ấn tích không thể xóa nhòa. Còn lại, chúng ta có bổn phận phải phát huy và sống thật trọn vẹn ơn gọi cao quý này.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sống Tước Vị Làm Con – Lm. Nguyễn Nguyên (1/12/2016)
Phép Rửa Tái Sinh – Lm. John Nguyễn (1/12/2016)
Phép Rửa (2) (1/12/2016)
Phép Rửa. (1) (1/12/2016)
Phép Rửa Khiêm Nhường - Đtgm. Ngô Quang Kiệt (1/12/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 33: Thương Xác Bẩy Mối (phần 4) (1/11/2016)
Bài Lời Chúa 32: Thương Xác Bẩy Mối (phần Iii) (1/11/2016)
Bài Lời Chúa 31: Thương Xác Bảy Mối (phần Ii) (1/11/2016)
Bài Lời Chúa 30: Thương Xác Bảy Mối (phần I) (1/11/2016)
Bài Lời Chúa 29: Bài Hai : Phụng Vụ Thiên Giới Học Về Thánh Lễ (1/11/2016)
Tin/Bài khác
Đức Messia Đến --- Suy Niệm Của R. Gutzwiller. ---- (1/10/2016)
Đấng Gánh Tội Trần Gian – Lm. Ignatiô Trần Ngà (1/10/2016)
Đức Khiêm Nhường – Trầm Thiên Thu (1/10/2016)
Đức Giêsu Chịu Phép Rửa (suy Niệm Của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm) (1/10/2016)
Đức Giêsu Chịu Phép Rửa (chú Giải Và Suy Niệm Của Lm Px. Vũ Phan Long) (1/10/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768