Chúa Giêsu chịu phép rửa
(Suy niệm của
Lm. Phêrô Bùi Trọng Khẩn)
Việc đầu tiên của Chúa Giêsu
trước khi thi hành chức năng rao giảng là
đến xin ông Gioan tẩy giả làm phép rửa cho mình.
Khi thấy Chúa Giêsu đến, Gioan
ngạc nhiên quá sức và can ngăn Chúa "Chính tôi mới
cần đựơc Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài
lại đến với tôi". Bây giờ cứ thế đã, vì chúng
ta nên làm như vậy để giữ trọn đức
công chính" (Mt 3,14-15). Cả
hai nhân vật trong tin mừng là Chúa Giêsu và Gioan tẩy
giả đều khiêm nhường.
Gioan biết mình không đáng xách dép cho
Chúa, chỉ là người giới thiệu, minh chứng
về Chúa. Xong
nhiệm vụ của mình ông phải rút lui vào bóng tối
để cho Chúa phải lớn lên. Nhưng
đồng thời phép rửa của ông cũng chỉ là
một nghi thức giục lòng ăn năn
sám hối chứ không có sức để tha tội.
Đức Giêsu là Thiên Chúa vô tội, Thiên Chúa quyền
năng nhưng lại dám hạ mình xếp hàng đứng
bên cạnh những người có tội bên dòng sông
Giođan chờ đến lượt theo
thứ tự để được chịu phép
rửa. Đức Giêsu hoà mình bình
thường đến nỗi không ai nhận ra Ngài
đang đứng bên cạnh mình. Có ai
ngờ một đấng thánh thiện vô tội, cao
cả lại đang đứng bên cạnh mình?
Sứ
mệnh của Chúa Giêsu đến trần gian: cứu con
người khỏi đau khổ, khỏi tội lỗi,
khỏi chết đời đời. Không ai
có thể làm được điều này. Để
làm công việc này, Chúa Giêsu đã phải từ bỏ ngai
vàng vinh quang là Thiên Chúa, bỏ trời cao, quên địa
vị cao sang sống địa vị thấp hèn nhất
trong xã hội loài người qua biến cố giáng sinh.
Rồi Ngài lại tiếp tục hành trình qua từng giai
đoạn, từng bước trong cuộc đời:
cũng giữ mọi luật lệ, tập tục
đạo đời, chịu chi phối bởi mọi
định luật tự nhiên. Đặc
biệt hôm nay, Chúa Giêsu đã bước xuống dòng sông
Giođan. Theo tiếng Do thái, 'Jarad'
nghĩa là đi xuống, vì đường dài dòng sông không
ngừng đi xuống. Dòng sông bắt
nguồn từ độ cao trên núi 520m đến chỗ
sâu nhất dưới mực nước biển là 394m.
Có thể nói đây là điểm thấp
nhất của địa cầu. Chúa
Giêsu chịu phép rửa ở chỗ này. Ngài đã
xuống thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về
chiều sâu tâm lý xã hội. Ngài bước
xuống tận chiều sâu của thân phận tội
lỗi loài người để cảm nghiệm
được sức nặng nề, đau đớn
của tội nhân. Vì thế, chính nơi đây, Gioan
đã giới thiệu về Đức Giêsu rằng
'đây là Chiên Thiên Chúa, đây là đấng xoá bỏ
tội trần gian' (Ga 1,29). Nhưng
cũng chính nơi đây, sau những lời giới
thiệu của Gioan thì Đức Giêsu không cần
người khác, nhân vật khác làm chứng hướng
dẫn nữa mà chính Thiên Chúa Cha giới thiệu 'đây là
Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người'. Đồng thời Chúa Thánh Thần xuất
hiện giống hình chim bồ câu xác nhận điều
đó.
Sự
xuất hiện một lúc ba ngôi Thiên Chúa lần đầu
tiên cho thấy địa vị, vai trò đặc biệt
của Đức Giêsu hơn hẳn Gioan tiền hô, hơn
hẳn các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo khác trên
trần gian.
Với lễ Đức Giêsu chịu phép
rửa chấm dứt mùa giáng sinh, bắt đầu mùa
thường niên.
Chấm dứt gian đoạn 30 năm sống âm thầm
ở quê nhà Nagiarét; Đức Giêsu chính thức hoạt
động công khai để cứu độ con
người với danh hiệu là Đấng Cứu
Thế, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người
thật. Sự tỏ mình của Đức
Giêsu ngày càng rõ bao nhiêu thì đức tính khiêm nhường
của Chúa càng nổi rõ hơn bấy nhiêu. Đó chính là bản chất của Thiên Chúa 'nên
giống anh em mình mọi đàng ngoại trừ tội
lỗi'.
Tất cả những gì xưa nay các
ngôn sứ thời Cựu ước loan báo về
Đức Giêsu nay được ứng nghiệm dần
dần. Quả
thật Đức Giê su đến không phải để
bãi bỏ lề luật, bãi bỏ những cái cũ,
nhưng là để kiện toàn, làm cho nó mới mẻ
hơn. Chính Đức Giê su đã xác
nhận điều đó. Vì thế Ngài
không huỷ bỏ phép rửa của Gioan là nghi thức
của thời cựu ước, ngược lại Ngài
đón nhận lại còn mặc cho nó một ý nghĩa
mới trong phép rửa tội mà Ngài sẽ lập sau.
Hơn nữa, Chúa còn mặc khải cho các môn đệ
biết phép rửa là cái chết của Chúa khi Ngài nói:
'Thầy còn phải chịu một phép rửa và thầy
những bồn chồn chờ đến lúc hoàn
tất"(Lc 12,50). Người còn
hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi họ đến xin
được ngồi bên tả bên hữu trong
Nước Chúa rằng: "các ngươi có thể
uống chén Ta uống và chịu phép thánh tẩy Ta phải
chịu không?" (Mc10,38). Phép
rửa đó chính là cái chết của Chúa, là đỉnh
cao cuả sự hạ mình tột cùng của Chúa Giêsu.
Như vậy ý nghĩa trọn vẹn
của phép rửa và sự khiêm nhường của
Đức Giêsu được gặp thấy nơi cái
chết của Ngài trên thập giá.
Mỗi người kitô hữu đã
được chịu phép rửa tội là có một
mối liên hệ hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô và giao
hội. Nghĩa là
đều có chung một cảm nghĩ,
lời nói và cách cư xử như Chúa. Xa
hơn là cùng sống thân phận con người phải
chết do hậu quả cuả tội nguyên tổ.
Bởi vậy chúng ta không đứng ngoài sự liên
đới với người khác mà phải đồng
hành cùng với nhân loại trong dòng chảy của những
tập tục, truyền thống, lễ nghi, văn
hoá,...để thánh hoá, biến đổi, thăng hoa và
làm hoàn hảo những giá trị này theo tinh thần của
Chúa.
Chúng ta không được đứng
ngoài trật tự của đời sống cộng
đoàn mà phải hoà nhập trong tinh thần khiêm tốn,
lịch sự để nâng đỡ nhau trong tinh thần
của người con cái Chúa. Chúng ta không được phép gạt bỏ một
cộng đoàn, giáo hội chỉ vì một chút truyền
thống, nề nếp cũ kỹ; không được
phép loại trừ một con người chỉ vì một
chút khuyết điểm, ngược lại phải
đón nhận để sửa chữa, đổi
mới, canh tân theo cách hành xử của Chúa.
Người kitô hữu lãnh nhận bí
tích rửa tội cũng là cuộc vượt qua từ
sự chết đến sự sống. Chết với Chúa Kitô và
sống lại với Người. Thánh Phaolô nhấn
mạnh: "anh em không biết rằng khi ta
được dìm vào nươc thánh tẩy để
thuộc về Đức Giêsu Kitô là chúng ta được
dìm vào trong cái chết của Người sao? Bởi
thế cũng như Người đã sống lại
từ cõi chết thì chúng ta cũng sống một
đời sống mới"(Rm 6,4-5).
Nơi Đức Giêsu phép rửa không
còn là một nghi thức mà đã trở thành cuộc
sống. Tội
lỗi bị đánh bại không phải bằng
nước mà là bằng máu của sự sống. Bí tích rửa tội của người kitô
hữu không phải lãnh nhận một lần rồi thôi
mà chính là cả cuộc sống phải tích cực
đẩy lui tội lỗi mỗi ngày. Người
kitô hữu phải có trách nhiệm làm sao để
tiếng từ trời cao cũng lặp lại với
mỗi người chúng ta: "Con là con yêu dấu của
Cha, Cha hài lòng về con"(Mc 1,11).
Đặc biệt trong năm đức tin, các bậc làm
cha mẹ phải ý thức sâu xa hơn về vai trò của
mình là giáo dục con cái mình sống trọn vẹn ơn
đã lãnh nhận qua bí tích rửa tội và đào tạo
con cái thành những người con đẹp lòng Chúa Cha.
|