Con Yêu Dấu.
Theo các nhà chú
giải, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, chấp nhận
thân phận tội nhân để xin Gioan Tiền hô làm phép
rửa. Thế nhưng, cũng chính
nhờ đó, Ngài đã thánh hóa nước và ban cho
nước một hiệu quả kỳ diệu đó là
trao ban ơn sủng. Hay nói cách khác, chính
nhờ đó Ngài đã thiết lập bí tích Rửa
tội.
Đồng thời trong
lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã
được Chúa Thánh Thần tấn phong, như lời
tiên tri Isaia đã xác quyết: - Thần Khí Chúa ngự trên
tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi
loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ
được tha, cho người mù biết họ
được sáng mắt, trả lại tự do cho
người bị áp bức, công bố một năm
hồng ân của Chúa.
Hơn thế nữa,
chính trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài
đã được Chúa Cha nâng lên qua lời truyền phán:
- Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Với chúng ta cũng
vậy, kể từ khi lãnh nhận dòng nước thanh
tẩy, chúng ta cũng đã được Chúa Cha nhận
làm con cái Ngài.
Để hiểu
được tình trạng của chúng ta, trước và
sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, cũng như
để hiểu được ý nghĩa, mục đích
và tầm quan trọng của địa vị làm con cái
Chúa mà bí tích Rửa tội đem lại, thiết
tưởng chúng ta nên đọc lại câu chuyện
về ông Maisen trong Cựu ước.
Thực vậy, lúc
bấy giờ Pharaon vua Ai Cập ra lệnh giết hết
các trẻ nam của người Do thái, vì sợ rằng
họ sẽ sinh sôi nảy nở ra nhiều và trở nên
một thế lực chính trị hùng mạnh. Có một
phụ nữ Do Thái, sinh được một con trai. Bà
lén nuôi đứa bé trong một thời gian, nhưng
cảm thấy không ổn. Và thế là bà bèn làm một
chiếc thúng, trát nhựa, rồi đặt đứa bé
nằm trong đó và thả trôi theo dòng
nước.
Rất may có một nàng
công chúa xuống tắm, nghe thấy tiếng trẻ khóc
trong đám lau sậy, bèn sai nữ tì xuống vớt. Nàng
công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi và đặt
tên cho là Maisen, nghĩa là được vớt lên khỏi
nước.
Trước
khi được vớt lên khỏi nước, Maisen
sẽ phải chết và nếu có sống thì cũng
chỉ là sống một kiếp nô lệ đọa
đày. Còn sau khi được vớt lên khỏi
nước, Maisen trở thành con của nàng công chúa, có
một cuộc sống an nhàn trong hoàng
cung…
Với chúng ta cũng
thế, trước khi lãnh nhận dòng nước rửa
tội, chúng ta là những kẻ phải chết do hậu
quả của tội nguyên tổ. Còn sau khi
lãnh nhận dòng nước Rửa tội, chúng ta trở
nên con cái Thiên Chúa và được quyền thừa
hưởng phần sản nghiệp Nước Trời.
Thế
nhưng để xứng đáng với địa vị
cao cả này, chúng ta phải làm gì? Tôi xin thưa: - Chúng
ta phải làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách vâng theo thánh ý của Ngài.
Thực
vậy, thế nào là một người con ngoan trong gia
đình? Một người con ngoan trong gia đình
chắc chắn không phải là người con vùng vằng
cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái
lại, phải là người con mau mắn vui vẻ vâng theo những lời chỉ dạy của
chạ mẹ.
Nếu Đức Kitô
đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu,
đẹp lòng Ta mọi đàng, thì chắc hẵn Ngài luôn
chu toàn thánh ý Chúa Cha ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Thực
vậy, nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta sẽ
thấy được sự thật ấy. Trong
suốt quãng đời công khai, Ngài hằng băn khoăn
để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Ngài đã
từng nói với các môn đệ: - Của ăn
của Ta là làm theo ý Đấng đã sai ta.
Ngay cả trước khi
ra đi chịu chết, nỗi băn khoăn ấy
vẫn còn được thể hiện: - Lạy Cha,
nếu có thể, xin cất chén đắng này cho Con,
nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha mà
thôi.
Thánh Phaolô đã diễn
tả về thái độ này như sau: - Đức Kitô
đã vâng lời cho đến chết và chết trên
thập giá.
Với chúng ta cũng
vậy, để trở thành người con yêu dấu
của Chúa, chúng ta cũng phải chu toàn
thánh ý Ngài ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thánh ý
ấy được biểu lộ qua tiếng nói
lương tâm, qua mười giới răn, qua Lời
Chúa trong Kinh Thánh, nhất là luật yêu thương của
Phúc âm, cũng như qua giáo huấn của Hội Thánh.
Có chu
toàn thánh ý Chúa giữa lòng cuộc đời, thì trong ngày sau
hết, chúng ta mới được Chúa Cha tuyên phong,
như ngày xưa Ngài đã từng tuyên phong Đức Kitô
bên bờ sông Giócđan:
- Này là con Ta yêu dấu,
đẹp lòng Ta mọi đàng.
|