Tỏ mình
Trước
đây chúng ta gọi ngày lễ hôm nay là lễ Ba Vua, đây
là cách gọi quen thuộc đối với giáo dân Việt
Nam, để nói về việc các nhà chiêm tinh phương
Đông tìm đến Bêlem viếng Chúa Hài Đồng. Gọi
là vua vì họ mặc phẩm phục như các vị
đế vương, và xác định là ba người,
vì có ba sắc dân được nói đến trong sách ngôn
sứ Isaia, mà cũng vì lễ vật tiến dâng có ba thứ
rõ ràng là vàng, nhũ hương và mộc dược như
Tin Mừng thuật lại. Cứ thế, theo truyền
thống, Ba Vua trở nên tên gọi cho ngày lễ.
Nhưng
điều quan trọng không phải là xác định
họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay bao
nhiêu vị, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh
sống động của tất cả những ai trong
đời đã có một lòng khao khát chân thành tìm kiếm
Thiên Chúa khởi đi từ những thiện hảo
tốt lành, nghĩa là họ là dân ngoại từ xa, không
biết Kinh Thánh, nhưng lại chân thành và sẵn sàng
vượt qua những chặng đường gian
khổ để tìm gặp Chúa, trong khi đó dân Do Thái
ở gần, hiểu biết Kinh Thánh, lại không mảy
may kiếm tìm.
Mặc dầu tên
gọi ba vua vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính,
nhưng ngày nay Phụng Vụ sử dụng tên gọi
Hiển Linh để làm nổi bật ý định
mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng
Sinh, đó là Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả
mọi người, mọi thời, bất luận họ
là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành
kiếm tìm Ngài. Vì thế, đây không chỉ là một
biến cố của ngày đã qua mà còn là một sứ
điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sẽ
tới, Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là
người ta có thiện chí đến gặp Ngài không.
Trong một
tập truyện ngụ ngôn xuất bản gần đây,
một linh mục đã tưởng tượng ra một
câu chuyện như sau: Có
một người đạo đức kia ước ao
được xem thấy Chúa trước khi chết, ngày
ngày bà ăn chay, cầu nguyện để ước
nguyện này được Chúa nhận lời. Thế là
một đêm nọ trong một giấc mơ, bà
được Chúa cho biết sẽ đến thăm bà,
suốt ngày hôm sau, bà quét dọn và trang hoàng nhà cửa
để đón rước Chúa, thế nhưng bà chờ
mãi mà không thấy Chúa đến.
Trong đêm kế tiếp, có tiếng Chúa hỏi:
Tại sao bà không tiếp đón Ngài? Người đàn bà
trả lời bà đã chờ đợi Chúa ở
trước cửa. Chúa cho bà biết Chúa đã chờ
đợi ở cửa sau. Ngày hôm sau, người đàn
bà lại chờ đợi Chúa ở cửa sau, nhưng bà
vẫn không thấy bóng dáng Chúa. Đêm đến lại có
tiếng Chúa hỏi tại sao bà không đón tiếp Chúa,
bởi vì Ngài đến qua các cửa sổ. Suốt ngày
hôm sau, người đàn bà hết ra cửa trước
lại về cửa sau và nhìn qua các cửa sổ, nhưng
bà cũng không hề thấy tăm hơi của Chúa. Đêm
đến, bà lại nghe có tiếng nói của Chúa, và
lần này Chúa bảo bà hãy tìm Ngài bên giếng sau nhà. Cũng
thế, người đàn bà đã chạy ra bờ
giếng, nhưng cũng không thấy Chúa đâu. Không còn
đủ kiên nhẫn nữa, bà đã trách Chúa tại sao
lại chơi trò cút bắt với bà. Bấy giờ Chúa
mới nói: “Nếu con định đón rước Ta
ở một nơi nào đó thì mãi mãi sẽ không bao giờ
thấy Ta ở đâu cả, thay vì tìm kiếm khắp
nơi, con hãy mở mắt tâm hồn và con sẽ thấy
Ta”.
Đêm đó, người đàn bà không còn nghe thấy
tiếng Chúa nữa, nhưng chung quanh mình, bà chỉ
thấy bóng đêm dầy đặc, nhưng chính lúc
đó, khi con mắt tâm hồn bà đã được
mở rộng, bà đã nhìn thấy Chúa ở khắp
mọi nơi. Đúng vậy, chúng ta chỉ có thể
thấy Chúa bằng con mắt tâm hồn mà thôi, nếu tâm
hồn chúng ta rộng mở, nếu tâm hồn chúng ta trong
sạch, nghĩa là không bị ngăn chặn bởi
bất cứ bức tường nào của dục
vọng, của đam mê, ích kỷ, tiền bạc… thì
chúng ta có thể thấy Chúa ngay cả trong mỗi
người chúng ta gặp gỡ.
Xưa kia Thiên Chúa
đã tỏ mình ra cho ba nhà chiêm tinh bằng ánh sao lạ,
chính nhờ ánh sao này, các ông đã đi tìm và đã gặp
được Chúa Giêsu giáng sinh để thờ lạy. Từ
đó Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho nhân
loại để con người nhận biết sự
thật và đón nhận sự sống. Cũng như ngày
xưa Thiên Chúa đã mời gọi các ngôn sứ cộng
tác, ngày nay Ngài cũng mời gọi chúng ta cộng tác vào
công cuộc cao cả ấy, vẫn cần có những ánh
sao để chỉ đường dẫn lối cho
những người khác gặp thấy Chúa. Người
Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sao
cho những người chung quanh ngay trong cuộc sống
bình thường hằng ngày của mình, để trong sinh
hoạt bình thường ấy, người ta có thể
gặp được những tín hiệu dẫn đưa
đến Thiên Chúa, đó là ánh sao của cho đi, của
quên mình, của bác ái, của phục vụ… những ánh sao
đó có sức tỏa sáng, giúp người ta nhận ra
Thiên Chúa, nhận ra tình thương của Ngài.
|