Niềm tin: một chuyến đi - ĐGM
Vũ Duy Thống.
(LÀM
NỤ HOA TRẮNG - Trg. 13)
Phúc Âm hôm nay
rất sống động. Cứ như cuốn phim mô
tả cuộc hành trình đầy kịch tính của
những khách lạ phương xa: từ ngạc nhiên khám
phá ngôi sao lạ, qua xáo động tại Giêrusalem, tới
Bêlem nghiêng mình thờ kính, rồi dắt díu nhau lặng
lẽ tìm đường khác về nhà. Cứ như xô
đẩy nhau xuất hiện trên màn ảnh những
cuộc đối đầu càng lúc càng thêm căng
thẳng: giữa chính diện và phản diện, giữa
lo sợ của bên này và thanh thản của bên kia, giữa tìm gặp hướng tới và
lạc mất nẻo đi. Cứ như í ới cơ man
nào là tiếng nhỏ to bàn bạc chen
lẫn tiếng ồn ào bàn tán của những kẻ
bị xem là xa nhưng lại biết bàn vào và của
những người được coi là gần nhưng
chỉ biết bàn ra.
Nhưng giữa những chi
tiết tưởng như bất ngờ trên hành trình
rất dài và rất xa ấy, người ta thấy
lấp lánh hình ảnh của niềm tin như một
chuyến đi với những đặc tính tiêu biểu:
1)
Niềm tin: một chuyến đi biết tiếp nhận
hồng ân Thiên Chúa.
Những vai chính trong cuộc hành
trình tìm tới Bêlem “triều bái Vua dân Do Thái mới sinh”
được truyền thống giới thiệu bằng
nhiều kiểu nói khác nhau, lúc thì gọi là Vua, lúc khác là
Đạo sĩ hoặc Chiêm tinh gia. Gọi sao cũng
được: Vua vì những của lễ tiến dâng,
Đạo sĩ vì hành trình tìm kiếm, Chiêm tinh gia vì nhìn
thấy ngôi sao và dựa vào ánh sao mà xác định lối
đường. Chỉ biết họ là
những người thiện chí kiếm tìm chân lý và
vận dụng tốt những phương tiện
đang có để tìm gặp chân lý bằng cách lên
đường không mỏi mệt.
Khởi điểm cuộc hành
trình là một ánh sao lạ xuất hiện phía trời
Đông, tượng trưng cho ơn thánh dẫn khởi
từ Thiên Chúa, để ai biết tiếp nhận, sẽ trở nên ánh sáng soi đường.
Nhìn thấy ánh sao hằng hà sa số trên bầu trời
đêm là một điều bình thường ai cũng có
thể làm được, nhưng nhận thấy giữa
muôn vàn lấp lánh ấy chỉ một ánh sao lạ thôi
lại là chuyện chẳng bình thường chút nào,
nếu không muốn nói là do tổng hợp giữa kiếm
tìm và gặp gỡ, hay đúng ra giữa ơn Trời ban
và lòng người biết mở ra tiếp nhận.
Tương tự, niềm tin
trước hết là hồng ân
đến từ tình thương Thiên Chúa dành cho hết
mọi người, nhưng chỉ những ai biết
tiếp nhận với tâm thành chí thiện, họ mới
có thể có được niềm tin vào Chúa để
sẵn sàng khăn gói lên đường khởi sự
chuyến đi. Ra khỏi nếp nghĩ thường ngày
để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô
cứng lâu đời do cha ông truyền lại để
mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời
cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy
dậm chân tại chỗ để cơm mắm cơm
muối gieo bước lữ hành.
2)
Niềm tin: một chuyến đi biết chấp nhận
những thử thách
Là hồng ân
Chúa ban, nhưng đức tin cũng còn là nỗ lực
đóng góp không ngơi nghỉ của con người,
để vượt qua những thử thách và kinh qua
những thử luyện được xem là những thách
đố trong chiều dài cuộc sống. Đây không
chỉ là chuyện “thức lâu mới biết đêm dài”
để con người chứng minh sức bền tin
tưởng tháng năm, mà còn là chuyện “lửa thử
vàng gian nan thử đức” trong những lúc Thiên Chúa xem ra
ẩn mặt và hồng ân xem ra vắng bóng, như lúc “ba
Vua toan mất hướng, ánh sao bỗng vụt lặn”.
Đấy là chưa kể đến những lúc phải
đối diện với âm mưu chủ ý của
những người đồng đạo, cũng tin Chúa
nhưng không thành tâm, thậm chí còn gài bẫy ngọt ngào
giả nhân giả nghĩa như Hêrôđê; hay cũng
biết cách quy chiếu Thánh Kinh nhưng không để tìm
ra lối sống ngay chính, trái lại, chỉ lợi dụng
để toa rập lừa gạt phỉnh phờ
người khác như một số thượng tế và
kinh sư trong dân.
Đêm Noel Chúa
sinh ra đem xuống niềm vui, nhưng thành phố nào
đó của Iran
chẳng những không có niềm vui mà còn phải chịu
động đất làm chết nửa thành phố. Chúa như vắng mặt. Thử
thách. Đêm Noel thiên thần hát khúc bình an
mà tại Bêlem chính nơi Chúa sinh ra hôm nay vẫn còn chiến
tranh, chết chóc. Chúa như vắng mặt.
Se lòng.
Thử thách đối với
đức tin như gió đối với lửa: gió
thổi tắt lửa yếu, nhưng làm bừng lên
lửa sáng. Vấn đề là cần biết can đảm
và bền chí. Những thử thách trong cuộc sống
niềm tin không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ
rơi con người, mà là những cơ hội
để con người chứng minh phẩm chất
niềm tin. Niềm tin không thử thách: niềm tin dễ
dàng; niềm tin thất bại trước thử thách:
niềm tin dễ dãi; niềm tin chấp nhận thử
thách mới là niềm tin đích thực cho dẫu
nhiều khi chẳng dễ chịu chút nào.
3)
Niềm tin: chuyến đi biết đón nhận
đồng hành
Không phải vô tình mà lễ
Hiển Linh vẫn được truyền thống
gọi là lễ Ba Vua, có nơi kể tên các vị
đến hàng chục (theo kiểu đồng bằng sông
Cửu Long thì còn có cả chục 12, chục 16 cơ
đấy), nhưng chừng như hữu ý cho thấy
niềm tin không phải là cuộc đơn hành mà là
một chuyến đi biết đón nhận đồng
hành, không chỉ vì lý do “càng đông càng vui” mà vì giới
luật yêu thương là biểu hiện rõ nhất
của đức tin cũng là cách cụ thể sống
động nhất để diễn đạt
đức tin. Con người thời nào cũng thế,
không thích bị chinh phục bởi giáo điều nhưng
lại tự nguyện buông mình chịu khuất phục vì
gương sáng đức tin. Nhớ lại ở Thăng
Long thuở hạt giống Tin Mừng mới
được gieo vào thửa đất Việt Nam, tín hữu
thương nhau quá trời đến nỗi người
ngoài đời đã gọi tín hữu là những
người theo “Đạo yêu nhau”,
tức là những người cùng đi với nhau trên
nẻo sáng yêu thương.
“Ngựa chạy có bầy, chim
bay có bạn”, tín hữu đồng hành bên nhau còn
để nâng đỡ nhau, nhất là trong cơn nguy biến
như Ba Vua gặp Chúa tại Hang đá rồi, phải dìu
nhau lên con đường khác để tránh âm mưu
đen tối của Hêrôđê. Ngoài miệng thì bảo là
đi triều bái, còn trong hành động lại làm
điều trái, tàn sát thê lương, “giết tất
cả các con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ
hai tuổi trở xuống, tính theo ngày
tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”. Con
đường khác ấy sẽ mới hơn, lạ
hơn và cũng có thể sẽ gặp rủi ro nhiều
hơn, nhưng đã có bạn bè thân quen bên cạnh
đồng hành, nên cứ an lòng
nương tựa vào nhau mà dấn bước.
Giống như Kinh Tin Kính,
dẫu tín hữu tuyên xưng mang tính bản thân cá nhân “Tôi
tin”, nhưng không là đơn độc một mình
giữa nhà thờ trống vắng mà là giữa cộng
đoàn Phụng Vụ một ngày lễ trọng, nên
bỗng lấp lánh như thể đồng thanh tuyên tín
“Chúng tôi tin”. Tôi và chúng ta chỉ là những cách biểu
lộ khác nhau của cùng một niềm tin đón nhận
đồng hành.
Tóm lại, dựa vào hành trình
của những vai chính ngày lễ Hiển Linh để
phác vẽ niềm tin như một chuyến đi biết
tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa, biết chấp
nhận thử thách và biết đón nhận đồng
hành là cùng lúc tích cực hòa mình vào biến cố Chúa tỏ
mình ra cho muôn dân. Nếu Chúa luôn có cách tỏ
mình của Ngài thì tín hữu cũng cần lên
đường đúng cách Chúa tỏ ra cho mình biết.
Như thế niềm tin mới là chuyến
đi đẹp lên ý nghĩa kiếm tìm và gặp gỡ.
Và đó cũng là những hình ảnh sinh động mang
tính hiển linh của kẻ tin trước mắt
người đồng thời, giống như hình
ảnh của những vai chính trong chuyến đi hôm nay:
ở bước truy tìm họ được mệnh danh
là Chiêm tinh gia, khi đã bước lên đường
họ được gọi là Đạo sĩ và khi
tới đích với lễ dâng thành kính họ
được xưng tụng là Ba Vua.
|