Những thánh gia Nagiarét thời đại
mới.
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm.
Ignatiô Trần Ngà)
Có
họ đạo nghèo ở vùng duyên hải miền Trung có
tên gọi là Thánh Gia. Sở dĩ đặt tên như vậy là vì
họ đạo nầy chọn Thánh Gia Nagiarét làm bổn
mạng.
Phía bên hông nhà
thờ họ đạo có một hang đá khá lớn, có
bộ tượng hang đá bằng thạch cao to bằng
tầm vóc người trưởng thành.
Hằng năm
vào dịp lễ Thánh Gia, bổn mạng của giáo xứ,
theo một truyền thống đã có từ lâu đời,
sau khi lễ tan, các gia đình trong giáo xứ tập trung
đông đảo chung quanh hang đá cầu nguyện
với thánh gia thất và mỗi gia đình cử ra một
vị đại diện tuần tự tiến lên theo hàng
đôi đến trước bộ tượng hang đá,
dâng lên Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse những bông
hoa thắm tươi và thơm ngát để tỏ lòng tôn
kính mến yêu của mình.
Thế rồi
một biến cố đau lòng xảy ra trong dịp
trước giáng sinh năm ấy, một nhóm trẻ tinh
nghịch từ làng bên vì có thù hận với nhóm trẻ
trong xóm đạo, đã kéo đến vào ban đêm
đập phá bộ tượng hang đá vỡ ra
nhiều mảnh.
Sự việc
nầy khiến cho nhiều người hoang mang và bối
rối!
Biết làm sao bây
giờ, khi ngày lễ thánh gia đã gần kề? Tìm đâu ra bộ tượng ba Đấng
mới thế vào bộ tượng đã bị phá tan?
Nghi lễ dâng hoa cho ba Đấng vào mỗi dịp lễ
Thánh Gia là một nghi lễ truyền thống đã
được thực hiện xuyên suốt từ hơn
trăm năm qua, không có năm nào bỏ qua, lẽ nào
năm nay không tổ chức được?
Vì giáo dân trong
xứ quá nghèo, Cha xứ và hội đồng mục
vụ không thể huy động đủ tiền
để đặt làm bộ tượng mới và dù có
huy động đủ tiền cũng không thể
đặt một bộ mới trong khi thời gian đã
cận kề.
Trước tình
thế đó, Cha Xứ có một sáng kiến táo bạo:
Ngài cho mời đôi vợ chồng mới sinh đứa
con trai đầu lòng được chừng tháng tuổi
và mới được rửa tội mấy ngày
trước, mặc y phục truyền thống thật
chỉnh tề, đóng vai Đức Mẹ, thánh Giuse và
Chúa Giêsu thay cho bộ tượng hang đá bằng
thạch cao đã bị hư hại. Ngài sắp xếp
cho cặp vợ chồng quỳ bên trong hang đá, chầu
hai bên đứa con thơ ở giữa họ và kêu
mời đại diện các gia đình trong giáo xứ
tiến lên theo hàng đôi dâng hoa cho ba vị nầy.
Sáng kiến nầy đã làm cho
một số người trong họ đạo cảm
thấy bị sốc. Họ cho rằng
làm như vậy là quá đề cao gia đình người
tín hữu và xúc phạm đến ba Đấng thánh.
Cha Sở cố gắng diễn giảng cho
họ như sau:
Khi đề nghị gia đình anh chị
Năm đóng vai Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu thế chỗ
cho bộ tượng ba Đấng bằng thạch cao
bị hư, chúng ta không làm gì xúc phạm đến ba
Đấng thánh, nhưng chúng ta xem gia đình anh chị
Năm đây là hình ảnh rất trung thực và cao quý
về Thánh Gia của Chúa Giêsu.
Lâu nay, chúng ta quen nhìn hình tượng ba
Đấng bằng thạch cao, bằng xi măng hay
bằng nhựa dẻo, và chưa quen nhìn hình tượng
ba Đấng bằng xương bằng thịt có sự
sống, có linh hồn, có lương tri, có trí tuệ như
anh chị Năm đây, nên chúng ta cảm thấy bị
sốc.
Nhưng xin quý ông bà hiểu điều
nầy:
Thứ nhất: mỗi một người tín
hữu đều có phẩm giá rất cao và
được gọi là thánh. Thánh Phaolô
gọi các tín hữu thuộc các giáo đoàn (nay gọi là
giáo xứ) là thánh. Họ được
hiến thánh nhờ bí tích thánh tẩy. Nhờ
bí tích nầy họ trở thành chi thể, thành thân mình Chúa
Giêsu.
Thánh Phaolô nói: "Nào Anh em chẳng biết
rằng thân xác anh em là phần thân thể của
Đức Kitô sao?" (1Cr 6, 15)
Ngoài ra, các tín hữu còn được Chúa
Giêsu cho trở nên cùng một xương thịt với
Người, được thông dự vào sự sống
của Thiên Chúa, được thông phần bản tính
Thiên Chúa nhờ đón nhận bí tích Thánh Thể.
Như vậy, không có một sản phẩm
nào do tay người phàm làm ra dù bằng thạch cao,
bằng gỗ, bằng đá hay bằng kim loại quý
như bạc như vàng. . . xứng đáng được
chọn làm hình ảnh của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria,
của thánh Giuse cho bằng chính mỗi người Kitô
hữu chúng ta.
Thứ hai: Hội Thánh công giáo xưa nay vẫn nhìn
nhận gia đình của Kitô hữu là gia đình thánh nên
Giáo Hội quen gọi đó là những hội thánh tại
gia.
Chúa Giêsu còn lập bí tích hôn nhân
để thánh hiến đời sống vợ chồng.
Thế nên không gì thích hợp cho bằng
chọn gia đình Kitô hữu làm biểu tượng cho
thánh gia Nagiarét.
Sau khi hiểu được
những điều cha xứ giải thích, mọi
người vui vẻ dâng những đoá hoa thật
đẹp thật tươi cho anh chị Năm được
cử đóng vai thánh gia Nagiarét.
Rồi qua những năm sau, nhiều
người trong giáo xứ đều thấy thật là
thích hợp và đầy ý nghĩa khi chọn một gia
đình công giáo trong họ đạo đóng vai thánh gia
Nagiarét thay vì dùng bộ tượng thạch cao, nên cộng
đồng giáo xứ thoả thuận với nhau rằng:
đôi vợ chồng nào mới sinh con và được
rửa tội sớm nhất trong tháng 12 dương
lịch thì sẽ được chọn đóng vai thánh
Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu để cho giáo dân kính
viếng. Và cũng từ lúc đó, thay vì dâng hoa cho ba
Đấng như trước đây, người ta dâng
cho em bé trong vai Giêsu những hộp sữa; dâng cho
người mẹ trong vai Maria những cuộn chỉ,
những chiếc kim, chiếc kéo; dâng cho người cha
trong vai Giuse những dụng cụ làm việc nho nhỏ
như những chiếc kìm, chiếc búa, cái đục, cái
bào. . .
Từ sự kiện nầy,
các gia đình tín hữu trong xứ đạo đều ý
thức mình là những thánh gia Nagiarét thời mới. Các đôi vợ chồng trong các gia đình luôn trân
trọng và yêu quý nhau như tương quan giữa Mẹ
Maria và thánh Giuse. Cha mẹ biết chăm lo giáo
dục con cái như Mẹ Maria và thánh Giuse đã thực
hiện với Chúa Giêsu năm xưa. Con cái luôn vâng phục
và thảo hiếu với mẹ cha như Chúa Giêsu đã làm
đối với thánh Giuse và Đức Mẹ. Niềm
vui, hạnh phúc và đời sống thánh thiện chan hoà
trong các gia đình.
Ngoài ra, tương quan giữa
các gia đình trong giáo xứ được cải
thiện đáng kể vì ai nấy đều biết tôn
trọng những gia đình khác vì xác tín rằng đó
thực sự là những thánh gia.
|