Noel: Lễ nhập cuộc – ĐGM Vũ Duy Thống
(NÚT VÒNG XOAY – Trg. 35)
Đi qua
trường Kinh Tế Tài Chính 4 bên cạnh Đại
Chủng Viện hôm qua, tình cờ nghe được
mẩu đối thoại giữa mấy cô gái. Có
tiếng hỏi: “Noel, bồ có đi đâu không?”. Có tiếng đáp: “Không, mình ở nhà”. Và
khi tiếng đáp vừa mới dứt đã có tiếng
ai đó xen vào: “Noel mà lại ở nhà à? Người ta
phải ra đường chứ!”.
Vâng! Noel
người ta ra đường thật. Từ
Đại Chủng Viện tới đây mặc dù đường
đi chỉ có mấy bước, nhưng tôi vẫn
bị kẹt xe bởi những con
đường lớn đều chật ních những
người là người. Dường
như cả thành phố đều ở trên
đường. Kẻ đi
người lại, đông ơi là đông. Vì thế, tiếp cận với Tin Mừng Giáng
Sinh đêm nay, tôi bỗng thấy thánh Giuse và Đức
Maria cũng đang ở trên đường,
đường dong duổi cho cuộc đăng ký hộ
khẩu kiểm tra dân số. Những điều tai nghe mắt thấy ấy đã tự
nhiên gợi lên hình ảnh Noel là một lễ nhập cuộc.
1) Noel là lễ của sự nhập
cuộc.
Nếu trong Mùa
Vọng, tín hữu đã sống lại niềm trông mong
đợi chờ Chúa của Dân thánh, lấy kinh nghiệm
thao thức của họ làm kinh nghiệm thức tỉnh
cho mình, và lấy tâm tình dọn dẹp đường
lối của họ làm tâm tình chuẩn bị cõi lòng
của mình, thì hôm nay không còn úp mở nữa, vị Thiên
Chúa được trông chờ ấy chính là Thiên Chúa
nhập cuộc.
Khác với lối
nhìn của Cựu Ước vốn coi Thiên Chúa là “Đấng khôn tả”, nên
muốn tả về Ngài người ta chỉ dám dùng
đường lối phủ định nghĩa là thêm
chữ “vô cùng” vào sau mỗi phẩm tính muốn dành cho Ngài. Và
cũng khác với lối nhìn của ngày xa xưa vốn
coi Thiên Chúa là “Đấng
đáng sợ”, nếu lơ mơ đến gần
Ngài sẽ phải mất mạng như chơi. Đàng này, vị Thiên Chúa được chờ
mong lại đến thật sát thật gần. Người hóa thân làm người ở giữa
chúng ta.
Người nhập
cuộc trong lịch sử chung của
toàn thể nhân loại cũng như trong lịch sử
riêng của đời Người. Sự nhập cuộc
ấy đã được lịch sử cắm mốc
thời gian rõ ràng là “thời Hoàng đế Cêsarê Augustô” và
được cấp sổ đỏ không thể
chối cãi là “thành Bêlem xứ Giuđêa” như Phúc Âm ghi
lại. Sự nhập cuộc ấy đã làm nên lý
lịch trích ngang của Đấng Cứu Thế.
Người có một gia đình, đã được
cưu mang chín tháng như bất cứ ai để
cuối cùng mở lòng mẹ bước ra chào đời
và sống đời như bao người khác.
Thánh Kinh vẫn quen
gọi đây là cuộc “Thiên
Chúa viếng thăm Dân mình”, nhưng cuộc viếng
thăm này lại rất đặc biệt, không chỉ
diễn ra trong chốc lát, cũng không thể
được lặp lại trong lần khác nữa. Người là vua vinh quang trên trời đã
nhận lấy kiếp người giòn mỏng để
khởi đầu sự nhập cuộc.
Người là Thiên Chúa thật đã nhập thể
trở nên con người thật với tiểu sử
riêng rõ nét. Người là Thiên Chúa thật đã nhập
thế giữa lòng thế giới với lịch sử chung nhân loại rõ ràng. Đó là
sự nhập cuộc.
2) Và nhập cuộc là chấp nhận vòng
quay nghiệt ngã của cuộc sống.
Trong bài đọc
thứ nhất, qua lăng kính của Isaia, Thiên Chúa
được xưng tụng là “Chúa hùng dũng”, thế mà Người đã hóa
nên con người yếu đuối trong hình hài một
thơ nhi bé bỏng.
Dẫu
được gọi là “Thủ
Lĩnh bình an”, nhưng chính Người khi xuống
thế đã nhập cuộc vào những xáo trộn của
cuộc đời, để chẳng được an thân sinh ra trong nhà của mình. Hoàng
đế Rôma chỉ là thụ tạo, nhưng lại
nắm quyền ra lệnh khai sổ nhân danh khiến
Thủ Lĩnh đích thực là Người lại
phải chịu sinh ra trên đường đăng cai hộ khẩu. Hộ khẩu dẫn
tới “hậu khổ”! Người ta dòng dõi
vua chúa sinh ra được bọc vải điều
nơi lầu vàng gác tía giữa đông đảo kẻ
hầu người hạ, còn Người lại tự
nguyện sinh ra nghèo khó nơi hang đá trong máng cỏ bò
lừa. Người là “Cha
vạn thuở”, bản thân Người là căn nguyên
vạn vật, thân thế Người là cội nguồn
nhân sinh, muôn vật muôn loài đều phải nhờ
Người mới có, thế mà hôm nay
Người lại chịu sinh ra trong thời gian bởi
một người phụ nữ với tiến trình
trưởng thành tuần tự bình thường.
Người là “Cố Vấn
kỳ diệu”, nhưng khi sinh ra làm người hôm nay
chẳng thấy Người cố vấn cho ai, mà
ngược lại xem ra Người đã “cố mà
vấn vào đời mình” những gì là bình thường
nhất nếu không muốn nói là hèn mạt nhất của
kiếp phận nghèo khổ.
Rõ ràng là Người
đã nhập cuộc trong quỹ đạo của
một đời người giữa những
người đời. Nhập cuộc như thế
cũng có nghĩa là ăn đời
ở kiếp giữa đời với những hệ
quả muôn thuở của cuộc đời. Nếu
cuộc đời luôn bằng phẳng có lẽ đã không
có kiểu nói diễn tả “bụi trần”, và nếu
cuộc đời luôn hạnh phúc có lẽ cũng
chẳng phải lắm điều đặt chuyện
“đời là bể khổ” làm chi. Chẳng bi quan cũng
thấy cuộc đời không luôn ổn định. Thế mà Chúa đã yêu thương đón lấy
cuộc đời ấy, để chính khi hóa thân làm
người là cùng lúc Người dấn thân vào trong
những bấp bênh bồng bềnh bó buộc của
cuộc sống.
3) Để cứu độ trần thế
và con người.
Nếu nhập
cuộc chỉ có nghĩa là hòa vào dòng chảy cuộc
đời thì có lẽ chẳng có lễ Noel. Nhưng sở
dĩ có lễ Noel là bởi vì Chúa nhập cuộc
để cứu độ trần thế và con
người.
Người nhập thế để làm
gì?
Thưa để đem trần thế vào lại “trật
tự nguyên thủy” như nét đẹp ban sơ của
trần thế ngày sáng tạo mà tội lỗi đã làm
hư đi. Nên Noel còn gọi là “Ngày sáng thế mới”. Đêm Noel là đêm đất trời giao duyên
trong hôn phối nhiệm mầu của ơn cứu
độ.
Người nhập thể để làm
gì?
Thưa để đem con người về với
ơn cứu độ. Người là Emmanuel
của một Thiên Chúa không đến rồi đi, không
ở rồi về mà là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”,
một Thiên Chúa đến ăn đời ở kiếp
với nhân loại để nâng nhân loại lên ngang
tầm với vinh quang của Người. Thảo
nào, các thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người
thiện tâm”. Và cũng chính vì thế các Giáo phụ Đông
phương đã bảo: “Thiên Chúa làm người cho
người được làm con Thiên Chúa”. Như
vậy, Noel chính là lễ của một sự nhập
cuộc tuyệt vời cũng như chữ Noel đến
từ danh xưng Emmanuel đã làm nên Thánh lễ đêm nay.
Thiên Chúa nhập
cuộc để đem ơn cứu độ. Đó
là Tin Mừng trọng đại cho toàn dân, nên sứ
điệp của đêm nay là hãy nhập cuộc cùng
với Noel.
Nhập cuộc
tức thời là hãy mở lòng mình ra mà đón Chúa sinh vào, và
nhập cuộc dài hơi là biết sinh Chúa ra bằng
một đời sống tín hữu gương mẫu. Đừng
để Noel trở thành dịp phô trương
đời sống hoặc phô bày đam mê như trong báo
Công An tuần qua đăng tải về một Việt
kiều tổ chức sinh nhật của mình một cách
trụy lạc. Đừng để Noel qua
đi mà lòng mình vẫn còn trĩu nặng ước
muốn quyền hành hoặc tình cảm ghét ghen. Và
nhập cuộc lớn hơn cả chính là biết cùng
với Chúa mà cưu mang xây dựng, cảm thông nâng
đỡ những anh chị em túng quẫn hoặc đau
khổ vốn không thiếu trong đời, cho dẫu chính
khi nhập cuộc như thế mình phải hy sinh đi
theo quỹ đạo của nhập cuộc.
Noel nhập cuộc
là thế, là Tin Mừng sống động, là chan hòa
sự sống. Nhưng Noel bao giờ cũng là lễ
của niềm vui, của bàn tay nắm
lấy bàn tay, của bước chân tiếp nối
bước chân dấn thân vào đời phục vụ cho
hạnh phúc con người. Niềm vui và
hạnh phúc là điều người ta thường
cầu chúc trong đêm Noel. Chân thành kính chúc cộng
đoàn một Noel tràn đầy niềm vui: thứ
niềm vui cứu độ, quên mình, nhập cuộc; và
hạnh phúc dẫy đầy: thứ hạnh phúc không
phải chờ đến xa xôi mai hậu, nhưng đã
bắt đầu đêm nay bằng cách biết tiếp
nhận Chúa sinh vào và biết sinh Chúa ra trong quyết tâm
nhập cuộc của mình.
|