Khi cử hành phụng vụ thánh lễ, khởi đầu nghi thức sám hối, chúng ta thường đọc Kinh Cáo Mình và hát: Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (The Jubilee of Mercy).
Lòng Thương Xót Chúa trải qua đời nọ tới đời kia dành cho những ai trông cậy nơi Chúa. Tác giả thánh vịnh đã bày tỏ lòng thành tín: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51,3) Tiên tri Đanien cũng đã thốt lên trong lúc gặp gian truân khốn khó: “Lạy Thiên Chúa của con, xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con và thành đô đã được thánh hiến cho Ngài. Chúng con không dựa vào những hành động chính trực của chúng con, nhưng dựa vào lượng hải hà của Ngài mà dâng lời khẩn nguyện lên trước Tôn Nhan” (Dn 9,18). Thánh Luca, với tâm tư của một lương y đã cảm nhận: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lk 1,78). Và thánh Phaolô tông đồ đã khuyên nhủ các Kitô hữu: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người “(Rm 12,1) và Chúa Cha giàu lòng thương xót (Eph 2: 4).
Năm Thánh là thời gian rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội cảm hứng truyền thống tốt đẹp của Đạo Do Thái về việc cử hành Năm Thánh. Đức Giáo Hoàng Boniface VIII, vào năm 1300 đã khởi sự các Năm Thánh trong Giáo Hội. Năm Thánh là một hồng ân tha thứ chung và mở cửa cho mọi tín hữu có cơ hội tiến gần tới tha nhân và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hơn.
Trong Giáo Hội, chúng ta có Năm Thánh bình thường và ngoại thường. Từ năm 1475, Năm Thánh bình thường được cử hành 25 năm một lần. Vào những dịp đặc biệt, Giáo Hội mở những Năm Thánh ngoại thường. Cho tới nay, đã có 24 Năm Thánh bình thường và 4 Năm Thánh Ngoại Thường. Lần cuối, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mở Năm Thánh ngoại thường vào năm 1983 và Năm Thánh 2000 (Bình thường). Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường sẽ là lần thứ 5, do bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra năm nay.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố sắc lệnh về Năm Thánh Lòng Thương Xót “Misericordiae vultus” vào ngày 11 tháng 4, 2015. Ngài giải thích: Tại sao bây giờ có Năm Thánh Lòng Thương Xót? Đơn giản, bởi vì trong lúc lịch sử đang thay đổi, Giáo Hội được kêu mời cống hiến một cách nỗ lực hơn về dấu chỉ và sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa. Đây không phải là thời gian của sự xao lãng.
Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm 2015, Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày Đại Lễ này nhắc nhớ tác động của Thiên Chúa ngay từ đầu của lịch sử nhân loại. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động và hiện hữu nơi Đức Giêsu Kitô, là nguồn gốc ơn Cứu độ.
Cửa Thánh là gì? Nghi thức đầu tiên của Năm Thánh Lòng Thương Xót là mở Cửa Thánh (Holy Door). Trong chuyến viếng thăm Phi Châu vào cuối tháng 11, 2015 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa ở Bangui, tại Nước Cộng Hòa Trung Phi. Đây là một nghĩa cử có ảnh hưởng lớn bày tỏ Năm Thánh Lòng Thương Xót được mở ra cho mọi vùng trên thế giới. Cửa Thánh biểu tượng cách khác thường mà các tín hữu Công Giáo có thể khơi dậy niềm tin. Đặc biệt, dành cho các khách hành hương có cơ hội bước qua Cửa Thánh.
Đức Giáo Hoàng sẽ mở Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phêrô. Lẽ thường, Cửa Thánh chỉ 25 năm mới mở một lần, trừ trường hợp đặc biệt. Nên biết, khi kết thúc một Năm Thánh, người ta sẽ xây một bức tường gạch bên ngoài Cửa Thánh và chờ tới Năm Thánh kế tiếp sẽ được đập ra.
Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được mở trước, tiếp theo là các Cửa Thánh của các đền thờ Giáo Hoàng khác sẽ lần lượt được mở ra. Và tại Giáo Hội địa phương, tất cả các Nhà thờ Chính Tòa, các Cửa Lòng Thương Xót cũng sẽ được mở ra trong suốt thời gian của Năm Thánh.
Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được bế mạc vào Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua, vào ngày 20 tháng 11 năm 2016. Giáo Hội sẽ lại niêm phong Cửa Thánh. Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa ban cho tất cả các Kitô hữu trên thế giới một thời gian ngoại thường của ân sủng.
Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng của Lòng Thương Xót Chúa. Qua sự hòa giải với Chúa và với tha nhân, đặc biệt qua Bí Tích Hòa Giải. Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con… Ước chi lời cầu xin trên môi miệng được thấm nhập vào tim và thực hành trong đời sống hằng ngày. Chúng ta sẽ tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn và lãnh nhận dồi dào ân sủng. Trong Năm Thánh, chúng ta sẽ lãnh nhận được nhiều ân xá do lòng nhân hậu của Chúa.
Ân xá (indulgence) là gì? Là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt mà chúng ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha.
Ân xá là sự xá giải các hình phạt tạm (vạ) vì các tội lỗi đã được tha thứ qua Bí tích Giải Tội. Chúng ta phân biệt tha tội và tha vạ. Khi thật lòng xưng tội, chúng ta đựợc ơn tha thứ tội lỗi, nhưng ‘vạ’ hình phạt vẫn còn. Ân xá là việc tha hình phạt tạm, chứ không phải là việc tha tội. Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành những điều kiện đã chỉ định, thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Muốn lãnh nhận Ân Xá một cách có hiệu quả, thì chúng ta phải sạch tội trọng và thi hành một số việc tốt lành như: Xưng tội, dự lễ, rước Mình Thánh Chúa, viếng nhà thờ và đọc các Kinh Lạy Cha, Kinh Mừng, Kinh Sáng Danh, Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
Có hai thứ ân xá: Ơn đại xá hay toàn xá và ơn tiểu xá.
Ơn đại xá (Plenary indulgence): Tha toàn phần các hình phạt.
Ơn tiểu xá (Partial indulgence): Tha một phần hình phạt mà thôi.
Ơn Đại Xá là ơn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền. Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần hoặc cho chính mình hay để chuyển cầu cho những người đã qua đời.
Lạy Chúa, chúng con bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, xin mở rộng tâm hồn chúng con để cảm nghiệm tình yêu thương vô bờ bến của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con. Chúa đang mời gọi chúng con: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York