Người châu Á
truyền giáo cho người Á châu.
(Mc 16, 15-20)
(Trích trong
‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Từ
ngày 5 đến ngày 8.1.1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
đã đến viếng thăm Ấn Độ. Cao
điểm của chuyến viếng thăm lần này là
nghi thức công bố Tông Huấn về “Giáo Hội
tại Á Châu”. Tông huấn này là một đúc kết thành
quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục
họp tại Rôma hồi tháng 4.1999.
Chọn
Ấn Độ làm nơi công bố Tông Huấn “Giáo
Hội tại Á Châu”, Đức Thánh Cha muốn
hướng các dân tộc ở Á Châu tới các dân tộc Á
Châu, tới đồng bào của mình tại lục
địa mênh mông rộng lớn này với hơn 3 tỷ
người, trong đó chỉ có 3% là người Công Giáo.
Những nơi mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong mỏi
đến viếng thăm nhất hẳn phải là
Đài Loan, Hồng Kông, Trung Hoa lục địa và
đặc biệt là Việt Nam. Thế nhưng cho
đến nay người ta vẫn cứ nại
đến lý do chính trị và quan hệ ngoại giao
để không cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến
viếng thăm Giáo Hội ở phần đất này.
Ấn
Độ là một quốc gia đang bị xâu xé vì tinh
thần bất khoan dung. Trong những năm gần đây,
người ta ước tính là đã có gần 150 vụ
tấn công nhắm vào nhân sự và các cơ sở của
Kitô Giáo. Nhiều mục sư và linh mục bị sát
hại, nhiều nữ tu bị bạo hành, nhiều nhà
thờ bị đốt phá. Nhân dịp Đức Thánh Cha
viếng thăm Ấn Độ, nhóm Ấn Giáo cực
đoan đòi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lên án các
cuộc trở lại Công Giáo cũng như xin lỗi
người Ấn Độ về những phương
pháp truyền giáo cho người Ấn Độ trong quá
khứ. Chính bầu khí bất khoan dung ấy đã
khiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn Ấn
Độ làm nơi để công bố Tông Huấn “Giáo
Hội tại Á Châu”.
Trong
Thư Mục Vu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
gởi toàn thể Dân Chuá vào khoá họp thường niên
từ 2-7/10/2000 tại Hà Nội, các Giám Mục đã
viết: “Thật là phấn khởi vô cùng khi nghe lời
Đức Gioan Phaolô II mở đầu Tông Huấn: “Giáo
Hội tại Á Châu ca lên những lời ngợi khen Thiên
Chúa cứu độ loài người” (GA. Số 1).
“Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đã
đến trần gian làm một người Á Châu. Ngài
đã sinh ra, đã chết và sống lại tại Thánh
Địa, một miền đất nhỏ bé của
miền Tây Á Châu. Thánh Địa đã trở thành mảnh
đất của Lời Hứa niềm hy vọng cho toàn
thể nhân loại” (GA. Số 1). “Thế nhưng cho
tới nay nhiều người Á Châu vẫn chưa
nhận biết Tin Mừng để trở thành Kitô
hữu” (Thư MV. Số 2).
“Năm
nay, Ngày Thế Giới Truyền Giáo mang một ý nghĩa
phong phú trong ánh sáng của Đại Năm Thánh, một
năm hồng ân, cử hành Mầu Nhiệm Cứu
Độ từ 2000 năm, kể từ ngày sinh của
Đức Giêsu Kitô là vị Thừa Sai đầu tiên và
vĩ đại của Chúa Cha. Hội Thánh tiếp nối
sứ mạng thừa sai của Chúa Kitô trong thời gian,
qua hành động loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin
Mừng Chúa Kitô. Năm thánh 2000 là một thời gian
thuận tiện để toàn thể Hội Thánh, nhờ
Thánh Thần, có một hứng khởi thừa sai mới.
Vì thế, Đức Thánh Cha mới gọi cách đặc
biệt và chân thành mọi người đã
được rửa tội hãy trở nên sứ giả
của Tin Mừng”. “Đây là một sứ vụ liên quan
đến mọi Kitô hữu, mọi giáo phận và giáo
xứ, mọi tổ chức và hiệp hội của Hội
Thánh” (RM. Số 2). “Trong những cách thế khác nhau, mọi
người được mời gọi tiếp tục
sứ vụ của Chúa Giêsu trong Hội Thánh”. “Mỗi
người được mời gọi cộng tác
tuỳ theo hoàn cảnh sống của riêng mình. Trong mùa này,
một mùa của ân sủng và lòng thương xót, tôi
đặc biệt ý thức rằng tất cả sức
lực của Hội Thánh phải dành cho việc Phúc Âm Hoá
Mới và Truyền Giáo. Không tín hữu nào, không tổ
chức nào trong Hội Thánh có thể trốn tránh nhiệm
vụ tối cao là loan báo Đức Kitô cho mọi
người”. (x. RM số 3). Toàn thể sứ vụ
của Hội Thánh và đặc biệt việc truyền
giáo cần đến những tông đồ quyết tâm
kiên trì cho đến cùng, trung thành với sứ vụ
đã lãnh nhận, bằng cách nào bước đi trên cùng
con đường Đức Kitô đã đi qua, “con
đường nghèo khó, vâng phục, phục vụ và hy
sinh bản thân, cho cả đến chết…” (TG. Số 5).
Trong công việc này, người Kitô hữu không đơn
độc. Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai Ngài
kêu gọi cộng tác vào công việc phục vụ của
Ngài. “Thầy đã được trao toàn quyền trên
trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy… và hãy
biết rằng Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho
đến tận thế” (X. Mt 28,18-20). Sự hiện
diện mãi mãi của Chúa trong Hội Thánh, nhất là trong
Lời Chúa và các bí tích, là một bảo đảm cho
hiệu năng của công cuộc truyền giáo.
Viễn
cảnh của Đại Năm Thánh mà chúng ta đang
cử hành, dẫn đưa chúng ta tới một sự
dấn thân truyền giáo hăng say hơn. Đã 2000 năm,
kể từ khởi sự công cuộc truyền giáo,
vẫn còn lãnh vực rộng lớn về địa
dư, nhân văn và xã hội, trong đó Đức Kitô và
Tin Mừng của Ngài chưa thấm nhập vào, cách riêng
đối với chúng ta, người Á châu ở trên châu
lục này. Làm sao chúng ta có thể không nghe lời mời
vang lên từ hoàn cảnh này? Người Châu Á phải loan
báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho người Á Châu, vì Chúa Giêsu
là người Á Châu. Tại sao người Á Châu lại
không nhận biết Ngài?
Thưa
anh chị em,
Cánh
đồng truyền giáo thật rộng lớn và
nhiều việc còn phải làm: vì thế sự cộng tác
của mọi người thật cần thiết.
Thật vậy, không ai nghèo nàn đến nỗi không có gì
để ban tặng. Trước tiên chúng ta tham dự vào
hoạt động truyền giáo bằng lời cầu
nguyện, bằng những hy sinh và dâng hiến những
đau khổ cho Thiên Chúa. Đó là loại cộng tác
đầu tiên mà mọi người có thể trao tặng.
Cũng quan trọng là đừng bỏ qua sự trợ
giúp kinh tế tài chánh cần thiết cho sự sống còn
của biết bao Giáo Hội địa phương.
Đức
Thánh Cha kêu gọi chúng ta, khi cử hành Năm Thánh 2000, “toàn
thể Hội Thánh càng dấn bước vào một Mùa
Vọng truyền giáo mới, chúng ta phải gia tăng
nhiệt tình tông đồ để chuyển giao cho
người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin…
Thánh Thần của Thiên Chúa là sức mạnh của chúng
ta. Thánh Thần, Đấng biểu lộ quyền năng
trong sứ vụ của Đức Giêsu khi Ngài
được sai đi “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
khó… Và loan báo một năm hồng ân của Chúa”, đã
đổ tràn trong tâm hồn của mọi tín hữu (X. Rm
5,5), giúp chúng ta trở nên chứng nhân của Chúa”.
Thưa
anh chị em,
Truyền
giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết
yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu
thương. Đây chính là cốt lõi mà Chúa Giêsu cô
đọng trong giới răn mến Chúa và yêu người.
Trong một xã hội mà Kitô Giáo chỉ là thiểu số thì
truyền giáo đối với Kitô hữu hiện nay là
quyết tâm sống như thế nào để rao giảng
một thứ Đạo, đó là “Đạo của tình
thương”.
Mẹ
Têrêsa Calcutta, Ấn Độ, đã định nghĩa
về một nhà truyền giáo, đó là một tín hữu
Kitô say mê Chúa Giêsu đến độ không có một
ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi
người nhận biết và yêu mến Ngài”. Mẹ Têrêsa
không những chỉ làm cho người ta biết và yêu
mến Chúa Giêesu bằng những lời nói suông, nhưng
mẹ nói về Chúa Giêsu, mẹ tỏ bày gương
mặt của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống yêu
thương phục vụ của mẹ. Do đó,
truyền giáo thiết yếu đối với Mẹ
Têrêsa là dùng cả cuộc sống của mình để làm
cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu.
|