Xin Đức Bà Phù Hộ Cho Con Cái Thêm Nhiều Và Tấn Tới Đi Đàng Nhân Đức Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1917, nơi chiến tuyến Yser, thung lũng nằm trong vương quốc Bỉ, một bác sĩ tham chiến, vừa thi hành phiên trực, vừa lần hạt Mân Côi, để bày tỏ lòng kính mến Đức Mẹ MARIA, trong một ngày trọng đại mừng kính Đức Mẹ ..
Đang lần hạt, miệng lẩm nhẩm đọc lời kinh ”Kính Mừng MARIA”, bỗng nguồn thi hứng dâng trào, khiến vị bác sĩ thay lời kinh Kính Mừng MARIA bất tận, bất hủ, bằng một chuỗi dài các vần thơ nhỏ, dâng kính Mẹ THIÊN CHÚA. Các vần thơ tuôn ra, như những cánh chim nhỏ, tung bay từng con một tiến về Trời Cao, nơi Mẹ THIÊN CHÚA được hiển vinh cả hồn lẫn xác.. Đó là những vần thơ suy gẫm và chúc tụng 15 mầu nhiệm của Kinh Mân Côi.
Vị bác sĩ vừa là thi sĩ vừa là tín hữu Công Giáo đó - bị động viên trong thời đệ nhất thế chiến 1914-1918 - không ai khác là văn thi sĩ Henri Ghéon, người Pháp.
Ông Henri Ghéon chào đời năm 1875 trong một gia đình Công Giáo nhưng chỉ có thân mẫu là tín hữu đạo đức, còn thân phụ không giữ đạo. Trong tuổi thơ ấu, vào mỗi buổi tối, cậu bé Henri thường quỳ gối giữa mẹ và chị để đọc kinh trước tượng Thánh Giá và bức ảnh Đức Mẹ Lên Trời của họa sĩ Bartoloméo Esteban Pérez Murillo (1618-1682).
Như bao trẻ em Công Giáo khác, Henri cũng theo học giáo lý, rồi xưng tội và rước lễ lần đầu. Nhưng không lâu sau đó, cậu bé Henri bỗng thay đổi tâm tình. Sau này, chính Henri Ghéon kể lại như sau.
Vào một Chúa Nhật, khoảng hai hay ba năm sau ngày Rước Lễ Lần Đầu, mẹ tôi trang điểm chuẩn bị để đến nhà thờ dự lễ. Mẹ tôi ở trên lầu, còn tôi ở phòng dưới và đang say mê đọc truyện. Mẹ tôi gọi vọng xuống:
- Henri, con thay áo nhanh lên để đi lễ, vì mình bị trễ rồi!
Tôi ngồi im, không trả lời tiếng giục gọi của mẹ. Một lúc sau, tôi mới nhất định lên phòng mẹ. Trông thấy tôi, mẹ nói nhanh:
- Sửa soạn lẹ lên con, nếu không, con sẽ bị trễ lễ!
Tôi trả lời mẹ, nhưng mắt nhìn xuống đất, có lẽ vì xấu hổ với chính mình:
- Con không đi lễ đâu mẹ .. vì, thật ra thưa mẹ, con đâu có tin!
Từ biến cố đó, Henri Ghéon sống mà không hề nghĩ đến THIÊN CHÚA, đúng y như một kẻ vô thần thực thụ.
Trong thời gian này, Henri theo học y khoa, rồi ra trường hành nghề bác sĩ. Song song với nghề nghiệp, ông Henri còn là một văn thi sĩ. Ông viết sách và cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng tại Pháp. Ông cũng sáng tác các vở kịch và giữ vai trò đạo diễn hoặc diễn viên.
Một ngày, ông Henri cùng với một người bạn du hành nước Ý. Ông đến Firenze, nơi có bảo tàng viện San Marco. San Marco trước đây là tu viện của Các Cha dòng Đaminh. Bảo tàng viện San Marco nổi tiếng vì các bức tranh vẽ trên tường của nhà danh họa tu sĩ Chân Phước Angelico (1395-1455).
Khi viếng thăm San Marco và chiêm ngưỡng các bức họa trên tường, ông Henri Ghéon như cảm nhận được đức tin Kitô, được chiếu tỏa trên các khuôn mặt và trên toàn thân thanh khiết của các nhân vật, trên các bức tranh. Ông Ghéon thật sự bị xúc động mạnh. Nước mắt ông tuôn trào. Sự vô tín ngưỡng của ông bị lay động. Sau này, khi kể lại giây phút đáng nhớ ấy, ông viết: ”Nơi hành lang trần trụi và thinh lặng của tu viện San Marco, tôi đứng bất động trước bức tranh vẽ cảnh Đức Chúa GIÊSU tắt thở trên Thánh Giá và bức tranh diễn tả cảnh Thiên Thần đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ MARIA.. Trong phút chốc, tôi như chạm phải ranh giới không thể giải thích được giữa con người và THIÊN CHÚA, giữa tục lụy và thiên thần, giữa những gì thuộc về thế giới này và những gì thuộc về thế giới của Trời Cao”.
Mặc dầu bị xúc động mạnh như thế, nhưng ông Henri Ghéon vẫn chưa dứt khoát trở về với Đức Tin Kitô..
Phải đợi mãi cho đến khi đệ nhất thế chiến 1914-1918 bùng nổ và bị động viên trong tư cách là một bác sĩ.. Nơi mặt trận nước Bỉ, ông Ghéon may mắn gặp một tín hữu Công Giáo nhiệt thành, ông Pierre Dominique Dupouey (1877-1915), một sĩ quan hải quân. Nhưng rồi ông Dupouey bị ngã gục trên chiến trường vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh năm 1915.
Cái chết bất ngờ của bạn hiền, cộng thêm với không biết bao nhiêu cái chết của các binh sĩ tham chiến, đưa tâm hồn cứng cỏi khô đạo của ông Ghéon trở về với tôn giáo. Một ngày trong tháng 9 năm 1915, lần đầu tiên, kể từ hơn 25 năm sau ngày rước lễ lần đầu, ông Henri Ghéon bắt đầu đọc lại kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng.
Từ đó, ông cầu nguyện mỗi ngày, đặc biệt là lần hạt Mân Côi, kính Đức Mẹ MARIA.
Năm 1944, ông bị bệnh liệt giường và xin lãnh các phép Bí Tích sau hết. Sau khi ban các Bí Tích, vị Linh Mục nói:
- Ông Henri Ghéon à, ông thật có phúc, bởi vì chiếc áo sau cùng theo ông vào phần mộ, không phải là chiếc cẩm bào, không phải là bộ áo diễn kịch, cũng không phải là bộ đồng phục danh dự của Hàn Lâm Viện Pháp, nhưng là chiếc áo trắng thô sơ của một tín hữu dòng Ba thánh Đa Minh, vị tông đồ khởi xướng Kinh Mân Côi ..
... Kinh Dâng Giáo Hội Việt Nam cho Đức Bà MARIA Đồng Trinh.
Lạy Rất Thánh Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời và Mẹ chúng con, nay chúng con sấp mình xin dâng cho Mẹ rất nhân từ, trót mình chúng con là thân xác, sự sống, các việc làm và mọi sự thuộc về chúng con. Lại chúng con cũng lấy lòng con cái mà dâng cho Đức Mẹ mọi người trong Giáo Hội Việt Nam nầy.
Trước là xin Đức Bà làm Mẹ các Thầy Cả, cùng các kẻ giúp việc giảng Đạo Thánh, để mọi đấng bậc được lòng sốt sắng, làm gương sáng và chịu khó lập công cho bền lòng.
Lại xin Đức Bà làm Mẹ các bổn đạo và phù hộ cho các con cái hằng được thêm nhiều và tấn tới đi đàng nhân đức một ngày một hơn.
Sau hết xin Đức Bà làm Mẹ các kẻ còn ở ngoài Hội Thánh mà đưa về sự sáng thật là đạo thánh Đức Chúa Trời. Chớ chi hết mọi người nhờ Máu cực châu báu Con Đức Mẹ đã đổ ra mà cứu chuộc và nhờ công nghiệp Đức Mẹ cầu bầu, mà được tìm đến cùng Trái Tim cực trọng Đấng Cứu Thế, là cội rễ sự nên lành nên thánh, để sau nên một đoàn chiên, theo một Chúa chiên.
Đức Bà phù hộ kẻ có đạo. Cầu cho chúng con.
Đức Bà thông ơn THIÊN CHÚA. Cầu cho chúng con.
Nữ Vương nước Việt Nam ngự trên Trời. Cầu cho chúng con. AMEN
(Jean Barbier, “CONVERTIS PAR MARIE”, Editions Saint Paul, 1993, trang 37-46)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|