Chúng tôi xúc động và hãnh diện khi được là người Công Giáo Việt Nam tham dự "Chào mừng Đức Giáo Hoàng Francis thăm nước Mỹ"
Nhân dịp Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 8 (22- 27/9/2015) tại Philadelphia, Pennsylvania - Hoa Kỳ
Chúng tôi đã chuẩn bị cho chương trình tham dự sự kiện lịch sử quan trọng "Welcome Pope Francis Visit America" từ 3,4 tháng trước. Nhóm đã lo "book hotel " và mua vé máy bay sẳn sàng vì giờ chót sẽ không còn hotel và vé máy bay, vì đây là một dịp đặc biệt, trong đời người chưa chắc đã có lần thứ 2. Ngày đi càng đến gần chúng tôi càng thấy háo hức, chộn rộn nhất là sau khi mọi người theo ngày giờ ấn định rủ nhau lên internet sẳn sàng "chiến đấu" ngay những giây phút đầu tiên khi vé được phát ra, để hy vọng có được tấm vé vô cửa tham dự 2 ngày quan trọng cuối cùng của Đại hội gia đình thế giới lần thứ 8, có ĐTC Francis tham dự. Nhưng phát ra có 10.000 vé/ 1 ngày ( theo số lượng ghế xếp được ở quảng trường) mà số người canh để lấy vé lên tới hằng mấy trăm ngàn người, nên chỉ trong vòng 20 giây vé đã phát hết!Tuy không kiếm được vé vào cửa nhưng chúng tôi vẫn vui vì biết được rằng có cả "một đám đông khổng lồ" cũng đang háo hức chờ đón ĐTC như mình. Vậy là cũng đủ vui với đời, vì người ta có 1 "tri âm" cùng tần số "háo hức" là đã quý lắm rồi huống hồ gì mình có quá, quá nhiều "tri âm"! Trước ngày đi 1 hôm tình cờ tôi nghe được trên Radio buổi phỏng vấn Đức ông Giuse Trịnh Minh Trí, chủ tịch liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Trong sự kiện lịch sử quan trọng này, người Công Giáo Việt Nam có quá nhiều điểm son.
Trước hết số lượng người Việt Nam ghi danh chính thức nhiều đứng hàng thứ 3 ( trong số 140 nước tham dự, trong đó có những nước mà tỷ lệ người Công Giáo chiếm rất cao như Philippine, Mexico, Ý , Pháp...) chỉ sau Mỹ và Canada. Do đó BTC đã quyết định đưa tiếng Việt vào chương trình bên cạnh bên cạnh 4 ngôn ngữ chính: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.
Sau này đi vô thực tế tôi mới biết, số người VN tham dự chào mừng ĐTC, không ghi danh chính thức qua đại hội, có lẽ còn nhiều hơn gấp mấy lần số ghi danh chính thức.
Trong phần thánh lễ bế mạc ngoài trời do ĐGH Francis chủ tế, 1 trong 2 bài thánh thư sẽ được đọc bằng tiếng Việt, và trong phần lời nguyện giáo dân, hát lời nguyện lễ...đều có sự hiện diện của tiếng Việt. Có 50 ca viên Việt Nam, chiếm 10% trong tổng số 500 ca viên của ca đoàn tổng hợp được chọn từ 219 giáo xứ khắp thế giới. Thật là một niềm hãnh diện quá lớn lao cho người Công giáo Việt Nam trước một sự kiện quốc tế quan trọng mang tầm vóc thế giới.
Ngày đoàn chúng tôi lái xe Van từ New York về Phila, chúng tôi cảm thấy không khí náo nức chào đón ĐTC Francis hiện điện khắp nơi từ các bảng điện trên Freeway, cho đến các bảng quảng cáo hai bên dọc freeway "Welcome Pope Francis", "We love Pope Francis", " Philly welcome Pope Francis"...
Tất cả như nói giùm tâm tình của chúng tôi và của hơn 70 triệu người Công Giáo Mỹ. Lúc chúng tôi vào đến thành phố Phila, thì đường nhiều nơi đã bị đóng, từng cột điện, từng góc phố nơi nào cũng tràn ngập cờ xí với hình ảnh tươi cười rất thân thiện của Pope Francis.
Nhìn những hình ảnh ấy lòng ai cũng rạo rực niềm vui và sẳn sàng chia sẻ yêu thương nên cảm thấy "Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn".Điều này cũng phù hợp với chủ đề của WMF (World Meeting Families): "Sứ vụ của mỗi người chúng ta là Yêu Thương. Gia đình là nơi thực hiện sống động đầy đủ tinh thần đó" ( "Love is our mission. The Family Fully Alive").
Nơi nào ĐTC Francis đến cũng đều có sự hâm mộ nồng nhiệt, nói lên sự yêu thương kính trọng đối với 1 vị Giáo Hoàng mới lên ngôi chưa được bao lâu, Ngài đã được tạp chí Time bầu là 1 trong 10 người có nhiều quyền lực nhất hành tinh. Quyền lực của Ngài không đến từ sức mạnh quân sự, kinh tế hay vũ khí hạt nhân mà đến từ con tim yêu thương rộng mở đặc biệt là đối với những người cùng khổ, những thân phận ốm đau, những số phận chịu nhiều thiệt thòi trong xả hội.
Trong "Special Issue" chủ đề "Francis In America" tại mỗi phòng của hotel, tôi được nhìn thấy bức ảnh vô cùng xúc động khi Ngài ôm hôn Riva {53 tuổi, ở Ý, lúc 15 tuổi anh bị 1 chứng bệnh kỳ lạ, khắp cơ thể và mặt anh nổi đầy những mụt nhọt dính chùm to nhỏ, và nó thường rỉ máu hôi hám. Không ai dám đến gần anh, thậm chí sự hiện diện của anh cũng làm họ chết khiếp, kinh sợ và phát bịnh.
(Trong số đó chắc có tôi, vì nhớ lại lúc nhỏ đi lễ mỗi ngày, qua những lối quanh trong các xóm nhỏ, tôi hay gặp 1 người đàn ông có khuôn mặt "khủng khiếp" đầy những chùm mụt nhọt. Mỗi lần nhìn thấy ông tôi sợ hãi đến phát khóc nên không dám nhìn phải lánh sang phía bên kia lối đi, rồi nhắm mắt lại đi thật nhanh!).
Trong đám đông thậm chí Riva chỉ liếc mắt chứ không dám nhìn ĐTC, nhưng Ngài đã thấy anh và tiến đến gần, bà dì của anh đứng bên cạnh đoán chừng: có lẽ giỏi lắm là Ngài sẽ bắt tay anh. Nhưng không, Ngài đã tiến thẳng lại và ôm chầm lấy anh, ép sát đầu anh vào ngực Ngài trong 1 cử chỉ yêu thương tha thiết với 1 đứa con bất hạnh đáng thương.
Một điều ngoài sức tưởng tượng và mong đợi, chúng tôi không nói với nhau 1 lời nào, nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim chúng tôi đã có 1 sự đồng cảm sâu xa. Sau này trả lời phỏng vấn của CNN, Riva cho biết anh bị shoc, hành động yêu thương ôm chầm lấy anh không chút ngần ngại của Ngài làm anh run lên, và cảm thấy một hơi ấm tình người lan tỏa. Anh cảm giác như mình đang ở trên Thiên đàng.}.
Trước kia tôi đã từng đọc tin này trên báo chí, nhưng đúng là "100 nghe không bằng 1 thấy", tôi thực sự xúc động khi nhìn cận ảnh bàn tay trần của Ngài ôm đầu Riva đầy những chùm mụt nhọt sát vào người với lòng yêu thương che chở. Ngài quả là hiện thân Tình Thương bao la của Chúa Jesus trên trần gian.
ĐGH Francis tuy đã quá 70, nhưng con tim Ngài rất trẻ trung, rất yêu thương trẻ con, nơi nào Ngài đến, người ta cũng bồng không biết bao nhiêu trẻ em đến cho Ngài hôn trán và chúc phúc lành cho chúng, như ngày xưa Chúa cũng yêu quý trẻ em, khi các tông đồ ngăn cản không cho chúng đến gần, Chúa đã nói "Hãy để cho trẻ đến cùng ta, ai không nên như trẻ nhỏ thì sẽ không được vào nước Trời".
Bên cạnh đó, Ngài thường có những tư tưởng đổi mới mà trước Ngài chưa ai dám nói: "God is not afraid of new things" (Pope Francis) , giới trẻ đang lấy câu nói của Ngài làm châm ngôn cho đời sống Đức Tin để thoát ra những lối mòn xưa cũ, đầy tính bảo thủ cổ hủ để có thể mở rộng con tim yêu thương đến với mọi người, như lời bài hát của giới trẻ Công Giáo Saigon:
"Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, xin chọn con đường yêu thương. Đường yêu thương cho ta gặp nhau, cùng chung hướng đến an vui. Chấp nhận nhau dù khác biệt nhau để không còn xa lìa.”
Sáng thứ 7 chúng tôi dậy sớm, ăn sáng ở hotel rồi lên đường tham dự thánh lễ chung với Cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Phila và tất cả những người Công giáo Việt Nam từ khắp nơi về Phila để đón chào ĐTC Francis.
Ngoài sân có gian hàng bán T- Shirt màu vàng in hình biếu tượng WFM tại Phila của cộng đồng Công Giáo Việt Nam.Bức hình ĐTC Francis bằng carton to như người thật, được mọi người sắp hàng chiếu cố để chụp hình chung, thôi thì không được chụp hình chung với người thật thì chụp chung với người giả cho đỡ ghiền vậy!
Về nhà khoe mình đi Phila được chụp hinh chung với ĐTC cũng oai, vì ngó cũng giống thiệt lắm! Thánh lễ quy tụ khoảng vài ngàn người Công Giáo Việt Nam về từ khắp thế giới, có sự tham dự đông đảo của hàng giáo phẩm ở Việt Nam và ở Mỹ, có khoảng 180 linh mục và 70 Sơ.
Đây là nơi hội ngộ của người Việt Nam về Phila nên nhiều cảnh gặp người quen diễn ra khắp nơi, tay bắt mặt mừng, rồi chụp hình chung. Tôi đang đứng xớ rớ nhờ cô bạn xem giùm máy chụp hình bị trục trặc không review được, thấy có 1 cô đứng bên cạnh có vẽ chờ đợi, quay lại thì ra là một cựu nữ sinh SNA. Cô trò nhận nhau rồi chụp hình chung, nhờ đó mà tôi hỏi thăm và giải quyết được luôn cái rắc rối của máy chụp hình.
Thánh lễ đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Saigon Phaolo Bùi văn Đọc chủ tế, sau thánh lễ đức TGM chính thức kêu gọi giáo dân Việt Nam hải ngoại hãy rộng tay giúp đở kiến thiết Linh địa La Vang, để Việt Nam có một nơi tôn kính Đức Mẹ xứng đáng với niềm tin yêu Mẹ La Vang lớn lao của giáo dân Việt Nam. Trong lời nhắn nhủ khi kết thúc buổi lễ Đức Hồng Y Phero Nguyễn văn Nhơn cho biết:
"Ngày mai trong thánh lễ bế mạc Đại hội Gia Đình Thế giới 2015 ĐTC sẽ trao tặng 5 sách Phúc âm của Thánh Luca ( chủ yếu nói về thời thơ ấu của Chúa Jesus, khi sống dưới mái gia đình Nazareth) cho 5 gia đình đại diện 5 lục địa trên thế giới và Việt Nam hãnh diện được ĐTC chọn là đại diện cho lục địa Châu Á, thật là 1 niềm tự hào lớn lao! ( Congo - Châu Phi; Sydney - Châu Úc; Marseilles - Châu Âu; Cuba - Châu Mỹ).
Đây là cử chỉ tượng trưng cho việc gửi tặng 1 triệu bản phúc âm tới các nơi trên, để mỗi gia đình sẽ đọc và sống lời Chúa trong đời sống hằng ngày.
Tan lễ chúng tôi được phát mỗi người 1 ổ bánh mì thịt và 1 chai nước, rồi vội vàng ra xe ngay để kịp lên đường tới Ben Franklin Parkway, địa điểm ĐTC sẽ hành lễ tối nay. Đoàn chúng tôi chia làm nhiều nhóm nhỏ đi xe van để dễ tìm chỗ đậu xe và dễ "quản lý" người, xe nào lo cho xe đó. Tới khu đường bị đóng, chúng tôi xuống xe đi bộ, dọc đường gặp nhiều toán cảnh sát dã chiến với những xe Jeep loại đặc biệt có vẻ "rừng rú" vì trên xe là 1 hệ thống lớn máy móc truyền tin.
Họ vui vẻ phát cho chúng tôi những tờ "Guide" Papal Visit hướng dẫn những điều cần biết, bản sơ đồ các khu vực hành lễ, những "Security Tips", bản liệt kê những thứ cấm không được mang theo khi qua "Security Entry Points".
Trên đường đi vô số những người bán hàng "di dộng" với các loại áo T-Shirt, nón, khăn...có hình Pope Francis, mọi người dừng lại chọn mua để dùng và để làm quà kỷ niệm chuyến đi đặc biệt. Tôi và chị bạn chọn mua chiếc nón có thêu nổi dòng chữ "I love Pope Francis" rất đẹp và có thể đội ngay như là "1 khẩu hiệu" trên đầu trong muôn vàn "khẩu hiệu" mọi người mang trên tay, trên áo, trên đầu, trên lưng...
Thật là 1 không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt, rộn ràng đầy niềm vui.
Chợt nhớ lại những lần mua hàng lề đường như thế này thì toàn là "Made in China", mà người Việt từ lâu đã bảo nhau tấy chay hàng "Made in China", vì China xâm lăng VN và vì hàng dõm.
(Tôi nhớ lại lần đi thăm Hà Lan, chỉ sau 1 trận mưa gió nhỏ, dọc đường tôi nhìn thấy nhiều đống dù "made in China" sút cọng, gảy càng dọc theo 2 bên lối đi làm thành những "đống rác dù" đập vào mắt du khách. Thật là 1 hình ảnh tiêu biểu cho hàng dõm China!).
Tôi vội lấy nón trên đầu xuống nhìn xem nơi sản xuất, may quá "Made in Bangladesh", như vậy chứng tỏ việc tẩy chay bắt đầu có hiệu quả. Dạo này tôi thấy hàng China bắt đầu đựợc thay thế bằng hàng các nước khác (Korea, Philippine, Việt Nam, Guatamela, Mexico...) 1 người tẩy chay không hiệu quả, nhưng 100 người, 100 ngàn người sẽ có hiệu quả. Tại sao chúng ta lại tiếp tay nuôi dưỡng nền kinh tế của nước China bá quyền xâm lược?
Giai đoạn đi bộ như 1 hình thức exercise đã qua, bây giờ tới lúc phải thầm hát bài hát hướng đạo quen thuộc khi xưa: "1 cây số đi chân mỏi ghê, mỏi gớm, 2 cây số đi chân mỏi gớm, mỏi ghê chân này" 1,2,3,4 cây số đi chân thì chân muốn rụng xuống rồi, nhưng ôi đường còn quá xa... Thế là có những người chân yếu bị tụt hậu, đi chậm lại, thậm chí phải ngồi xuống nghỉ vì không thể đi tiếp. Nhóm xe van tôi "bác tài" thì mê quay phim, cô "lơ xe" thì mê chụp hình, họ mê man đi làm "nghiệp vụ" cả rồi, còn lại mình tôi chịu trách nhiệm "quản lý" 5 người còn lại. Anh H thì đầu gối đau lại đã từng bị tai biến mạch máu não, nên sức khỏe suy yếu. Trước khi đi nghe nhiều người "hù" nào là sẽ bị chen lấn, xô đẩy, nào là phải đứng lâu bị phù chân, tê chân, rồi phải "mang tả" vì không có chỗ "xả nước cứu thân", anh đã đòi thoái lui, ngồi lại xe. Tôi và bà xã anh phải hết lời động viên: "Cố lên, ngồi ngoài xe 1 mình 6,7 tiếng chờ đợi, anh sẽ rất buồn chán và cô độc. Hơn nữa đã tới được đây mà không vào chỗ hành lễ để nhìn thấy ĐTC thì đáng tiếc lắm". Chị em Đ thì nhỏ nhắn nhanh nhẹn nên đã biến mất về phía trước, vợ chồng anh H thì ngồi nghỉ chân vì quá mệt, tôi ở giữa thật nan giải, không biết theo ai, bỏ ai? Khổ nổi vì họ không nói được tiếng Anh, nên nếu tôi để lạc mất họ thì đúng là "botay.com". Giữa dòng người ào ào đi rất dễ mất dấu nhau, những ngón chân tôi bắt đầu nhức nhối "làm reo" theo từng bước chân đi, nhưng tôi phải ráng chạy vội lên để bắt kịp chị em Đ, bắt họ dừng lại đợi và yêu cầu từ đây phải đi "dính liền nhau", nếu không bị lạc, sẽ không biết đâu mà tìm! Giữa rừng người như thế này rất khó để liên lạc qua cell phone, sau này cần liên lạc để dẫn người ra xe về tôi chỉ có thể dùng text message. Nương tựa và chờ đợi nhau để cùng đi, quan tâm sức khỏe và khó khăn lẫn nhau đó cũng là cách thực hành "Sứ vụ của mỗi người là Yêu Thương". Dọc đường chúng tôi bắt gặp rất nhiều đoàn người trẻ, họ mặc T- Shirt đồng phục có in dòng chữ "Welcome Pope Francis", họ mang theo đàn guitar và trống nhỏ, cứ đi 1 đoạn đường họ dừng lại giữa đường rồi đàn, gỏ trống ca hát, nắm tay nhau cùng múa chung những vũ điệu tập thể cho quên mệt mỏi đường xa. Nhìn họ sinh hoạt ca hát nhịp nhàng chúng tôi cũng rộn ràng vui lây và quên bớt chân đau. Có đoàn thì đeo những dãi băng xanh trên đầu vừa đi vừa vổ tay hát, tôi thấy có rất nhiều linh mục đi theo các đoàn trẻ và cũng đeo ba lô cuốc bộ y như mọi người
Đến điểm "Security Entry Points" dù là tới 4 lines làm việc, nhưng dòng người đông nghẹt và chật cứng, chúng tôi phải sát vai nhau cùng nhích từng bước để tới chổ nhân viên kiểm soát, trước khi bước qua cổng Security. Tất cả những đồ dùng bằng thủy tinh, bằng kim loại kể cả "Selfie Sticks" dùng để tự chụp hình và bất cứ thứ gì có thể gây nguy hiểm cho người khác đều bị cho vô thùng rác. Qua được cửa ải này, chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm và tôi chợt thấm thía tựa đề 1 bài báo trong "Special Edition" của Philadelphia: " Stop to pray during your stay in Phila" vì có lẽ mỗi người đều phải trãi qua những gian truân, cực khổ thử thách riêng để có mặt ở Phila, và đó chính là lời cầu nguyện, hy sinh cụ thể mà Chúa sẽ thấu hiểu lòng ta. Bên cạnh đó tôi cũng nhận ra ưu điểm của nước Mỹ, các nhân viên an ninh kiểm soát tuy làm việc liền tay nhưng lúc nào cũng hành xử nói năng rất lịch sự và nhã nhặn. Chữ "Please" luôn đứng đầu trước các câu nói của họ.( không hống hách, quát nạt, cửa quyền như đám công an bên VN) Và dân Mỹ dù là đám đông tới cỡ nào, không hề có sự chen lấn xô đẩy, mọi người lịch sự, tuần tự chờ đợi tới phiên mình không như bản tin "kinh sợ" tôi mới vừa đọc được "Chính quyền Saudi Arabia hôm 24.9 cho biết có ít nhất 200 người chết, 400 người bị thương trong vụ dẫm đạp lên nhau trong lễ hành hương ở Mecca".
Chúng tôi băng qua hàng rào nhôm để đi về phía bên kia đường, và tìm được đồi cỏ xanh tươi gần bên hồ phun nước, tôi bèn chọn làm nơi "đóng đô". Đúng là "Ðồng là đồng cỏ tươi, Chúa chăn cho tôi nghỉ ngơi". Đây là nơi anh H có thể nằm nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe và nếu cần có thể ngủ 1 giấc để lấy lại sức khỏe, trong khi chờ đợi 5,6 tiếng. Bây giờ là lúc anh chị H trở thành người hữu ích nhất trong nhóm, vì ở lại coi đồ giùm để mọi người bỏ túi xách xuống, rồi nhẹ nhàng, tự do đi tìm chỗ nào tốt nhất để chờ đợi đón " Papal's Parade". Thành thử trong cuộc đời ai cũng có lúc có ích cho mọi người, tùy lúc Chúa dùng chúng ta trong những vị trí khác nhau, đôi khi là việc nhỏ bé nhưng lại cần thiết và có ích cho người khác. Trên đường đi tìm chỗ đứng tốt nhất để đợi " Papal's Parade", tôi tận mắt chứng kiến cảnh nhiều người vào đây từ sáng sớm để giữ chỗ, bây giờ trời trưa nắng gắt họ mệt mỏi nằm ngủ thiếp đi bên lề đường, nơi bãi cỏ, góc công viên. Có 1 gia đình trẻ gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ, đứa bé nhất còn bồng trên tay, họ đứng đây từ sáng với hy vọng buổi tối khi ĐTC đi ngang, họ sẽ nâng con nhỏ họ lên cao để Ngài nhìn thấy và con của họ được ĐTC hôn và chúc lành, và ở đây có rất nhiều gia đình "chịu cực, chịu khổ" để làm như vậy.
Có đi vòng quanh, quan sát mọi người mới thấy "gian khổ" của mình (ngày nào cũng thức khuya, dậy sớm, ăn uống thất thường, thiếu ngủ, đi bộ tới rã rời gân cốt) tưởng là "vĩ đại" lắm ai dè so với gian khổ của người khác mới thấy là nó bé tí teo! Nhờ đó mới thấy lòng kính yêu, nguỡng mộ của quần chúng đối với Pope Francis thật là quá to lớn.
Tôi nghe nói hôm ĐTC nói chuyện với Quốc hội, lúc Ngài vừa đứng dậy thì có 1 vị dân biểu đã vội vàng bước lên cầm lấy ly nước uống dở của Ngài, trân trọng uống 1 ngụm như uống nước thánh và đưa phần còn lại cho bà vợ uống tiếp, rồi giữ luôn cái ly làm kỷ niệm.
Lang thang tìm mãi không thấy chỗ nào tốt hơn "đồi cỏ" mình đã chọn lúc đầu. Đúng là đôi khi hạnh phúc trong tầm tay mà không biết enjoy còn lo mãi mê đi tìm nơi khác là vậy. Khi tôi quay về thì nghe tiếng nhạc rập rình ngay bên chỗ ngồi, tôi vội chạy qua xem thì không ngờ một sân khấu khá lớn ngay bên cạnh mà không biết.
Họ đang bắt đầu trình diển màn múa cổ truyền Ấn độ. Tôi vội quay lại gọi anh chị H cùng tới xem, thế là chúng tôi phải khệ nệ ôm hết các túi xách của nhóm theo để qua xem màn trình diễn văn nghệ tuyệt vời của hằng trăm vũ công Ấn xinh đẹp, trong những trang phục truyền thống rực rỡ đủ màu sắc của họ.
Màn vũ kéo dài khá lâu với sự trình diển khác nhau của đủ mọi lứa tuổi từ nhóm các bé 5,6 tuổi, tới nhóm 12, 13 tuổi, rồi nhóm thiếu nữ, thanh nữ, phụ nữ. Nhìn tay chân họ bẻ cong với những vũ điệu uốn éo, mềm mại như rắn, tôi mới chợt nghiệm ra nền văn hóa của mỗi nước đều có những nét hay và độc đáo riêng.
Nước Mỹ là nước duy nhất trên thế giới tiếp thu và dung nạp nhiều nguồn văn hóa khác nhau, nên văn hóa nước Mỹ rất phong phú, đa dạng. Thưởng thức xong live show này anh chị H rất hài lòng:
"Chỉ xem được live show này không thôi cũng đủ bỏ công mình cực khổ đi bộ vất vả đến đây. Đừng nói gì lát nữa mình còn được xem live show ĐGH nữa!"
Hệ thống bảo vệ an ninh cho Pope Francis lớn nhất trong lịch sử dành cho các vị Quốc khách đến thăm nước Mỹ. Nó được chăm sóc tỉ mỉ ngang và thậm chí hơn lễ nhậm chức của tổng thống Obama.
Loay hoay mà sắp tới 7 giờ tối, đứng trên đồi cỏ nhìn từ xa tôi thấy lá cờ vàng 3 sọc đỏ VNCH phía bên kia đường. Tôi dặn anh chị H đứng yên ở đây sẽ nhìn thấy ĐTC rõ hơn, tôi chạy xuống phía dưới đứng sát hàng rào để dễ chụp hình.
Nhìn dọc theo Parkway, tôi mới thấy chỉ 1 đoạn đường dài khoảng 1 mile mà 2 bên đường có hơn chục màn hình TV cỡ lớn đang trực tiếp những màn văn nghệ ở các sân khấu chính và chung quanh để người dân trong khi chờ đợi "Papal's Parade" xem giải trí.
Càng về tối văn nghệ càng hay, có lẽ để chuẩn bị tâm hồn đón ĐTC sắp đến, đặc biệt là cô bé Jackie 15 tuổi tiếng hát trong veo thánh thót như thiên thần:
"Dù trong thung lũng tối đen, con vẫn nhìn thấy ánh sáng của Chúa qua niềm tin..." đã giúp đưa tâm hồn tôi lên gần Chúa hơn, khiến tôi liên tưởng tới bài hát thánh ca Việt Nam:
"Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này. Chạm lòng con để con không xa Ngài... Vực con vươn lên khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng. Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não."
Tiếp theo đó là các nữ ca sĩ da đen lên sân khấu cổ vũ tất cả mọi người cùng hát theo và đưa tay lên cao cùng nắm tay nhau đưa qua đưa lại và hát chung với nhau bài "We are Family".
Một phụ nữ Mỹ đứng cạnh tôi quay sang cười và đưa tay lên mời, tôi cũng cười đáp lại và đưa tay lên cao nắm lấy tay chị và chúng tôi cùng hằng trăm ngàn, hàng triệu người đứng đó, tuy khác màu da, khác chủng tộc...nhưng cùng 1 gia đình nhân loại, cùng làm chung 1 động tác kết nối tình thân và cùng cất cao tiếng hát chung:
"We are family I got all my sisters with me We are family Get up every body and sing..."
Bầu khí này làm tôi lâng lâng xúc động, tôi cảm thấy hình như mọi người đang cùng chung một nhịp đập con tim của những người con cùng chung 1 gia đình, chung 1 cha trên trời.
Trong đời chưa bao giờ tôi nhìn được cảnh hằng trăm, hằng triệu người cùng hòa chung tiếng hát, cùng nắm tay đưa cao tỏ tình thân ái với nhau, cùng múa chung 1 vũ điệu và cùng nhau chờ đón sự xuất hiện vị cha chung của giáo hội.
Và kìa từ xa Người đã xuất hiện trong tiếng cuồng nhiệt của đám đông "Viva Papa", "Viva Papa" kéo dài vang lên như không dứt...Trong bóng tối, xe chở Ngài tỏa ánh sáng trắng ngời và trong vùng ánh sáng rạng ngời đó, Ngài với bộ phẩm phục trắng đứng tươi cười lần lượt quay sang 2 bên ban phép lành như vị Thiên sứ vừa được sai từ trời xuống ban ơn lành cho nhân gian.
Thật là 1 hình ảnh tuyệt đẹp và thánh thiện! Xe Ngài đi tới đâu thì hàng ngàn, hàng triệu cánh tay giơ lên với I Pad, I Phone, Camera, máy quay phim đều hướng về phíá Ngài để ghi lại những hình ảnh quan trọng, đáng ghi nhớ mà có lẽ trong đời sẽ không có lần thứ 2.
Tạ ơn Chúa tôi đã có những giây phút tuyệt vời trong đời khi vừa trải qua những "moment" đặc biệt đầy xúc động. Khi tôi trở lại "đồi cỏ" thì anh H hớn hở khoe ngay:
- Ôi trong đời tôi chưa bao giờ trông thấy ĐTC rõ mồn một và gần như thế. Năm ngoái tôi đã đi Roma, đã được nhìn thấy ĐTC thật gần và chụp bao nhiêu hình rồi, nên tôi mới định ngồi ngoài xe. Nhưng vì nể "các bà" nên tôi mới đi vào, không ngờ tôi được nhìn thấy ĐTC quá rõ, quá gần hơn hồi Roma nhiều. ĐTC còn quay sang phía tôi ban phép lành nữa chứ, thật là quá sung sướng, chỉ tiếc là tôi không chuẩn bị máy chụp hình sẵn nên không chụp được tấm nào."
Tôi cười đùa:
"Vậy thì lần sau "các bà" bảo gì thì cứ làm theo như vậy nhé!"
Sau đó chúng tôi theo giòng người cuồn cuộn chảy ra về mà lòng hân hoan nhẹ nhàng, mọi đau đầu gối, nhức chân hình như tan biến mất cả. Ai cũng tíu tít vui vẻ kể lại lúc nhìn thấy ĐTC.
Khi chúng tôi về ngang khu "Security Entry Points" tưởng là đã ngưng làm việc rồi, nhưng không vẫn từng giòng người tuôn vào để tham dự "Festival of Families" với ĐTC và có người còn cho biết sẽ ngủ lại đêm để xí chỗ cho " Papal's Parade" chiều mai trước thánh lễ bế mạc WMF.
Hôm sau đoàn chúng tôi dự lễ sáng Chúa nhật ở đền thánh Katherine,( vị thánh đầu tiên của nước Mỹ, người đã thừa hưởng 1 gia tài khổng lồ, nhưng đã dành hết cho công tác từ thiện và giáo dục, rồi đi tu dâng mình cho Chúa).
Sau lễ chúng tôi đi đến địa điểm gần"Ben Franklin Parkway" để tham dự thánh lễ bế mạc qua màn hình lớn TV ngay giữa đường phố, vì tan lễ chúng tôi sẽ lên đường đi Washington DC luôn.
Ở đây chúng tôi gặp 1 đoàn giáo dân từ Việt Nam sang, đi theo tour của Transviet, nghe nói tổng cộng lên tới hơn 80 người và có 7 linh mục tháp tùng. Khi màn hình xuất hiện bản kinh cầu cho WMF bằng tiếng Việt, mọi người chúng tôi vui mừng đọc theo và xúc động đem máy chụp hình ra chụp lại bản kinh, không phải chỉ có hằng triệu người ở đây xem thấy, mà còn có hàng chục triệu người khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới xem thấy.
Tôi tự hào vì "Tiếng Việt mến yêu của tôi" đã được hiển thị trên tầm vóc quốc tế. Trước giờ cử hành thánh lễ bế mạc, mọi người 1 lần nữa lại được chứng kiến " Papal's Parade" với hàng triệu người hâm mộ.
(Theo tin Reuter có khoảng 1, 5 triệu người tham dự) hò reo, vui mừng chào đón ĐTC và cảnh ĐTC dừng lại để hôn và chúc phúc lành cho các em bé, diễn ra có lẽ hơn chục lần. Trên khán đài cử hành thánh lễ tôi thấy xuất hiện những tà áo dài trắng Việt Nam của các ca viên người Việt.
Đến phần đọc thánh thư bằng tiếng Việt do 1 sơ phụ trách, những người các sắc tộc khác ngồi chung quanh thắc mắc:
- What's name of that language?.Tôi hãnh diện trả lời họ : "It's our Vietnamese language"- "It's wonderful" - "Thank you. Yes, it is".
Trong những lời nguyện khác nhau được dâng lên để cầu cho Giáo Hội, và các gia đình cũng có một lời nguyện bằng tiếng Việt của chúng ta.Đến cuối lễ tới phần trao sách Phúc âm cho các gia đình đại diện 5 lục địa, ( giờ chót có thêm 1 đại diện gia đình đến từ Syria, 1 đất nước đang chịu nhiều đau khổ chiến tranh loạn lạc, nói lên sự quan tâm ưu ái của ĐTC đối với dân tộc đang đau khổ này).
Chúng tôi nóng lòng hồi họp chờ đợi sự xuất hiện của gia đình Việt Nam, đại diện cho lục địa Châu Á. Và kìa họ đã xuất hiện gồm vợ chồng con cái, có cả bé gái bồng trên tay, tất cả đều mặc y phục cổ truyền Việt Nam áo dài khăn đóng, cúi đầu nhận cuốn Phúc âm do chính ĐTC trao tặng.
Tất cả chúng tôi đứng dậy vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, một niềm cảm xúc lan truyền giữa chúng tôi, những nguời giáo dân Việt Nam có mặt trong giờ phút đặc biệt này. Thật là một niềm tự hào lớn lao chưa từng có cho cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ và cả thế giới, vì chưa bao giờ tiếng Việt và hình ảnh Việt Nam được thể hiện nhiều và trang trọng đến vậy trong một sự kiện lịch sử quan trọng mang tầm vóc quốc tế, đặc biệt là với sự hiện diện của ĐTC Francis, người đang được cả thế giới yêu mến.
Một cô bạn ở nhà (OC) gọi ĐT cho tôi kể lại:
"Chỉ ở nhà ngồi xem tivi mà cũng đã thấy tự hào chất ngất và còn thêm hãnh diện vì có 1 người bạn cũng đang có mặt ở Phila để chứng kiến và tham dự sự kiện lịch sử quan trọng này".
Trên đường về niềm tự hào như vẫn còn vang vọng đâu đây khi tôi nhớ lại lời ĐTC trong bài giảng vừa rồi: "Tình yêu được biểu lộ bởi những điều nhỏ bé... . Chúng là những dấu hiệu nhỏ bé của dịu hiền, âu yếm và cảm thương trong gia đình" và tôi thấy điều đó đã được thể hiện qua hình ảnh cảm động dễ thương của đôi vợ chồng già khi hôm qua tôi tham dự thánh lễ chung với Cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Phila: Ông bị stroke, ngồi xe lăn và bà đã đẩy xe đưa ông đi tham dự.
Khi ông run run đứng dậy lúc nghe Phúc âm, bà đã nhẹ nhàng nâng ông lên, và tôi thấy bàn tay bà luôn âu yếm nắm lấy tay ông trong niềm cảm thương sâu xa với người bạn đời. Hình ảnh này làm tôi xúc động, đó phải chăng là hình ảnh sống động của 1 gia đình Việt Nam truyền thống, sống yêu thương chung thủy và chăm sóc nhau tới cuối đời. Ước gì mỗi gia đình Việt Nam dù sống ở nơi đâu vẫn tiếp tục giữ gìn nét truyền thống tốt đẹp đó để chúng ta có thể tự hào gia đình Việt Nam từ ngàn xưa và sẽ còn mãi trong tương lai luôn sống theo tinh thần: "Sứ vụ của mỗi người chúng ta là Yêu Thương. Gia đình là nơi thực hiện sống động đầy đủ tinh thần đó."
Khi nghĩ về những nét văn hóa truyền thống đẹp của gia đình Việt Nam, bỗng nhiên lời bài hát cảm động bày tỏ sự hiếu thảo, biết ơn của con cái đối với cha mẹ, hát lúc kết thúc thánh lễ Việt Nam hôm qua như trở lại trong đầu tôi:
Con sinh đến trong đời An vui nhờ có ơn Trời Và ơn cha mẹ Suốt đời coi nhẹ khổ đau
Xin cầu chúc mỗi mái ấm gia đình Việt Nam là 1 vườn hoa yêu thương, nơi mà ông bà, cha mẹ, con cháu " mỗi người là một cành hoa, cùng đem đây về đây góp nhánh. Làm thành vườn hoa, muôn màu, muôn sắc tươi xinh."
Mong lắm thay!
Phượng Vũ, 5/10/2015
|