CHA THÁNH PIÔ, Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Cha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887. Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô. Pietrelcina, được gọi tên là Francesco Forgione.
Ngài lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo đức. Lúc http://caccioppoli.com/Padre%20Pio%20add%204/wo005.jpg khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.
Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm 1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52 năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại thời hiện đại.
Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.
Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các phép lạ kèm theo: nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.
Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời cha Piô” có kể lại rằng:
“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.
Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh. Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi. Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.
Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở. Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.
Ngài rên rỉ, "Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu." Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.
Ngài cầu xin, "Xin đừng để con khiếp sợ." Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.
Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…
Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết.
Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ. Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc.” Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác. Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ và xin tôi cầu nguyện.” Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người. Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”, trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy ngài. Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người. Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968.” Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.
Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa. Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.
Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.
Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa. Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.
Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học.
Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|