Muốn
làm đầu thì phải phục vụ trong khiêm hạ.
(Suy niệm
của Lm Trần Bình Trọng)
Trong Thánh kinh Cựu ước,
nhiều lời tiên tri về Đấng cứu thế
đề cập đến một vương quốc
phổ quát có tính cách hoàn cầu. Theo lời các ngôn sứ, thì đến
một thời gian nào đó, tất cả các dân tộc
đều qui phục dòng dõi Đavít, và các chư
dân sẽ hướng về Giêrusalem. Tuy nhiên
các ngôn sứ nói về một vương quốc thiêng
liêng mà Đấng cứu thế sẽ thiết lập.
Mặc
dù một lần nữa trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu báo
trước việc Người sẽ phải chịu
khổ nạn và tử hình, rồi được phục
sinh, các tông đồ vẫn không nhận thức
được ý nghĩa của lời Người
giảng dạy. Họ vẫn còn nuôi hi
vọng Thầy mình sẽ thiết lập một
vương quốc trần gian. Vì
thế dọc đường, họ tranh luận với
nhau xem ai sẽ là người quan trọng nhất trong
vương quốc của Chúa.
Để
loại trừ quan niệm sai lầm về Đấng
cứu thế, Chúa Giêsu lập tức triệt hạ tính
tự kiêu tự đại của họ, bằng cách
dạy họ về đức khiêm tốn: Ai muốn làm
người đứng đầu, thì phải làm
người rốt hết và làm người phục
vụ mọi người (Mc 9,35). Theo lời Chúa dạy thì tính tự kiêu tự
đại là một nết xấu mà người môn
đệ Chúa phải xa tránh và loại trừ để
luyện tập nhân đức khiêm tốn để làm
người rốt hết. Một vài
hậu quả của tính tự kiêu mà ta đọc
thấy trong thánh kinh là các thần dữ, vì không vâng lời
phụng sự Thiên Chúa, nên đã bị đày ải
xuống âm phủ. A-đam và E-và đã bị
đuổi ra khỏi vườn địa đàng,
cũng vì nghĩ rằng mình có thể trở nên ngang hàng
với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm.
Cội rễ của sự dữ là ghen tương và kiêu
ngạo như trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nêu ra những
ý định cuả người kiêu ngạo định
làm để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và lên án người công chính. (Kn 2,1-20).
Đó cũng là điều mà thánh Giacôbê tông đồ
nhận xét trong thư gủi giáo đoàn: Ở đâu có
ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo
trộn và đủ mọi việc xấu xa (Gc 3,16).
Phúc âm hôm nay đưa ra hình ảnh
của trẻ em để dạy ta bài học về
đức khiêm tốn.
Quan sát người ta thấy những đặc tính
của con trẻ là tín nhiệm, đơn sơ và chân
thành. Trẻ con thường không có tham vọng và không
tự phụ. Đón nhận trẻ em có nghĩa là đón
nhận những người giống như trẻ con:
người khiêm tốn, người thấp hèn,
người nghèo đói, người đau yếu, người
yếu thế, người bị bỏ rơi.. Nếu phân tích, ta thấy người khiêm
tốn có nhiều đức tính của trẻ con.
Người khiêm tốn là ngưòi biết nhận ra mình
yếu hèn, tội lỗi và tuỳ thuộc vào Chúa trong
mọi sự, và hành động theo
sự xác tín của mình: không giả tạo, không đóng
kịch. Người khiêm tốn là
người biết tuỳ thuộc vào quyền năng
của Chúa, vào ơn khôn ngoan và chương trình quan phòng
của Chúa.
Trinh nữ Maria nêu gương mẫu
cho ta về đức khiêm tốn. Trinh nữ không mơ
ước địa vị làm mẹ Đấng cứu
thế như giới phụ nữ Do thái thời bấy
giờ. Thiên Chúa nhìn thấy lòng khiêm
tốn của trinh nữ Maria nên đã chọn trinh nữ
làm mẹ Đấng cứu thế. Khiêm tốn
thực sự là sống trung thực với lòng mình và nhìn
nhận sự thực về mình: ưu điểm cũng
như khuyết điểm. Vì nhìn nhận
sự thực về mình nên trinh nữ Maria đã cất
tiếng ca tụng Thiên Chúa về những việc
trọng đại Người đã thực hiện
nơi mình trong kinh Ngợi Khen (Magnificat).
Chính Chúa Giêsu đã đến để
dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa
nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác
yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân
loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu
gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách
rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho
nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến
để đổi ngược lại những giá
trị của loài người. Theo lời Chúa dạy
thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm
kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham
muốn vinh dự và địa vị.
Nói như vậy không có nghĩa là Chúa
Giêsu ngăn cản người ta làm lớn. Trong xã hội cũng như trong Giáo
hội phải có những người làm lớn, những
người nắm giữ địa vị nọ kia để điều hành guồng máy
tổ chức trong Giáo hội và xã hội. Tuy
nhiên Chúa bảo làm lớn là để phục vụ
chứ không phải chỉ vì ham chức tước. Làm lớn còn có nhiều cơ hội và
phương tiện để phục vụ như có ngân
khoản, có người thừa hành. Chúa bảo ta
chỉ tìm được sự bình an và
hạnh phúc thực sự khi sống trong gương
mẫu khiêm tốn phục vụ. Chúa chỉ cho ta thấy
việc làm vĩ đại thật,
không phải là việc phô trương cho người khác
biết đến, nhưng được tìm thấy trong
việc quên mình để phục vụ tha nhân. Và đó là một nghịch lý của Kitô giáo.
Để nhắc nhở cho mình và cho hàng giáo
sĩ và giáo dân lời Chúa dạy về việc khiêm
tốn phục vụ, các Đức giáo hoàng thường
thêm châm ngôn La tinh Servus servorum, có nghĩa là đầy
tớ của các đầy tớ vào trước chữ
kí tên.
Lời
cầu nguyện xin cho được noi gương khiêm
tốn phục vụ:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa
và là Chúa. Chúa đã đến
thế gian làm người để dạy bảo nhân
loại bài học phục vụ trong khiêm hạ. Xin
tha thứ những lần con tỏ ra tự kiêu, tự
đại và tự phụ với những người anh
chị em con.
Xin dạy con biết nhận ra sự
hiện diện của Chúa nơi người anh chị em
con, những người đau khổ, bất hạnh
về thể xác và tinh thần để con biết
phục vụ trong khiêm tốn. Amen.
|