Đời tôi tiến
bước như một con lừa
(Suy
niệm của Lm. GB.
Trần Văn Hào)
Nhà văn Bossuet đã viết: “Ai trong
chúng ta không có thói tự kiêu, người đó là
thượng đế”. Câu nói của nhà văn ngụ ý
rằng, tự bản chất con người chúng ta ai
cũng có cái tôi ích kỷ, thích được người
khác nể trọng và thán phục. Trong xã hội ngày nay,
chúng ta thấy nhan nhản những khẩu hiệu, như
“ Cán bộ là đầy tớ của
nhân dân” hoặc sống “Yêu thương để phục
vụ”... nhưng trong thực tế, nhiều khi đó
chỉ là những khẩu hiệu lý thuyết, và lắm
lúc những khẩu hiệu xem ra đao to búa lớn ấy
chỉ là những sáo ngữ rỗng tuếch. Tuy nhiên,
nếu can đảm và thẳng thắn nhìn lại cách
sống của chính chúng ta là các Kitô hữu, đặc
biệt nơi các anh em linh mục, chúng ta sẽ thấy
rất rõ cái tôi của mình, qua cung cách trịch
thượng hoặc qua lối hành xử hách dịch mà
chúng ta rất hay biểu tỏ ra bên ngoài.
Lời
Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta tiêu chí căn bản
để trở nên môn đệ Đức Giêsu: “Ai
muốn làm đầu phải làm người rốt
hết, và làm kẻ phục vụ mọi người” (Mc
9,35). Khiêm tốn để phục
vụ là bài học căn bản mà chúng ta phải học,
học mãi, học cho tới suốt đời, để
sao chép lại cách sống của chính Đức Giêsu
như Ngài đã từng nói: “Anh em hãy học nơi tôi, vì
tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
Khiêm
nhường, khởi đầu của mọi nhân
đức.
Thánh Tôma Aquinô diễn tả có vẻ
hơi cường điệu. Ngài nói: “Khi chúng ta chết đi, cái tôi của chúng ta
sau 15 phút mới chết hẳn”. Cái tôi ích kỷ và kiêu
căng vẫn luôn đeo bám dai dẳng
nơi tất cả mọi người. Tội
đứng đầu trong bảy mối tội chính là
tính kiêu ngạo. Đây chính là tội
đầu tiên đã du nhập vào trần gian, và đó
cũng là tội mà Thiên Chúa ghét bỏ nhất. Adam
đã sa ngã vì kiêu ngạo muốn trở
nên ngang bằng với Thiên Chúa. Tháp Babel cũng là biểu
tượng của sự kiêu căng khi con người
muốn nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Luxiphe là một thiên thần biến chất
cũng chỉ vì quá tự phụ. Quả thật,
khuynh hướng kiêu ngạo đã ăn sâu nơi bản
tính con người, và trong cuộc sống hằng ngày,
chúng ta luôn phải đấu tranh liên lỉ để
vượt thắng. Trong thư gửi
giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Vì một
người duy nhất đã không vâng phục Thiên Chúa mà
muôn người trở nên tội nhân” (Rm 5, 19). Con
người đó chính là Adam. Tội Adam hay gọi là
tội nguyên tổ, khởi đầu của các giống
tội, chính là kiêu ngạo và bất tuân. Tính kiêu ngạo
đã ăn sâu vào bản tính nhân loại
nơi chúng ta.
Có
một câu ngạn ngữ tây phương đã viết:
“Cái tôi thì đáng ghét” (le moi est haissable).
Ai trong chúng ta cũng biết điều này, nhưng không
phải giản đơn nếu chúng ta muốn khuất
phục cái tôi đáng ghét đó. Thánh Phêrô cũng khuyên
dạy các tín hữu: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường
mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại
kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho ai khiêm
nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ
dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa (1P 5,5-6). Quả thật, khiêm
nhường chính là cửa ngõ dẫn đưa chúng ta
đi vào sự thánh thiện, bởi vì khiêm nhường
chính là mẹ sản sinh các nhân đức khác (tư tưởng
của Tennyson).
Khiêm
nhường: linh đạo Thập giá.
Sự
khiêm nhường mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong bài
Tin mừng hôm nay không chỉ đơn thuần là một
đức tính nhân bản, nhưng đây chính là linh
đạo Thập giá. Đó là con đường trọn
lành mà Đức Giêsu đã gợi mở để mời
gọi chúng ta dấn bước vào: “Ai muốn theo tôi, hãy
bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Hai ngàn năm trước, Đức
Giêsu đã đến trần gian để thực
hiện sứ mạng cứu thế. Ngài đã khởi
đầu cuộc hành trình tại máng cỏ Bêlem và kết
thúc sứ mạng nơi đỉnh cao Thập giá.
Bêlem và Golgôtha là hai thông số của một thực
tại duy nhất: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con
người. Để diễn bày tình yêu,
Thiên Chúa cao cả đã tự nguyện mang lấy kiếp
người hèn hạ. Một Thiên Chúa đầy uy
quyền và dũng lực lại ẩn dấu trong dáng
dấp của một bé thơ mỏng manh và yếu
ớt. Một đứa trẻ mới sinh
ra chưa có thể làm được điều gì.
Nó cần đến vòng tay che chở
của cha, cần những giọt sữa yêu thương
của mẹ để được lớn lên. Trẻ Giêsu còn cần đến cả những
hơi thở của những con bò con lừa giữa
đêm khuya lạnh giá. Vì thế, trong bài Tin mừng
hôm nay, để nói về sự khiêm tốn, Chúa
mượn lại hình ảnh của một đứa bé
như một chuẩn mẫu: “Ai tiếp đón một em
bé như em này vì danh thầy, là tiếp đón chính thầy”
(c.37). Một đứa trẻ trong xã hội
Do thái khi xưa hoàn toàn không có một giá trị gì về
mặt xã hội. Nhưng Đức
Giêsu luôn yêu quý trẻ thơ. Ngài còn đề cao các em
nhỏ và mời gọi các môn đệ phải nên
giống trẻ thơ.“ Thầy
bảo thật anh em, nếu anh em không trở nên như
trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào
nước trời. Vậy ai tự hạ và nên
như trẻ nhỏ này, người ấy sẽ là
người lớn nhất trong nước trời” (Mt 18,2-4). Đứa bé còn là hình mẫu về
sự nghèo khó mà Chúa nói đến. Một đứa con nít
không có vị thế gì trong xã hội. Chúng chẳng bao
giờ dám mơ tưởng sẽ làm ông này hay bà nọ. Chúng cũng nghèo xác nghèo xơ, không có tài sản hay
tiền bạc trong túi. Tinh thần nghèo khó chính là
mối phúc đầu tiên trong tám mối phúc mà Chúa Giêsu
đã công bố trong bài giảng trên núi, và đây cũng
chính là linh đạo thập giá, đi đôi với
sự khiêm tốn nội tâm mà Chúa nói tới trong Tin
mừng hôm nay.
Viễn ảnh thập giá xem ra rất
mù tối đối với các học trò của Chúa Giêsu. “Con người sẽ bị nộp
vào tay người đời. Họ sẽ
giết chết Người, và sau ba ngày Người
sẽ sống lại”. Thánh Marcô xác nhận: “Các ông
không hiểu lời nói đó (Mc 9,32),
bởi vì con đường theo Đức Giêsu còn rất
nhiều trầy truột và gian nan. Đối
diện trước cái chết, Đức Giêsu đã
bị người đời chửi rủa, mạt sát,
và coi khinh. Ngài vẫn không cự cãi
một tiếng, không chống trả một câu. Sự thinh lặng của Ngài không phải là một
sự câm nín thụ động, nhưng đó là ngôn
ngữ phong phú nhất để dạy chúng ta bài học
khiêm tốn. Trong bài đọc thứ nhất, tác
giả sách Khôn ngoan cũng phác vẽ trước viễn
ảnh Thập giá này: “Ta sẽ hạ nhục nó và tra
tấn nó để biết nó hiền hòa làm sao, và
để xem nó nhẫn nhục tới mức nào. Nào ta
sẽ kết án cho nó chết một cách
nhục nhã” (Kn 2, 19-20). Mầu nhiệm
Thập giá hàm ngậm sự tự hủy luôn luôn là
một thách đố đối với các học trò
của Chúa Giêsu năm xưa cũng như đối
với mọi người chúng ta hôm nay. Thánh Phaolô trong
thư gửi giáo đoàn Philip cũng vạch dẫn con
đường này, và Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào linh
đạo Thập giá như là khung căn bản
định hình sự khiêm tốn nội tâm: “Đức
Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất
quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân
phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như
người trần thế. Người
lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên Thập tự
(Phil 2, 6-8).
Vì vậy, sự khiêm tốn không
chỉ đơn thuần là một đức tính nhân
bản, nhưng chính là linh đạo Thập giá. Chúng ta học sống khiêm
nhường không phải theo
gương của vị vĩ nhân này hay lối sống
của nhà hiền triết nọ, nhưng chúng ta
được mời gọi nhìn vào chính Đức Giêsu
chịu đóng đinh để sao chép lại lối
sống và tiếp bước dấu chân của Ngài. “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi hiền lành và khiêm
nhường trong lòng”.
Đời
tôi tiến bước như một con lừa.
Đây là tựa đề một
quyển sách Đức Hồng y Etchegarey đã viết khi
suy tư về hành trình ơn gọi của mình. Ngài vay mượn hình tượng
một con lừa để mô tả. Người
đời vẫn thường nói: “Ngu như bò và dốt
như lừa”. Nhưng bò và lừa lại là
hai vị thượng khách được ưu tuyển
để đến cung chiêm Vua Trời đất khi Ngài
mới hạ sinh. Đức Hồng y cũng
mượn lại hình ảnh con lừa chở Chúa
tiến vào Giêrusalem để nói về hành trình ơn
gọi của Ngài. Người dân hai bên đường
vỗ tay reo hò, trải áo và cầm cành
lá trên tay để nghinh đón. Con lừa vẫn không vênh
mặt lên để tự mãn, vì những lời tung hô đó dành cho Chúa chứ không phải cho
nó. Nó mãi mãi cũng chỉ là một con lừa mà thôi. Đường vào Giêrusalem đầy sỏi
đá làm chân nó đau nhức, nó vẫn không một lời
kêu than. Con lừa vẫn cứ âm thầm lặng
lẽ mang Chúa trên vai, và tiến bước một cách ngoan
thuần. Nó khiêm tốn bước đi
để Chúa hướng dẫn, và suốt đời nó
mãi mãi vẫn chỉ là một con lừa mà thôi. Cuộc hành trình ơn gọi của mỗi
người chúng ta cũng phải giống như vậy.
“Đời tôi tiến bước như
một con lừa” chính là như thế. Thái độ
căn bản chúng ta cần phải có là khiêm tốn
để Đức Giêsu hướng dẫn đời
mình. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta,
như Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, này con xin
đến để thi hành thánh ý Cha”. Khi đi vào trần
gian, Ngài đã đến “ không phải
để được phục vụ nhưng để
phục vụ và hiến ban mạng sống làm giá chuộc
cho nhiều người” (Mt 20,28).
Chủ
nghĩa ‘cha chú’ (paternalism)
Thánh Phanxicô Assisi là gương mẫu
cho chúng ta về tinh thần khiêm tốn và nếp sống
khó nghèo. Ông Stalin, một
lãnh tụ vô thần, cho dù không tin vào Thiên Chúa, nhưng khi
đọc tiểu sử của thánh nhân đã thốt lên:
“Nếu tôi có trong tay 10 người như Phanxicô, tôi sẽ
làm thay đổi cả bộ mặt thế giới”. Con
người chúng ta ít nhiều ai cũng có bệnh sỹ
diện, thích phô trương cái tôi của mình. Căn
bệnh trầm kha này không phải chỉ có nơi giáo dân,
nơi các ông trương ông trùm, nhưng có ngay cả
nơi các anh em linh mục. Một Cha già đã chia sẻ
rằng, khi các linh mục được mọi
người kính trọng và gọi bằng cha, rất dễ
quên đi ơn gọi làm con nơi mình. Ngài
nói tiếp “Nhiều cha lại cứ thích ‘chơi cha’ thiên
hạ, qua lối hành xử trịch thượng và
hống hách, thậm chí còn dùng tòa giảng để
chửi bới giáo dân. Đó là lối sống theo chủ nghĩa cha chú (paternalism) mà
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết án rất mạnh
mẽ khi Ngài nói với giáo triều Rôma dịp Noel năm
ngoái (ngày 22/12/2014). Điều nhận xét trên không phải mang tính cách vơ đũa cả nắm, nhưng
rất cần thiết cho mọi người, nhất là
các anh em linh mục, để chúng ta biết can đảm
và thẳng thắn nhìn lại chính mình khi thi hành tính năng
mục tử.
Kết
luận: Tôi tớ của các tôi tớ
Sau hết, chúng ta hãy nhìn lên Đức
Maria như là khuôn mẫu nội tâm để chúng ta
học nơi Ngài bài học khiêm nhu. Mẹ vẫn luôn coi mình
chỉ là “tôi tớ” của Thiên Chúa. Bí quyết duy
nhất của Đức Maria khi thực hành sự khiêm
tốn và vâng phục là luôn thưa lời “xin vâng”,
tuyệt đối để Thiên Chúa hướng dẫn
đời mình. Mẹ đã cảm nghiệm rất sâu
lắngsự khiêm tốn ấy khi cất lên bài ca
Magnificat: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Người
nâng dậy những ai khiêm nhu”. Bắt chước
Đức Maria, người nữ tỳ (serva) của
Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Gioan 23 và Đức Phaolô
đệ lục khi chuẩn nhận các văn kiện công
đồng Vatican II luôn luôn đặt bút ký tên của mình
với hàng chữ “ servus servorum” (tôi tớ của các tôi
tớ). Còn các Kitô hữu, cách riêng các anh em linh
mục, chúng ta đã hành xử và thực thi quyền bính
được trao phó cho chúng ta, “những tôi tớ của
các tôi tớ” như thế nào?
|