Con Người bị nộp vào
tay người đời
(Giải
thích và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ
cảnh
Ở
Mc 9,31, chúng ta có một bản văn
lặp lại lời loan báo Thương Khó ở 8,31. Tác
giả cũng nhắc lại tình trạng không hiểu
biết của các môn đệ, mà ta đã thấy
được tỏ lộ nơi phản ứng của
Phêrô trên núi (9,5; x. 10,32). Ghi chú về
địa lý của chuyến băng ngang miền Galilê
nhằm nhắc nhớ rằng kể từ 8,27,
Đức Giêsu không quay trở lại miền này nữa;
Người đang trên đường đi lên Giêrusalem. Đức Giêsu không muốn bị níu kéo vô ích trong
cuộc hành trình này. Quả đúng là theo 9,33, Người lại có mặt ở
Caphácnaum, nhưng ta không thể nói về một hoạt
động mới ở Galilê nữa. Những
gì xảy ra ở Caphácnaum chỉ liên hệ đến các
môn đệ mà thôi.
2.- Bố
cục
Bản
văn này có thể chia thành hai phần:
1)
Loan báo Thương Khó lần thứ hai (9,30-32);
2)
Giáo huấn về đời môn đệ (9,33-37).
Phần hai là khởi đầu của
một bài diễn từ đa tạp kéo dài tới c. 50. Khối này, dường
như có trước TM Mc được đặt trong
Diễn từ về Đời sống cộng đoàn
trong TM Mt (ch. 18). Mc tìm cách tạo sự thống
nhất cho đoạn này bằng cách ghép vào một vài ghi
chú tiêu biểu của ngài (c. 30: bí mật; c. 31: dạy; c.
32: các môn đệ không hiểu và sợ; c. 35: “nhà”
đối lại với “đường”; c. 34: cãi nhau).
3.- Vài
điểm chú giải
- băng
qua (30): Động
từ paraporeuomai là một từ được tác giả
ưa chuộng, bởi vì động từ này
được dùng 5 lần trong Tân Ước, thì 4 lần
ở trong TM II.
- Bị
nộp (31): Ta có thể
nghĩ đến ngôn sứ Giêrêmia (Gr 26,24), đến
những Thánh vịnh về người trung hiếu
đau khổ (Tv 70/71,4; Tv 139/140,5) và đến “các thánh
của Đấng Tối Cao bị nộp” vào tay vua
Antiôkhô Êpiphanê (Đn 7,22-25). Vậy cuộc
Thương Khó của Đức Giêsu sẽ cô đọng
và thể hiện trọn vẹn sự đau khổ
của những người công chính, thân phận bị
bách hại của các ngôn sứ, cái chết của
những vị tử đạo.
Động
từ nộp (paradidômi) là động từ
chuyên môn để nói về sự phản bội (Giuđa
“nộp” Đức Giêsu cho các thượng tế: 14,10; các vị này “nộp” Người cho
Philatô: 15,1.10; ông này lại “nộp” Người cho lính:
15,15). Đức Giêsu liên tiếp bị chuyển cho
quyền hành của mọi lực lượng gian ác: “bàn
tay” là biểu tượng của quyền hành, quyền
lực, (x. 9,13 nói về Êlia-Gioan Tẩy
Giả, nhưng cũng là báo trước số phận
của chính Người). Lời loan báo thứ ba sẽ nói
chi tiết; và đây là một chướng kỳ quá
lớn: một người Do Thái bị những
người Do Thái nộp cho Dân ngoại, một sứ
giả của Thiên Chúa bị nộp cho người
ngoại giáo!
Cho
đến lúc này, người ta vẫn có thể hiểu
lời loan báo này liên hệ đến những sáng kiến
và những trách nhiệm của loài người (Mc 14,21; x. Ga 19,11). Thế nhưng
lời nói ở thái bị động (paradidotai, “sẽ
bị nộp”) còn là một kiểu nói quanh để
chỉ hành động của Thiên Chúa. Nếu
vậy: “Thiên Chúa sẽ nộp Con Người vào tay loài
người”, không phải là sự gian ác đang hoành hành và
thắng thế, nhưng là chính chương trình của
Thiên Chúa đang được thực thi xuyên qua sự
ngang trái (x. Ga 3,16; Rm 8,32)! Đức Giêsu ý
thức Người đang đi vào cuộc Thương
Khó như biến cố trung tâm của chương trình
cứu độ của Thiên Chúa.
- Khi
về tới nhà (33): Để
các ông có thể trở thành môn đệ thực sự,
cần phải có một sự dẫn nhập. Chủ đề “ngôi nhà” có mục tiêu ấy.
Thường thường, Mc không xác định ngôi nhà
ở đâu,
nhưng xác định chức năng của
ngôi nhà: nơi Đức Giêsu quy tụ môn đệ
(3,20.31-35), những cuộc trò chuyện riêng tư và
những giải thích dành riêng (7,17; 9,28; 10,10; x. 4,10.34), xa
cách đám đông và các đối thủ. Thế nhưng
lần này tác giả xác định ngôi nhà ở Caphácnaum:
phải chăng là nhà Simôn (1,21-29; 2,1), là
biểu tượng của cộng đoàn Giáo Hội?
-
Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai
lại (35): “Ngồi” là tư
thế của vị thầy khi giảng dạy (x. c. 35; 4,1; Mt 5,1; Lc 4,20; 5,3;...); Người sẽ
chỉ trỗi dậy khi xong câu truyện (10,1: anastas). Chi tiết “gọi Nhóm Mười Hai lại” không
hợp lý, khi mà Đức Giêsu đã đang ở trong nhà
với các ông. Nhưng cử chỉ ra
lệnh này rất có thể nhằm nêu bật tầm quan
trọng của lời giáo huấn.
- Ai
muốn làm người đứng đầu … làm
người phục vụ (diakonos) mọi người:
Xem 10,43-44. Đức Giêsu
không loại bỏ ý muốn là người đứng
đầu, nhưng Người chỉ cho thấy con
đường đúng đắn đưa tới đó.
Lý tưởng về lãnh đạo như là
phục vụ sẽ được Đức Giêsu nêu
gương trong phần Tin Mừng còn lại. Khi nói đến “diakonos”, Người xác
định kiểu phục vụ. Người không
nhắm đến việc phục vụ cưỡng
chế của người nô lệ (doulos) mà là việc
phục vụ tự do của người tôi tớ, do chính
người này muốn và thích; công việc này đòi
hỏi sự chú tâm trọn vẹn và tất cả các
khả năng của người ấy để mưu
ích cho người khác.
- một em nhỏ (36): Em nhỏ ở đây không phải là
biểu tượng của sự vô tội hoặc khiêm
nhường, nhưng là biểu tượng của
một người không có quy chế pháp lý nên không
được trợ giúp (yếu thế). Đứa bé
không thể làm gì cho người môn đệ. Đón
tiếp một em nhỏ là làm một việc tốt cho
một con người không đáng kể, mà không mong
được đền đáp. Đây không
phải là cho một món bố thí rồi bảo họ
đi, nhưng là săn sóc và chịu trách nhiệm về
họ.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Loan báo
Thương Khó lần thứ hai (30-32)
So
sánh với Mc
8,31 và 10,32-34, ta thấy Lời loan báo thứ hai này ít chính
xác hơn cả, lại ngắn hơn, nên rất có
thể là lời ở tại gốc. Hơn nữa, câu này
còn có kiểu chơi chữ “Con Người/người”
và kiểu nói quanh theo thái bị
động để diễn tả hành động
của Thiên Chúa (“bị nộp”). Tất
cả những chi tiết đó chứng tỏ câu này có
một nguồn gốc A-ram.
Với lời tiên báo thứ hai này
về Thương Khó, tác giả Mc có thể quy
hướng hoạt động của Đức Giêsu
về Giêrusalem cách dứt khoát hơn. Galilê không còn có thể
cầm giữ Đức Giêsu nữa. Các môn
đệ đi theo Thầy trên
đường Người đi. Ai bịt tai
lại thì sẽ không nắm bắt được các
đòi hỏi tương lai.
* Giáo
huấn về đời môn đệ (33-37)
Phân
đoạn này bắt đầu với một xác
định chính xác về địa điểm: Caphácnaum. Tuy nhiên, những gì tiếp đó không
được liên kết với nơi ấy, mà có
thể được nói ở bất cứ nơi
đâu. Chi tiết địa lý này nhằm tạo
cơ hội để Đức Giêsu ban cho các môn
đệ một bài học tại địa điểm
quen thuộc nhất của miền Galilê.
Đức
Giêsu đã chọn ví dụ về phục vụ này vì vào
thời của Người, các trẻ em bị coi như
là những kẻ thấp bé nhất và bị khinh
thường; với ví dụ về em bé, Đức Giêsu
muốn cho các môn đệ thấy rằng các ông phải
phục vụ cả những người thấp bé cùng
rốt nhất. Người đã thiết lập một
tiêu chuẩn tổng quát để phân biệt điều
thất sự quan trọng và đúng đắn trong
đời sống và trong lối cử xử của con
người.
Các môn đệ phải tiếp đón
Nước Thiên Chúa như các trẻ em, có nghĩa là các ông
không thể đi vào đó bằng sức lực riêng. Cũng như các em bé,
các ông phải cảm thấy mình được tình yêu
của Thiên Chúa che chở, bảo vệ, và phải
để cho mình được Thiên Chúa lấp đầy
bằng những ân huệ. Chính Đức Giêsu vẫn quay
về với Thiên Chúa như về với Người Cha
đầy tình yêu thương (Abba) (14,36)
và biết rằng Người được Cha che
chở bằng tình yêu của Cha.
+ Kết
luận
Chỉ
có Mc mới đặt ba lời loan báo Thương Khó và
Phục Sinh “trên đường”, trong khung cảnh một
cuộc hành trình đưa Đức Giêsu cùng với các môn
đệ khởi hành từ Xêdarê Philípphê đến
tận vùng cực bắc, xuyên qua miền Galilê, đến
tận Giêrusalem qua nẻo Giêrikhô. Rõ ràng ngài muốn dạy
chúng ta rằng kể từ lời tuyên xưng của
Phêrô, Đức Giêsu chính thức đi vào bước
thực hiện kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa và mạc khải dứt khoát về bản thân
Người cũng như công việc của Người,
bằng cách dấn vào một nẻo đường
mới sẽ đưa Người đến cái
chết. Nẻo đường của Con
Người, nẻo đường Khổ Nạn, là
một nghịch lý huyền bí chỉ được vén
mở trong sự kín đáo.
5.- Gợi
ý suy niệm
1.
Đức Giêsu muốn lôi kéo tất cả những
bạn đường của Người đi trên con
đường này. Đến lời loan báo thứ ba, ta
thấy Người đi đầu, một mình, còn các môn
đệ đi theo sau, kinh hoàng. Chính Người hỏi đầu tiên, nhưng
họ thì im lặng. Rõ ràng họ thật vất
vả khi phải theo Người trên
nẻo đường này. Con đường là khung
cảnh giúp hiểu sự cương quyết của
Đức Giêsu đi thi hành thánh ý Chúa Cha, cho thấy sự
cách biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ
cũng như tâm trạng thực của các ông. Như các
môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta sợ hãi khi
Người cho chúng ta thấy Người là “người
tôi tớ” hiến mạng sống vì chúng ta; vì chúng ta
muốn tiếp tục yên ổn đọc kinh và làm các
nghi thức thay vì suy nghĩ và dấn thân theo
các đòi hỏi của Tin Mừng.
2.
Người môn đệ được khai tâm để
có phong cách người tôi tớ trong và do cộng đoàn:
tại đó, người ấy sẽ học thay thế
mối bận tâm về chỗ nhất gây chia rẽ và
đối lập, bằng nỗ lực tìm kiếm
chỗ chót, như phương thế duy nhất
để kiến tạo được sự hoà
thuận khắp nơi (x. 9,50). Như
thế, người ấy sẽ có thể thật sự
bước theo Đức Giêsu trên
nẻo đường tiến về Giêrusalem. Sự cao
cả được đo lường không phải
bằng thành công và danh tiếng, nhưng bằng giá trị
của công việc phục vụ ta cống hiến.
3.
Các trẻ em có thể được coi như một
địa chấn đồ (sismographes) của xã hội
loài người. Nếu các em phát triển bình
thường, điều đó chứng tỏ tương
quan giữa những người lớn đang lành
mạnh; nếu các em trở nên bất bình thường,
điều đó cho thấy lối sống của
người lớn có gì sai trái, méo mó. Thật
ra, tất cả những gì gây tổn hại cho các trẻ
em thì cũng chẳng xây dựng gì cho người lớn.
4.
Bằng cách lấy một em bé làm điển hình,
Đức Giêsu muốn tất cả chúng ta hiểu
rằng cộng đoàn Kitô hữu phải đặt
những người không đáng kể, những
người nghèo nhất, tại trung tâm của các mối
quan tâm của họ, của sự bạn tâm của
họ. Chúng ta có thể yêu thương, “ôm
lấy” những con người bị loại trừ,
như thánh Phanxicô Assisi ngày xưa đã ôm hôn người
phong cùi chăng?
|