Chất người trong tôi - Lm.
Phêrô Bùi Quang Tuấn
“Ở
đâu có ghen tương, tranh chấp, ở đó có
hỗn độn và các thứ tệ đoan… Chinh chiến tự đâu? Đấu
tranh tự đâu? Nếu không phải là
tại các đam mê dục tình hằng làm giặc nơi chi
thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà
không được, nên anh em giết nhau. Anh em ghen
tương mà không được, nên anh em đấu tranh,
chinh chiến và cãi vã” (Gc 3:16-4:2). Lời chất
vấn và khiển trách của Thánh Giacôbê tông đồ
khiến tôi nghĩ đến một câu chuyện.
Có một chàng thương gia nọ
rất sùng đạo; mặc dầu lo làm ăn
vất vả nhưng dường như anh ta không bao
giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp phải thời kỳ có cạnh tranh trong
công ăn việc làm, anh ta càng khẩn cầu tha thiết
hơn. Động lòng trắc ẩn, một hôm
thần tiên đâu đó hiện ra với anh và phán:
“Thấy nhà ngươi cứ thành tâm cầu xin nên ta không
nỡ làm ngơ. Bây giờ hãy cho ta biết
ước muốn của ngươi. Điều gì
ta cũng ban cho. Đồng thời để tỏ cho
thế nhân biết được lòng quảng đại
của ta thì hễ thứ gì đã ban cho ngươi thì ta
cũng sẽ ban cho tha nhân, đồng nghiệp của
ngươi như thế và có khi gấp đôi luôn.”
Nghe thần phán, lòng anh thương gia
chuyển từ vui mừng sung sướng qua ưu tư
lo buồn. Anh tự nhủ: “Nếu bây giờ mình xin cho
được một chiếc xe Lexus
thì mấy người bạn, chúng nó sẽ
được hai chiếc. Ái dà, không được
đâu! Nhưng nếu xin cho được trúng số
một triệu thì mấy nhà xung quanh, họ sẽ
được tới hai triệu mất. Thế
thì không ổn!”
Anh tiếp tục suy nghĩ: “Nếu
mình xin cho có vợ đẹp con khôn, thì rồi đồng
nghiệp của ta, chúng sẽ có vợ đẹp gấp
đôi vợ mình, con khôn và giỏi gấp đôi con mình.
Thế thì lại càng không ổn… Đó là
chưa nói tới chuyện chúng có tới hai vợ trong khi
mình chỉ được một. Trong
thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải
làm sao cho hơn người chứ. Nhưng nếu
xin theo kiểu này thì thật là thất
sách vô cùng!”
Chàng thương gia đắn đo
không biết nên xin cái gì. Sau một hồi lâu ưu tư,
anh ta chợt reo lên như vừa tìm thấy điều chi
hay lắm. Anh thành kính quì xuống thưa với thần:
“Lạy Ngài, xin cho con đui một con mắt.”
Không
xin cho được khá giả may mắn vì sợ
người khác sẽ được hơn, nhưng
lại xin cho bị rủi ro thiệt hại một tí
để kẻ khác bị khốn đốn bất
hạnh nhiều hơn. Xin cho mình đui một con mắt
để người khác bị mù cả hai quả là quá
tiểu nhân và quá dã tâm. Một tâm địa xấu xa
nhỏ nhen! Thế nhưng nếu thành
thật rà soát lại lòng mình thì không chừng cái chất
tiểu nhân kia-những so sánh hơn thua, những
đố kỵ ghen ghét-cũng đang ẩn nấp đâu
đó trong hồn tôi. Để rồi nếu
được thành công, may mắn, xinh
đẹp… hơn người, thì nó sẽ nằm yên
bất động. Còn như kẻ khác trổi
vượt, thì chất tiểu tâm và lòng dã nhân kia sẽ bùng lên với những gì là khó
chịu và đắng cay. Thế rồi những xung
khắc cay chua, những tổn thương tình
người, những xúc phạm nhân phẩm cứ từ
đó mà phát sinh và lan đi.
Trong Thánh Kinh không thiếu những câu
chuyện như trên. Chẳng hạn trường hợp 12 môn
đệ thân tín của Chúa Giêsu. Bỏ tất cả
mọi sự đi theo Ngài, bất
chấp nắng mưa, cực nhọc, túng thiếu. Ăn ở với nhau rất đề
huề vui vẻ. Nhưng rồi một ngày kia, một
người đàn bà xuất hiện, xin cho hai anh Gioan và
Giacôbê được ngồi bên hữu, bên tả
Đức Giêsu sau khi Ngài khải hoàn vinh quang.
Thế
là sinh chuyện! Kinh Thánh nói rõ: mười môn đệ kia phẫn uất với hai anh em con nhà
Zêbêđê. Không biết chiến tranh nóng lạnh giữa các
tông đồ đi đến mức độ nào,
chỉ biết rằng sau đó, Chúa Giêsu phải can
thiệp và dạy cho các ông một bài học của khiêm
nhường, quên mình, thí mạng để làm giá chuộc
thay cho nhiều người.
Một
ví dụ khác là câu chuyện Người Con Hoang Đàng:
Một ông chủ có hai con trai. Đứa em thì ăn
chơi phung phí, phá tan sản nghiệp gia đình, làm
bại hoại gia phong, giao du với quân
đàng điếm. Người anh
dường như chẳng care, không quan tâm. Nó đi bụi đời, sống chết
mặc nó. Đời mình cứ vậy
mà êm trôi. Thế nhưng bất ngờ
đứa em trở về và được đón
tiếp linh đình. Tức thì anh ta
lồng lộn lên. Lòng ghen tuông gia tăng khiến anh
cắt đứt luôn những quan hệ cha con anh em khi
tuyên bố “thằng con của ông.” chứ không phải
“đứa em của tôi”. Tình người bị cắt
đứt! Và khi tình người bị cắt đứt
thì còn đâu chuyện thương cảm, lắng lo cho
nhau khi gặp rủi ro, sa cơ, hay vui
mừng chia sẻ với nhau khi gặp may mắn, hạnh
phúc.
Nhưng tại sao người ta
lại thiếu tình người? Phải chăng vì họ
đã không nhận ra tình Chúa-khi vô tình thì cũng dễ vô
ơn và vô tâm? Phải chăng người ta không
nhận ra chân lý trong Tin Mừng của Đức Kitô:
chỉ là người hơn khi tự làm rốt hết và
trở nên tôi tớ mọi người.
Thật
lạ kỳ! Thói thường, nhân thế hay
tìm đến với danh vị, lợi lộc, quyền
uy, kết thân với chốn cao sang để mưu
cầu ảnh hưởng. Phần Đức Kitô,
Ngài lại dạy người ta tìm đến với
những ai hèn kém, nghèo khổ, đơn côi, những
kẻ mà xét theo khách quan, chỉ biết
đón nhận chứ không thể cho đi. Thế nhưng
chính khi trao ban cho những người như thế
lại là đang tiếp cận với Đức Giêsu và
đón nhận chính Ngài. Bởi lẽ
“những gì các ngươi làm cho một trong các anh em hèn
mọn nhất của Ta, là các ngươi đang làm cho
chính mình Ta” (Mt 25:40).
Càng
chân thành trao ban cho các “anh em hèn mọn,” tôi càng làm phong phú
chất người trong tôi và tăng thêm sức sống
cho đời. Giá trị và mức độ
của chất người và sức sống đó lại
không tùy thuộc vào chất lượng hay số
lượng của vật được cho đi, song là
tùy thuộc vào thái độ của việc trao ban.
“Để vinh Danh Chúa hay hiển danh tôi?” “Để tỏ
mình là người quảng đại hay để ‘anh em
hèn mọn’ có được cơ may hạnh phúc?” Đó là những câu hỏi mà tôi phải dùng
để tự vấn thường xuyên.
Trở nên đầy tớ mọi
người, để mang hạnh phúc cho đời, vui
trong niềm vui của người, xót cho nỗi đau
của đời. Tập sống như thế là tôi đang trở
thành môn đệ đích thật của Đức Kitô
vậy.
|