MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Yêu Và Ghét – Trầm Thiên Thu
Thứ Tư, Ngày 16 tháng 9-2015
Yêu và ghét – Trầm Thiên Thu

Yêu và ghét là hai động thái trái ngược nhau, nhưng luôn xảy ra song song. Lằn ranh giữa yêu và ghét quá mong manh đến nỗi khó nhận ra. Khi ghét mà người ta cứ tưởng là mình đang yêu, và khi bảo là yêu mà thực ra lại chỉ là ghét! Không ai lại ghét chính mình, vì thế mà đôi khi người ta yêu mình thái quá. Đó là tự ái - tự yêu mình quá mức. Nhưng Chúa Giêsu dạy “ghét mình” mà “yêu tha nhân”. Vẫn theo chiều hướng “ngược đời”. Vậy Ngài có quá đáng hoặc xúi dại chúng ta không?

 

Có thể là “hơi quá đáng” đối với chúng ta, nhưng tuyệt đối Ngài không hề xúi dại ai cả! Chúa bảo chúng ta “ghét mình” vì Ngài biết chung ta dễ ỷ lại, thích tự tôn, ưa tự cao tự đại, khoái “nổ” banh-ta-lông, dễ “chứng”, khó thuần hoá, thế nên Ngài phải đặt “hàm thiếc” vào chúng ta để kiềm chế thói “chứng” của chúng ta. Mà cũng rất hợp lý. Vì nếu Ngài không làm vậy thì chúng ta sẽ dám chỉ coi trời bằng… nắp bia mà thôi!

 

Bài đọc I hôm nay là bài ca thứ ba trong các Bài ca Người Tôi Trung. Tôi trung nào cũng khổ sở “trần ai khoai củ”. Không đâu xa, lịch sử Việt Nam cho thấy có những trung thần mà phải bị hàm oan, trong Giáo hội Công giáo cũng không thiếu những con người bị khổ oan như vậy, thậm chí có những vị thánh đã từng bị vạ tuyệt thông!

 

Ngôn sứ Isaia kể một mạch: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,4-5). Ngoan cường quá! Không ngại khó, không sợ khổ, không “tham sanh, uý tử” (ham sống, sợ chết). Thế mới xứng danh Người Tôi Trung. Và đó chính là hình bóng của Đức Kitô.

 

Ngôn sứ Isaia kể tiếp: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Rất tự tin, rất hiên ngang. Mọi gian truân chẳng là “cái đinh” gì ráo trọi! Tại sao? Thánh nhân cho biết động lực thúc đẩy: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên” (Is 50,7-8a). Càng lúc càng an tâm, vững dạ; càng lúc càng tin tưởng. Ngôn sứ Isaia “đặt vấn đề” rất thẳng thắn, ngỡ như thách thức: “Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!” (Is 50,8b).

 

Sống công chính thì chẳng có gì phải sợ, và cũng chẳng ngán bất kỳ ai. Mãi mãi là chính mình! Nếu theo Chúa và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Ngài, chúng ta sẽ không ngại nói: “Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Ngài lại lắng tai ngày tôi kêu cứu” (Tv 116,1-2). Và dù “dây tử thần đã bủa vây chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình” (Tv 116,3), chúng ta cũng vẫn ngước cao đầu mà tiến bước. Nếu gặp gian truân sầu khổ mà chúng ta thành tín kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!” (Tv 116,4), Ngài sẽ thương cứu ngay, vì Ngài luôn đồng hành với chúng ta, nhất là trên những chặng đường đầy chông gai. Bởi vì Ngài mệnh danh là Thiên Chúa tình yêu (x. 1 Ga 4,8), là Đấng nhân từ chính trực, luôn một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, những người yếu đuối, đặc biệt là luôn giữ lời hứa. Tác giả Thánh vịnh đã là nhân chứng sống động: “Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Tôi sẽ bước đi trước mặt Ngài trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 116,8-9). Thật vậy, Ngài là Thiên Chúa của người sống chứ không của người chết.

 

Thánh Giacôbê chất vấn: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” (Gc 2,14), và phân tích: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,16). Thế thì đời sống tâm linh cũng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Một cách định nghĩa đức tin rất ngắn gọn mà sâu sắc và rất hay. Quả thật là thế: “Bạn có đức tin; còn tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Cứng họng. Không ai có thể đưa ra bất cứ lý do nào để tự biện hộ. Cách biện luận của Thánh Giacôbê rất thuyết phục, chắc hẳn ai cũng phải “tâm phục, khẩu phục”. Có lần Chúa Giêsu đã từng “ví von” thế này: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7,9-10). Chỉ có nước câm miệng chứ ai nói lại được gì? Đó là yêu thương, là sống đức tin, là sống đạo (chứ không chỉ giữ đạo), là thể hiện lòng thương xót của Chúa. Đừng thương xót Chúa mà hãy thương xót nhau, cũng như Chúa Giêsu đã nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28).

 

Một dịp Đức Giêsu và các môn đệ tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27). Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,28). Ngài lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô nhanh nhẹn đại diện trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Một câu trả lời trên cả tuyệt vời, Phêrô nhà ta là “số dzách”, là “number one”!

 

Thế nhưng Đức Giêsu liền nghiêm mặt và cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài. Rồi Ngài không nói về vinh hoa, phú quý, hoặc chức quyền, địa vị, mà Ngài bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Thánh Máccô cho biết rằng Chúa Giêsu nói rõ về điều đó, không hề úp mở.

 

Có lẽ Phêrô nhà ta “cụt hứng”, thế nên ông liền kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Ngài. Nhưng Ngài quay lại nhìn các môn đệ và trách ông Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Chúa Giêsu chưa một lần trách ai nặng như đã trách vị Giáo hoàng tiên khởi. Điều đó chứng tỏ Chúa rất công bình, chính trực, hay thì khen mà dở thì chỉnh ngay, không thiên tư hoặc vị nể. Thật vậy, những người khác chỉ bị trách là thế này hay thế nọ, còn Giáo hoàng Phêrô bị nguyền rủa là Satan. Quá nặng!

 

Nói xong thì thôi, không để bụng, Ngài liền gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Thuận ngôn, nghịch nhĩ. Khó quá, Chúa ơi! Thế nhưng Ngài vẫn thật thà và thẳng thắn: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Ngài không ép. Hoàn toàn cho tự do. Tuỳ ý. Thích thì chiều!

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con chỉ là những tội nhân khốn nạn, lúc nào cũng chỉ muốn “nổi dậy” bằng đủ cách, chỉ đòi được Ngài yêu mà không muốn yêu tha nhân, không muốn bị ghét mà chúng con lại lườm nguýt hoặc xỉa xói những người lân cận. Chúng con thật hồ đồ, thật đáng tội. Xin Ngài thương xót, tha thứ, và giúp chúng con quyết “bỏ mình” như Chúa Con đã nêu gương. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Con Người Bị Nộp Vào Tay Người Đời (giải Thích Và Suy Niệm Của Lm. Fx. Vũ Phan Long) (9/18/2015)
Chọn Lựa Để Phục Vụ (9/18/2015)
Chất Người Trong Tôi - Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn (9/18/2015)
Ai Muốn Làm Đầu, Hãy Làm Đầy Tớ Mọi Người. --- Suy Niệm Của Noel Quesson. (9/18/2015)
Cách Dạy Con Của Bố Mẹ Ở Đất Nước Hạnh Phúc Nhất Thế Giới (9/17/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Phép Lạ Của Mẹ Maria Qua Tràng Hạt Mân Côi (9/16/2015)
Về Phần Con, Con Bảo Thầy Là Ai? (suy Niệm Của Lm. Ignatiô Trần Ngà) (9/16/2015)
Vấn Nạn Đau Khổ - Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn (9/16/2015)
Vác Thánh Giá Hằng Ngày Theo Chúa (9/16/2015)
Tin/Bài khác
Từ Bỏ Và Vác Thập Giá (suy Niệm Của Lm Giuse Nguyễn Hữu An) ---- (9/15/2015)
Từ Bỏ Chính Mình – Thiên Phúc (9/15/2015)
Thầy Là Ai? – Lm. Giuse Trần Việt Hùng (9/15/2015)
Thần Tượng Của Ta Là Ai? – Lm. Anmai (9/15/2015)
Tưởng Lầm --- Đtgm. Ngô Quang Kiệt (9/15/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768