Người
ta bảo Thầy là ai?
(Suy
niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có một thời
người ta đổ xô nhau đi tìm đọc
quyển sách "Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa
Giêsu". Nhiều người cho rằng quyển sách này
đã viết đúng tâm lý của con người, vì tác
giả đã mô tả Chúa Giêsu như một con
người thực sự, có khác chăng là người
đã vượt thắng được cám dỗ cho
tới giờ phút cuối cùng.
Quyển sách "cơn cám dỗ cuối cùng
của Chúa Giêsu" mô tả về một chàng trai Giêsu
đầy sức sống. Đẹp trai và nhiều tài năng. Có
một thiếu nữ rất xinh đẹp đã đem
lòng yêu mến chàng, tên là Madalêna. Thế nhưng, tình yêu
đã không đem lại cho chàng hạnh phúc. Chàng luôn bị
thôi thúc bởi một tiếng gọi cao siêu, vượt
trên cuộc sống tầm thường như bao bao
người khác. Chàng quyết định từ bỏ
người yêu và ra đi rao giảng về một Tin
mừng có thể đem lại cho con người hạnh
phúc đời này và đời sau. Mađalêna
thất tình đã buông trôi cuộc đời trong chốn
lầu xanh tội lỗi. Còn Giêsu thì thu
thập được một số đồ đệ
và hăng say truyền bá lý tưởng cao siêu. Nhưng lý
tưởng đó lại không phù hợp với những
mục đích chính trị của các tư tế, biệt
phái và luật sĩ. Cho nên cuối cùng, Giêsu bị họ
bắt và kết án đóng đinh. Trong
những giây phút hấp hối trên thập giá, Giêsu bị
hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu nhìn
lại cuộc đời của mình. Chàng mơ thấy
mình từ bỏ lý tưởng cao siêu, cưới
Mađalêna làm vợ, sinh được một bầy con
ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia
đình, nhưng bị các đồ đệ và các tín
đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc
đầu xua đuổi cơn cám dỗ ấy. (Giêsu đã chiến thắng cơm cám dỗ
cuối cùng). Và sau đó gục
đầu tắt thở.
Tác giả đã dựa vào tâm lý chung của con người để
viết về nhân tính của Chúa Giêsu. Một con
người bình thường, sinh ra, lớn lên, rung cảm
với tình yêu đầu đời, nhưng ở chàng thanh
niên Giêsu đã từ khước tiếng nói của con tim
để theo đuổi một lý tưởng cao siêu.
Điều này đáng được con người kính
trọng. Nhưng đáng tiếc, lý tưởng đó
bị người đời khước từ vì không
thực tế, và cho dù cuộc sống của Ngài
được nhiều người kính trọng nhưng
người ta lại không muốn sống theo
lối sống của Ngài.
Thực vậy, con người ngày hôm
qua cũng như hôm nay, luôn cần tiền, cần tiện
nghi, cần địa vị và cần cuộc sống
bất tử để hưởng thụ mãi hạnh phúc
ở chốn gian trần. Vì thế, người ta không
chấp nhận đường lối của Chúa Giêsu, vì
phương thế này không thoả mãn nhu cầu vật
chất của con người. Có chăng, họ chỉ
kính trọng một Giêsu thánh thiện, một vĩ nhân của nhân loại, nhưng
đạo của Ngài thiết lập chẳng giúp ích gì cho
cuộc sống thường ngày của họ. Đôi khi
còn trở thành gánh nặng khiến họ không thể tuân
giữ giới răn của Người. Đôi
khi họ còn coi Chúa Giêsu là nguyên nhân gây nên phiền toái cho
họ.
-
Có người nói rằng theo
đạo làm chi, phải đi lễ hằng ngày, hằng
tuần, ngủ cho sướng.
-
Có người nói rằng theo
đạo làm chi để bị ràng buộc bởi quá
nhiều lề luật.
-
Có người cho rằng theo
đạo phải giữ luật công bằng thì làm sao làm
ăn có lời, có lãi.
-
Có những bà mẹ cho rằng nếu
giữ đúng luật Chúa thì gia đình sẽ mất
hạnh phúc, con cái sinh ra ai sẽ nuôi cho nổi.
Có biết bao cuộc
đời là có bấy nhiêu khó khăn. Càng khó
khăn người ta lại đổ tội cho Chúa.
Vì Chúa mà họ thiệt thòi. Vì Chúa mà họ phải sống nghèo đói. Vì
Chúa mà họ phải thua kém bạn bè. Xem ra phần đông
nhân loại nhìn Chúa như một quan toà, một cảnh sát
chỉ để ngăn cấm và xét đoán. Và rồi,
họ nhìn biết bao nhiêu người không có đạo
vẫn sống hạnh phúc, đôi khi lại giầu có
hơn mình, có địa vị hơn mình...
Phải, phần
đông nhân loại đã nhìn Chúa Giêsu như vậy. Còn anh
em, anh em bảo Thầy là ai? Chúa Giêsu vẫn tôn
trọng tự do của các môn đệ. Ngài vẫn
hằng tôn trọng tự do của chúng ta hôm nay. Ngài
vẫn đòi hòi triệt để những kẻ tin theo Ngài phải từ bỏ, phải hy sinh
vác thập giá, phải đi qua cửa hẹp và phải
sống thanh thoát với của cải trần gian. Nghĩa là Ngài vẫn đòi hỏi chúng ta phải
sống vượt lên trên nhu cầu thể xác tầm
thường, phải sống làm chủ bản năng
của mình bằng hy sinh, khổ chế để sống
như những con người tự do đích thực.
Không bị những đam mê danh lợi thú ràng buộc. Không bị những cám dỗ tội lỗi làm
mất lương tri, mất phẩm giá cao qúy của con
người.
Với những đòi hỏi đó,
phải có cái nhìn đức tin như Phêrô mới có thể
bỏ mọi sự mà theo Thầy,
mới có thể tuân giữ lời Thầy và sống
gắn gó mật thiết với Thầy. Phêrô và các môn
đệ đã nhìn thấy Thầy là Chúa, là Đấng
hằng sống và các ông còn hiểu rằng: ai bước
đi theo Ngài sẽ không phải chết
đời đời. Các ông đã dám đánh
đổi cuộc đời này để đổi
lấy hạnh phúc bất diệt đời sau. Các ông đã dám khước từ vinh hoa phú qúy
đời này để lãnh triều thiên vinh hiển ngày
mai.
Vâng cuộc
đời này sẽ đi qua. Tiền tài, danh vọng,
lạc thú tất cả chỉ là phù vân. Cái chết sẽ làm chúng ta đoạn tuyệt
tất cả. Nếu cuộc
đời chết là hết thì chẳng có gì đáng nói.
Nếu chết là hết thì cuộc
đời là một thảm hoạ đối với
bản thân và đồng loại. Người
ta đâu cần rèn luyện tài đức. Người ta chỉ cần hơn thiên hạ.
Người ta chỉ cần vun quén cho bản thân, và
mặc xác đồng loại. Cuộc sống sẽ là
một bãi chiến trường mà con người là nguyên
nhân và cũng là hậu quả của tất cả khổ
đau. Nhưng cuộc đời không
dừng lại ở cái chết. Cái
chết là ngưỡng cửa mở ra sự sống
vĩnh cửu. Và ở cõi đời đời con
người đau khổ hay hạnh phúc lại tuỳ
thuộc ở cuộc đời hôm nay. Vì
thế, nếu bạn chọn sự sống đời
đời phải từ bỏ tham sân si, từ bỏ
mọi đam mê bất chính. Từ
bỏ đòi hy sinh, đòi khổ chế để
vượt thắng cám dỗ. Các tông
đồ đã vượt thắng tất cả vì tin
rằng Chúa là Đường là sự thật, là sự
sống. Các Ngài đã từ bỏ mọi sự
để theo Chúa, còn chúng ta có dám vì
sự sống bất diệt ngày mai bên Chúa để can
đảm từ khước những đam mê bất
chính, những bon chen danh lợi thú để sống theo
giáo huấn của Chúa hay không? Hạnh phúc hay đau
khổ còn tuỳ thuộc vào chọn lựa của chúng ta
hôm nay?
Ước gì chúng ta có cái nhìn đức
tin như Phêrô để làm chứng cho thế giới
hưởng thụ hôm nay về một cuộc sống
hạnh phúc trường sinh mai sau. Amen.
|