Đau khổ
Kinh nghiệm cho thấy: Đau khổ là một cái gì
gắn liền với thân phận con người. Giáo lý
nhà Phật thì cho rằng: Đời là bể khổ mà mọi
người chúng ta là một cánh bèo trơi dạt trên đời.
Tuy nhiên, đau khổ không phải chỉ là một cái
gì đáng nguyền rủa và lẩn tránh, trái lại nó còn
có một giá trị tích cực, đem lại nhiều
lợi ích cho chúng ta như tục ngữ đã bảo:
Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hay như
Khổng Tử cũng đã bảo: Ngọc không dũa
không sáng, người không bị gian nan thử thách, thì
cũng khó mà trở nên hoàn thiện.
Cũng trong chiều hướng ấy mà Chúa Giêsu đã
phán qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay: Ai muốn theo Ta,
phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo Ta.Sau đây tôi xin đưa ra một vài trường
hợp cụ thể để nói lên sự thật
ấy.
·
Trường hợp thứ nhất là của O’Neill. Mãi đến
năm 23 tuổi, ông vẫn còn là một kẻ thất
bại, sống không mục đích, không định hướng,
không kỷ luật. Thế rồi ông bị đau và chính
nhờ thời gian nằm điều trị tại
bệnh viện, ông mới có được dịp may để
suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời
mình. Ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của
ông, để rồi ông đã trở thành một người
nổi tiếng.
·
Trường hợp thứ hai là của bà Golda Meir. Lúc
ban đầu bà rất thất vọng vì mình chỉ là
một cô gái trời bắt xấu. Thế nhưng về sau,
bà mới nhận ra rằng: không được đẹp
đối với bà lại là một may mắn, bởi vì điều
đó đòi buộc bà phải phát triển những tài năng
sâu kín hơn. Cuối cùng bà hiểu ra rằng phụ
nữ không được ỷ lại vào sắc đẹp
của mình, nhưng trái lại phải làm việc chăm chỉ,
nhờ đó mang lại lợi ích cho bản thân. Nói cách
khác, bà đã biết chấp nhận thập giá của
mình, can đảm vác nó lên vai để rồi cuối cùng
bà đã trở thành vị nữ thủ tướng đầu
tiên của người Do Thái.
Một tác giả nổi tiếng, Oscar Wilde đã
viết: Đau khổ chính là mảnh đất thánh. Đức
Kitô không thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường
nào khác ngoài trái tim đã tan nát.
Từ những kinh nghiệm trên, chúng ta đi tới
kết luận: Cuộc đời không phải lúc nào
cũng chỉ là một mầu hồng, trái lại rất
nhiều khi nó bị nhuộm bởi một màu đen
với những đau khổ và cay đắng.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng Phúc âm, thì đau khổ không nhất
thiết sẽ đem lại chết chóc và hủy
diệt, bởi vì nó có thể trở nên một nguồn
sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau để
biến đổi chúng ta thành người tốt lành hơn,
thánh thiện hơn, khiêm nhường hơn, cảm thông hơn.
Đau khổ có thể mở mắt cho chúng ta thấy được
cuộc đời tốt đẹp hơn là chúng ta đã
từng mơ ước.
Ngoài ra, đau khổ sẽ giúp chúng ta nhận ra bàn tay
yêu thương của Thiên Chúa bởi vì giữa ánh
nắng chói chang của mặt trời, chúng ta không thể
nào nhìn thấy những vì sao. Trái lại, vào những đêm
khuya tăm tối chúng ta sẽ dễ dàng thấy được
những ánh sao trên bầu trời. Cũng vậy, nhiều
người trong chúng ta đã tìm thấy Chúa giữa
những đêm đen của khổ đau, mà trong những
lúc hạnh phúc chói chang họ đã quên lãng Ngài. Hãy biết đón
nhận thập giá cuộc đời, bởi vì mọi
sự đều là hồng ân.
|