LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ
Tình thương của Mẹ, lòng mến của chúng ta
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng khâm phục một người mẹ trẻ về sự hy sinh của cô dành cho con. Cô sống tại Hà Nội. Mang thai được vài tháng, một lần đi khám thai, bác sĩ phát hiện cô có một khối u ác tính trong vòm mắt. Bác sĩ cho biết nếu cô đồng ý hóa trị ngay trong giai đoạn đầu thì có thể ngăn chặn được khối u. Tuy nhiên, nếu thực hiện hóa trị, đứa bé trong bụng cô sẽ bị ảnh hưởng và có nguy cơ sẽ chết. Sau khi suy nghĩ và bàn với chồng, cô đã nhất định từ chối các biện pháp hóa trị để không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Cô nói rằng: Tôi sẵn sàng chết vì ung thư để con tôi được ra đời khỏe mạnh. Sau những ngày đó, cô đã phải hết sức vất vả để chống chọi với khối u ác tính và để bảo vệ đứa con. Sau đó, cô đã sinh ra một bé trai kháu khỉnh, dễ thương, nhưng rất tiếc, cô chỉ có thể nghe tiếng khóc của con mà không thể nhìn thấy con. Cô chia sẻ trong niềm vui: Đôi mắt của tôi đã đổi được mạng sống của một con người. Tôi sẽ không bao giờ hối hận về quyết định của mình.
Người mẹ trong câu chuyện trên được coi là can đảm, là mẫu gương của tình mẫu tử vì đã dám chấp nhận sự mù lòa, đau đớn, và chấp nhận cả cái chết có thể xảy đến để cứu mạng sống của đứa con mình. Tình thương của người mẹ đối với đứa con phần nào phản chiếu tình yêu của Mẹ Maria đối với nhân loại chúng ta.
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Chúng ta cùng nhau suy niệm về tình thương của Mẹ đối với chúng ta. Qua đó, chúng ta tự hỏi phải làm gì để đáp lại tình yêu thương đó?
1. Tình thương của Mẹ
Thứ nhất, tình thương của Mẹ được biểu lộ qua tiếng “Xin Vâng”. Vì yêu thương nhân loại, Mẹ đã thưa "Xin Vâng". Thưa “xin vâng” tức là chấp nhận làm làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế là chấp nhận nhiều hy sinh đau khổ. Bảy sự thương khó là những đau khổ tiêu biểu của Mẹ :
Khi nghe Simêon nói tiên tri (Lc 2,34-35).
Khi trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-21).
Khi lạc mất Đức Giêsu ở Jesusalem trong ba ngày (Lc 2,41-50).
Khi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu trên đường đến núi Sọ.
Khi Đức Giêsu bị đóng đinh.
Khi Xác Đức Giêsu được tháo xuống khỏi Thánh Giá.
Khi chôn xác Đức Giêsu trong mồ.
Mẹ đã chấp nhận hy sinh đứa con một yêu dấu của mình vì yêu thương loài người. Mẹ đã cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc thế giới. Chính vì vậy, Mẹ được gọi là Đấng đồng công Cứu chuộc.
Thứ hai, tình thương của Mẹ được biểu lộ qua sự “Vội Vã”. Khi được nghe tin bà Êlisabéth chị họ mang thai được sáu tháng. Mẹ đầy tình thương và tinh tế nghĩ rằng người chị họ mang thai trong tuổi già, sức yếu, đang cần được giúp đỡ. Mẹ đã vội vã ra đi. Thánh Luca kể : "Hồi ấy, Bà Maria lên đường, vội vã đi lên miền núi, đến với một thành thuộc chi tộc Giuđa"(Lc 1,39). Sự vội vã của Mẹ nói lên tình thương qua sự thăm viếng, giúp đỡ, trao ban, chia sẻ. Mẹ đã vượt núi băng đối để đến thăm viếng gia đình bà chị họ. Mẹ đã giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở. Mẹ đã trao ban và chia sẻ niềm vui của Mẹ đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Để cùng với Chúa hiến mình phục vụ cho tha nhân. Kết quả của cuộc thăm viếng này hết sức to lớn : không những đem đến niềm vui cho cả nhà Giacaria. Mẹ còn đem đến cho Thánh Gioan Tẩy Giả ơn vô nhiễm tội truyền ngay từ khi còn trong lòng mẹ.
Thứ ba, tình thương của Mẹ được biểu lộ qua lời bầu cử tại tiệc cưới Cana. Một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng hẳn phải là tường thuật về tiệc cưới Cana thuộc miền Galilê. Chúa Giêsu vừa bắt đầu rao giảng Tin Mừng, thì một hôm Người được những người thân quen mời giữ tiệc cưới. Mẹ Maria cũng có mặt tại bữa tiệc. Đang giữa bữa tiệc thì hết rượu. Đọc được sự bối rối của gia chủ, tức khắc Mẹ khôn khéo giúp đỡ, đến ngỏ lời với Chúa Giêsu. Mẹ tin nơi quyền năng của Chúa đến nỗi qủa quyết với những người giúp việc : “Ngài bảo sao thì cứ làm như vậy”(Ga 2,5). Quả thật, do sự can thiệp của Mẹ, phép lạ đã diễn ra. Đây là phép lạ đầu tiên Chúa làm và là phép lạ do sự khẩn cầu của Mẹ.
Thứ tư, Tình thương của Mẹ được biểu lộ qua những lần hiện ra.
Khi được Chúa đưa Hồn Xác Mẹ về trời, ngự trên vinh quang với Con Mẹ. Mẹ còn có thế lực hơn và không ngừng cầu thay nguyện giúp cho ta. Mẹ đã hiện ra nhiều lần nhiều nơi để cứu giúp nhân loại lầm than và chỉ cho nhân loại con đường về trời.
Tại Lộ Đức, Mẹ đã hiện ra với Bênadéth 18 lần. Lần đầu tiên vào ngày 11/02/1858. Sứ điệp chủ yếu của Mẹ là hãy cầu nguyện cho tội nhân ăn năn trở lại. Ngày nay ở Lộ Đức đã trở thành nơi hành hương lớn. Hằng năm, có khoảng 4 triệu khách hành hương, khoảng 650 000 bệnh nhân được một đội tiếp viễn “hiếu khách” đón tiếp và phục vụ tại ba trung tâm. Từ năm 1858, tức là năm Đức Mẹ hiện ra, đã có khoảng 2 triệu 300 ngàn bệnh nhân đủ loại đã được đưa tới đây. Trong vô số trường hợp được xem là được chữa lành do phép lạ, có khoảng 2000 vụ khỏi bệnh được các bác sỹ chứng nhận là không giải thích được về mặt y khoa.
Ở Fatima, Mẹ đã hiện ra với ba trẻ : Lucia, Giaxinta và Phanxicô nhiều lần. Sứ điệp ở Fatima tóm lại ba điều : hãy cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt và tôn sùng Trái tim Mẹ. Mẹ đã cho ba trẻ thấy được cảnh khốn cùng của những kẻ sa hỏa ngục nên Mẹ kêu gọi mọi người ăn năn thống hối để khỏi sa vào nơi khốn nạn đó. Mẹ cũng nhắc nhở mọi người cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại, vì nhiều người phải sa xuống hỏa ngục.
Mẹ còn hiện ra nhiều lần nhiều nơi khác nữa. Trong thời bách hại, năm 1897, dân chúng phải trốn vào rừng thiêng nước độc, gặp nhiều sự khốn khổ. Đức Mẹ hiện đến nhiều lần tại La Vang để ngỏ lời yên ủi và dạy họ bẻ lá quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ nay về sau ai đến cầu khẩn Mẹ nơi này Mẹ sẽ ban ơn phù hộ.
Chúng ta không thể kể hết được những việc làm của Mẹ vì yêu thương nhân loại chúng ta.
2. Lòng yêu mến của chúng ta
Người đời thường nói “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Tình mẫu tử của Mẹ hằng tuôn đổ trên nhân loại chúng ta. Để đáp lại, chúng ta hãy yêu mến Mẹ hết trí lòng, vì “chỉ tình yêu mới đáp lại được tình yêu”. Vậy, chúng ta phải làm gì?
Thứ nhất, chúng ta phải năng tâm sự thổ lộ cho Mẹ biết những ưu tư, lo lắng, ước muốn, dự định của chúng ta.
Thứ hai, chúng ta phó thác, dâng hiến tất cả những gì thuộc về chúng ta cho Mẹ. “Xin dâng con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, cùng tất cả mình con cho Mẹ”. Xin dâng cho Mẹ mọi công việc của chúng ta làm sáng danh Chúa và mưu ích cho chúng ta.
Thứ ba, yêu mến Mẹ là chúng ta noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ: Tin, cậy, mến, vâng lời, khiêm nhường, khiết tịnh...Chúng ta còn bắt chước “sự vội vã” của Mẹ để đem Chúa đến với tha nhân. Chúng ta bắt chước sự khiêm nhường phục vụ của Mẹ. Trong cuốn “tiếng gọi thống thiết”, Chúa Giêsu dạy : “Khi yêu mến Mẹ, các con không phải chỉ là kín múc các ơn thánh ở đó, mà còn phải bắt chước Mẹ, không vậy, thì các con yêu mến Mẹ cách không chân thành”.
Cuối cùng, yêu mến Mẹ là thực hiện những điều Mẹ dạy: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ.
Lạy Mẹ Maria, khi còn sống tại trần thế, Mẹ đã thể hiện tình thương yêu chúng con qua lời thưa “Xin vâng”, qua biến cố Mẹ thăm viếng Bà Êlizabét, qua sự cầu bầu của Mẹ tại tiệc cưới Cana. Sau khi được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa, Mẹ tiếp tục thể hiện tình thương bằng cách hiện ra đây đó để chỉ dẫn cho chúng con con đường về Trời. Chúng con cảm tạ Mẹ. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con trong mọi nẻo đường của cuộc sống để chúng con biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ, sống theo lời dạy bảo của Mẹ. Ngõ hầu, khi chúng con lìa bỏ trần gian này, chúng con được đoàn tụ với Mẹ trên Thiên Đàng. Amen
Lm. Anthony Trung Thành
|