Đức
Giêsu chữa người vừa điếc vừa
ngọng
(Giải thích và suy
niệm của Nguyễn Ngọc Thế SJ)
Vài hàng sơ lược
-
Với câu mở đầu (31), Máccô nối kết câu
chuyện này với câu chuyện trước, nghĩa là
với chuyến đi rao giảng ở ngoài Israel của Giêsu. Sau khi rời Tia, giờ
đây Giêsu lại đến một miền đất
khác. Đó là miền đất Thập Tỉnh, một
miền đất của dân ngoại. Với Mác-cô quan
trọng là Giêsu đi khắp miền dân ngoại
để rao giảng Tin Mừng. Miền thập tỉnh
- Deka,polij (dekapolis), là một liên hiệp của các thành
phố trong miền đông Gio-đan. Trong miền thập
tỉnh này, chiếm phần lớn là dân Hy-lạp và Sy-ri.
Miền này không thuộc về sự cai quản của
Hê-rô-đê. Tổng trấn La-mã là người có quyền
ở đây và miền này có những ưu tiên riêng
biệt. Dân Do-thái là thiểu số trong miền này, và
thuộc về tầng lớp thấp hèn. (ss. G. Schille -
Horst Balz / Gerhard Schneider (Hrsg.), Band I, s.681-682)
-
Câu chuyện chữa bệnh này thuộc về những câu
chuyện Giêsu làm phép lạ. Và nó chỉ ra nhiều
điểm liên quan đến y học dân gian và cách
thức làm phép lạ thời đó: Đụng vào chỗ
đau, sử dụng nước miếng, hướng
nhìn lên trời để ‘kéo’ sức mạnh có sức
chữa lành xuống, rên lên là công thức bí mật trong khi
chữa bệnh. Trong thực tế, Giêsu đã hòa nhập
và thích ứng với xã hội thời đó.
-
Theo Helmut Meklein, so với Mác-cô, Mát-thêu 15, 29-31 kể lại
rằng, sau khi rời Tia, Giêsu đi đến ven Biển
Hồ Ga-li-lê ngay. Ở đó Ngài chữa kẻ què
quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều
bệnh nhân khác nữa. Sau sự kiện chữa lành này,
Mát-thêu đã kể lại phép lạ hoá bánh ra nhiều
lần thứ hai cho bốn ngàn người ăn. (Mt 15,
32-39).
Suy niệm
-
Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả
Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền
Thập Tỉnh.
Trong
mỗi phép lạ, Mác-cô đều nêu bật rõ hai phần,
phần người làm phép lạ xuất hiện, và
phần người cần được giúp đỡ
đến. Thêm vào đó, Mác-cô nêu rõ bối cảnh của
phép lạ. Như phép lạ Ngài chữa người bị
quỷ ám trong Mc 1, 21: “Đức Giê-su và các môn đệ
đi vào thành Ca-phác-na-um.” Hay phép lạ khác cũng liên quan
đến người bị quỷ ám trong vùng của
người Ghê-sa-ra: “Đức Giê-su và các môn đệ
sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất
của dân Ghê-ra-sa” (Mc 5, 1). Ngoài ra, có thể coi thêm ở Mc
1, 29; 2, 1-3; 7,24tt và 8,22.
Còn
ở đoạn phúc âm này, khung cảnh của phép lạ
Giêsu sắp làm cũng được nhắc đến:
“Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả
Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền
Thập Tỉnh”. Tuy nhiên, theo R.Pesch thì khi diễn
đạt bối cảnh như vậy, Mác-cô không có ý
nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của
nơi phép lạ xảy ra, mà Mác-cô muốn diễn
đạt một chương trình truyền giáo. Vâng,
Đấng làm mọi sự tốt đẹp cần
được loan báo không chỉ nơi miền
đất đầy ánh sáng, mà còn cần phải
được loan truyền tại miền đất
của dân ngoại, trong miền Thập Tỉnh.
Theo
Meinrad Limbeck, thì đối với Giêsu miền đất
dân ngoại không phải là miền đất ô uế. Và
ngoài những người ở mảnh đất Israel còn
có nhiều người cần đến sự giúp đỡ
và cứu thoát của Giêsu.
-
Người ta đem một người vừa
điếc vừa ngọng đến với Đức
Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.
Một
người vừa điếc vừa ngọng – một
người bị giới hại rất nhiều trong
tương quan với người khác. Thật là khó
khăn anh ta mới có thể hiểu được
người khác, và ngược lại cũng thế.
Chẳng dễ dàng gì để người vừa
điếc vừa ngọng có thể hiểu điều
mình muốn diễn đạt. Vì vậy, mà cánh cửa
mở ra với thể giới bên ngoài, đến với
người khác, rất hẹp hay đôi khi bị đóng
lại đối với những người điếc
và và ngọng. Có thể nói rằng, một bức
tường ngăn cách đang đứng trơ trơ
ở đó. Cái thê thảm nằm ở chỗ là, bây
giờ không chỉ người điếc không nghe
được những âm thanh ở bên ngoài, mà anh ta
chỉ có thể nghe chính mình mà thôi. Một thế giới
như bị đóng kín. Một cuộc đời như
bị khóa kỹ vào trong căn phòng đóng chặt tất
cả cửa sổ, và bị cách âm hoàn toàn. Chúng ta thử
mường tượng, trong hoàn cảnh như vậy,
chúng ta chỉ còn nói chuyện với chính mình, chúng ta
chẳng còn nghe thấy gì cả và cũng chẳng
được người khác lắng nghe. Thật thê
thảm. Nếu cứ như vậy thì một lúc nào đó
tất cả sẽ bị “xé rách” ra hết. Cả tâm
hồn, cả cuộc sống, cả những gì thật là
cao quý có thể đều bị “xé nát”. Một cuộc
sống thật buồn, vì cuộc sống đó bị cô
lập, bị tách ra khỏi lòng xã hội.
Hình
ảnh này cũng có thể liên hệ đến chính chúng
ta. Vâng, chúng ta hãy để Đức Thánh Cha Biển
Đức chia sẻ về điều này: “Các giáo phụ
nói về đề tài con người và nói cho con
người của thời đại các ngài. Nhưng
điều mà các ngài nói, cũng có liên hệ một cách
mới mẻ cả với chúng ta, những con
người thời hiện đại. Không những có
sự điếc tai của thân thể làm cho con
người gần như hoàn toàn bị tách ra khỏi sinh
họat xã hội. Còn có một sự giảm yếu trong
sự lắng nghe đối với Thiên Chúa, mà chúng ta
đang gặp phải, nhất là trong thời đại
chúng ta. Chúng ta không thể cảm thấy Thiên Chúa
được nữa; có quá nhiều làn sóng khác nhau
chiếm cứ đôi tai chúng ta. Điều
được nói về Thiên Chúa, xem ra như là
điều “tiền khoa học” đối với chúng ta,
xem ra như không còn thích hợp với thời đại
chúng ta nữa. Với sự giảm yếu sự lắng
nghe, hoặc nói cách khác, với sự điếc tai tinh
thần đối với Thiên Chúa, thì cũng bị
mất đi khả năng chúng ta nói cùng với Ngài
hoặc nói với Ngài. Như thế, chúng ta bị
thiếu đi một nhận thức quyết
định. Những giác quan nội tâm chúng ta gặp nguy
hiểm bị mai một đi. Với sự thiếu
mất sự nhận thức này, thì tầm mức của
tương quan chúng ta với thực tại cũng bị
bao vây một cách mãnh liệt và đầy nguy hiểm. Chân
trời của đời sống chúng ta bị thu hẹp
một cách đáng ngại.” (Bài giảng của ĐTC
Beneđitô XVI trong thánh lễ Chúa Nhật mùng 10 tháng 9 năm
2006 tại thành phố Munich, thủ phủ của Bang
Baviera)
Vâng,
thật đáng ngại biết bao, khi cuộc sống
của chúng ta bị giới hạn trong thế giới
nhỏ bé của chính mình, trong thế giới bao la nhưng
thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng đi khả
năng lắng nghe Lời Ngài, và vì thế mà tình yêu của
Chúa cũng bị để ngoài tai. Vì vậy, lúc này
những đôi tai như bị điếc hay bị
điếc thật và những đôi môi như bị
ngọng hay bị ngọng thật, cần được
dẫn tới với Giêsu. Chính Ngài sẽ ra tay chữa
lành, chính Ngài sẽ đến để cứu chữa.
Ở đây, chúng ta nghe tiên tri I-sa-ia đã loan truyền: “Thiên
Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo
phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính
Người sẽ đến cứu anh em.” (Is 35, 4)
Như
vậy, người ta đưa anh điếc và ngọng
đến với Giêsu, và xin Người đặt tay trên
anh. Thái độ đặt tay là thái độ mà Giêsu
đôi khi làm để chữa bệnh, như
trường hợp chữa cho con gái ông Gia-ia: “Con bé nhà tôi
gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên
cháu, để nó được cứu thoát và
được sống.” (Mc 5, 23) Ngoài ra, cũng có nhiều
đoạn khác nhắc đến việc chữa bệnh
của Giêsu qua việc đặt tay, hay dùng tay để
đụng tới người bệnh: Có người
bị phong hủi đến gặp Người, anh ta
quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có
thể làm cho tôi được sạch.” Người
chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và
bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1, 40-41) Hay trong
trường hợp của người mẹ vợ ông
Phêrô: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà
đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục
vụ các ngài.” (Mc 1,31) Vâng, đôi bàn tay nhân từ yêu
thương, bàn tay của Giêsu là đôi bàn tay chữa
bệnh, nâng dậy, và dẫn về với con
đường của sự sống. Về đôi bàn tay
nhân ái này, Đức Thánh Cha Biển Đức đã nói
như sau: “Người giơ tay nắm chúng ta trong các bí
tích, Người chữa lành chúng ta khỏi bịnh
hoạn của những đam mê và tội lỗi nhờ
sự xá giải trong bí tích hoà giải. Người ban cho
chúng ta khả năng trỗi dậy để đứng
trước Thiên Chúa và trước những người
nam và nữ.” (Bài giảng Đức Giáo Hoàng Biển
Đức XVI giảng ngày 5/2/06 khi ngài viếng thăm Giáo
xứ Thánh Anna tại Vatican)
-
Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông,
đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước
miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người
ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói:
“Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!
Không
như những thầy thuốc bình thường, sẽ
đưa người bệnh đến trước
đám đông để chữa, vì qua đó họ muốn
được người ta nhìn thấy, trầm trồ
thán phúc khen ngợi và công nhận. Giêsu chẳng cần
lời khen, và cũng không muốn ai thán phục, nên Ngài
đã kéo riêng người bệnh tách khỏi đám
đông, tách khỏi đám người tò mò, đám
người hay dòm ngó, phê bình. Một cách nào đó, đôi
khi Giêsu cũng không muốn đám đông quấy rầy,
khi Ngài làm phép lạ, như trường hợp chữa cho
con gái ông Gia-ia: “Nhưng Người bắt họ ra ngoài
hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và
những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó
đang nằm.Người cầm lấy tay nó và nói:
“Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con:
trỗi dậy đi! “ (Mc 5, 40-41)
Sau
khi tách người bệnh ra, và một mình với anh ta
Giêsu đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ
nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Hành
động đầu tiên là đặt ngón tay vào lỗ
tai. Theo R. Pesch thì sức mạnh có sức chữa lành không
chỉ toát ra từ đôi tay, mà còn từ ngón tay nữa.
Chính ngón tay của Thiên Chúa đã giải thoát dân Ngài
khỏi quyền lực của Pha-ra-ô. Vâng, qua cây gậy
của A-a-ron, các phù thủy đã nhận ra ngón tay của
Thiên Chúa: “Hãy nói với A-ha-ron: Anh hãy giơ gậy lên,
rồi đập xuống bụi dưới đất
cho nó biến thành muỗi trong khắp đất
Ai-cập…. Các phù thủy thưa với Pha-ra-ô: “Đó là
ngón tay của Thiên Chúa! “ Nhưng lòng Pha-ra-ô vẫn chai
đá và vua không nghe hai ông, như ĐỨC CHÚA đã nói
trước.” (Xh 8, 12 và 15) Và cũng với chính ngón tay
của Thiên Chúa, Giêsu đã trừ quỷ, đã
đuổi thần dữ ra khỏi cuộc đời:
“Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì
quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến
giữa các ông” (Lc 11, 20)
Hành
động thứ hai Giêsu làm cũng liên quan đến ngón
tay. Vâng, Ngài đã dùng tay bôi nước miếng vào
lưỡi anh ngọng. Theo R. Pesch , người ta có
thể mường tượng rằng, Giêsu nhổ
nước miếng trên tay của mình và sau đó mới
bôi cho người bệnh.
Nước
miếng là một chất để chữa bệnh. Vâng,
tôi vẫn còn nhớ hồi nhỏ Mẹ tôi cũng đã
từng dùng nước miếng mình để bôi lên
vết xước da chảy máu sau những lần
nghịch ngợm. Theo R. Pesch, thì kế bên Nước, Máu,
Rượu và Dầu thì nước Miếng cũng
thuộc về những chất lỏng có thể dùng
để chữa bệnh. Nước miếng cũng có
chất nhờn như dầu, và từ cơ thể con
người nên cũng có “họ hàng” với máu. Như
thời cổ đại Hy-lạp và La-mã, Do-thái giáo cũng coi nước
miếng như là chất dùng đặc biệt để
chữa bệnh đau mắt. Về điểm này, chúng
ta có thể đọc được ở Mc 8,23:
“Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi
làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh,
đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không? “
Sau
hai hành động trên, Giêsu ngước mắt lên trời,
rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!
Ngước mắt lên trời là hướng về cha
mình. Theo Hans Urs von Balthasar, thì mỗi phép lạ mà Giêsu làm là
một hành động của Cha được làm qua
Giêsu. Chúng ta có thể đọc được thái
độ hướng lên trời của Giêsu ở một
vài phép lạ khác: “Người cầm lấy năm
chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng
lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn
đệ để các ông dọn ra cho dân chúng.
Người cũng chia hai con cá cho mọi người.” (Mc
6, 41) Hay như trong phép lạ kêu ông La-gia-rô ra khỏi
mồ ở Gioan 11, 41-43: “Rồi người ta đem
phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt
lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã
nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng
nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh
đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai
con.” Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy
ra khỏi mồ! “
Sau
khi hướng mắt nhìn lên trời, Mác-cô thuật
lại là Giêsu rên lên một tiếng. “stena,zw stenazo – rên “
Theo R. Pesch là cách diễn tả về thái độ Giêsu
được Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Nghĩa là
dấu chỉ Giêsu nhận được sức mạnh
để chuẩn bị cho phép lạ Ngài làm. Sau khi đã
chuẩn bị như vậy, Giêsu lên tiếng nói:
“Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!
Mác-cô
giữ lại từ ngữ này trong tiếng aramaica với
ý nghĩa được dịch ra sau đó. Theo R. Pesch thì
từ ngữ để chữa bệnh này, trong tai của
người Hy-lạp là một lời lạ lẫm có
sức chữa bệnh như một câu thần chú. Bình
thường, thì lời chữa bệnh là lời
đầy quyền năng có thể truyền tải
sức mạnh. Vâng, một lời có sức giải thoát
đời người khỏi bóng đêm, một lời
có thể kéo đời người ra khỏi cái
điếc và cái ngọng, một lời của tình yêu
thương, một lời của ân sủng tràn
đầy trên một đời người, trên cả
dân Israel và hôm nay cho toàn thể nhân loại. Lời
“Ép-pha-tha”, này Giáo Hội cũng dùng trong bí tích rửa
tội. Vị linh mục hay thầy phó tế sẽ
rờ tới tai và miệng của con trẻ và nói:
““Ép-pha-tha – hãy mở ra”. Mở tai ra để lắng nghe
Lời của Chúa, và mở miệng ra để loan báo Tin
Vui của Chúa. Tin vui về ơn cứu thoát về tình yêu
thương vô bờ bến của Thiên Chúa từ nhân. Theo
Adolf Pohl, qua lời chữa lành của Giêsu, người
đọc ở đây sẽ được nhắc
nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài
đã mở miệng cho con người, mở mắt,
mở tai, mở lòng, mở niềm tin, mở cuốn sách
cuộc đời, mở cánh cửa cuộc đời,
và mở cả cửa lao tù nhốt con người vào trong
đêm đen. Và Thiên Chúa mở cả cánh cửa của
mồ mả và mở cả cánh cửa của trời cao để
đón nhận con người.
Tóm
lại, về những hành động của Giêsu trong phép
lạ này, Đức Thánh Cha diễn tả rất hay và
liên quan trực tiếp đến chúng ta: “
“Phúc
âm kể lại rằng Chúa Giêsu đưa ngón tay chạm
đến lỗ tai của người câm điếc, và
thấm một chút nước miếng của Ngài trên
lưỡi của người bệnh và nói: Effata - Hãy
mở ra! Tác giả phúc âm đã giữ lại cho chúng nguyên
ngữ tiếng aramaica mà Chúa Giêsu đã nói, và như thế
đưa chúng ta trực tiếp vào trong giây phút đó.
Điều mà được kể lại trong phúc âm, là
điều duy nhất, tuy nhiên không thuộc về quá
khứ xa xôi: Chúa Giêsu thực hiện cũng một
điều như vậy một cách mới mẻ và làm
lại điều đó nhiều lần cả trong
thời đại hôm nay. Trong bí tích Rửa Tội, Chúa
Giêsu đã hoàn tất trên chúng ta cử chỉ chạm
đến này, và đã nói với chúng ta: Effata, hãy mở ra!
Để làm cho chúng ta có khả năng cảm nghiệm
được Thiên Chúa và như thế để cho chúng
ta có lại khả thể nói chuyện với Thiên Chúa.
Nhưng biến cố này, --- biến cố Bí Tích Rửa
Tội --- không có gì là ảo thuật. Bí tích Rửa tội
mở ra một con đường. Bí Tích đưa chúng ta
vào trong cộng đoàn của những kẻ có khả
năng lắng nghe và nói, đưa chúng ta vào trong sự hiệp
thông với chính Chúa Giêsu, Đấng duy nhất đã nhìn
thấy Thiên Chúa Cha và sau đó đã có thể nói về Ngài
(x. Gn 1,18): qua đức tin, Chúa Giêsu muốn chia sẻ
với chúng ta việc Người nhìn thấy Thiên Chúa,
việc Người lắng nghe Thiên Chúa và nói chuyện
với Thiên Chúa. Con đường của kẻ lãnh
nhận bí tích rửa tội, phải là một diễn
tiến của sự phát triển từ từ, trong đó
chúng ta lớn lên trong cuộc sống hiệp thông với
Thiên Chúa, và như thế đạt được một
cái nhìn mới khác về con người và về tạo
vật….. và Phúc âm mời gọi chúng ta hãy ý thức
rằng trong chúng ta có bị thiếu hụt về khả
năng nhận thấy --- một sự thiếu mà lúc
đầu chúng ta không lưu ý được như
vậy ---, bởi vì phần còn lại được
xử dụng bởi sự khẩn thiết và hợp lý
của nó; bởi vì từ bên ngoài xem ra như tất
cả đều tiến hành một cách bình thường,
cả khi chúng ta không còn đôi tai lắng nghe và đôi
mắt nhìn thấy Thiên Chúa nữa và chúng ta sống không có
Ngài. Nhưng thử hỏi có phải tất cả
đều diễn ra cách đơn thuần, khi Thiên Chúa
bị thiếu đi trong đời sống chúng ta và trong
thế giới chúng ta hay không? (Bài giảng của ĐTC
Beneđitô XVI trong thánh lễ Chúa Nhật mùng 10 tháng 9 năm
2006 tại thành phố Munich, thủ phủ của Bang
Baviera)
- Lập
tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị
buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
Kết
quả của phép lạ được Mác-cô diễn
tả tương hợp với hành động Giêsu đã
làm trước đây. Đó là “đặt ngón tay vào lỗ
tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi
anh.”
Như
vậy, Giêsu đã đặt ngón tay vào lỗ tai và đã
“mở tai” của người điếc, để anh ta
có thể nghe lại được, và với nước
miếng Ngài đã bôi vào lưỡi, để nhờ
đó lưỡi anh hết bị buộc lại, nghĩa
là được cởi ra khỏi “một sức mạnh
đang trói buộc anh.”
Động
từ “trói buộc” chỉ về một căn bệnh
bị thần dữ trói buộc. Ở Luca 13,16 cũng
nhắc đến người phụ nữ còng lưng được
Giêsu tháo cởi khỏi xiềng xích trói buộc bà: “Còn bà
này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã
mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không
được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?
“
Vâng,
giờ đây anh bạn điếc và ngọng của chúng
ta đã có lại được khả năng nghe và nói.
Và anh ta còn nói được rõ ràng nữa, chứ không
phải bặp bẹ một vài câu. Mác-cô diễn tả
rất rõ ràng. Anh ta đã trở lại con người bình
thường như mọi người. Thật là một
tin vui lớn lao. Tin vui này ứng nghiệm với lời
của tiên tri Isaia 35, 5-6:
“Bấy giờ
mắt người mù mở ra, tai người điếc
nghe được.
Bấy giờ kẻ
què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi
người câm sẽ reo hò.
Vì có nước
vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra
giữa vùng đất hoang vu.”
-
Đức Giê-su truyền bảo họ không
được kể chuyện đó với ai cả.
Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ
lại càng đồn ra.
Lời
truyền bảo phải giữ kín của Giêsu ở
đây hướng về ngôi thứ hai số nhiều
“họ”. Như vậy, nhóm người có mặt dù đã
bị tách biệt, nhưng có thể vẫn chứng
kiến được phép lạ Giêsu làm. Tuy nhiên,
điều mà tác giả muốn diễn tả ở
đây là việc lời truyền bảo giữ kín của
Giêsu đã bị “phá tan”. Ngoài ra, Mác-cô cũng hướng
về tinh thần truyền giáo của Giêsu và về Giêsu
tại miền Thập Tỉnh, miền đất của
dân ngoại, như chính một anh bị quỷ ám
được Giêsu chữa bệnh, và sau đó
được sai đi vào miền Thập Tỉnh
để làm chứng: “Người bảo: “Anh cứ
về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ
biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và
Người đã thương anh như thế nào.” (Mc 5,
19)
Vâng,
hành động tốt lành của Giêsu không thể giữ
kín được. Điều tốt lành cần
được lan rộng, lan rộng như vết
dầu loang.
Còn
về nguyên nhân Giêsu truyền phải giữ kín, thì chúng ta
cũng có thể nhận ra. Đó là Giêsu muốn thi hành
sứ mạng của mình. Nếu không, thì người
Do-thái có thể bắt Ngài và tôn Ngài lên làm vị thủ
lãnh, là Vua theo ý riêng và chương trình của họ. Mà
sứ mạng của Giêsu thì đâu có tương hợp
với một kế hoạch chính trị nào.
- Họ
hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì
cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ
điếc nghe được, và kẻ câm nói
được.”
Một
lời chứng và ngợi ca giữa mảnh đất dân
ngoại, trong miền Thập Tỉnh. Thật là tuyệt
vời! Vinh danh Thiên Chúa không chỉ tỏ rạng trong vùng
trời của niềm tin, mà còn tỏ rạng trong bầu
trời của nhiều tâm hồn chưa biết Chúa. Có
lẽ vì thế, mà cần phải mở miệng tung hô to
hơn và rõ ràng hơn.
Máccô
diễn tả thật là hay: “Ông ấy làm việc gì
cũng tốt đẹp cả.” Lời ngợi khen này
giành cho Giêsu. Và Giêsu được ăn mừng như
Đấng được nhắc trong Sáng thế ký 1, 31:
“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả
là rất tốt đẹp.” (ss. thêm ở Hc 39,16) Vâng, trong
Giêsu Gia-vê Thiên Chúa đang đến, như I-sa-i-a đã
nói: “Chính Người sẽ đến cứu anh em.” (35,4), và khi Người
đến thì người điếc sẽ nghe
được, người câm sẽ nói được,
và què sẽ đi lại đàng hoàng, người còng
lưng sẽ đứng thẳng dậy và không chỉ
thế, mà còn:
“có nước vọt lên trong sa
mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền
nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có
mạch nước trào ra. Trong hang chó rừng ở
sậy, cói sẽ mọc lên.” (Is 35, 6b-7)
Vâng,
Đấng Cứu Độ đã đến và khi Ngài
đến thì Ngài sẽ giải thoát những người
con yêu dấu của Ngài và:
“Những người được
ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về, tiến
đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng
rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ
được hớn hở tươi cười, đau
khổ và khóc than sẽ biến mất.” (Is 35, 10)
---------------------------
Tham khảo
- Rudolf Pesch, Das
Markusevangelium, Herder Verlarg, Freiburg 2000. Sonderausgabe, Band II/1, s.
391-400
- Adolf Pohl, Das Evangelium des
Markus, R. Brockhaus Verlag Wuppertal 2005, Wuppertaler
Studienbibel NT 1, s.296-301
- Meinrad Limbeck,
Markus-Evangelium, Stuttgarter kleiner Kommentar, kbw-Verlag, Stuttgart 1984, s. 97-98
- Gottfried Schille - Horst Balz
& Gerhard Schneider (Hrg), Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament
Band I, 2.Aufl., Kohlhammer Verlag, Stuttgart-Berlin-K#ln 1992I, từ
ngữ Deka,polij (dekapolis)
- Helmut Merklein, Die
Jesusgeschichte-synoptisch gelesen, Stuttgarter Bibelstudien 156, kbw-Verlag, Stuttgart 1994, , trang 135-136
- Bài giảng của ĐTC
Beneđitô XVI, giảng ngày 5/2/06 khi ngài viếng
thăm Giáo xứ Thánh Anna tại Vatican. www-vietcatholic.net
- Bài giảng của ĐTC
Beneđitô XVI trong thánh lễ Chúa Nhật mùng 10 tháng 9 năm
2006 tại thành phố Munich, thủ phủ của Bang
Baviera. www.vietcatholic.net
|