Thứ Tư
sự sống đại đồng
Bài Đọc I: (Năm I) Cl 1, 1-8
Đáp Ca: Tv 51, 10. 11
Phúc Âm: Lc 4, 38-44
Là Đấng được xức dầu Thánh Linh và được huy động bởi Thánh Linh, nên cho dù đi đâu, Chúa Kitô cũng thực hiện sứ vụ của Thiên Sai của Người, một sứ vụ được tóm tắt trong bài Phúc Âm hôm Thứ Hai là thời điểm mở màn cho Phúc Âm của Thánh ký Luca kéo dài 13 tuần lễ ngày thường của Mùa Thường Niên, đó là sứ vụ "đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Nghĩa là Người luôn mang ơn cứu độ đến cho mọi người, bằng lời giảng và quyền năng chữa lành của Người, trước khi Người hoàn tất Cuộc Vượt Qua tối hậu của Người với tư cách chính thức là một Đấng Cứu Thế duy nhất của toàn thể loài người và cho loài người.
Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, sau khi đã trừ quỉ cho một nạn nhân trong một hội đường ở Carphanaum thì "Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon". Thì ra nhà của chàng Simon, sau này là tông đồ Phêrô, ở trong thành phố lớn có nhiều dân ngoại sinh sống này. Nên nhớ rằng, theo Phúc Âm của Thánh ký Luca thì cho tới lúc này Chúa Giêsu chưa chọn gọi các môn đệ.
Bởi thế, việc Người "đến nhà Simon" đây, mà không đến một nhà nào khác trong thành phố đông đảo này, có thể là vì Người được chính chàng Simon đầy nhiệt huyết này mời, nhờ đó lần Người viếng thăm nhà của chàng ấy như là một dạo khúc làm quen trước khi Người chính thức tuyển chọn chàng cùng với mấy chàng thanh niên khác cùng lứa tuổi với chàng và nghề nghiệp như chàng, một biến cố tuyển chọn được Phúc Âm ngày mai ở đầu đoạn 5 thuật lại.
Dạo khúc làm quen của Chúa Giêsu với chàng Simon được thể hiện nơi bà mẹ vợ của chàng, như Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài". Sự kiện chàng Simon trước khi gặp Chúa Giêsu và được Người tuyển chọn mà có vợ là chuyện bình thường, chẳng có gì là sai trái.
Thế nhưng, một khi chàng tuyên bố "đã bỏ mọi sự mà theo Thày" (Mathêu 19:27) thì chàng cũng bỏ cả vợ nữa, một người vợ không biết còn sống hay chăng, vì trong bài Phúc Âm hôm nay, không thấy Thánh ký Luca tiết lộ, chỉ thắc mắc rằng nếu vợ của chàng còn sống và ở đó bấy giờ (vì mẹ của nàng đang bị bệnh rất cần nàng chăm sóc) thì tại sao nàng không phụ mẹ hay thay mẹ để tiếp đãi Người, đến độ phải để cho một người mới lành bệnh phải làm: "bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài".
Ở đây, chi tiết về nhạc mẫu của chàng Simon sau này là tông đồ Phêrô khiến chúng ta liên tưởng đến luật giáo sĩ độc thân của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Thật ra, tự bản chất của thừa tác vụ thánh nơi hàng giáo phẩm và giáo sĩ không buộc phải giữ mình độc thân. Theo lịch sử của Giáo Hội, ngay từ ban đầu, các vị giáo sĩ và giám mục đều có gia đình (xem 1Timotheu đoạn 3), vì khi Giáo Hội mới được thành hình ở các nơi thì làm gì đã có các tiểu chủng viện và đại chủng viện như từ sau Công Đồng Triđentino vào năm 1563, thời điểm Giáo Hội Công Giáo bắt đầu chính thức hóa vấn đề độc thân linh mục.
Sở dĩ Giáo Hội ra luật độc thân cho hàng giáo sĩ của mình là để cho các vị có thể nhờ đó sống xứng với vai trò mục tử của mình (pastor) và đúng với thừa tác mục vụ của mình (pastoral care / ministry), thành phần mục tử hoàn toàn sống vì chiên và cho chiên, như chính Chúa Kitô là Vị Mục Tử Nhân Lành đến cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn cho dù có cần phải hiến mạng sống mình (xem Gioan 10:10-11), một tinh thần dấn thân phục vụ và "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1) như thế không thể nào hay khó có thể thực hiện nếu hàng giáo sĩ sống gia đình và vì thế họ cần phải lưu tâm và chăm sóc cho vợ con của mình trên hết và trước hết theo phận vụ làm chồng và làm cha của họ.
Chúa Giêsu là Đấng được sai đến với tất cả mọi người để cứu độ họ, nên Người không phải chỉ chữa lành cho nhạc mẫu của chàng Simon bấy giờ mà còn cho tất cả mọi bệnh nhân khác nữa, kể cả những ai bị quỉ ám, như Thánh ký Luca ghi lại trong bài Phúc Âm hôm nay: "Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: 'Ông là Con Thiên Chúa'. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô".
Trong Bài Phúc Âm cho Thứ Tư Tuần XXII hôm nay, chúng ta còn thấy chiều hướng truyền giáo của Thánh ký Luca rất rõ ràng ở ngay câu cuối cùng: "Người bảo họ rằng: 'Tôi còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Tôi đã được sai đến'. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa", cho dù Người có được dân chúng ở đó bấy giờ tỏ ra hết sức lưu luyến muốn Người ở lại với họ: "Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ".
"Xứ Giuđêa" trong câu Phúc Âm của Thánh ký Luca "Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa" cũng cho thấy chiều hướng truyền giáo ngay tại mảnh đất chính yếu của dân Do Thái và của đạo Do Thái, vì là nơi có Thành cùng Đền Thánh Giêurusalem và Hội Đồng Đầu Mục Do Thái. Bởi vì, trong lệnh sai đi truyền giáo của Người trước khi về trời, nơi mà Người muốn các tông đồ đến đầu tiên là "Giêrusalem" và "Giuđêa" trước cả "Samaria và tận cùng trái đất" (xem Tông Vụ 1:8). Quả thực, "Giêrusalem" ở "Giuđêa" là địa điểm và khu vực truyền giáo đầu tiên ngay sau biến cố Thánh Thần Hiện Xuống vậy.
Theo chiều hướng Chúa Giêsu cần "phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác nữa", mà Thánh Phaolô, trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, cũng nhắc lại cho Kitô hữu Giáo đoàn Thessalonica về "Tin Mừng", một Tin Mừng cần phải được rao giảng "khắp thế giới" (Marcô 16:15), "khắp mọi dân nước" (Mathêu 28:19), "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), và thực sự đã xẩy ra, như chính vị tông đồ của dân ngoại trong Bài Đọc 1 hôm nay nhận định: "Tin Mừng đó đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ". Đó là lý do Thánh Phaolô đã có lý dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em, bởi nghe biết lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và lòng yêu mến của anh em đối với tất cả các thánh. Chúng tôi cảm tạ vì niềm hy vọng dành cho anh em trên trời, mà anh em đã nghe biết trong lời chân thật của Tin Mừng. Tin Mừng đó đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ, sinh hoa kết quả và gia tăng nơi anh em, từ ngày anh em đã nghe và nhận biết ơn Thiên Chúa trong chân lý".
Tâm tình của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô như được phản ảnh qua Bài Đáp Ca hôm nay, một bài đáp ca chất chứa một lòng "tin cậy" vào vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu trong việc Ngài tỏ "danh Ngài" ra bằng "hành động" cứu độ nhân loại của Ngài:
1) Phần tôi như cây ô-liu xanh tốt trong nhà Thiên Chúa; tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời.
2) Tôi sẽ ca ngợi Chúa muôn đời vì Chúa đã hành động, và tôi sẽ chúc tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo trước mặt chư tín hữu.
|