Chúa Nhật
sự sống tập tục
Bài Đọc I: Đnl 4, 1-2. 6-8
Đáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5
Bài Đọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27
Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
Bài Phúc Âm cho Chu Kỳ Năm B theo Thánh ký Marco, sau 5 Chúa Nhật bị cách quảng bởi 5 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan ở Đoạn 6 về đề tài Bánh Sự Sống, hôm nay đã được nối lại.
Bởi thế, các câu Phúc Âm liên quan đến phép lạ bánh hóa ra nhiều lần 1 và Chúa Giêsu bước đi trên nước sau phép lạ này được Thánh ký Marcô thuật lại ở cuối đoạn 6 đã không được Giáo Hội lập lại, mà Giáo
Hội chọn đọc các câu ở đầu đoạn 7, liên quan đến thái độ có tính cách giả hình, giữ luật theo hình thức hơn là tinh thần sống đạo thực sự, một thái độ đã được Giáo Hội chọn đọc cho 3 ngày đầu tuần (Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư) trong Tuần XXI Thường Niên vừa rồi theo Phúc Âm Thánh ký Mathêu.
Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô hôm nay, Giáo Hội không lấy một số câu (8b-13) chẳng liên quan gì đến vấn đề Người muốn nhấn mạnh ở đây, đó là vấn đề lệch lạc của "những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu" để hạch hỏi Người rằng: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" , một thứ lệch lạc được Chúa Giêsu lợi dụng ngay vấn đề của họ để vạch ra cho họ thấy khuynh hướng sai lầm của họ như sau:
"Người đáp: 'Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người'".
Ở đây, qua câu Chúa Giêsu công khai khiển trách này, Người không hề có ý chê trách "tập tục của tiền nhân" là những gì hay và có lợi, ít là liên quan đến sức khỏe về thể lý và lịch sự tối thiểu, nên giữ và cần giữ (xem Mathêu 23:23). Và thành phần thày dạy trong dân là luật sĩ và biệt phái này cũng phân biệt kỹ lưỡng đâu là luật Chúa và những điều nào thuộc về luật Chúa, nên trong câu hạch hỏi của mình họ đã sử dụng chính xác cụm từ "tập tục của tiền nhân" chứ không phải luật Chúa hay luật Moisen v.v.
Tuy nhiên, vấn đề họ bị Chúa Giêsu là vị Đại Tôn Sư khiển trách đó là, như những gì đã nhận định và phân tích ở 3 bài Phúc Âm đầu tuần vừa rồi, thành phần thày dạy trong dân Do Thái này có khuynh hướng và tỏ ra coi thường những cái trọng và coi trọng những cái thường, chú ý tới những cái phụ thuộc mà bỏ qua những cái chính yếu. Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã thẳng thắn cho họ biết rằng: "các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người'".
Thật ra, xét theo bề ngoài thì hai thành phần luật sĩ và biệt phái này tuân giữ "các giới răn Thiên Chúa" rất kỹ, như được thấy trong lời cầu của người biệt phái ở dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: "tôi ăn chay một tuần 2 lần, đóng thuế thập phân về tất cả những gì tôi có" (Luca 18:12). Tuy nhiên, về tinh thần thì họ chẳng hề tuân giữ "các giới răn Thiên Chúa" gì hết, bởi vì "tất cả lề luật và các tiên tri đều gồm tóm ở trong hai giới răn này" (Mathêu 23:40), đó là yêu Chúa hết mình và yêu nhau như mình (xem Mathêu 23:37-39), mà thực tế thì họ luôn sống ngược lại, ở chỗ họ coi trọng của lễ hơn là lòng nhân lành (xem Mathêu 9:13).
Bởi thế, cho dù bề ngoài họ có vẻ tuân giữ lề luật của Chúa đấy, nhưng bề trong của họ thì đầy những xấu xa tồi bại cần phải được thanh tẩy, như Người đã cảnh giác và huấn dụ họ rằng: "Hãy thanh tẩy bên trong ly chén trước đã thì bên ngoài của nó cũng được sạch theo" (Mathêu 23:26). Đó là lý do bài Phúc Âm hôm nay còn được kết thúc bằng những lời Chúa Giêsu nói riêng với dân chúng về yếu tố chính làm cho con người là loài nhân linh ư vạn vật, là loài có lương tâm luân lý và tâm linh nhân cách, chứ không phải chỉ là loài thuần thể lý, ra ô uế:
"Hết thảy hãy nghe mà hiểu cho rõ lời của Tôi. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".
Theo chiều hướng của Lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm về những gì làm cho con người ra ô uế cần phải được chú trọng và thanh tẩy, Bài Đọc 2 hôm nay cũng được Tông Đồ Giacôbê kêu gọi thành phần dân Do Thái được ngài gửi thư cho như sau:
"Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này".
Trong lời khuyên nhủ này, Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến 2 điểm then chốt hoàn toàn ngược lại với 1- khuynh hướng và tinh thần giả hình của thành phần luật sĩ và biệt phái, đó là "Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình", và 2- hoàn toàn ngược lại với tinh thần duy luật bất nhân ái của họ, một lòng nhân ái là cốt lõi của lệ luật nhưng lại bị hành phần sư phụ của dân Do Thái này coi thường: "Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách...".
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ông Moisen trong Sách Đệ Nhị Luật cũng đã nhắn nhủ dân Do Thái là hãy cẩn thận "tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi", "vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân", bằng cách, về mặt tiêu cực: "chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền", mà một trong những cách "thêm bớt" âm thầm và gián tiếp đầy tinh khéo này là "bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người", như Chúa Giêsu đã cảnh giác những người luật sĩ và biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay.
Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ nhận định của mình về những "người sống thanh liêm và thực thi công chính", thành phần được tỏ hiện ở chỗ không có gì liên quan đến bất chính, trước hết, "trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống" (câu 1); sau nữa, "không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận" (câu 2); và sau hết, "dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương" (câu 3).
Bởi vì, những điều bất chính như được nói đến trong Bài Đáp Ca này đều xuất phát từ lòng con người ta là những gì, như Chúa Giêsu cho biết ở cuối bài Phúc Âm, làm cho con người ra ô uế, dơ bẩn, những gì mà cho dù con người có giữ lề luật đi chăng nữa, cũng chỉ là giả hình như những người luật sĩ và biệt phái, bởi việc giữ luật của họ chỉ vụ hình thức hơn là sống đúng tinh thần của lề luật là chính lòng nhân ái đối với tha nhân.