Đường hay pháo đài – Lm. GB. Văn Hào
Có một Rabbi Do
Thái tên là Agiba, bị giam trong một trại tù ở Rôma.
Ông rất trung thành với lề luật và truyền
thống tổ tiên để lại. Tù nhân vẫn
được cho ăn uống tử tế và đầy
đủ, nhưng chỉ một thời gian ngắn,
sức khoẻ ông bị giảm sút nghiêm trọng. Sau
một thời gian theo dõi, giám thị trại giam đã tìm
ra nguyên nhân. Lý do đơn giản, vì phạm nhân đã dùng
hầu hết số nước được cấp
phát thay vì uống, lại để rửa tay trước
khi ăn. Cơ thể ông ta thiếu nước một
cách trầm trọng. Vị Rabbi Do Thái này đã cương
quyết tuân thủ lề luật bằng bất cứ
giá nào.
Giai thoại trên do tác giả Barlay kể
lại, dẫn chúng ta đi vào bối cảnh câu chuyện
được trình thuật trong Tin mừng hôm nay.
Những người biệt phái tỏ ra rất khó
chịu khi thấy các môn đệ Đức Giêsu dùng
bữa mà không rửa tay trước. Câu trả lời
của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải canh tân
nội tâm để thực hiện những giới
luật của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ
tỏ ra xơ cứng, chỉ thỏa mãn trên việc
thực thi lề luật cách máy móc theo hình thức bên ngoài.
Lex Occidit (chữ viết luật lệ thì
giết chết)
Trong các sách Tin mừng nhất lãm, các thánh ký
khá nhiều lần thuật lại sự đối kháng
giữa Đức Giêsu và các đầu mục Do Thái,
đặc biệt nhóm biệt phái. Trình thuật trong Tin
mừng hôm nay là một ví dụ điển hình. Những
người biệt phái “nhắc khéo” Chúa Giêsu: “Tại sao
môn đệ ông không rửa tay trước khi ăn?”. Có
lẽ lời nhắc nhở này phát xuất từ lòng
thương hại của họ hơn là để phê
phán hay chỉ trích. Đối với họ, phải
giữ lề luật cách cẩn trọng và tỉ mẩn,
con người mới trở nên công chính và thánh thiện.
Cũng vậy, có lần họ thấy những học trò
của Chúa Giêsu bứt lúa để ăn cho đỡ
đói trong ngày hưu lễ. Họ bực bội khó
chịu, và không thể chấp nhận một hành vi
phạm luật như thế. Ngày Sabat theo luật
viết, là một ngày để nghỉ ngơi, không
được làm bất cứ công việc gì. Nhóm biệt
phái còn soạn thảo thêm 36 chi tiết tỉ mỉ, nêu ra
những điều cấm kỵ tuyệt đối không
được đụng tay vào trong ngày hưu lễ.
Gặt lúa bị nghiêm cấm, quạt thóc cũng không, ngay
cả nấu nướng cũng chẳng được
phép làm. Họ tự nghĩ ra những rào cản rất vô
lý, không những để tự trói buộc mình, mà còn
chất bao gánh nặng lên vai người khác. Chúa Giêsu
phản kháng hoàn toàn. Ngài chống đối kịch
liệt, và cao điểm nhất, Ngài kết án thái
độ giả dối của họ một cách thẳng
thừng. Thánh Matthêu đã liệt kê 7 điều “chúc
dữ”
Chúa đã nói một cách gay gắt nhắm vào họ, không
một chút khoan nhượng. “Khốn cho các ngươi,
các kinh sư và các Pharisiêu giả hình, các ngươi khóa
cửa nước trời không cho ai vào. Các ngươi làm
bộ để nuốt hết tài sản của các bà
góa... Các ngươi giống như mồ mả tô vôi,
bề ngoài ra vẻ công chính trước mặt thiên
hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác…” (xem Mt
23,13-32).
Xem ra mũi dùi tấn công của Chúa Giêsu
nhắm vào họ quá cứng rắn và đanh thép, biểu
tỏ một thái độ bất nhân nhượng, không
thể chấp nhận. Nhưng Chúa có lý do. Ngài ghét cay ghét
đắng những con người giả dối chỉ
biết giữ lề luật một cách cứng ngắc
và giả dối bề ngoài, còn tâm hồn bên trong lại
rỗng tuếch. Ngài khẳng định rằng, Ngài
đến không phải để hủy bỏ lề
luật, nhưng để kiện toàn, tức mặc cho
lề luật một chiều kích nội tâm. Biệt phái
ngày xưa đã hết từ lâu, nhưng kiểu cách biệt
phái vẫn còn nơi cuộc sống chúng ta, nơi từng
mỗi giáo dân, đặc biệt nơi anh em linh mục
hay tu sĩ. Chúng ta giữ ngày Chúa nhật bằng việc
lê xác tới nhà thờ cho có lệ, nhưng tâm hồn
vẫn để ở đẩu ở đâu. Chúng ta
vẫn ăn chay kiêng thịt vào ngày hội thánh buộc,
bao tử có thể trống rỗng và đói cồn cào,
nhưng tâm hồn lại chất đầy hận thù và
tham lam bẩn thỉu. Chúng ta đến nhà thờ
đấm ngực thật to và cùng đọc với
mọi người: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi..,
nhưng vừa bước chân ra bên ngoài, chúng ta lại
đấm lộn qua ngực người khác bằng cách
chỉ trích hết người này, đến kết án
người nọ. Việc tuân thủ lề luật
một cách xơ cứng và vô nghĩa như thế có khác
gì thái độ của những người Pharisiêu năm
xưa. Quả thật, Lex Occidit, luật lệ cứng
ngắc sẽ giết chết chúng ta.
Spiritus Vivificat. (tinh thần lề luật
mới làm cho sống).
Tuân giữ lề luật một cách máy móc
sẽ giết chết, sẽ nhấn chìm chúng ta trong bóng
tối của mù lòa, nhưng thực thi tinh thần lề
luật sẽ làm cho chúng ta sống. Đây là điều
Thánh Phaolô đã khẳng quyết trong thư Rôma. Thánh giáo
phụ Irênê cũng nói “Vinh quang của Thiên Chúa là con
người chúng ta được sống”, hoặc tác
giả sách Khôn ngoan cũng diễn tả: “Thiên Chúa
chẳng vui gì khi thiên hạ tiêu vong” (Kn 1,13). Đức
Giêsu đến trần gian để cho chúng ta
được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Vì
muốn chúng ta được sống, nên Đức Giêsu
đã mặc cho lề luật một chiều kích nội
tâm. Ngài gọi mời chúng ta đi vào tinh thần lề
luật để được sống. Trong thư
gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã khẳng định
khá nhiều lần: “Anh em cần phải cắt bì trong tâm
hồn, theo tinh thần lề luật, chứ không phải
theo chữ viết của lề luật (Rm 2,29b)”. “Chúng ta
phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không
theo bản văn cũ của lề luật (Rm 7,6).
Cuối cùng, thánh tông đồ đã tóm kết toàn bộ
lề luật vào một định thức giản
đơn. Ngài viết “Yêu mến là chu toàn lề luật”
(Rm 13.16).
Như vậy, tinh thần của lề
luật, chính là tình yêu. Trước khi đi thụ
nạn, Chúa Giêsu đã chuyển giao cho các học trò lề
luật mới này: “Thầy để lại cho anh em
một điều răn mới là anh em hãy yêu thương
nhau”. Lề luật mà Đức Giêsu thiết định
bằng máu Ngài đổ ra trên Thập giá chính là tình yêu,
tình yêu mà Ngài đã thực thi như một nguyên mẫu.
“Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu
thương anh em.”
Nói tóm lại, không phải Đức Giêsu
đả kích lề luật cũ của cựu
ước, nhưng Ngài kiện toàn và nội tâm hóa lề
luật, đồng thời Ngài mời gọi chúng ta
đi vào cốt lõi của lề luật, đó là thực
hành yêu thương.
Thiên Chúa thấu rõ tâm hồn mỗi
người. Thánh Augustinô đã thưa với Chuá: “Lạy
Chúa, Ngài biết rõ con hơn cả chính con biết con”. Chúng
ta không thể giấu diếm Thiên Chúa được
một điều gì. Thiên Chúa không bao giờ đo
đếm những thành tích đạo đức bề
ngoài để đánh giá con người chúng ta, nhưng
Ngài thấu tỏ mọi bí ẩn trong tâm can từng
người. Thước đo duy nhất để Ngài
định giá chúng ta chính là thước đo tình yêu.
Những biệt phái ngày xưa, bề ngoài rất
đạo đức, không chê vào đâu được:
“Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng
cúng một phần mười huê lợi của con…”,
nhưng Chúa nói thẳng vào mặt họ: “Đồ
giả hình và gian ác” (Mt 23,30). Chúng ta hãy lục soát
lương tâm để xem có bao giờ Chúa phải nói
với chúng ta như thế hay không?
Cha Anthony de Mello, một tu sỹ dòng Tên đã
viết một câu chuyện khá ý nghĩa. Một ông vua nọ chơi bời tác tráng, cả ngày
chỉ nhậu nhẹt và lao đầu vào những
cuộc ăn chơi trụy lạc, chẳng lo gì cho dân.
Khuôn mặt của ông lúc nào cũng đỏ gay và sặc
sụa mùi rượu. Một bữa nọ, nhà vua
cưỡi ngựa đi ra ngoài thành. Ông gặp một tu
sỹ già khuôn mặt nhợt nhạt xanh xao, áo quần lôi
thôi lếch thếch. Nhà vua dừng lại và trịch
thượng chào vị tu sỹ với giọng
điệu mỉa mai: “Xin chào ông tu sỹ. Nhìn áo quần
nhàu nát và khuôn mặt cáu bẩn của ông, tôi thấy ông
chẳng khác gì một con heo”. Vị tu sỹ cúi đầu
lắng nghe, gương mặt bình thản và cũng
chẳng tỏ vẻ khó chịu chút nào. Một lát sau, ngài
ngẩng đầu lên, nhìn chăm chú vào đức vua và
đáp lễ: “Thần xin cám ơn bệ hạ, còn bề
tôi thấy khuôn mặt đức vua giống như
một vị thánh”. Nhà vua kinh ngạc hỏi lại: “Ta
miệt thị ngươi, ngươi không buồn
cũng chẳng giận, còn khen ta có khuôn mặt giống
một vị thánh, tại sao thế?. Vị tu sỹ
điềm nhiên và thong thả trả lời: “Tâu
đức vua, một con người sống với trái
tim và tâm hồn của loài heo, nhìn thấy ai cũng
giống heo. Ngược lại, một con người có
tâm hồn và trái tim của một ông thánh, sẽ thấy mọi
người giống các vị thánh. Nói xong vị tu sỹ
lặng lẽ bỏ đi còn nhà vua đứng chết
lặng.
Chúng ta giữ đạo và giữ luật
với trái tim của loài heo hay của một ông thánh? Chúng
ta tuân thủ các điều luật trong giáo hội với
tâm hồn của những người Pharisiêu năm xưa
hay với trái tim nhân hậu của của Chúa Giêsu? Chúng ta
hãy tự lục soát lương tâm và nhìn thẳng vào
nội tâm chính mình để tìm câu trả lời.
Đường hay pháo đài?
Đây là tựa đề của một
quyển sách do Nguyễn Ngọc Lan biên soạn. Ông là
một cựu tu sỹ Dòng Chúa Cứu Thế, đã suy
tư và viết cuốn sách này năm 1972. Trong tác phẩm,
ông đặt vấn đề với tất cả chúng
ta, đạo Công giáo là đường hay pháo đài? Pháo
đài là một thứ lô cốt cứng ngắc chúng ta
chui vào đó để cố thủ, để ôm giữ.
Nếu chúng ta chỉ giữ đạo một cách khô
cứng với những lề luật hình thức bên ngoài,
chẳng khác nào chúng ta đang khăng khăng ôm giữ
một pháo đài. Điều đó cũng giống như
những anh chàng Hồi giáo IS quá khích ngày nay quyếtgiữ
bom trong mình để liều chết. Còn nếu chúng ta
không phải giữ đạo mà sống đạo, thì
đạo đích thực là một con đường. Con
đường trước mắt luôn mở rộng thênh
thang để chúng ta bước đi, đi đến
gặp gỡ Thiên Chúa và đi đến gặp gỡ anh
em. Đạo công giáo của Chúa Giêsu là đường,
chứ không phải pháo đài.
Kết luận
Nếu bình thản đọc lại bộ
giáo luật 1983, chúng ta thấy ngay từ lời tựa
đầu tiên, Giáo hội đã đưa ra những tiêu
chí chung cho tất cả 1752 khoản luật viết trong
đó. Tiêu chí đó là: “ Để giúp việc chăm sóc các
linh hồn, không chỉ là đức công bằng, nhưng
luôn phải dành chỗ cho đức ái, tiết độ,
nhân đạo...Vì thế, các mục tử nên loại
bỏ các khoản quá cứng ngắc. Hơn nữa,
mỗi khi không cần những khoản luật nhằm
phục vụ công ích và kỷ luật chung của Giáo
hội, chỉ nên sử dụng lời khuyên hay khuyến
cáo mà thôi”. Chúng ta hãy đọc kỹ lại những
hướng dẫn này.
Lời nhắc nhở này dành cho mọi tín
hữu, đặc biệt cho các anh em linh mục là
những “người quản lý các mầu nhiệm Thiên
Chúa”(1 Cor 4,1-2), để trong công việc mục vụ,
chúng ta luôn mang chở nơi mình một trái tim giống trái
tim của Vị Mục Tử Nhân Lành, là nguyên mẫu cho
tất cả chúng ta.
|