Đáp lại ơn cứu độ bằng toàn bộ
đời sống của mình
(Suy niệm của Đức ông James M.
Reinert - Đan Quang Tâm dịch)
Trong đoạn văn Tin Mừng Thánh Máccô,
ta nghe đọc điều rất có thể là một
trong những lập luận được Đức
Giêsu đưa ra nhiều lần. Đức
Giêsu kiên định trong việc dẫn đưa dân chúng
đến chỗ hiểu biết chân lý về sự
hiện diện của Thiên Chúa và làm thế nào đáp
lại trước chân lý đó. Đồng thời,
Người chỉ trích các tập tục phàm nhân
được giảng dạy và thực hiện như
những hành vi thờ phượng. Khi
nói rằng “Các ông gạt bỏ điều răn của
Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”,
Người thông báo rằng các tập tục cũ đã
lỗi thời rồi. Người cũng lên án truyền
thống và thói tục thêm thắt vào các điều răn
do Thiên Chúa ban… thái độ biến tập tục hoặc
“ý tốt” trở thành lề luật.
“Thật vậy, lời Tin Mừng không
phải chỉ để nghe mà còn để tuân giữ và
thi hành (x. Mt 7,24; Lc 6,46-47; Ga 14,21.23-24; Gc 1,22): sự kiên
định trong hành vi chứng tỏ điều mình tin và
không chỉ giới hạn trong những việc có liên quan
chặt chẽ đến Giáo hội hoặc thuần tuý
thiêng liêng, mà còn liên hệ đến con người trong
toàn bộ kinh nghiệm sống và trong toàn bộ các trách
nhiệm của họ. Tuy nhiên dù mang tính
trần thế đến đâu, chủ thể của các
trách nhiệm này vẫn là con người, đó là con
người, thông qua Giáo hội, được Thiên Chúa kêu
gọi tham gia vào ơn cứu độ.
Con người phải đáp lại ơn
cứu độ không phải bằng sự chấp
nhận một phần, trừu tượng hoặc
chỉ bằng lời nói suông, mà bằng toàn bộ
đời sống của mình – trong mọi quan hệ làm
nên đời sống – để không sao lãng điều
gì, khiến cho điều ấy ở lại trong lĩnh
vực phàm tục và trần thế mà không có liên quan gì hay
xa lạ với ơn cứu độ. Vì thế,
đối với Giáo hội, học thuyết xã hội
của Giáo hội không phải là một đặc ân,
một sự đi lạc đề, một tiện
lợi hay một sự can thiệp: Giáo hội có quyền
loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội, làm cho
lời giải phóng của Phúc âm vang lên trong thế
giới phức tạp của sản xuất, lao
động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính
trị, pháp luật, văn hoá, truyền thông xã hội,
nơi con người sống” (Sách Tóm lược Học
thuyết Xã hội Công giáo,70).
Phản ứng mà các kỳ
mục và lãnh đạo tôn giáo có đối với lời
của Đức Giêsu chứng tỏ rằng họ đã
đánh mất cái nhìn về các giáo huấn của Môsê.
Từ Sách Đệ nhị luật, ta nghe Môsê bảo dân Israel
về tầm quan trọng của các thánh chỉ và
quyết định được trao ban cho họ. Có
lẽ sứ điệp quan trọng nhất trong bản
văn là ở phần cuối… có quốc gia hoặc dân
tộc nào có được “thần minh ở gần,
như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?”
Ta phải trở lại cách đây một
vài tuần để hiểu rõ điều này hơn.
Như diễn ra trong Tin mừng Thánh Máccô, cách đây
mấy tuần, ta đã nghe đọc rằng các môn
đệ vừa mới đi truyền giáo trở về,
miệng còn mải bàn luận tất cả những gì họ
đã thấy và
đã làm… và thành thực mà nói, liệu việc
rửa tay có liên quan gì đến đức tin và việc
giữ các điều răn?
Bỗng nhiên, mọi thứ
dường như bị đảo ngược. Thay vì nghe về việc làm thế nào đám
đông phản ứng trước lời giảng dạy
của các Tông đồ, ta lại nghe những tiếng
lầm bầm càm ràm. Đám đông thay
vì đến với Đức Giêsu để nghe thêm,
họ lại ca cẩm và cãi lý.
Trong Thư của Giacôbê, ta có
thể nói rằng tác giả nối tiếp phần
giảng dạy của Môsê. Vấn đề
được nêu trong thư cũng
rất hợp với đoạn văn Tin mừng hôm nay. Trong Thư Giacôbê, ta thấy có một loại thách
đố cho các thành viên của cộng đồng Kitô
giáo. Ông nhắc họ rằng tự
gọi mình là Kitô hữu không thôi thì chưa đủ.
Họ phải chứng tỏ điều
đó. Họ phải thực hành
đức tin, không phải chỉ có cầu nguyện mà còn
phải có hành động.
Môsê nói với dân chúng về
sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời
của họ. Trong Thư Giacôbê, ta được
nhắc về sự hiện diện đó nhưng ta
cũng được kêu gọi đáp lại vì ơn
đức tin ta đã được ban.
Ta hầu như có thể nghe những
lời này xuất phát từ Đức Giêsu cố ý
nhắm đến những người Pharisêu và “các nhà
thông luật”. Người tố giác họ
chỉ có đức tin trống rỗng. Họ
chỉ có biết làm theo thói tục –
rủi thay, các thói tục này chẳng có liên quan gì
đến việc đáp lại sự hiện diện
của Thiên Chúa.
Thư của Giacôbê đặt
nền tảng trên các Phúc âm. Thiên Chúa Cha
đã tạo dựng nên chúng ta và ở lại trong thế
giới. Đức Giêsu ban sự sống của
Người cho chúng ta. Ta đáp lại như thế nào
đây?
|