Thứ Sáu
sự sống tin tưởng
Ngày 28: Thánh Augustinô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Augustinô sinh năm 354 tại Thagaste, một làng nhỏ thuộc Bắc Phi.
Cha ngài là người ngoại giáo, mẹ ngài là thánh nữ Monica. Nhận thấy Augustinô
sáng trí và có nhiều triển vọng nên hai ông bà quyết định cho ngài theo đuổi
việc học tới cùng. Nhưng tại kinh thành Carthage, Augustinô bị tiêm nhiễm bởi
nếp sống trụy lạc sa đọa và chạy theo những tư tưởng lạc giáo Manikê trái
nghịch với đức tin Công Giáo. Mẹ ngài hết sức đau buồn và bà hằng cầu nguyện
cho ngài. Sau
những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô chán ngán và rơi vào
một tình trạng cô đơn, sầu muộn tột độ. Chính trong lúc ấy, Chúa đã đến gõ cửa
lòng ngài: Chỉ một câu kinh thánh: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm
ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô" đã khiến đời ngài chuyển hướng
hoàn toàn. Ngài bắt đầu nghiên cứu giáo lý Công Giáo, theo sự chỉ dẫn của Ðức
Cha Ambrosiô và ngài được Rửa Tội năm 387, lúc đó ngài đã 33 tuổi.
Ngài
trở lại Carthage (Phi Châu), sống một cuộc đời khổ hạnh và sám hối trong một
dòng tu. Sau đó ngài được đề cử làm Giám Mục thành Hyppone. Sự khôn ngoan và
thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài
còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải thánh kinh.
Trong suốt quãng thời gian làm Giám Mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm
tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.
Thánh nhân qua đời năm 430, hưởng thọ 76 tuổi.
Phụng Vụ Lời Chúa theo ngày trong tuần
Bài Đọc I: (Năm I) 1Thes. 4, 1-8
Đáp Ca: Tv 96, 1-2b. 5-6. 10. 11-12
Phúc Âm: Mt 25, 1-13
Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên hôm nay, cũng như cho ngày mai, ở đoạn 25 của Thánh ký Mathêu, nhưng không bao gồm phần cuối của đoạn này về sự kiện chung thẩm, mà chỉ liên quan đến 2 dụ ngôn cuối cùng liên quan đến thời cánh chung của Phúc Âm theo Thánh ký Mathêu.
Sở dĩ 2 dụ ngôn cuối cùng trong bài Phúc Âm hôm nay và ngày mai có thể nói và dám nói là liên quan đến mầu nhiệm cánh chung là vì, theo cấu trúc và diễn tiến của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, thì chẳng những đoạn 24 ngay trước đó là đoạn Phúc Âm về ngày tận thế, mà phần cuối của đoạn 25 ngay sau 2 dụ ngôn này là cảnh chung thẩm.
Thật thế, một trong 2 dụ ngôn cánh chung ấy là dụ ngôn về "10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể" ở trong bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên hôm nay, nhưng "trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả'. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn'".
Trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, muốn hiểu được phần nào ý nghĩa của dụ ngôn này, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của ít là 3 hình ảnh ẩn dụ sau đây: trinh nữ đón (1), chàng rể đến (2), tiếng hô to (3), và dầu đốt đèn (4)
1- Trinh nữ đón: "Trinh nữ" đây ám chỉ ai, nếu không phải là Kitô hữu, vì họ là thành phần nhờ phép rửa đã được nên tinh tuyền và thánh hiến cho Chúa Kitô (xem Epheso 5:26-27). Có bản dịch là "phù dâu", cũng không sai, ở chỗ, ám chỉ thành phần tu sĩ và giáo sĩ, thành phần nhờ đời sống thánh hiến càng làm đẹp thêm cho cô dâu. Trong 10 cô này có 5 cô khôn và 5 cô dại, và khôn hay dại nơi các cô là ở chỗ có mang theo đèn và cả dầu nữa hay chăng. Chúng ta sẽ suy diễn về đèn và dầu sau, ở chi tiết thứ 4 cuối cùng.
2- Chàng rể đến: Thời điểm chàng rể tới chính vào lúc "nửa đêm", chứ không phải giữa thanh thiên bạch nhật ban ngày. Nghĩa là chàng rể đến vào lúc người ta buồn ngủ nhất về tâm linh và đen tối nhất về môi sinh. Đến độ, không phải chỉ có các cô khờ dại mới gục ngủ mà cả những cô trinh nữ khôn ngoan cũng thiếp ngủ nữa: "Thật vậy, nếu giai đoạn ấy không được rút ngắn lại thì không một con người nào được cứu độ" (Mathêu 24:22). Tức là vào lúc Chúa đến lần thứ hai "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?" (Luca 18:8), một thời điểm "vì sự dữ gia tăng mà lòng người hầu hết trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12), một thời điểm đầy như tối tăm gian dối nơi hiện tượng tiên tri giả và kitô giả đánh lừa được nhiều người (xem Mathêu 24:24).
3- Tiếng hô to: Thời điểm chàng rể đến chẳng những vào "nửa đêm" mà còn được kèm theo bằng một "tiếng hô to" nữa. Vậy thì "tiếng hô to" này xuất phát từ đâu, hay ai là người đã phát ra "tiếng hô to" ấy? Nếu Giáo Hội là cô dâu, chàng rể là Chúa Kitô, và thành phần trinh nữ là Kitô hữu, hay thành phần phù dâu là tu sĩ giáo sĩ, thì ai là người đã vang lên "tiếng hô to" ấy, nếu không phải là chính Đức Mẹ Maria. Thật vậy, "tiếng hô to" ấy đã xuất phát từ Mẹ Maria qua những lần Mẹ hiện ra đây đó, đặc biệt nhất và "to" nhất là vào lần Mẹ hiện ra ở Linh Địa Fatima năm 1917, trong giai đoạn thế giới của thành phần "trinh nữ" Kitô giáo bị khủng hoảng đức tin hơn bao giờ hết, đến độ đã đi đến chỗ mất hết đức ái, và dữ dội sát hại nhau bằng các trận thế chiến ở tiền bán thế kỷ 20, cũng như bằng nạn diệt chủng phá thai và nạn ly dị ở hậu bán thế kỷ 20, những hiện tượng quái gở chưa từng có trong lịch sử loài người nơi một thế giới Tây phương càng văn minh càng bạo loạn và là càng trở thành trung tâm của nền văn hóa chết chóc tối tăm.
4- Dầu đốt đèn: Nếu đèn ám chỉ đức tin, và ngọn lửa cháy sáng nơi cây đèn ám chỉ đức mến, thì dầu đèn đây có thể hiểu là đức cậy. Bởi vì, giai đoạn Chúa Kitô chàng rể tới "bị trì hoãn hay chậm trễ - delayed", như trong bài Phúc Âm hôm nay cho biết, mà thành phần trinh nữ hay phù dâu đợi chờ chàng cần phải nhẫn nại và hy vọng hơn bao giờ hết, bằng không, một khi tắt mất đức mến mà lại không còn đức cậy, mà lại mất hết hy vọng thì ngọn lửa đức mến sẽ không bao giờ có thể thắp lại được bởi thiếu dầu đức cậy. Đó là lý do Thánh Phaolô, trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã viết về đức cậy liên quan tới biến cố Chúa Kitô đến như sau: "Người sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa tội mà là để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28). Phải chăng đó là lý do đã xuất hiện Bức Ảnh Lòng Thương Xót Chúa qua Thánh Faustina từ năm 1931, một tấm ảnh có hàng chữ ở cuối bức ảnh gói ghém tất cả sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa liên quan đến dầu đức cậy:"Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!"
Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Phaolô đã dạy Giáo đoàn Thessalonica phải sống như thành phần "trinh nữ", một thành phần "trinh nữ" khôn ngoan chứ không phải dại khờ, tức là thành phần "trinh nữ" xứng danh (khôn ngoan) chứ không phải giả tạo (khờ dại):
"Anh em hãy giữ mình khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện".
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa một cảm nhận thần linh về Vị Thiên Chúa hiển trị (câu 1), một Thiên Chúa uy nghi cao cả (câu 2), một Thiên Chúa quyền năng cứu độ (câu 3), nhất là những người hiền đức (câu 4), tiêu biểu nơi thành phần trinh nữ khôn ngoan trong bài Phúc Âm hôm nay:
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan; trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
3) Chúa yêu thương những ai ghét xa điều dữ; Người gìn giữ tâm hồn những tôi ngoan, và giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác.
4) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người.
|