Thứ Ba
sự sống trung thực
Ngày 25: 1. Thánh Louis IX, vua nước Pháp
2. Thánh Giuse Calasanz, linh mục
Thánh Louis IX, Vua Nước Pháp (1214-1270) Thánh Louis sinh năm 1214 tại Poissy nước Pháp. Cha ngài là vua
Louis VIII. Mẹ ngài là hoàng hậu Blanche de Castille. Chính gương mẫu đời sống
thánh thiện của bà đã ảnh hưởng sâu đậm đến Louis trong thời niên thiếu. Cho
tới khi trưởng thành, Louis vẫn thường hay nhắc lại lời nói của mẹ ngài:
"Mẹ thà thấy con chết trước mặt mẹ còn hơn thấy con phạm tội trọng". Ngài lên ngôi vua kế vị cha năm 12 tuổi và tới năm 19 tuổi, Louis
kết hôn với Marguerite, con gái quận công miền Provence và cả hai sinh hạ được
11 người con. Trên ngai vàng, Luois luôn tỏ ra thanh liêm chính trực và hết mực
thương dân, đặt danh dự của Giáo Hội và của dân tộc lên trên tư lợi và danh
vọng cá nhân. Ðời sống đạo đức của nhà vua chẳng khác chi một thầy dòng khổ tu:
dự lễ và đọc kinh mỗi ngày, xưng tội và đánh tội mỗi tuần. Ngoài ra, nhà vua
còn tìm dịp thể hiện đức bác ái đối với người nghèo và những người bệnh tật. Chính ngài đã lập Ðạo Binh Thánh Giá đi chiến đấu tại Giêrusalem.
Lúc trở về, ngài đã xây một nhà nguyện để kính mão gai Chúa Giêsu do hoàng đế
Constantin trao lại. Năm 1270, nhà vua còn lập thêm một đạo quân mới để chống lại những
người Hồi Giáo, nhưng một cơn dịch lan tràn làm tan rã đạo quân của ngài và
chính ngài cũng lâm bệnh và qua đời ngày 25/8/1270. Thánh Giuse Calasanz, Linh Mục (1556-1648) Giuse Calasanz sinh năm 1556 tại Pétralta miền Aragon phía Bắc
nước Tây Ban Nha. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã được hấp thụ một nền giáo
dục hết sức phong phú nơi hiền mẫu. ngài yêu chuộng đọc kinh và hết sức giữ
mình thanh khiết.
Sau khi mãn bậc trung học, ngài theo môn triết và luật tại viện đại học Lêrida
và bắt đầu có ý định dâng mình cho Chúa. Năm 1583, Calasanz thụ phong linh mục. Cuộc đời truyền giáo của
ngài tại quê hương thu được nhiều thành quả tốt đẹp nhờ tài ba và sự thánh
thiện của ngài.
Năm 1592, ngài rời quê hương đi Rôma, và không muốn cho ai để ý tới mình, ngài
bèn lựa chọn những công việc âm thầm, bên những người nghèo khổ yếu đau và kém
may mắn. Nhận thấy có nhiều trẻ em nghèo phải bỏ học sống lang thang nơi
đầu đường xó chợ, ngài quyết định lập một trường học miễn phí cho học sinh và
lợi dụng cơ hội đó để giáo dục các em về phương diện đạo đức và luân lý. Ngài đã tụ tập được một số anh em linh mục có cùng chí hướng lập
thành một dòng (1597) chuyên lo việc giáo dục các trẻ em nghèo. Sau gần 50 năm tận tụy với công việc tông đồ bên cạnh giới lao
động, ngài qua đời ngày 25/8/1648, hưởng thọ 92 tuổi. Ðức Piô XII đã đặt ngài làm quan thầy các trường tư thục Công
Giáo.
Phụng Vụ Lời Chúa theo ngày trong tuần
Bài Đọc 1: 1Thes. 2:1-8
Đáp Ca: Tv 139:1-3-4-6
Phúc Âm: Mt 23:23-26
Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên vẫn tiếp tục những lời Chúa Giêsu khiển trách nặng nề thành phần luật sĩ và biệt phái. Nếu trong bài Phúc Âm hôm qua Người khiển trách họ đặc biệt về giáo huấn sai lầm của họ thì hôm nay Người khiển trách họ về khuynh hướng của họ, hoàn toàn phản ảnh thứ giáo huấn lệch lạc họ chủ trường và truyền dạy cho người khác, đó là coi trọng cái thường và coi thường cái trọng, đó là coi trọng bên ngoài mà lại coi thường bên trong:
Hai thành phần thày dạy trong dân này đã bị Chúa khiển trách là vì họ tỏ ra coi trọng cái thường và coi thường cái trọng:
"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
Cái trọng đây là gì, nếu không phải "công lý, lòng nhân và thành tín", những điều thuộc về tinh thần, làm nên nhân phẩm cùng nhân cách của con người, nhưng lại là những điều bị họ coi nhẹ, không bằng những cái thường hơn là "nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng".
Thế nhưng, chính Chúa cũng không coi nhẹ cái thường ấy. Bởi thế, Người còn nhấn mạnh thêm với họ để tránh thái độ thái quá bất cập rằng: "Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ". Dầu sao những gì được coi là thường cũng không thể thiếu bởi nó chứng tỏ hay cho thấy sự thực hữu và chân chính của cái chính yếu, của cái quan trọng hơn.
Hai thành phần thày dạy trong dân này còn bị Chúa khiển trách là vì họ tỏ ra coi trọng những gì là bên ngoài mà lại coi thường những thứ ở bên trong:
"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pharisiêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".
"Bên ngoài chén đĩa" thì họ rửa làm sao cho sạch còn "bên trong" chén đĩa thì hôi thối bẩn thỉu. Nếu "bên trong đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ" thì ở đây Chúa muốn nói đến "bên trong" lòng người là nơi xuất ra những gì xấu xa tội lỗi làm cho con người ra ô uế (Marcô 7:20-23; Mathêu 15:19-20). Và như thế, "bên ngoài chén đĩa" đây có thể hiểu là dáng vẻ đàng hoàng, ăn mặc tề chỉnh, điệu bộ tử tế.... Cả ở đây, cho dù nhấn mạnh đến bề trong, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến cả bên trong lẫn bên ngoài: "hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".
Đối với Chúa, căn cứ vào câu hay vào nguyên tắc Người vừa khẳng định thì bên ngoài lệ thuộc vào bên trong và bên trong chi phối bên ngoài: "hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch". Có nghĩa là một khi tinh thần của con người lành mạnh thì đời sống của họ cũng lành thánh, một khi tâm trí của con người chân thành thì hành động của họ cũng ngay thẳng, một khi bản chất của con người đơn sơ thì đời sống của họ dễ dạy v.v.
Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay đã cho thấy một Tông Đồ Phaolô đã tỏ ra xứng đáng là thày dạy dân ngoại ra sao, không giống như thành phần thày dạy trong dân Do Thái là luật sĩ và biệt phái bị Chúa Giêsu thậm tệ khiển trách trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến tinh thần và thái độ lệch lạc của họ, những lệch lạc không hề thấy nơi Thánh Phaolô, trái lại, ngài còn sống chứng nhân một cách trung thực và sống động của một Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu Kitô nữa, như chính lời ngài chia sẻ với Kitô hữu Giáo đoàn Thessalonica như sau:
"Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Philípphê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go. Lời giảng của chúng tôi không do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai, nhưng vì Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng thử luyện tâm hồn chúng tôi. Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám; không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác, trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Kitô. Trái lại, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi".
Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ cảm nhận về một vị Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, kể cả lòng người và mọi ý hướng của họ, như ý hướng xấu (qua thái độ cùng hành vi cử chỉ giả hình) khi hành sử quyền giảng dạy của thành phần luật sĩ và biệt phái là thày dạy trong dân Do Thái, hay ý hướng tốt của Tông Đồ Phaolô trong việc phục vụ chung cộng đồng dân ngoại và riêng cộng đoàn Thessalonica trong Bài đọc 1 hôm nay:
1- Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
2- Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!
|