Thách
đố lớn nhất – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
Trên bước đường theo Chúa, các môn đệ gặp rất
nhiều thách đố từ ngoại cảnh hay nội
tâm. Có bao giờ họ có thể tưởng
tượng chính Chúa lại trở thành thách đố
lớn nhất? Thế mà hôm nay, khi lên tiếng đòi
hỏi một niềm tin lớn lao về quyền năng
Thiên Chúa, chính bản thân Đức Giêsu đã trở thành
một vấn đề khó vượt nhất, vấn
đề có tính cách quyết định cho cả
định mệnh con người, vì liên quan tới chính
sự sống nhân loại.
Nguồn sống
Trước bao nhiêu đe
dọa mạng sống, con người cảm thấy
bất lực. Những sản phẩm tử thần phơi bày
nhan nhản khắp nơi. Trươc tình cảnh
ấy, Đức Giêsu xuất hiện như một
nguồn sống: “Ai ăn thịt tôi và
uống máu tôi, thì được sống muôn đời.”
(Ga 6:54a) Lời đề nghị vô cùng
lạ lùng, chưa từng nghe thấy bao giờ. “Nghe
vậy nhiều môn đệ của Người liền
nói: ‘Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe
nổi?” (Ga 6:60) Người trở thành
đối tượng của lời xầm xì.
Kết quả nhiều môn đệ đã theo
Người lâu năm, cũng đành giũ áo ra đi (x.
Ga 6:66). Tưởng việc ra đi đó
sẽ khiến Người đổi thái độ.
Nhưng không, Người vẫn không hề nao núng, dù
chỉ còn ít người ở lại: “Cả anh em
nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6:67)
Thật là căng thẳng! Thật là một thách
đố lớn!
Trước sự im lặng
đến ngộp thở, ông Phêrô lên tiếng: “Thưa
Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến
với ai? Thầy mới có những lời
đem lại sự sống đời đời.
Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng
chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6: 68-69)
Chính Chúa Cha đã mạc khải tất cả sự
thật về Chúa Con. Thật vậy, “Không ai đến
được với Thầy, nếu Chúa Cha không ban ơn
ấy cho.” (Ga 6:65) Bởi đó, niềm tin là một ân sủng vô cùng cao quí. Đến với
Đức Giêsu tưởng như một hành vi đơn giản. Thực tế phải
có một sức mạnh nội tại phát xuất từ
Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tin vào Lời Chúa và sự
hiện diện đích thực của Chúa nơi con
người Đức Giêsu và nhất là trong bí tích Thánh
Thể.
Đức Giêsu hiện
diện thật trong bí tích Thánh Thể. Nhưng sự
hiện diện đó vẫn khác với sự hiện
diện trong thân xác tại thế của Đức Giêsu. Nói khác, “thịt và máu”
chỉ hiện diện một cách bí tích trong “bánh hằng
sống”. Đây là một sự hiện
diện sâu xa và đích thực. Bên ngoài chỉ là
một tấm bánh hay một chén rượu. Nhưng
dấu chỉ bên ngoài đó nói lên sự thật lớn lao bên trong. Đức Giêsu trở thành
của ăn thức uống nuôi
sống muôn dân khỏi cơn đói khát thiêng liêng. Bởi đó lấy sự hiểu biết bình
thường để đo thực tại Thiên Chúa, con
người sẽ bất lực. Trái
lại phải có sức mạnh Thần khí mới có
thể hiểu nổi Lời Chúa. Thực
vậy, “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác
thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy
nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga
6:63) Bản chất Lời Chúa là thần khí mà lại
lấy con mắt xác thịt để nhìn, thật là không
cân xứng. Xác thịt chỉ dẫn
đến xác thịt, hoàn toàn bất lực trước
những đòi hỏi của Thần khí. “Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần
Khí mới ban sự sống.” (2 Cr 3:6)
Những người còn
ở lại với Chúa vì đã chấp nhận Lời
Chúa và tin vào sự hiện diện đích thực của
Người trong “bánh hằng sống”. Họ đã hiểu Lời Chúa
dưới lăng kính Thần khí. “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì
không thuộc về Đức Kitô.” (Rm 8:9) Đó là lý
do tại sao “nhiều môn đệ rút lui” (Ga 6:66) và
nhiều người “lấy làm chướng” và “xầm xì
về vấn đề ấy.” (Ga 6:61) Thần
Khí sẽ làm im bặt mọi tiếng xầm xì và nghi
hoặc, vì Người chính là sức mạnh của Chúa
Cha kéo ta lại gần Đức Kitô. Thần Khí không
pha chút vẩn đục mới thấy
hết được chiều sâu Lời Chúa. Xác thịt không có độ trong suốt đó
để thấy tất cả sự thật. Thách đố chính là cuộc đối
đầu giữa Thần Khí và xác thịt. Người môn đệ Đức Giêsu luôn
bị đặt trước sự lựa chọn.
Ngày xưa, dân Do thái cũng đứng
trước lựa chọn lớn lao
đó. Ông Giôsuê đã lên tiếng trước toàn dân: “Nếu
anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm
nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ... Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ
phụng thờ Đức Chúa.” (Gs 24:15) Giữa bao nhiêu cám dỗ, dân Do thái đã có lúc
nghiêng ngả. Đã đến lúc họ
phải dứt khoát. Oâng Giôsuê “đã cho
họ một cơ hội để canh tân giao ước
Sinai (Xh 19-24)” (Faley 1994:557) Họ đã nhớ lại
tất cả sự nghiệp hiển hách Chúa đã làm trên
đường về Đất Hứa. Tất
cả đều lặp lại lời tuyên xưng
đức tin như ông Giôsuê: “Về phần chúng tôi, chúng
tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là
Thiên Chúa của chúng tôi.” (Gs 24:18b) Tất
cả lịch sử Do thái đều xây trên lời tuyên
tín này. Như vậy ông Giôsuê đã chinh
phục được toàn dân về cho Chúa. Nhưng
suốt lịch sử không phải lúc nào niềm tin
cũng trong sáng như vậy. Cuộc thách
đố không bao giờ chỉ đến một lần.
Trái lại, cuộc phấn đấu dai
dẳng suốt bốn mươi năm trên sa mạc là
cuộc phấn đấu với niềm tin.
Những sự kiện trái ngược
Các môn đệ Đức Giêsu còn
phải phấn đấu cam go hơn nữa khi
Đức Giêsu đòi hỏi phải tin “ai ăn
thịt tôi và uống máu tôi...” (Ga 6:54) Ngày
xưa, sau khi Người công bố về bánh hằng
sống, “nhiều môn đệ rút lui.” (Ga 6:66) Đức Giêsu đã dám đánh đổi cả
sự nghiệp lấy niềm tin đó. Giả
sử lúc đó Chúa cũng chiều theo
thị hiếu quần chúng, thử hỏi hôm nay Người
còn độ hấp dẫn không?
Chính vì niềm xác tín lớn lao đó, ngày nay Giáo hội vẫn còn là
điểm thu hút giới trẻ về với Đức
Giêsu. Bằng chứng gần 3 triệu bạn trẻ
khắp thế giới đã tề tựu về Roma trong
ngày Quốc Tế Giới Trẻ từ ngày 15 đến
20 tháng 8 năm 2000 để lắng nghe Lời Chúa và tìm
kiếm Đức Giêsu. Một biến cố lớn lao vượt ngoài sức tưởng
tượng của mọi người. Các
bạn trẻ đã tuốn về Roma với niềm
phấn khởi hân hoan. Họ đã đi bộ
hằng chục cây số để vác tượng thánh giá
theo gót Đức Giêsu. Họ đã quì
gối giữa phố xá để cùng đọc kinh
Truyền tin lúc 12 giờ trưa giữa những tiếng
chuông nhịp nhàng nơi kinh thành ánh sáng đó. Để
chuẩn bị cho ngày Đại Hội, hằng chục
ngàn bạn trẻ đã phải làm việc mệt nhọc
hằng tháng hay hằng năm trước. Các bạn
trẻ hoàn toàn thoải mái vì được ăn
uống ngủ nghỉ hoàn toàn miễn phí. Đại
hội đã chuẩn bị 9 triệu bữa ăn cho các bạn trẻ. Có
đủ dịch vụ y tế và vệ sinh đáp
ứng nhu cầu của các bạn. Các
nhà dân chúng ở Roma đã mở rộng cửa đón
tiếp các bạn. Cả Đức Giáo Hoàng cũng
đón tiếp 15 bạn trẻ vào ở chung
với Người. Nhiều bạn trẻ
thuộc thế giới thứ ba đã được bao
vé máy bay về Roma. Các ân nhân đã
đóng góp 3.5 triệu đô la giúp đỡ các bạn
trẻ. Thật là một ngày vui lớn có
tầm mức quốc tế. Niềm vui có thể
đo lường được bằng những màn
hội diễn văn nghệ, nhảy múa, ca
hát. Tất cả đều tìm thấy nhau
trong niềm vui hòa hợp với nhau và nhất là với
Thiên Chúa. Có khoảng 2.000 linh mục sẵn sàng đáp
ứng nhu cầu hòa giải nơi 300 tòa cáo giải ngay
tại quảng trường Colossê.
Cũng trên chính quảng trường
đó, trước đó hơn một tháng, nghĩa là ngày
8 tháng 7 năm 2000, một cảnh tượng trái
ngược đã diễn ra. Cũng một
Đại Hội Giới Trẻ. Cũng vào đầu
thế kỷ 21. Những chuẩn
bị cũng rất công phu. Ước
vọng cũng rất lớn. Người
ta hi vọng một triệu người trẻ
đồng tính luyến ái sẽ qui tụ về Roma
để biểu tình phản đối Tòa Thánh Vatican. Kết quả sau
những ngày kêu gọi ầm ĩ và chuẩn bị
rầm rộ, chỉ non 7000 bạn trẻ tham dự.
Còn đâu hứa hẹn tự do đáp ứng mọi nhu
cầu ăn chơi của tuổi trẻ bằng thế
giới những người đồng tính luyến ái? Các bạn trẻ không nghe thấy tiếng kêu gào
của những người tổ chức hay sao? Trong khi đó, một tiếng kêu gọi của
một cụ già 80 tuổi đã được các bạn
trẻ đón nhận nồng nhiệt. Gần
3 triệu bạn trẻ nghe tiếng nói của lẽ
phải. Chưa tới 7000 nghe theo
những hò hét điên cuồng. Nguyên con số cũng cho
thấy thất vọng về tuổi trẻ là một sai
lầm. Tuổi trẻ là niềm hi vọng lớn lao!!!
|