Mầu
nhiệm Giêsu
(Suy
niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Đức Giêsu là một
thực tại. Ngài hiện hữu như một sự kiện lịch
sử. Ngài là người không dễ
hiểu tuy dù người ta biết cha mẹ và dòng tộc
Ngài. Ngài đã có những lời mà người
đương thời không hiểu được,
nhưng qua đó những người tin vào Ngài biết
rằng Ngài có nguồn gốc thần linh: Ngài là Con Thiên
Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
I. Lời nói của Đức Giêsu khó
hiểu
“Mình Ta là thật của
ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và
uống máu Ta, sẽ được sống đời
đời”. Làm sao chấp nhận được câu nói
này, khi người ta biết Ngài từ nhỏ đã
sống ở Nadarét, khi người ta biết cha mẹ
Ngài là Yuse và Maria! Ngài không được
học hành gì, không có gì trổi trang hơn người khác
khi sống tại Nadarét. Không thể
chấp nhận được lời nói này của Ngài,
đó là chuyện thường tình. Kể cả
một số môn đệ, những người đã
từng thán phục lời giảng của Ngài
trước đó, cũng không thể chấp nhận
lời này: “lời chi sống sượng thế, ai nghe
cho nổi”. Họ đã bỏ đi, không
muốn làm môn đệ của Ngài nữa.
Đức Giêsu nói với nhóm 12: cả
các anh nữa, các anh có muốn bỏ đi không? Phêrô
được một ơn riêng nên trả lời:
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi theo ai. Thầy có lời ban sự sống
đời đời. Thầy là Đấng
thánh của Thiên Chúa”. Để chấp
nhận lời của Đức Giêsu về chính Ngài, con
người phải có ơn đặc biệt từ trên,
vì những gì Ngài nói vượt trên cái bình thường.
Đức Giêsu cũng biết điều này: “Không ai
đến được với Ta, trừ phi
được Cha Ta ban ơn đó”. Ngài
cũng biết những gì Ngài nói không phải chuyện
“thuộc hạ giới”.
Những biểu lộ bên
ngoài diễn tả điều gì sâu kín bên trong. Lời nói diễn tả
nội tâm và bản tính mỗi người. Đức
Giêsu không chỉ là một con người; qua lời Ngài,
người ta nhận ra còn cái gì rất đặc
biệt nơi Ngài. Làm sao lý giải những
gì Đức Giêsu nói về chính Ngài, khi những lời này
cho thấy như thể Ngài còn hơn là một con
người? Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha
tội, thế mà Ngài lại nói: “Tội con đã
được tha” (Mc.2, 7); Abraham là ông tổ của cả
dân Do Thái, thế mà Đức Giêsu lại nói: “trước
khi có Abraham, Ta là Ta” (Ga.8, 58); Thiên Chúa là Đấng
vượt trên tất cả, thế mà có lúc Đức
Giêsu lại nói: “Ta và Cha Ta là một” (Ga.10, 30). Nếu không phải là người mất trí, thì
ắt hẳn còn một điều gì đó mà người
ta chưa hiểu về con người Đức Giêsu.
II. Đức Giêsu là một sự
kiện khó lý giải
Biến cố Đức
Giêsu phục sinh, giúp những người thân thiết
với Đức Giêsu, cụ thể là các tông đồ,
hiểu hơn về Đức Giêsu. Nếu Ngài thuộc
loại gian dối, phạm thượng, thì Thiên Chúa
đâu có phục sinh Ngài. Nếu Ngài
được phục sinh, ắt hẳn những gì Ngài
nói về Ngài phải là sự thật. Vậy
Đức Giêsu là ai? Tương quan
của Đức Giêsu với Thiên Chúa như thế nào?
Đức Giêsu là một vấn đề cho con
người thời đó, và cho cả con người
thời nay nữa.
Với những người đơn
thuần nghĩ Ngài là người phạm thượng,
cái án tử hình dành cho Ngài thật là chính
đáng. Nhưng biến cố phục sinh cho
thấy cách nghĩ như vậy là không thỏa đáng và
sai lầm. Vậy Ngài là ai? Các môn đệ thân tín, nhóm 12, có câu trả lời
về người thầy thân yêu của họ. Ngài
là tiên tri và còn hơn một tiên tri, Ngài là Đấng Kitô và
còn hơn một Đấng Kitô, Ngài là con Thiên Chúa và còn
hơn là con Thiên Chúa như những người công chính
từng được gọi là con Thiên Chúa. Vậy
Ngài là ai?
Tin Mừng Gioan diễn
tả Ngài là Lời đã thành xác phàm (Ga.1, 14). Một số người diễn
tả Ngài là con Thiên Chúa theo một
nghĩa rất đặc biệt. Đức Giêsu cũng
thắc mắc về điều người ta nói về
Ngài: “người ta bảo Con Người là ai?”
Đức Giêsu có vẻ hài lòng với câu trả lời
của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống”. Tuy nhiên, điều này cũng không rõ ràng lắm
với con người ngày nay, vì có nhiều Đức Kitô,
nghĩa là nhiều người được xức
dầu, nhiều người là Đấng Thiên Sai,
chẳng hạn Môsê, Đavít. Cũng có nhiều
người được gọi là con Thiên Chúa, chẳng
hạn các thiên thần, những người công chính, các
vị vua. Công Đồng Chung Nicea sau này
(năm 325) xác định, Ngài là con đồng bản tính
với Thiên Chúa. Công Đồng Chung Chalcedoine xác
định Ngài có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và
bản tính con người, Ngài thực sự là
người và thực sự là Thiên Chúa. Công
Đồng Chung Epheso xác định Ngài là một ngôi
vị Thiên Chúa trong hai bản tính. Dù thế nào chăng
nữa, những tín điều về Đức Giêsu Kitô
của Hội Thánh sau này, là để giúp các tín hữu
hiểu đúng những mặc khải đã
được tỏ lộ cho các tông đồ. Đức tin của Giáo Hội tựa trên
nền tảng các tông đồ. Đức
tin của các Kitô hữu, là đức tin tông truyền.
III. Mở lòng đón nhận sự
kiện Giêsu Kitô
“Ta là bánh hằng sống từ trời
xuống. Ai ăn bánh này, sẽ
được sống muôn đời”. Không
thể hiểu lời này, vì xưa nay chưa có
lương thực nào cho con người sự sống
vĩnh cửu. Vậy làm sao có thể chấp
nhận lời nói này! Hơn nữa, con người Giêsu
cũng mong manh như bao người, vậy Giêsu lấy gì
để bảo đảm cho lời nói của Ngài là
đáng tin, là sự thật?
Đức Giêsu là một
sự kiện, một biến cố, và là một mầu
nhiệm. Những
từ ngữ và lý giải, là để hiểu đúng và
hiểu hơn về Đức Giêsu Kitô. Người ta chưa hiểu hết về Ngài,
người ta đang cố gắng hiểu và diễn
tả về Ngài. Có thể, mỗi
một diễn tả giúp con người hiểu hơn
về mầu nhiệm Giêsu; và có thể, cũng che
khuất Ngài dưới một khía cạnh nào đó. Một điều đáng mừng là ngày nay
người ta vẫn còn đang truy tìm về Đức
Giêsu Kitô, người ta đang cố gắng diễn
tả về Đức Giêsu Kitô với hy vọng giúp con
người ngày nay hiểu và chấp nhận Đức
Giêsu Kitô hơn. Tất cả những
điều này cho thấy, Thánh Thần Thiên Chúa vẫn
đang hoạt động nơi con người ngày hôm nay
một cách rất sống động.
Xin cho con người ngày nay biết
mở lòng và đón nhận mầu nhiệm Giêsu Kitô, và xin
cho mầu nhiệm Giêsu Kitô soi sáng mầu nhiệm con
người, giúp con người sống an bình và hạnh
phúc trên đường trần gian này.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có câu hỏi hoặc thao
thức gì về Đức Giêsu?
2. Đức Giêsu có ảnh
hưởng nhiều trên đời bạn không? Xin bạn
cho biết điều đó.
|