Lòng trung thành – Lm. JB.
Nguyễn Minh Hùng
Chúng ta vẫn thường hay nghe nói
người này hứa dỏm, người kia
hứa lèo. Chính bản thân nhiều khi cũng
tỏ ra bực mình vì ai đó không giữ đúng lời
hứa. Từ những chuyện nhỏ
nhất, tầm thường nhất của cuộc
sống, đến những vấn đề quan trọng
nhất, người ta đều có thể bất trung
thất tín. Ví dụ: Ai cũng biết, hôn nhân là
mối dây ràng buộc chặt, nhưng người ta
vẫn phản bội nhau. Một hợp
đồng kinh tế vừa mới ký xong, có thể vì
lợi lộc riêng tư, người ta vẫn phản
bội hợp đồng đó. Một hiệp
ước hòa bình giữa hai đảng phái đã
được ký kết để đừng chém giết
nhau nữa, thì cũng không ai dám tin chắc rằng, hai
đảng phái đó hoàn toàn tuân theo
hiệp ước, dù nó là hiệp ước quốc
tế đi nữa. Vậy là chiến tranh
nổ ra, chém giết vẫn còn, những cái chết oan
uổng vẫn không ngừng tiếp diễn. Nhìn vào
thực tế của đời sống như thế,
nhiều lúc ta như chán nản, bật thốt lên:
Người đời là vậy! Họ
phản bội nhau, bất trung với nhau, không cần
đếm xỉa gì đến hậu quả.
Đối với nhau đã vậy,
đối với Thiên Chúa, con người cũng phản
bội, cũng bất trung không kém. Từ thuở bình minh
của nhân loại, thế giới, theo
Thánh Kinh diễn tả, chỉ có hai người: Ađam,
Eva. Tưởng chừng cả hai sẽ an
phận trong hạnh phúc tuyệt đối Chúa đã an
bài. Nhưng không, lòng tham, sự kiêu ngạo
đã làm hai ông bà không chấp nhận hạnh phúc đó, mà
lại muốn bằng Thiên Chúa. Để
bằng Thiên Chúa, chỉ còn cách không vâng lời, chống
lại Thiên Chúa, bất trung với Người. Vì
tội chống Thiên Chúa một cách tày trời, đã gây ra
hậu quả không lường: cả loài người cùng
bị vạ lây trong tội nguyên tổ.
Bất trung của Ađam
và Eva là mở đầu cho vô vàn những bất trung mà con
người phản bội Thiên Chúa. Chẳng hạn, thời gian dài dân Chúa
phải lang thang trong sa mạc là một
bằng chứng. Bốn mươi năm trường
nếm đủ mùi vị của khổ đau: nào là
đói, rét, khát, rắn độc cắn…, đã làm cho dân
của Chúa mất kiên nhẫn, nhiều lần lên tiếng
trách móc ông Môsê và ông Aaron. Không dừng ở
đó, họ còn oán trách nặng lời đối với
Thiên Chúa của họ. Họ nghi ngờ lòng
thương xót của Chúa: không biết Chúa có thương
mình không, hay Thiên Chúa đem họ ra khỏi Aicập
để mượn nỗi khổ gay gắt của sa mạc để giết chết họ?
Lòng dân nổi loạn đến mức, có lần ông Môsê
thất vọng cùng cực, than thở với Chúa: Sao Ngài
lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không
đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng
tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang
dân này đâu?... Một mình con không
thể gánh cả dân này được nữa, vì nó
nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như
vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds
11, 12tt). Trong sa mạc, lòng dân quên mất tình yêu
của Chúa, vì thế đã không biết ơn Thiên Chúa
của mình, ngược lại, nhiều lần họ
đi từ thái độ bất trung đến
đối nghịch Thiên Chúa.
Hôm nay bài đọc
một là một phần của câu chuyện dài về lòng
thương xót của Thiên Chúa và sự bất trung của
dân Người. Sau
những năm tháng lang thang rày đây mai
đó trong sa mạc, bây giờ sắp định cư
trong đất hứa, hạnh phúc chỉ còn là một
bước nhảy về phía trước. Trong hoàn
cảnh này, dân Chúa phải xác định lại lập
trường của mình: Họ có muốn trung thành theo Chúa, thờ phượng Chúa nữa hay
không? Dẫu hôm nay, họ dỏng dạc tuyên bố sự
chọn lựa của mình: “Không đời nào chúng tôi
bỏ Đức Chúa mà đi thờ các thần khác”, và dù
cho lý do buộc họ phải xác định lại
đức tin của mình là bởi đã quá nhiều
lần họ bất trung với Chúa, thì không phải vì thế,
mà từ nay về sau họ không còn bất trung. Lời quyết tâm trung thành hứa trước
nhan Chúa vẫn còn đó, nhưng lòng dân thì hay thay
đổi. Suốt dọc dài của
lịch sử, sự phản bội ngấm ngầm hay ra
mặt đã làm cho dân của Chúa nhiều lần
bước ra khỏi tình yêu của Người, sống
cách xa Thiên Chúa. Chính sự bất trung liên tục mà dân
Chúa đã bao lần chuốc lấy cơn phẫn nộ
của Người. Nhưng nổi bậc lên trên tất
cả, lớn hơn cả những lần phẫn
nộ, lớn hơn cả sự phản bội của
dân vẫn là tình yêu khoan dung, và tha thứ mà Thiên Chúa dành cho
họ. Đọc Thánh Kinh ta có cảm tưởng như
Thánh Kinh hình thành bởi một công thức gồm ba
động từ: phản bội – nổi giận – tha
thứ. Dân không ngừng phản bội,
nhiều lần Thiên Chúa nổi giận, sau đó lại
xót thương và tha thứ. Suốt
chiều dài của lịch sử mà Thánh Kinh diễn tả
cứ lặp đi lặp lại y như thế.
Đó là bài đọc I
trích trong sách Giosuê. Trong
bài Tin Mừng, một lần nữa, ta lại thấy
lời khẳng định về lòng trung thành một cách
dứt khoát của thánh Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con
sẽ đi theo ai? Thầy mới có
những lời ban sự sống đời đời.
Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng:
Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Dù
khẳng khái là thế, nhưng không phải mọi lúc Phêrô
đều cứng rắn và hết lòng trung thành. Vì
khi Thầy Giêsu của mình lâm nguy trong cuộc tử
nạn, có lẽ chính là lúc Thầy cần Phêrô nhất:
cần một sự đồng cảm, cần một
sự chia sẻ nào đó, cần lắm một thái
độ, ít nữa là một ánh mắt tin tưởng
để Thầy bớt cô đơn trên mỗi
bước đường thập giá… Chính
những giờ phút quan trọng ấy, những giờ
phút cần thiết ấy, Phêrô lại quên mất lời
tuyên xưng mới đó, tính cho đến thời
điểm diễn ra cuộc thương khó của
Thầy, chưa được bao lâu. Vì một chút
sợ hãi và yếu lòng, Phêrô đã chối Thầy, không
phải một lần, mà là ba lần, không phải trong ba
năm, nhưng chỉ cách nhau có hai canh gà!
Ôn lại những gì dân Chúa đã
sống ngày xưa, và nhìn lại lời tuyên xưng cũng
như lỗi lầm của thánh Phêrô nhân dịp Hội
Thánh mời gọi ta suy niệm các bài Kinh Thánh nói về
lòng trung thành trong ngày Chúa nhật XXI, bạn và tôi, một
lần nữa, hãy thâm tín một cách chắc chắn
rằng, Chúa vẫn yêu chúng ta, yêu từng người
một. Dẫu ta có lỗi lầm bao nhiêu, có
bất trung cách mấy, Chúa vẫn một lòng khoan dung tha
thứ. Chúa đã chấp nhận nguyên tổ ngay
cả khi nguyên tổ chống đối Chúa; Người
cũng không vì lỗi lầm của dân riêng mà khước
từ tình yêu đối với họ, cũng không phải
vì Phêrô yếu đuối mà Chúa tước quyền làm tông
đồ trưởng, hơn nữa làm giáo hoàng tiên
khởi của Hội Thánh, thì hôm nay bạn và tôi vẫn có
quyền hy vọng. Chúa vẫn thế,
vẫn mãi mãi là Thiên Chúa của lòng trung thành, của tình yêu
và tha thứ, chỉ sợ chúng ta không hy vọng nữa mà
thôi. Ta bất trung với Chúa nhiều lần, đó
là sự thật. Nhưng còn một sự thật khác
lớn hơn nhiều: Tình yêu của Chúa lớn hơn
mọi tội lỗi của ta. Bởi thế, biết
mình yếu đuối, lỗi lầm bao nhiêu, ta càng
vững tin vào Chúa bấy nhiêu. Nếu lỡ
có lần nào vấp ngã, ta nhanh chóng đứng lên và
chạy về phía Chúa. Bí tích giải
tội là cách tốt nhất để ta lấy lại
bình an, lấy lại lòng trung thành cùng Chúa mà chính mình đã
đánh mất.
|