Bỏ
Thầy, Con Sẽ Theo Ai?
(Suy
niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Khi tạo dựng con người, Thiên
Chúa đã ban cho loài người được tự do
lựa chọn: hoặc chấp nhận hay khước
từ ơn Chúa. Sau khi chu toàn sứ mệnh Môsê trao phó để
đưa dân Chúa chọn vào miền đất hứa, ông
Giôsuê đã triệu tập các vị đại diện dân
chúng tại Si-khem để khẳng định lại
niềm tin vào Chúa. Ông nói với họ rằng: Nếu anh
em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em
cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ... Về
phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ
Thiên Chúa (Gs 24:15). Dân Ít-ra-en cũng đã
lựa chọn. Họ quyết
định phụng thờ Thiên Chúa vì Người đã
giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập, đã
làm những việc kỳ diệu và dẫn đưa
họ vào miền đất hứa.
Tuy nhiên khi gặp khó khăn và thử
thách trong sa mạc, họ lại bất
trung, phản nghịch cùng Chúa. Và mỗi lần họ
ăn năn sám hối thì Chúa lại
giang tay đón nhận họ trở về với lòng bao
dung tha thứ. Trong Phúc âm tuần trước, Đức
Giêsu dạy họ về việc ăn
bánh hằng sống là thịt và uống máu Người thì
mới có sự sống muôn đời. Người Do thái
liền tranh luận hỏi nhau: làm sao ông này có thể cho
họ ăn thịt Người
được (Ga 6:52)?
Lớp thính giả thứ hai trong Phúc âm
hôm nay là các môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng
dạy về việc ăn thịt và uống máu
Người để được sống muôn
đời, cũng lẩm bẩm cho rằng lời nói
thật là chướng tai (Ga 6:60). Và theo
Phúc âm thuật lại: Nhiều môn đệ rút lui, không còn
đi theo Người nữa (Ga 6:66). Từ ngữ môn
đệ được hiểu là người theo Đức Giêsu và con số
được ghi là bảy mươi hai môn đệ. Và khi có những môn đệ bỏ cuộc,
Đức Giêsu không ngạc nhiên, cũng không buồn
giận, và không thay đổi lập trường. Người không giải thích, cũng không rút
lại lời giảng dạy để mong bắt
được mẻ cá lớn là các môn đệ.
Đến lượt
lớp thính giả thứ ba là các tông đồ thì
Đức Giêsu còn thách đố các ông thêm nữa. Người đòi
hỏi nơi các tông đồ một đức tin không dè
dặt, không lưỡng lự. Đức Giêsu
gần làm hoảng hồn các tông đồ, khi
Người hỏi thêm các ông: Còn chúng con, chúng con có muốn
bỏ Thầy mà đi không (Ga 6:67)? Hoặc ở lại
hay bỏ đi, một câu hỏi mà họ không thể nào
tránh né được. Để trả lời câu hỏi,
ông Phêrô tiến lên, đóng vai trò lãnh đạo, đáp
lại: Thưa Thầy, nếu bỏ Thầy thì chúng con
biết đến với ai? Thầy mới
có những lời đem lại sự sống đời
đời (Ga 6:68). Ông muốn nói là không có ai khác
để mà theo cả. Đức
Giêsu đòi hỏi một quyết định nơi các
tông đồ. Và Người đã
nhận được lời cam kết của thánh Phêrô.
Một lời cam kết đã làm tiêu tan những nghi
ngờ của các tông đồ khác.
Cũng vậy, tất cả những
người đã quyết định theo
Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều
phải đương đầu với những thử
thách về đức tin. Hằng ngày ta gặp nhiều cám
dỗ để chối bỏ đức tin công giáo tông
truyền. Ta gặp nhiều tiếng gọi dụ dỗ
bảo ta điều gì phải tin, điều gì không
cần tin, việc gì phải làm, việc gì không nên làm,
điều gì cần phải được xét lại. Ta
bị cám dỗ để giữ đạo theo
xu hướng nhất thời, tuỳ theo hứng
khởi: vui thì đi lễ thờ phượng, không thì
ở nhà. Ta bị cám dỗ chỉ giữ đạo
nếu Giáo hội thay đổi lập trường
về một vài nguyên tắc luân lý nào đó, nếu Giáo
hội chiều theo ước muốn
của ta.
Ta bị cám dỗ chối bỏ
đức tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí
tích Thánh thể vì không hiểu sao bánh rượu sau khi linh
mục đọc lời truyền phép vẫn giống bánh
rượu trước khi truyền phép? Và
đó chính là mầu nhiệm trong đạo mà loài
người không thể dùng lí trí để giải thích và
hiểu được. Nếu
người ta có thể hiểu được mầu
nhiệm trong đạo, thì cái được gọi là
mầu nhiệm, không còn phải là mầu nhiệm nữa,
mà chỉ là một triết thuyết hay một hệ
thống khoa học. Vì thế mầu
nhiệm vẫn mãi mãi là mầu nhiệm, nếu không thì
đức tin không còn phải là đức tin nữa, mà
chỉ là sự hiểu biết thôi. Tuy
nhiên, nếu không hiểu, tại sao lại tin? Tin là chấp nhận dựa trên lời nói hay
thế giá của người khác. Các
tông đồ không hiểu, nhưng vẫn tin vì dựa trên
lời nói của Thầy mình.
Khi cảm thấy khó chấp nhận
về đường lối giáo huấn chính thức
của Giáo hội, là phản ảnh của
đường lối Phúc âm, về một vài vấn
đề như tính dục, ly dị, phá thai..., đó là lúc
mà câu hỏi Chúa đặt ra cho các tông đồ sẽ
lại vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn lìa bỏ
Giáo hội mà Thầy đã thiết lập trên nền
tảng các tông đồ không? Khi bất đồng ý
kiến với Giáo hội về một số chính sách
của Toà Thánh Vatican, đó là lúc mà một câu hỏi
tương tự sẽ vọng lên bên tai
ta: Còn con, con có muốn chấp nhận đường
lối của Giáo hội mà Thầy thiết lập không?
Khi thấy những gương xấu xẩy ra ngay trong
hàng giáo sĩ, câu hỏi khác sẽ vọng lên: Còn con, con có
muốn ở lại trong Giáo hội để cầu
nguyện và xây dựng Giáo hội của Thầy không?
Khi phải đối chất với
những lời giảng dậy chướng tai (Ga 6:60)
trong đạo, hoặc giáo lí khó khăn của đạo
thì người theo đạo nửa mùa, hoặc mạo
nhận theo đạo, toan cắt nghĩa sao cho phiên
phiến đi, để cho trở nên dễ dãi, hoặc
thay đổi lẽ đạo sao cho phù hợp với
ước muốn và quan niệm của họ cũng
như của quần chúng. Thính giả trong Phúc âm hôm nay
hiểu rõ lời Đức Giêsu giảng dạy, hiểu
ý Người muốn nói gì nên mới cho là chướng tai đấy. Vậy mà Chúa cũng không
cải chính về sự chướng tai
đó đâu. Họ hiểu Chúa không nói đến việc
ăn thịt và uống máu theo nghĩa
tượng trưng thôi đâu. Khi cảm thấy Chúa mà
mình tôn thờ, sao mà khó thế nếu so sánh với
những chúa và thần của những đạo khác,
đó là lúc mà câu hỏi giả sử của ông Giôsuê
cũng vọng bên tai ta: Nếu anh em không bằng lòng
phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý
chọn thần mà thờ (Js 24:15).
Phúc thay cho những gia đình, cộng
đoàn giáo xứ và trong Giáo hội mà có được
những người nói được những lời
bất hủ để bầy tỏ đức tin
quả quyết như Thánh Phêrô và ông Giôsuê hầu giúp
củng cố đức tin của người khác trong
gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và trong cả Giáo
hội.
Lời cầu nguyện xin cho
được giữ vững niềm tin vào Bí tích Thánh
Thể:
Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể.
Con xin cảm tạ Chúa đã
lập Phép Thánh Thể
để làm
của ăn uống thiêng liêng cho loài người.
Xin Chúa làm no thoả những
đói khát của con
khi con lãnh nhận
Mình Thánh Chúa
Và xin cho con giữ vững
lời Chúa.
Đừng để con nghe theo lời quyến rũ rỉ tai
mà chối
bỏ đức tin và xa lìa Chúa. Amen.
|