Bánh
Thánh Thể.
Trong
một cuộc họp mặt đông đảo các Kitô
hữu tại một nhà thờ ở Tây Đức
để đón chào mẹ Têrêxa Calcutta, người ta
đã dâng cho mẹ một bó hoa rất đẹp. Bỡ ngỡ trước lòng
quý mến và trọng kính mà người ta đã dành cho mình,
mẹ Têrêxa mới đầu tỏ ra hơi lúng túng,
nhưng sau đó vài phút, với thái độ đơn
sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa đi thẳng lên
cung thánh, mẹ quỳ gối nơi bậc bàn thờ
rồi đặt bó hoa trước nhà tạm. Cử
chỉ này cho thấy mẹ Têrêxa rất quý trọng phép
Thánh Thể, vì Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị
lực mà từ đó mẹ đã nhận được
tình yêu và nghị lực cho cuộc sống dấn thân và
phục vụ vô vị lợi của mẹ.
Qua các hoạt
động bác ái, mẹ Têrêxa và các nữ tu dòng của
mẹ đã nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em mồ côi,
đã phục vụ hàng ngàn người nghèo đói, đã
chăm sóc, chữa trị hàng trăm ngàn bệnh nhân và an
ủi hàng chục ngàn người hấp hối. Nhưng
vượt lên trên tất cả những hoạt
động nhằm phục vụ cho sự sống
thể xác, mẹTêrêxa đã đặc biệt chú trọng
đến một nhu cầu mà mẹ thường nhấn
mạnh và cho là căn bản, nó cần thiết hơn
cả cơm ăn áo mặc nữa, nhu cầu đó là
muốn được chấp nhận và được
yêu thương.
Phép Thánh Thể có khả năng thỏa
mãn nhu cầu cấp thiết đó, vì phép Thánh thể là
một bằng chứng thật hùng hồn nhắc nhở
và tái diễn mối tình muôn thuở, đó là mối tình
của Thiên Chúa đối với loài người và
mối tình của Chúa Giêsu đối với chúng ta. Thánh
Gioan tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương
thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu
của mình cho thế gian”. Còn đối với Chúa Giêsu thì
Kinh Thánh cho biết: “Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không
dành cho mình phận ngang hàng với Thiên Chúa, mà Ngài đã
hủy mình đi, Ngài đã vâng lời cho đến chết
và chết trên thập giá”. Cái chết của Ngài là một
thực hiện lời Ngài mạc khải trong bài Tin
Mừng hôm nay: Tôi là bánh hằng sống từ trời
xuống. Ai ăn bánh này sẽ
được sống muôn đời”. Bánh
đó chính là thịt Ngài.
Quả thực, ai ăn thịt Chúa
sẽ được tăng thêm ơn thánh hóa,
được kết hiệp mật thiết với Chúa
Giêsu và với các anh chị em tín hữu khác,
được tha các tội nhẹ và bảo vệ
khỏi tội trọng, và bảo đảm
được một hiệu quả vô cùng cao quý là sự
sống lại và sự sống đời đời.
Nhưng với điều kiện là chúng ta phải rước
Mình Thánh Chúa với thái độ tin và yêu. Để
biểu lộ thái độ tin và yêu ấy đối
với Đấng đã, đang và sẽ còn tiếp
tục tự hiến thịt máu mình để cho chúng ta
ăn và uống mà được sống, chúng ta hãy
để cho tình yêu của Chúa biến đổi chúng ta
thành những khí cụ ban phát tình yêu Thiên Chúa cho mọi
người như mẹ Têrêxa Calcutta và các nữ tu
thuộc dòng do mẹ sáng lập đang thực hiện
khắp nơi trên thế giới.
Đó cũng là cách Chúa mời gọi
chúng ta cùng làm phép lạ với Chúa, đó là câu kết
luận của câu truyện sau đây: Có một gia đình giàu có, quý tộc người Anh,
dẫn đứa con trai yêu quý về miền quê chơi.
Trong khi nô đùa, chẳng may em bị rơi xuống
một hố nước sâu mà cha mẹ không hay biết.
Nhưng rất may tiếng kêu cứu của em đã
được một chú bé, con của người làm
vườn nghèo khó nghe được và chạy
đến cứu sống.
Cha của em
tỏ lòng biết ơn chú bé đã cứu sống con ông,
nhưng thay vì lời cám ơn, ông muốn giúp đỡ chú
bé ấy. Ông hỏi: “Khi lớn lên con muốn làm gì?” – “Thưa
ông, chắc là con sẽ tiếp tục nghề làm
vườn của cha con” – “Con không còn ước mơ nào
lớn hơn sao?” – “Dạ, nhà con nghèo thế này thì con còn
ước mơ gì được nữa” – “Nhưng
nếu con được ước mơ thì con ước
mơ gì?” – “Thưa ông, con muốn đi
học, muốn là bác sĩ”.
Sau này, em bé
được cứu sống đã trở thành một
vĩ nhân của thế giới, đã giữ một vai
trò quan trọng làm thay đổi cục diện thế
chiến thứ II và đã làm cho nước Anh hãnh diện
vì tài ba chính trị của ông, đó là thủ tướng
Uyn-sân Chớc-chiu. Và nhờ lòng thương giúp đỡ
của người cha của Chớc-chiu mà chú bé nhà nghèo kia đã trở thành một bác sĩ lừng
danh của thế giới và là ân nhân của nhân loại cho
đến ngàn đời, vị bác sĩ đó là
Phơ-len-ning, người đã tìm ra thuốc trụ sinh
Pê-nê-ci-lin.
Sau khi kể xong câu truyện trên, tác
giả đã kết luận: “Khi Chúa mời gọi chúng ta
giúp đỡ nhau là Chúa mời gọi chúng ta cùng làm phép
lạ với Chúa”. Chúng ta hãy nhớ: Khi chúng ta giúp
đỡ nhau là chúng ta cùng làm phép lạ với Chúa. Trở
lại bài Tin Mừng hôm nay, điều chính yếu Chúa
Giêsu muốn bảo cho người Do Thái xưa kia và chúng
ta hôm nay: Ngài là bánh hằng sống, vì Ngài là Thiên Chúa
hằng sống, chính vì thế kẻ ăn bánh này sẽ
được tham dự vào sự sống của Chúa,
họ sẽ được sống đời
đời. Cho nên, người ta phải đón nhận
Ngài không những bằng lòng tin mà còn phải ăn bánh
đó, tức là ăn thịt Ngài nữa.
Chúa Giêsu dạy chúng ta về Bánh Thánh
Thể, chúng ta có chấp nhận với lòng tin không?
Nếu chúng ta không lãnh nhận của ăn
này thì hậu quả sẽ ra sao? Tất nhiên
là chúng ta không được “chất bổ” của
thứ bánh bởi trời này, mà ngược lại, còn
bị xét xử, đoán phạt, chết đời
đời. Cũng như nếu chúng ta
bệnh tật, thuốc men có đó mà chúng ta nhất
định từ chối không dùng thì chúng ta không khỏi
bệnh là tại chính chúng ta thôi. Cũng vậy, ai
trong chúng ta cũng muốn ăn no, mặc ấm, mà còn
muốn ăn ngon, mặc đẹp nữa, muốn gia
đình hạnh phúc, kể cả những người
đầy đủ cũng thế, họ vẫn mơ
ước thêm nữa, vậy thì chúng ta muốn có sau 50, 60
hay 70 năm trần thế này được sống
hạnh phúc mãi bên Chúa không? Hãy đến với bí tích Thánh
Thể, hãy hết lòng tin vào phép Thánh Thể. Bánh Thánh
Thể là của ăn cho chúng ta no
ấm đi hết quãng đời này về trời.
Thánh Thể không phải chỉ là
một lời hứa trường sinh bất tử
nhưng còn là một bảo chứng: hôm nay thân xác chúng ta
đã được dự tiệc Thánh thể, thì sau này
thân xác chúng ta sẽ được dự tiệc thiên
quốc. Tiệc Thánh thể mới chỉ là
khai vị chuẩn bị cho tiệc thiên quốc. Chúng ta hãy siêng năng rước lễ để
bảo đảm cho cho cuộc sống hạnh phúc muôn
đời.
|