Bánh
hằng sống.
“Tôi là bánh hằng sống từ
trời xuống”. Đó là tư
tưởng then chốt của Tin Mừng Chúa nhật hôm
nay và cũng là đề tài tranh luận giữa
người Do Thái và Chúa Giêsu.
Chúng ta biết, ngoài câu chuyện manna là
bánh mà Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái làm lương thực
nuôi họ 40 năm trong sa mạc trên đường
về Đất Hứa, Kinh Thánh Cựu ước còn
kể lại hai phép lạ về bánh: một phép lạ
đã xảy ra với ngôn sứ Êlisa trong bài đọc
một của ngày Chúa nhật cách đây hai tuần: có
người đem đến dâng cho ngôn sứ Êlisa 20
chiếc bánh làm bằng lúa mạch và cốm đầu mùa.
Ngôn sứ bảo dọn cho mọi người ăn, và 20
chiếc bánh đã cho 100 người ăn no mà còn dư.
Phép lạ thứ hai kể lại trong bài đọc hôm
nay: trên đường vào sa mạc tiến đến
đỉnh núi Khôrếp để trốn bạo chúa A-cáp
và hoàng hậu Dêdaben, ngôn sứ Êlia cảm thấy mệt
mỏi, chán chường, thất vọng, chỉ cầu
mong được chết đi cho xong, nhưng Thiên Chúa
đã sai sứ thần đến ban bánh nướng cho
ngôn sứ ăn hai lần, và theo Kinh Thánh, “nhờ sức
của lương thực ấy, ông đã đi một
hơi 40 đêm ngày tới núi của Thiên Chúa”.
Phép
lạ trên đây thường được các giáo
phụ coi như hình ảnh bánh hằng sống của Chúa
Kitô, là thịt máu Đức Kitô ban để cho mọi
người được sống. Đây chính là
điều Chúa Giêsu giảng dạy người Do Thái trong
bài Tin Mừng và cũng là tư tưởng then chốt
của lời Chúa hôm nay: “Tôi là bánh hằng sống từ
trời xuống”. “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt
tôi đây, để cho thế gian được
sống”. Qua những lời này, chúng ta thấy rõ ràng Chúa
Giêsu muốn mạc khải về phép Thánh Thể.
Trước
hết, chúng ta thấy khi Chúa tuyên bố “Tôi sẽ ban bánh
hằng sống” thì người Do Thái lý luận; ông ta không
thể làm được điều đó, vì ông ta không
thể hơn cha ông tổ tiên họ, các ngài đã ăn
manna từ trời mà còn chết hết, thì làm sao bánh mà ông
ta ban có thể làm cho họ sống bất diệt
được? Lại nữa, ông ta nói xạo, ông ta không
thể từ trời mà xuống được, vì họ
đều biết nguồn gốc cha mẹ, anh chị em
của Ngài, nhất là ông ta không thể lấy thịt mình
cho họ ăn được.
Nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu không lùi
bước trước những thái độ hoài nghi và
những câu lẩm bẩm trách móc ấy. Ngài còn lặp đi
lặp lại hai ba lần để khẳng định
lời nói của Ngài. Rồi hình như sợ dân chúng
chỉ hiểu theo nghĩa bóng, Ngài
lại tuyên bố thêm: “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là
thịt tôi để cho thế gian được
sống”. Từ đó trở đi Ngài chỉ dùng hai
tiếng “thịt” và “máu” thay thế cho tiếng bánh, mãi
đến khi gần kết thúc bài giảng và để
cho tiền hậu đồng nhất, Ngài nhắc lại
tiếng bánh lần chót: “Đây là bánh từ trời
xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn
đời”. Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng qua những
lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn mạc
khải về phép Thánh Thể.
Để
thấy rõ và dễ nhớ mạc khải của Chúa Giêsu,
chúng ta có thể xếp lại thứ tự từng
lời mạc khải của Chúa Giêsu: Trước
hết, Chúa phán: “Ai tin vào tôi thì có sự sống đời
đời”, rồi Chúa phán: “Tôi là bánh ban sự sống”,
rồi Chúa phán: “Đây là bánh từ trời xuống, ai
ăn bánh này thì khỏi phải chết”, rồi Chúa liên
kết hai điều đó: “Tôi là bánh hằng sống
từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống muôn
đời”, cuối cùng, Chúa kết luận: “Bánh tôi sẽ
ban tặng chính là thịt tôi để nuôi sống thế
gian”.
Với
một lối diễn tả tư tưởng rõ ràng và
khúc chiết như thế, không ai còn có thể hoài nghi hay
hiểu sai được nữa. Đối với chúng
ta ngày nay thì quá rõ ràng rồi: bánh và rượu trong phép Thánh
thể chính là thịt và máu Chúa Kitô. Thực vậy, Mình Máu
Chúa Kitô mà chúng ta đón nhận không phải là những
kỷ niệm và những biểu hiện đơn
giản hay những sự vật không còn sự sống. Trái lại, tất cả còn sống động,
còn cuộn chảy, còn cảm giác. Đó là một
lương thực còn sức sống, một thứ bánh
có sức sống, một loại bánh mang lại sự
sống thần linh, hay nói khác đi, đó là bánh bởi
trời.
Như vậy, khi rước lễ,
Chúa Kitô kết hiệp với tâm hồn chúng ta, đem
lại cho chúng ta sức sống, thì đến lượt
chúng ta, chúng ta cũng phải tỏ lộ sự kết hiệp
đó bằng nếp sống xứng đáng. Người năng rước lễ
thiết tưởng phải sống khác hẳn những
người khác, miệng này đã nhận của ăn thần linh sao lại còn ham hố tìm
kiếm của ăn khoái khẩu vô độ thế gian?
Lưỡi kia là nơi thân xác một
Thiên Chúa nằm nghỉ liệu còn dám nói những lời
chua cay, độc dữ gây bất hòa, chia rẽ, ghen ghét
và thù oán không? Hơn nữa, các ấn tượng, các tâm
tình có được khi tiếp xúc với Chúa Kitô phải
dần dần ghi trong ánh mắt, nụ cười, trong
điệu bộ đi đứng, để rồi có
thể nói được rằng tất cả thái
độ của con người đó như phảng
phất bóng dáng thần linh, hoặc ít ra thì cũng không bao
giờ tỏ ra điều gì là tầm thường,
hẹp hòi, ích kỷ, lạnh nhạt… Sống
ngược lại là làm buồn lòng Chúa Kitô vô cùng.
Lạy
Chúa Giêsu, đã có biết bao trường hợp thân xác Chúa
không được tôn thờ xứng đáng, bởi vì có
nhiều người rước Chúa với tâm hồn
đầy tội nhẹ đáng kể mà họ không
muốn sửa chữa; nhiều người khác đón
Chúa vào lòng với thái độ hờ hững, máy móc, không
chút chú tâm và cung kính. Nhưng Chúa vẫn không
muốn ai nói rằng những tâm hồn như thế thì
không xứng đáng, trái lại, Chúa muốn họ cứ
đón nhận Chúa, vì như thế họ mới có
được sức sống. Lạy Chúa, đó là
thái độ, cách sống và hành động của chúng
con, xin Chúa tha thứ và chúng con hứa sẽ cố gắng
xứng đáng hơn, xin Chúa giúp chúng con.
|