Tôi là Bánh Ban Sự Sống – Lm. FX. Vũ
Phan Long
1.- Ngữ cảnh
Xem tại phần trình bày Ga 6,1-15.
Bài Diễn từ về Bánh trường sinh
là phân đoạn 6,22-59, có cấu trúc như sau, gồm sáu
cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và những
người đối thoại:
a- cc.
22-27: Dẫn nhập: Caphácnaum, các yếu tố Thánh Thể
b- cc. 28-29: Cần có đức tin (như là
“công việc” của con người và Thiên Chúa)
c- cc. 30-33: Bánh bởi trời
c’- cc. 34-40: Bánh bởi trời
b’- cc. 41-51: Cần có đức tin (như là
“công việc” của con người và Thiên Chúa)
a’- cc. 52-59: Kết luận: Caphácnaum, các
yếu tố Thánh Thể
Như thế, c. 35, “Tôi là bánh
trường sinh” nằm tại trung tâm của bài diễn
từ và của chương, tại đầu vấn
nạn hoặc lời trao đổi thứ tư giữa
Đức Giêsu và các thính giả.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn
phần:
1) Vấn nạn thứ nhất: đi tìm
bánh (6,24-27);
2) Vấn nạn thứ hai: làm việc Thiên
Chúa muốn (6,28-29);
3) Vấn nạn thứ ba: hỏi về
dấu lạ Đức Giêsu làm (6,30-33);
4) Vấn nạn thứ tư: xin bánh ban
sự sống (6,34-35).
3.- Vài điểm chú giải
- Thật, tôi bảo thật các ông (26): Kiểu
nói này, với từ amên lặp lại 2 lần (amên amên
legô hymin) là đặc điểm riêng của TM IV (25
lần. Xem chẳng hạn 1,51; 5,19.24.25;
6,26.32.47.53...). Amên do từ Hípri ’âmên có nghĩa là “vững
vàng, chắc chắn”. Kinh nguyện Kitô giáo
dùng công thức amên này để kết lời cầu,
với ước mong là các lời hứa của Thiên Chúa
được thực hiện. Các kinh
sư Do Thái dùng từ amên để diễn tả một
lời tuyên thệ, sự đồng ý hay xác nhận,
nhưng không bao giờ liên kết amên với “tôi bảo các
ông”. Trong các TMNL, Đức Giêsu nói: “Amen, tôi bảo các
ông” (dùng 1 lần “amen”). Kiểu nói đặc biệt
của Đức Giêsu (amen amen...) có thể bao hàm ba khía
cạnh: (1) Đức Giêsu bảo đảm tính xác
thực của những lời Người nói (x. Ga 8,24);
(2) Đức Giêsu muốn đồng hóa mình với “Amen”,
nghĩa là với “sự thật”, với “chân lý” (x. Ga 14,6;
Kh 3,14) (3) Đức Giêsu nhấn mạnh đến
những gì đã nói hay những gì sẽ nói để
người nghe chú ý; như thế amên mở đầu
cho những mạc khải quan trọng[1].
- Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận (27): Có
những nhà chú giải nghĩ rằng câu này nhắc
đến phép rửa của Đức Giêsu. Nhưng có
lẽ nghĩa đơn giản và rõ ràng hơn là: Con
Người từ trời đến và các dấu lạ
Người làm là những hành vi qua đó Thiên Chúa
đảm bảo cho tính xác thực của sứ mạng
của Người (3,33) cũng như
đảm bảo rằng loài người có thể
nhờ Người mà đạt được sự
sống đời đời.
- chúng tôi phải làm gì để
thực hiện những việc Thiên Chúa muốn
(28): Người Do Thái nghĩ là họ có thể tự mình
đạt được sự sống đời
đời, với điều kiện là hoàn tất
một số việc buộc. Số phức “những
việc Thiên Chúa muốn” có ý nhắm đến các
điều khoản bó buộc trong nền luân lý của
họ (Mt 19,16; 22,34-40).
- việc Thiên Chúa muốn … là tin
vào Đấng Người đã sai đến (29):
Đây là đòi hỏi đơn giản nhất nhưng
cũng căn bản nhất gồm tóm mọi quy
định của Lề Luật: tin vào Đấng Thiên
Chúa sai đến; trong các hành vi Đức Giêsu làm, phải
nhìn thấy các công việc của Thiên Chúa thời cánh chung.
Tác giả Ga đã sửa lại một chút một công
thức của Phaolô (Rm 3,28) và tập
trung tất cả lối sống Kitô hữu vào việc tin
vào Đấng Thiên Chúa sai phái.
- tin (29.30): Các TMNL và các Thư Phaolô
thường dùng danh từ “đức tin (pistis)”, TM Ga
lại thường xuyên dùng động từ “[hành vi] tin”
(pisteuô): công thức “tin vào” (pisteuô eis) được dùng 36
lần trong TM IV (kể chung pisteuô là 98 lần), 3 lần
trong các Thư Gioan, và chỉ 8 lần trong phần còn
lại của Tân Ước.
- Người đã cho họ ăn
bánh bởi trời (31): Man-na được ban
hằng ngày trong sa mạc được nhiều kinh
sư coi như là việc diệu kỳ lớn lao nhất
của thời Xuất Hành. Có bốn bản văn Cựu
Ước có thể là nền tảng cho Ga 6,31:
Xh 16,4; Xh 16,15; Nkm 9,15 và Tv 78 (77),24.
(a) Trong Xh 16,4, không có
động từ “ban/cho” và chủ thể đang nói là
Thiên Chúa. Đối tượng ở số
phức. Không chắc bản văn này đã ảnh
hưởng lên Ga 6,31.
(b) Xh 16,15 cũng vậy:
dạng ngữ pháp là dạng của các lời Môsê ngỏ
với con cái Israel. Ở đầu, ta
gặp đại từ chỉ định houtos ho artos
(bánh ấy). Tất cả những điểm này
không có ở Ga 6,31.
(c) Nkm 9,15 có dạng
một lời ngỏ: con cái Israel đang quay về cầu
nguyện với Thiên Chúa.
(d) Bản văn gần nhất với Ga 6,31 là Tv 78 (77),24.
- bánh Thiên Chúa ban là bánh từ
trời xuống (33): Trong hy-ngữ, “bánh” (artos) ở
nam tính, nên có thể dịch câu này hai cách: “bánh Thiên Chúa ban là
sự gì (cái gì) từ trời xuống” (xem NTT); “bánh Thiên
Chúa ban là Đấng từ trời xuống”. Cách dịch
thứ nhất thì xuôi tai hơn, nhưng
cách dịch thứ hai thì tốt hơn, bởi vì
Đức Giêsu đang muốn đưa người ta
chuyển đi từ man-na và bánh sang bản thân
Người.
- Tôi là (egô eimi, 35): TM IV nói đến công
thức này nhiều lần. Trong tình trạng tuyệt
đối, các công thức “Tôi là” (Ga 8,24.28.58;
13,19) được trực tiếp cảm hứng từ
các công thức mà Thiên Chúa của Cựu Ước đã
dùng để giúp người ta biết Người (Xh
3,14; Hs 1,9; …). Khi nói “Tôi là”, Đức Giêsu khẳng
định Người là nội dung mà chính Thiên Chúa đã
mạc khải ra về chính Ngài cho dân Do Thái. Các
khẳng định “Tôi là” giới thiệu Đức
Giêsu như là giá trị sống vĩnh viễn. Ở
đây, Người muốn nói rằng Người là
thứ bánh vĩnh viễn, bánh cánh chung,
bánh duy nhất quan trọng. Người chính là bánh đích
thật ban sự sống viên mãn.
Trong diễn từ về Bánh
ban sự sống ở Ga 6, có ba công thức “Tôi là” (cc.
35.48-50.51). Cả ba câu đều có kèm theo
một lời mời tin vào Đức Giêsu, mời
đến với Người hoặc đến ăn
thứ bánh thiên giới này là chính bản thân Người.
Những câu này giống với các phần triển khai
của sách Châm ngôn ch. 8–9 và sách Huấn ca ch. 24, trong đó
sự Khôn Ngoan thần linh tự giới thiệu mình và
mời người ta lắng nghe mình, đến với
mình, ăn mình (x. Cn 8,32; Hc 24,18). Trong Ga 6, động từ
“đến với” được nhắc lại
nhiều lần: cc. 35.37.44.65; x. cả c. 67.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Khi thấy Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều,
đám đông cho rằng Người “là vị ngôn sứ,
Đấng phải đến thế gian” (c. 14; x. Đnl
18,15; Ga 1,21). Họ muốn
“tôn Người làm vua”, nhưng Đức Giêsu “lại lánh
mặt, đi lên núi một mình” (c. 15).
Hôm sau, họ lại đi tìm
Người. Và xảy ra một cuộc
đối thoại.
* Vấn nạn thứ nhất: đi tìm bánh (24-27)
Dường như Đức
Giêsu không trả lời đúng câu hỏi của
người Do Thái. Trong thực tế,
câu trả lời của Người nhắm đến
thái độ mà câu hỏi của họ đã tố giác.
Họ đã thấy dấu lạ nhiều lần (6,2; x. 2,23-25), nhưng họ đã không quan tâm
và đã không hiểu các dấu lạ ấy. Họ chỉ
hoàn toàn quan tâm đến bánh, đến việc ăn no về vật chất thôi (c. 12). Phép
lạ đã không cung cấp cho họ ánh sáng về bản
thân Đức Giêsu (12,9). Bởi
vì bánh (cũng như rượu ở Cana và nước
trong cuộc đối thoại với người
phụ nữ Samari) tự nó không có giá trị; nó chỉ là
một phương tiện để vén mở cho thấy
mầu nhiệm bản thân Người.
* Vấn nạn thứ hai: làm việc Thiên Chúa
muốn (28-29)
Người Do Thái hiểu sai ý nghĩa
của động từ “làm việc”. Họ
lẫn lộn giữa các công việc của Thiên Chúa
với các công việc họ làm nhằm tôn vinh Thiên Chúa.
Câu hỏi này cho thấy họ không hiểu gì
cả. Họ nghĩ rằng họ có thể
đạt được sự sống đời
đời bằng sức lực riêng, miễn là họ chu toàn một số điều khoản
Luật buộc. Tức khắc Đức Giêsu đưa
các điều khoản ấy ra, đây là đòi hỏi
đơn giản nhất nhưng cũng triệt
để nhất: tin vào Đấng Thiên Chúa sai phái và nhìn
thấy các hành vi Đức Giêsu làm là
những công trình Thiên Chúa thực hiện vào thời cánh
chung. Công việc duy nhất họ phải làm cũng là công
việc duy nhất Đức Giêsu vẫn làm: chu toàn công việc của Chúa Cha.
Bằng cách dùng thường xuyên động
từ “[hành vi] tin” thay vì danh từ “đức tin” (trừu
tượng), tác giả Ga cho thấy rằng, thay vì
đề cập đến đức tin trừu
tượng, ngài nghĩ đến việc dấn thân
người Kitô hữu phải thực hiện để
trở thành môn đệ Đức Giêsu. Đây
là một quyết định mang tất cả niềm tin
tưởng đăt nơi Đức Giêsu.
* Vấn nạn thứ ba: hỏi về dấu
lạ Đức Giêsu làm (30-33)
Người Do Thái hiểu là
Đức Giêsu đang tự đặt mình trước
mặt họ như là vị Sứ giả của Thiên
Chúa. Nhưng vì cứ ham các bằng cớ nắm
bắt được, họ hỏi tiếp: “Ông làm
được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy
để tin ông?” (c. 30). Ở
đây, thay vì nói đến hành tin tưởng bắt
họ dấn thân trọn vẹn (pisteuô eis), họ lại
đặt vấn đề về uy tín của Đức
Giêsu (pisteuô + tặng cách). Ít ra Người phải cho
thấy Người ngang bằng Môsê là người đã
nuôi dưỡng dân Do Thái suốt 40 năm (Xh 16,35).
Yêu cầu này không có câu trả
lời, vì không thể có câu trả lời nào cả cho
thứ yêu cầu như thế. Không có
một dấu lạ nào có thể chứng minh rằng
Đức Giêsu là Sứ giả của Thiên Chúa. Các
dấu lạ bên ngoài có thể dẫn đưa
người ta đến tận ngưỡng cửa
đức tin (Ga 15,24; x. 10,25; 12,37t),
nhưng tự chúng không đủ. Trước tiên, bởi
vì nếu bị liên kết với các lý do duy lý, đức
tin sẽ không đi xa hơn lý trí; kế đó, bởi vì
đức tin sẽ chịu ảnh hưởng các ấn
tượng (x. 4,48). TM IV, với truyện Tôma ở ch. 20,
sẽ cho thấy rằng những dấu chỉ ấy
không cần thiết cho hành vi tin (20,29).
Câu “Không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu” (c. 32) có
thể là một phủ nhận về Môsê (không phải là
Môsê, mà là Thiên Chúa) hoặc về bánh bởi trời
(thứ bánh bởi trời ấy không phải là man-na).
Trong thực tế, câu này là một phủ nhận về
bánh: những gì Môsê đã ban cho tổ tiên các ông thì đúng
là từ trời rơi xuống, nhưng không phải là
bánh đích thực bởi trời. Bánh
đích thực, bánh hoàn hảo, bây giờ Chúa Cha đang ban
tặng, còn man-na chỉ là một tiền vị của
thứ bánh ấy thôi.
Đức Giêsu là bánh của
Thiên Chúa, bởi vì Người không đến từ
một trung gian nhân loại, nhưng đến trực
tiếp từ Thiên Chúa. Hình ảnh bị đẩy
ra sau, nay tác giả nhấn mạnh trên các phẩm chất
của bánh này của Thiên Chúa: từ trời xuống, ban
sự sống vĩnh cửu.
* Vấn nạn thứ tư: xin bánh ban sự
sống (34-35)
Giữa vấn nạn thứ
ba (cc. 30-33) và vấn nạn thứ tư (cc. 34-40), có
một sự tiến triển. Các câu đầu nói
đến bánh bởi trời do Thiên Chúa hoặc Môsê ban cho.
Người Do Thái liền xin Đức Giêsu một
dấu lạ như dấu lạ ông Môsê đã thực
hiện trong sa mạc khi ban cho họ bánh bởi trời
(có lẽ quy chiếu về Tv 78,24).
Nhưng Đức Giêsu lại loan báo một thứ bánh
từ trời xuống, là “bánh đích thực”, bây giờ
được Chúa Cha ban. Sang cc. 34-40, bản chất
của bánh ấy được làm sáng tỏ.
Như chúng ta vẫn thấy,
người Do Thái lại hiểu lầm về ý nghĩa
của những lời nói ấy của Đức Giêsu.
Họ chẳng quan tâm gì đến bản
thân Con Người. Họ cứ
tiếp tục mơ một thứ bánh vật chất
từ trời rơi xuống cho họ. Như bà
Samari (4,15) và như họ đã làm trong
những hoàn cảnh tương tự, họ xin
Đức Giêsu cứ ban cho họ đều đặn và
liên tục, thứ bánh không tốn tiền ấy. Phần Đức Giêsu, Người lại công
bố rằng chính Người mới là “bánh trường
sinh”. Điều mà Người ban, thì ban một
lần cho mãi mãi. Người không ban một điều gì
khác, mà là ban tặng chính mình. Người là thứ bánh
vĩnh viễn, bánh cánh chung, bánh duy
nhất quan trọng. Người chính là bánh đích
thực ban sự sống viên mãn, trong khi man-na không giải
thoát người ta khỏi sự chết (6,49).
Mọi người được mời
gọi đến với Người, vì giống như
Đức Khôn Ngoan trong sách Cn và Hc, Người có thể
thỏa mãn mọi khát vọng tôn giáo của họ.
+ Kết
luận
Bữa ăn lạ lùng
sẽ phải được giải thích như là một
dấu chỉ. Đấy là một sự kiện thực
hữu, Đức Giêsu đã thực sự cho một
đám đông ăn no; nhưng biến
cố này tự nó không có ý nghĩa. Đức
Giêsu không muốn chứng minh rằng người ta có
thể nhận được bánh từ nơi
Người mà không cần phải mệt nhọc và
được nhận ê hề; Người không muốn
thay thế các ông thợ làm bánh mì để rồi các ông
này phải thất nghiệp mà bị đói. Bữa ăn lạ lùng nhắm đến một
thực tại khác. Sự kiện Đức Giêsu có
thể ban bánh và cho ăn no nê theo
nghĩa trần thế phải cho thấy rằng bản
thân Người chính là bánh ban sự sống và có thể ban
sự sống vĩnh cửu, không bao giờ tàn lụi.
Ở bên Người, chúng ta không được tìm
kiếm bánh trần thế; trái lại, chúng ta phải nhìn
nhận rằng Người có thể và muốn ban cho chúng
ta một thứ vô cùng lớn lao hơn.
Chúng ta cần phải để ý đến
điều này và đón nhận quà tặng của
Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Nếu không có bánh, chúng ta sẽ chết. Cơm bánh có khả năng duy trì sự sống
cho chúng ta nhưng đó là một khả năng giới
hạn. Khi nói “Tôi là bánh ban sự sống”, Đức
Giêsu cho hiểu là tương quan giữa bản thân
Người với loài người cùng một kiểu
như tương quan giữa cơm bánh và chúng ta, nhưng
sự sống Người ban là sự sống vĩnh
cửu, chứ không chỉ là sự sống trần gian
giới hạn. Người mạnh hơn cái chết,
Người muốn đưa chúng ta đi sang bên kia cái chết. Nhưng chúng ta phải
chạy đến với Người, phải tin vào
Người.
2. Tôi tin vào Đức Giêsu khi tôi tự liên
kết hoàn toàn với Người và để cho
Người hoàn toàn quy định đời sống tôi. Đức tin có thể là như một dây liên
kết mong manh và yếu kém; còn nếu một dây liên
kết quan trọng, vững chắc và thiết yếu
đối với cuộc sống, thì nó được
diễn tả ra bằng một tình bạn chân thật
hoặc một cuộc hôn nhân đích thực. Khi tin
vào Đức Giêsu, dây liên kết ta có với Người
sẽ có sức mạnh và có khả năng ban sự
sống tối đa.
3. Chúng ta ngại để cho Thiên Chúa đi
vào trong cuộc sống chúng ta và làm việc ở đó.
Để biện minh cho việc chúng ta lùi lại
trước đòi hỏi của Người, chúng ta
vận dụng một chiến thuật khác để “câu
giờ”,
chúng ta đặt ra một điều kiện: “Ông đã
làm dấu lạ nào… ? Ông
đã làm gì?” (c. 30). Chúng ta đã
thấy hoạt động của Thiên Chúa trong đời
sống chúng ta, nhưng chúng ta vẫn tìm cách từ chối
tin vào Người. Thiên Chúa lại chỉ thích nói với
con tim chúng ta bằng những dấu
chỉ kín đáo hầu chúng ta vẫn còn tự do mà từ
khước tiếng gọi của Người. Thiên Chúa
muốn được yêu mến bởi những
người con tự do, chứ không
phải được tôn thờ bởi những tên nô
lệ khiếp nhược.
4. Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh,
đang nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Bí tích trong
các cuộc cử hành phụng vụ. Chúng ta
có biết chính Người là Đấng chúng ta đang tìm
kiếm và không phải là dấu chỉ của sự
thỏa mãn vật chất nào khác? Cơn đói mãnh
liệt nhất của chúng ta là sự mật thiết
với Thiên Chúa, là sự sống của Thiên Chúa bên trong
chúng ta, thứ mà Đức Giêsu hôm nay gọi là “sự sống
đời đời”. Đức Giêsu mời gọi chúng
ta tin tưởng nơi Người với tất cả
con người, tâm hồn và thân xác của ta.
|