Đức
Giêsu là Bánh trường sinh – JKN.
Câu hỏi gợi ý:
1. Con người khác và hơn
con vật ở những khả năng nào? Con người
giống với Thiên Chúa ở chỗ nào? Vậy con
người phải đặc biệt quan tâm phát triển
những khả năng nào?
2. Con người thường
tìm hạnh phúc nơi những gì? Khi đạt
được những thứ ấy, con người
đã thỏa mãn chưa? hay họ
lại khao khát những thứ khác? Như vậy, tìm
hạnh phúc nơi những thứ ấy có phải là cách
khôn ngoan không? Tìm hạnh phúc ở đâu mới là khôn ngoan?
3. Đức Giêsu là «bánh
trường sinh». Vậy ta phải làm gì với
Đức Giêsu để đạt được «bánh
trường sinh» ấy? Có phải là rước lễ?
Những người rước lễ có ai đạt
được «bánh trường sinh» chưa?
Suy tư gợi ý:
1.
Đời sống tâm linh, cấp độ sống cao
nhất của con người
Tất cả mọi sinh vật
đều có sự sống. Nhưng sự sống ấy có
nhiều cấp độ khác nhau, từ thấp
đến cao, từ đơn giản đến phức
tạp. Sự sống càng cao thì càng có
những khả năng đặc biệt mà sự
sống ở bậc thấp hơn không có, hay có rất ít.
Cùng là sống, nhưng cái sống của một cây cổ
thụ khác với cái sống của một cây cỏ,
của một bụi gai; cái sống của con sư
tử, một con cá heo khác với cái sống của con chó,
con heo, và càng khác với cái sống của con giun, con
dế. Cao hơn nữa là cái sống của con
người. Và cao hơn cái sống của con người
là cái sống của thiên thần, và cao nhất là cái
sống của Thiên Chúa, nguồn phát sinh mọi sự
sống.
Loài thực vật có khả năng
tự dinh dưỡng, tự thích ứng, tự lớn
lên, tự sinh sản, nhưng khả năng cảm giác
rất ít. Loài
động vật có đủ mọi khả năng
của loài thực vật, nhưng khả năng cảm
giác cao hơn rất nhiều, và còn có khả năng tự
di chuyển. Nhưng các loài thú có rất ít trí tuệ,
khả năng ý thức, không có khả năng tự
quyết định hay sự tự do, chỉ biết làm theo bản năng. Còn con
người có nhiều khả năng vượt rất
xa loài động vật. Con người có
đời sống tinh thần, trí thức, tình cảm, có
khả năng tự do và tự quyết định, và
nhất là có đời sống tâm linh. Đời sống
tâm linh càng phát triển thì con người càng khác xa con
vật và càng giống Thiên Chúa hơn.
2.
Đời sống tâm linh phát triển và hạnh phúc
đích thực
Con
người chỉ được hạnh phúc tràn
đầy khi đạt được sự phát
triển cao nhất của mình. Con người có
đời sống tâm linh mà các loài động vật khác
không có. Khi phát triển những khả năng cao cấp
của mình như tinh thần, tình cảm, trí tuệ, thì con
người có khả năng hạnh phúc cao hơn tất
cả mọi loài, nhưng hạnh phúc ấy chưa tràn
đầy, chưa đạt tới viên mãn. Chỉ
khi nào phát triển tâm linh đầy đủ, con
người mới đạt được giá trị
cao nhất của mình, và mới được hạnh
phúc một cách viên mãn.
Chưa được hạnh phúc viên
mãn, con người sẽ không bao giờ thỏa mãn. Khi chưa đạt được
hạnh phúc viên mãn, thì dù có đạt được
những điều mình đang mong ước, con
người cũng chỉ tạm hạnh phúc trong chốc
lát, để rồi sau đó lại khao khát một cái khác
cao hơn; nếu không đạt được cái cao
hơn đó thì con người lại rơi vào đau
khổ. Những khao khát bình thường
ấy chỉ giống như những ly nước,
những chén thức ăn. Uống xong ly nước
ấy tuy đã khát, ăn hết thức ăn ấy tuy no
và hết đói, nhưng rồi sẽ lại khát, lại
đói nữa: «Ai uống nước này, sẽ lại
khát» (Ga 4,13). Cứ thế, chẳng bao
giờ con người hết đói và hết khát với
những thức ăn thức uống
bình thường ấy. Và con người cứ phải
kiếm nước kiếm thức ăn
mãi. Còn đói khát những ước vọng
bình thường ấy, con người còn phải gặp
biết bao đau khổ.
Những
hạnh phúc do sự thỏa mãn những ước
vọng ấy chỉ giống như một người
bị bệnh ngứa, khi ngứa lên thì gãi hay hơ nóng
chỗ ngứa, tuy đã ngứa nhưng chỉ
được một thời gian rất ngắn,
để rồi sau đó sẽ còn ngứa dài dài nữa. Chỉ khi nào chữa cho hết bệnh ngứa,
thì con người mới thật sự thoải mái.
Cũng vậy, chỉ khi nào hết ích kỷ, biết
sống vị tha, có đời sống tâm linh phát
triển, con người mới thật sự hết
đau khổ và được hạnh phúc đích
thật, thứ hạnh phúc không ai lấy mất
được.
3. Con
người mải mê tìm những hạnh phúc chóng qua
Khi
con người chưa cảm nghiệm được
hạnh phúc đích thực của một tâm linh phát
triển, thì họ chỉ mải miết tìm kiếm
những hạnh phúc chóng qua, nơi của cải, nhà
cửa, địa vị, quyền lực… Đạt
được hạnh phúc này thì lại khao khát hạnh
phúc khác. Khi phải đi bộ thì họ mong có
chiếc xe đạp, tưởng
rằng có xe đạp thì sẽ hạnh phúc lắm.
Nhưng khi có xe đạp thì họ
chẳng hạnh phúc, vì họ lại mong ước
chiếc xe máy… rồi xe hơi… rồi nhà cao cửa
rộng… rồi địa vị quyền lực… Nhưng
dẫu có trở thành một ông vua hay bà hoàng, họ vẫn
cảm thấy đau khổ, và chẳng hạnh phúc.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu khuyên
người ta không nên tìm thứ «lương thực mau
hư nát» là những cái chỉ đem lại những
hạnh phúc thoáng qua, mà hãy tìm loại «lương thực
thường tồn đem lại phúc trường sinh». «Lương thực
thường tồn» ấy chính là những gì nuôi sống
đời sống tâm linh, làm cho sự sống ấy phát
triển. Khi đời sống tâm linh
phát triển, con người sẽ hạnh phúc mãi, và không
gì trong cuộc đời có thể làm họ đau khổ
hay mất hạnh phúc. Đó chính là thứ
«nước» mà Đức Giêsu hứa ban cho ta: «Ai uống
nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và
nước tôi cho sẽ trở thành nơi người
ấy một mạch nước vọt lên, đem lại
sự sống đời đời» (Ga 4,14).
4.
Lương thực trường sinh ấy chính là
Đức Giêsu
Để
có đời sống tâm linh phát triển, nghĩa là
để có hạnh phúc đích thực và lâu bền,
Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta thứ
«lương thực thường tồn» hay «bánh
trường sinh», khiến chúng ta một khi đã «ăn»
vào thì sẽ được thỏa mãn, hạnh phúc, không
còn khao khát gì hơn nữa. «Lương thực» này khác
với thứ «lương thực mau hư nát», >«ăn» vào rồi là chán ngay, và muốn «ăn»
thứ khác. Lương thực thường
tồn ấy chính là Đức Giêsu. Ngài nói: «Tôi là bánh
trường sinh. Ai đến với tôi, không hề
phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!». Rất nhiều Kitô hữu
hiểu câu này một cách rất vật chất rằng
để đạt được đời sống
trường sinh, ta chỉ việc rước lễ,
tức rước Mình Máu Đức Giêsu vào bụng là xong.
Nhưng trong đời tôi, tôi thấy biết bao Kitô
hữu rước lễ hằng ngày và suốt đời
mà có biến đổi hay cảm thấy hạnh phúc
đích thực và lâu dài bao giờ đâu! Điều đó
khiến tôi phải hiểu câu nói trên theo
cách khác. Tôi đã sống và áp dụng theo
cách hiểu mới ấy, và tôi cảm thấy đời
tôi ngày càng thấy mình hạnh phúc hơn.
Chúng
ta chỉ «ăn» được «bánh
trường sinh» là chính Đức Giêsu bằng cách làm cho
tâm linh ta được cấu tạo bởi những gì
đã làm nên con người Đức Giêsu. Ăn
thức ăn nào là nhận chất bổ, năng lực
từ thức ăn ấy. Đức Giêsu là năng
lực thần linh, nên «ăn»
Đức Giêsu là đón nhận vào mình năng lực
thần linh của Ngài. Đương nhiên «ăn»
Đức Giêsu không phải là «ăn» bằng miệng,
bằng thể xác, mà bằng ý thức và tâm linh của ta.
Thể xác không thể nào ăn
được của ăn tâm linh. Muốn «ăn»
Đức Giêsu, tức «bánh trường sinh», ta phải ý
thức sự hiện diện đích thực và
thường hằng của Đức Giêsu trong tâm hồn
ta. Ngài luôn hiện diện trong ta, nhưng ta
thường không ý thức sự hiện diện ấy.
«Ăn» Ngài là ý thức rằng Ngài là
một nguồn năng lực vô tận về tình yêu, trí
tuệ, sức mạnh, can đảm, hạnh phúc… luôn hiện
diện trong ta, sẵn sàng thể hiện tràn đầy
qua con người của ta, qua tư tưởng, lời
nói và hành động của ta. «Ăn»
Ngài thật sự sẽ làm cho đời sống của
ta trở nên hạnh phúc và khởi sắc hơn bao giờ
hết. Đó cũng chính là kinh nghiệm
của tôi, người viết bài này, xin chia sẻ với
mọi người.
Cầu nguyện
Lạy
Cha, Đức Giêsu chính là một lương thực
bổ dưỡng hữu hiệu cho tâm linh con
người. Nhưng «ăn» Ngài không phải là ăn theo kiểu vật chất, mà là ăn theo
kiểu tâm linh. Xin Cha dạy cho con cách thức «ăn» Ngài, để con được
sống trường sinh và hạnh phúc, thứ hạnh phúc
đích thực và không bao giờ mất đi
được. Đó là hạnh phúc
đời đời. Amen.
|