Dấu
chỉ tình thương. (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong trận nội chiến ở Tây
Ban Nha, một anh lính bị thương nặng
được đưa về bệnh viện dã
chiến. Anh có hy vọng sẽ
được bình phục. Nhưng anh nhất
định không chịu ăn uống gì
cả. Các y tá đã tìm mọi cách thuyết phục
nhưng anh vẫn từ chối mọi thức ăn đem tới. Một người
bạn thân biết được ý anh muốn
được gặp mặt cha mẹ, nên tình nguyện
đi tìm nhà của anh bạn thương binh để báo
tin cho cha mẹ anh đến thăm. Khi người cha
chuẩn bị lên đường thì mẹ anh gói cho con bà
một ổ bánh. Anh thương binh vui mừng vì
được gặp mặt cha mình, nhưng anh vẫn
chưa chịu ăn. Khi cha lấy từ trong túi xách gói bánh
và nói: “Này con, đây là ổ bánh mẹ con đã làm”. Anh
thương binh liền bật dậy tươi nét
mặt thốt lên: “A! bánh mẹ con làm,
cho con ăn một miếng đi!” Từ đó anh mới
chịu ăn lại và cũng bắt
đầu bình phục.
Thưa
anh chị em,
Không có phù phép nào trong tấm bánh của
người mẹ. Nhưng có tình yêu là phép mầu. Bởi
kinh nghiệm, anh biết rằng tấm bánh mẹ anh làm
gói ghém bao tình yêu thương mà mẹ dành cho anh. Cũng thế, tấm bánh Chúa Giêsu phân phát cho
đám đông dân chúng ăn no nê là dấu chỉ lòng
thương yêu của Thiên Chúa đối với dân chúng
đang đói. Đáng lý ra họ
phải nhận ra Thiên Chúa, nhận ra tình thương
của Ngài qua tấm bánh mà họ nhận được,
chứ không đòi hỏi cái gì khác nữa. Nhưng
đàng này, sự cứng lòng và đam mê vật chất
đã khiến họ không thể nhận ra mối
tương quan giữa tấm bánh và con người làm ra
bánh hay nhân ra bánh nhiều, cũng chẳng nhận ra ý
nghĩa của việc Chúa bẻ bánh và chia sẻ cho
họ ăn no: Ngài đã chia sẻ tấm bánh đó như
là biểu tượng của chính Thân Thể Ngài sẽ
bị bẻ ra, tan nát, bầm dập trong cuộc khổ
nạn và phục sinh. Vì thế, Chúa Giêsu phải nói
thẳng với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông,
các ông đi tìm tôi không phải vì đã thấy dấu
lạ, nhưng vì các ông đã được ăn
bánh no nê”. Thì ra, họ chạy theo Chúa Giêsu chỉ vì cơm
bánh chứ không phải vì tin Chúa Giêsu là Bánh đích thực
ban sự sống đời đời. Dấu
lạ bánh mời gọi niềm tin, chứ không phải
để tin thì cần phải có dấu lạ.
Chẳng hạn, những người con biết nhận
ra mồ hôi nước mắt, công lao của cha mẹ
trong miếng cơm mình ăn, sẽ chẳng bao giờ
đòi hỏi những món ăn đặc sản, ngon
miệng, đắt tiền, mới tin vào tình thương
của cha mẹ. Bởi vì họ đã tin vào
tình thương của cha mẹ rồi, và chính nhờ
niềm tin đó mà họ đón nhận chén cơm thanh
đạm với tất cả niềm tri ân. Trái
lại, những người con suốt đời chỉ
biết đòi hỏi hết ăn ngon
đến mặc đẹp, thì chẳng bao giờ
thấy được tình thương của cha mẹ,
cho dù cha mẹ có đáp ứng những đòi hỏi
của họ tới mức nào đi nữa. Bởi vì cái họ yêu, các họ tìm, không phải
là cha mẹ, nhưng là cơm áo và của cải vật
chất.
Không phải tấm bánh làm ra tình
thương, mà chính tình thương làm ra tấm bánh. Thế giới chúng ta ngày ngay thực
ra đã không thiếu và không bao giờ thiếu cơm bánh,
nhưng thiếu tình thương, nên bánh đã không
được bẻ ra cho hết mọi người hay
nói đúng ra, người ta chỉ bẻ ra cho những
người sẵn sàng làm nô lệ cho họ: bánh cho
người nô lệ thì có, nhưng bánh của tình
thương dành cho những con người tự do thì
không. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thứ bánh
của tình thương. Thứ bánh của tự do,
khi Ngài bẻ bánh phân phát cho người ta và dặn dò: “Anh
em phải ra công làm việc, không phải vì lương
thực mau hư nát, nhưng để có lương
thực thường tồn đem lại phúc
trường sinh”. Người Do Thái sẵn sàng làm nô
lệ, miễn sao bụng được ăn no, nhưng
Chúa Giêsu thì lại muốn cho con người
được tự do, nên Ngài đã từ chối không
làm phép lạ cho bánh từ trời rơi xuống, mà
chỉ cho nhân loại thứ bánh của niềm tin, đó
chính là bản thân Ngài: “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh, ai
đến với Tôi, không hề phải đói, ai tin vào
Tôi, chẳng khát bao giờ”.
Anh
chị em thân mến,
Đói khát, đó là thảm trạng và
là nỗi ám ảnh thường xuyên nhất của nhân
loại cho đến hôm nay. “No, đủ” vẫn là giấc mơ của hàng
trăm triệu con người… Trước khi nói
đến Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu đã chạnh
thương đám dân nghèo khổ đi theo Ngài, họ đói,
họ không có bánh ăn: “Anh em hay cho họ ăn đi” (Mc 6,37). Lời này mời gọi
chính chúng ta hãy cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống.
Và khi đã khởi sự cảm thông, chia
sẻ cơm bánh với họ. Ngài
đã cảm thông và chia sẻ, nhưng không chỉ dừng
lại ở đó. Ngài đã mạc khải cho
họ chân lý về Bánh Hằng Sống, nhưng không hề
lãng quên, hay nhắm mắt trước cơn đói
đang dày vò họ. Đó là hai khía cạnh
gắn liền với nhau không thể tách rời hoặc
thiếu một trong hai trong đời sống đạo
của chúng ta. Trên một bình diện khác, bình diện
nhân linh, đói khát quả thực là một đặc tính
riêng biệt của con người, nếu hiểu đói
khát là khả năng khai mở, tiếp nhận, khát
vọng, thì thực sự không có điều gì có thể
lấp đầy nỗi khao khát vô hạn của con
người. Vì tự thân con người đã làm một
“khao khát vô biên”, “khao khát tuyệt đối”, và chỉ con
người mới có khả năng đó. Thánh Augustinô
đã nói lên điều này một cách thấm thía từ
kinh nghiệm sống của Ngài: “Chúa đã dựng nên con
cho Chúa, và tâm hồn con còn thao thức mãi cho tới khi
được an nghỉ trong Chúa” (Tự thuật). Chúa
Giêsu hẳn muốn khơi dậy nơi chúng ta niềm
khao khát này khi Ngài nói: “Hãy ra công làm việc không phải vì
lương thực mau hư nát, nhưng để có
lương thực thường tồn đem lại phúc
trường sinh là thứ lương thực Con
Người sẽ ban cho anh em” (Ga 6,27).
Anh
chị em thân mến,
Nếu
sự đói khát là một mối phúc trong tám mối phúc
thật: “Phúc cho người đói khát sự công chính”(Mt 5,6) thì phải chăng, “không biết
đói khát”, tự mãn với chính mình, không còn muốn nâng
cao khát vọng của mình, là một “mối hoạ” không
những cho bản thân mà còn cho gia đình và cho cộng
đồng nhân loại. “Chính Tôi là Bánh Hằng Sống”:
Khẳng định long trọng của Chúa Giêsu không
một chút mông lung, mơ hồ. Một ý
tưởng, một lý tưởng hay lý thuyết thì có
thể mơ hồ, nhưng một con người có danh
xưng cụ thể thì không. Bánh sự
sống, lương thực đem lại sự sống
và là sự sống vĩnh cửu, bất hoại, chính là
bản thân Chúa Giêsu. Và để đón lấy một
con người, một Đấng làm sự sống và
lẽ sống cho mình, thì “công việc” phải làm là
“đến với” và “tin vào” Ngài. Vì thế kẻ
đến nhận lãnh “Lời Hằng Sống” và “Bánh
Sự Sống” khác nào người được
đưa vào “kho tuý luý yêu thương”- như kiểu nói
của Thánh Basiliô- “Lạy Chúa là thức ăn, thức
uống của con. Càng ăn, con càng đói;
càng uống, con càng khát; càng sở hữu, con lại càng
ước ao”. “Đến với” và “tin
vào”, khao khát và no thoả. Đó là hành trình của tình
yêu, một hành trình vô giới hạn, không cùng, là sự
cất cánh của tình yêu càng lên cao, càng lên cao mãi không thôi…
Mỗi lần rước lấy Tấm Bánh Hằng
Sống chúng ta phải cảm nghiệm được Chúa
Giêsu như tâm điểm luôn thu hút chúng
ta đến với Ngài và đến với nhau, làm cho
tất cả nên một, một tấm bánh duy nhất: Bánh
của tình thương.
|