Có Phải Maria Magdalene và Maria Em của Martha Là Cùng Một Người?
Chúng ta được Hội Thánh cho biết là: Mai đệ Liên (Maria Magdalena) sống ở thế kỷ thứ nhất. Cô là người cầm đầu nhóm các bà đi theo Chúa Giêsu và các môn đồ của Người trong suốt quãng đời Chúa Giêsu thi hành sứ vụ truyền giảng Phúc Âm. Cô có mặt dưới chân đồi Canvê lúc Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá, lúc Chúa Giêsu sinh thì, lúc Chúa Giêsu được an táng và lúc Chúa Giêsu sống lại. Cô là người đầu tiên được bệ kiến Chúa Giêsu Phục Sinh, rồi được Chúa sai về loan báo cho các môn đệ và những người khác biết là Người đã Phục Sinh, vì thế cho nên cô được gọi là "tông đồ của các tông đồ". Vào thời kỳ đầu, cô được coi là người phụ nữ đã xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Chúa tại nhà ông Simon cùng với Maria, là em của Martha, tuy nhiên, hầu hết các nhà chú giải Thánh Kinh đều bác bỏ mối liên hệ này. Maria Magdalene được sắc phong là thánh quan thầy của giới nữ và của đời sống đan tu chiêm niệm.
Tôi thấy trong số các nhân vật nữ trong Thánh Kinh Tân Ước, ngoại trừ Thánh Mẫu Maria ra, thì nhân vật Mai Hoa Mai đệ Liên (Maria Magdalene) là người làm tôi ngưỡng mộ nhất, không những tôi ngưỡng mộ tấm lòng cô kính yêu Chúa Giêsu đến điên cuồng sau khi được ơn hoán cải, và thương nhớ tới độ như bị mất trí vào những ngày Chúa Giêsu chịu thương khó và chịu chết, mà còn ngưỡng mộ vì tánh dũng cảm, kiên cường và khiêm nhượng hơn hẳn các đấng mày râu môn đồ của Chúa Giêsu nữa.
Cô khiêm nhượng công khai xưng thú tội với Chúa Giêsu và không khiếp nhược trước bạo quyền hành khổ Chúa, Cô theo Chúa lên tới tận đồi Canvê, và ở lại với Thân Mẫu Maria cùng với nhóm người mai táng Chúa cho tới khi lấp cửa mộ rồi mà vẫn nấn ná ở lại xem xét huyệt mộ đến cùng, ngoại trừ Gioan ra, trong khi các môn đồ còn lại nhát sợ bỏ chốn hết, thì cô vẫn là người bất khuất thương nhớ Chúa thấp thỏm khôn nguôi, rồi cầm đầu nhóm các bà chuẩn bị thuốc thơm, sáng sớm tinh sương lúc trời còn chưa sáng hẳn, dắt họ đi ra mộ Chúa.
Trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 8 câu 2b, và Phúc Âm Máccô đoạn 16 câu 9 cho biết: “Maria Magdalena (Mai Hoa Mai đệ Liên) là người được Chúa Giêsu trừ khỏi bảy quỷ”, không thấy hai vị nói gì đến thân thế của cô này.
Ngược lại, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 11 câu 1-3 cho chúng ta biết rõ thân thế của một cô khác cũng tên Maria, hay ngồi dưới chân Chúa mà nghe Người giảng dạy (Lc 10:38-42), và có chị là Martha và người em tên Lazarô như sau:
"Cô Mártha, người làng Bêthania là Chị của cô Maria và Lazarô. Cô Maria chính là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người.”
Cả ba Thánh Sử kia là Máccô, Máthew và Luca đều xác nhận có một:
“người phụ nữ mang theo một bình bạch ngọc chứa thứ dầu thơm hảo hạng quý giá, cô đứng đằng sau sát chân Chúa Giêsu mà khóc, nước mắt tưới ướt chân Người, cô lấy tóc mình mà lau rồi hôn chân Người và đổ dầu thơm trên đầu Người …” tại nhà ông Simon tật phong, cũng là người ở cùng làng Bêthania. (Mt 26:6-13) (Mc 14:3-9) (Lc 7:36-50) (Gn 12:1-8).
Nhưng tuyệt nhiên không thấy 3 vị Thánh Sử này nhắc đến tên người phụ nữ đó là ai. Ngoại trừ chỉ có Thánh Sử Gioan cho biết rõ người phụ nữ ấy là người chị em với Martha và Lazarô, tên là Maria, “là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người” như đã nói ở câu trên (Gioan 11:1-3).
Khi đọc đến đây quý vị chắc hẳn cho là nhân vật Mai đệ Liên và Maria em Martha đúng là hai người phụ nữ khác nhau, chứ không phải là cùng một người như chúng ta vẫn lầm tưởng đúng không? Không những thế chúng ta còn ghép luôn Mai đệ Liên với "Người Phụ Nữ Ngoại Tình Bị Ném Đá" là một nữa, mà Phúc Âm (Gioan 7:53-8:11) có nhắc tới.
Thế nhưng, trong khi ba Thánh Sử Máthêw, Luca và Gioan chỉ nói các bà ra mồ từ sáng sớm tinh sương và không thấy đả động tới việc các bà mua hương liệu, thì duy nhất Thánh Máccô lại làm cho chúng ta đặt nghi vấn qua câu sau đây:
“Hết ngày Hưu lễ (sabat), Maria Magđalena và Maria mẹ ông Giacôbê, cùng bà Salômê, mua hương liệu để xức xác Chúa Giêsu, sáng sớm tinh sương ngày thứ nhứt trong tuần, lúc mặt trời hé mọc (trời còn tối, đang nhá nhem sáng), các bà đi ra mộ …” (Máccô 16:1-2).
Hoặc trong Máccô 14:8 và Gioan 12:1-7 (bản dịch Thánh Kinh của Cha Nguyễn Thế Thuấn), lúc Giuđa tiếc dầu thơm cằn nhằn, thì được Chúa phán một câu:
"…Ðể mặc cô ấy, ngõ hầu cô còn giữ lại cho ngày táng liệm Ta.”
Còn trong Luca 7:36-49 cho biết "người phụ nữ xức dầu …" ấy là hạng tội lỗi qua câu chuyện ông Simon thuộc nhóm Biệt Phái, và cũng là người đã mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa đã lẩm bẩm bảo,
"Nếu mà Chúa quả thực là Đấng tiên tri, thì ắt hẳn phải biết mụ đàn bà đang sờ vào Người là ai: mụ thuộc hạng người tội lỗi!" Trong khi “người phụ nữ” chuyên dùng-Sài HƯƠNG LIỆU đắt tiền nhất để xức cho Chúa lúc sinh tiền mà cả bốn thánh sử đều nhắc tới, lại được Gioan 11:1-3 cho biết, chính là Maria chị em với Martha và Lazarô ở Bêthania.
Vậy có phải Mai đệ Liên và Maria ở Bêthania có phải là cùng một người không?
Có truyền thuyết kể rằng: Mai đệ Liên và Lazarô sau này dzong thuyền đến lưu ký tận bên Pháp, và trong khi đi các vị mang theo luôn cả di hài của Thánh Anna, Thân Mẫu Đức Mẹ Maria. Lazarô làm Giám Mục, còn Mai đệ Liên lập một Đan Viện Tu Nữ và qua đời tại đó. Dịp khác tôi sẽ kể tiếp câu chuyện tìm thấy di Hài Thánh Anna tại Pháp và đại thánh đường dâng Kính Ngài.
Thánh thi Gió sớm lâng lâng quyện sáng về, Trong bình minh nhuốm sắc pha lê, Thấp thoáng bóng chân người thôn nữ, Viếng mồ chẳng ngại dẫm sương khuya. Vội vã dầu thơm đặt cạnh mồ, Nhưng kìa ai lật tảng đá to? Khăn liệm xếp đây: sầu tuyệt vọng! Xác Người đã lạc mất phương mô? Buồn ngấm hàng mi lệ ứa trào Hương lòng thờ kính gửi trời nao? Tín đồ mất Chúa, ôi cô quạnh! Mỏm đất trơ vơ, cả huyệt sầu. Thoạt đâu gió đẩy đất rung rinh, Thôn nữ sầu tan vội ngoảnh nhìn: Hai người xiêm áo in màu tuyết Reo vang: "Con Chúa đã phục sinh!" Thôi cả trào vui ngập biển lòng, Thả buồn cho gió cuốn mông lung; Xăm xăm quay gót băng đồng nội, Thôn nữ vui mừng vượt nắng trong. Ôi Chúa phục sinh, phút rợn trời, Thảo nào đêm dậy ánh sao tươi, Gió đàn, hương ngát trăng kiều diễm Hòa tấu lừng uy đón đợi Người! 22/7/2015 Mừng Kính Thánh Maria Magdalena Sóng Biển
|