MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chân Dung Thánh Gioan Maria Vianney
Thứ Ba, Ngày 28 tháng 7-2015

Chân dung Thánh Gioan Maria Vianney

Hồi thiếu niên, tôi được biết Thánh LM Gioan Maria Vianney qua các tập truyện Hạnh Các Thánh, và tôi đã rất “ấn tượng” với vị thánh “không giống ai” này. Việc Chúa làm quá kỳ lạ! Quả thật, “điều gì là không thể với loài người thì vẫn có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 19:26). Ngài bị rủa là “con lừa”, nhưng “con lừa” Vianney đã làm nên trò trống đáng kể!

Có lẽ không người Công giáo nào lại không nghe danh của Thánh Linh mục Gioan Baotixita Maria Vianney (Jean Baptiste Marie Vianney, John Baptist Mary Vianney – lễ nhớ vào ngày 4-8 hằng năm), gọi tắt là Gioan Vianney, và thường gọi là Curé d’Ars (cha sở xứ Ars). Tại sao? Vì ngài quá nổi tiếng, nổi tiếng cả về sự học dốt, cả về nhân đức khiêm nhường và lòng đạo đức thánh thiện.

Cha mẹ ngài là ông Matthêu Vianney và bà Maria Beluze, cả hai là người Pháp. Gia đình có 6 anh chị em, Thánh Gioan Vianney là con thứ tư. Gia đình Vianney nhân hậu, hay giúp người nghèo, và đã từng đón tiếp Thánh Bênêđictô Giuse Labre (bổn mạng những người đi bộ) khi thánh nhân đi qua xứ Dardilly trên đường tới Rôma.

Mẹ của Thánh Gioan Vianney là một phụ nữ rất sùng đạo, bà cho con trai biết đạo rất sớm. Thánh Gioan Vianney nói: “Tôi mắc nợ mẹ tôi, các nhân đức của mẹ tôi dễ dàng đi vào lòng con cái, và con cái sẵn sàng làm những gì được nhìn thấy”. Ngài có bản chất tốt, với đôi mắt xanh và tóc nâu. Về sau, ngài nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu. Tôi quen như thế nơi tòa cáo giải, từ miệng của các hối nhân”.

Thánh Gioan Vianney là người có cách nhìn xuyên suốt mọi trở ngại và có những hành vi tưởng chừng như không thể có. Ngài khao khát làm linh mục nhưng lại không đủ điều kiện vào chủng viện, vì sức học quá yếu kém nên ngài đã phải cố gắng hết sức để có thể vượt qua chính mình.

Thời đó, La ngữ là ngôn ngữ chính của Giáo hội, vì thế mà chủng viện được gọi là Trường La-tinh. Nhưng ngài không học nổi La ngữ nên buộc ngài phải dừng bước. Nhưng mơ ước làm linh mục trong ngài vẫn cháy bỏng khiến ngài tự tìm thầy dạy riêng. Sau thời gian dài vật lộn với sách vở, ngài được thụ phong linh mục. Thánh Ý Chúa thật kỳ diệu!

Ngài muốn dâng hiến vì vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Ngài quyết tâm phải thánh thiện từ nhỏ, và điều đó đã hoàn tất nơi ngài. Mọi lời ngài nói ra đều được nói bằng tâm tình sùng kính và yêu mến Chúa. Thành công của ngài khó ai có thể bắt chước. Ảnh hưởng của ngài không thể bỏ qua, và kết quả không thể tranh luận.

Lúc 20 tuổi, ngài rất khó khăn để học làm linh mục. Sau nhiều gian truân lắm, thầy Gioan Vianney mới được chấp nhận trở thành linh mục. Thầy Mathias Loras, có thể là người thông minh nhất của ngài trong chủng viện, được phân công giúp ngài học, và cũng rất nóng tính. Một hôm, hết chịu nổi khả năng của Gioan Vianney, Mathias Loras (12 tuổi) đã bạt tai Gioan Vianney trước mặt các chủng sinh khác. Mathias Loras thấy nóng mặt, nhưng cậu vẫn quỳ xuống trước mặt Gioan Vianney để xin lỗi. Mathias Loras có một trái tim vàng. Gioan Vianney cảm thấy buồn và bật khóc, rồi ôm lấy Mathias Loras đang quỳ dưới chân mình. Việc này bắt đầu một tình bạn khăng khít. Mathias Loras về sau làm nhà truyền giáo tại Hoa Kỳ, rồi làm giám mục giáo phận Dubuque, nhưng không bao giờ quên kỷ niệm xưa.

Một ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh giám mục đến khảo sát Gioan Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục hay không. Tuy đã cố hết sức học hành, nhưng thầy Gioan Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy. Bực mình và nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Gioan Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò trống gì chứ?”. Nếu ở Việt Nam, chắc hẳn Gioan Vianney bị rủa là “dốt đặc cán mai” hoặc “đầu bã đậu”.

Tuy nhiên, Gioan Vianney vẫn khiêm tốn và bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”. Quá tuyệt vời! Tuy học lực kém cỏi, chẳng bằng ai, nhưng ngài lại có cách trả lời rất thông minh. Đúng là Chúa Thánh Thần tác động nơi ngài!

Và rồi “con lừa” Gioan Vianney đã làm nên trò trống là làm rạng danh Thiên Chúa và mưu ích cho Giáo hội rất nhiều. Cùng với Catherine Lassagne và Benedicta Lardet, ngài đã lập Nhà La Providence (Chúa Quan Phòng), một nhà dành cho các cô gái “sa cơ, lỡ vận”. Ngài tin rằng Thiên Chúa sẽ ban các điều cần cho tinh thần và thể lý của những người coi Nhà Chúa Quan Phòng là nhà của mình.

Những việc “bất khả thi” luôn ám ảnh ngài. Tài mọn, trí hèn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục vào năm 1815, lúc ngài 29 tuổi. Sau 3 năm ở xứ Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars – một giáo xứ nhỏ và “hoang vu” tại Pháp quốc. Khi vừa đặt chân đến xứ Ars, ngài đã quỳ xuống hôn mảnh đất này. Hành động đặc biệt này đã được Chân phước GH Gioan Phaolô II noi gương mỗi khi ngài đến nơi nào đó.

Trong thời gian quản nhiệm xứ Ars, một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện, ngài gặp nhiều giáo dân sống lạnh nhạt và sống khá “thoải mái”. Ngài muốn giúp họ ăn chay nghiêm ngặt và ngủ ít vào ban đêm, vì có một số quỷ chỉ có thể bị xua đuổi bằng việc cầu nguyện và ăn chay.

Lm Gioan Vianney cố gắng đạt được điều mà nhiều linh mục ước muốn, nhưng đó là điều khó. Không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn thay đổi từng chút. Ngài nhận định: “Nếu một linh mục không muốn mất linh hồn, thì ngay khi giáo xứ gặp rắc rối, linh mục đó phải vượt qua mọi toan tính của con người, không sợ bị khinh thường và bị thù ghét. Linh mục đó không cần phải biện hộ, dù bị sát hại. Mục tử muốn làm sứ vụ thì luôn phải cầm gươm trong tay. Chính Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Corintô: Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?”. (*)

Trong các bài giảng đầu tiên, Thánh Gioan Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars: Báng bổ, nguyền rủa, không coi trọng ngày Chúa nhật, chỉ ưa tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, hát những bài ca trơ trẽn và ăn nói tục tĩu. Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.

Thánh Gioan Vianney không bao giờ nghĩ xứ Ars sẽ thay đổi cho đến khi có 200 người sống theo Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Răn của Giáo hội và hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc sống. Điều này có đòi hỏi quá nhiều để đổi lấy Nước Trời?  Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22). Nếu chúng ta hỏi họ làm gì trong ngày Chúa nhật, có thể họ sẽ trả lời:  “Tôi bán linh hồn cho ma quỷ và đóng đinh Chúa Giêsu... Tôi đã được tiền định xuống hỏa ngục...”.  Đó có thể là lời được nói ra hoặc chỉ được nói thầm trong lòng!

Thánh Gioan Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc ngày Chúa nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Thánh Gioan Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars xưa nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh. Ngài vui mừng dạy giáo lý cho trẻ em và dạy chúng làm bổn phận.

Thánh Gioan Vianney thánh hóa mình trong công việc và luôn sống trong thế giới siêu nhiên, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một con người và một linh mục. Ngài nói: “Thật tốt đẹp biết bao khi làm mọi việc đều kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành! Hồn tôi ơi, hãy can đảm! Nếu ngươi làm việc với Thiên Chúa, ngươi sẽ thực sự làm việc, và Ngài sẽ chúc lành cho công việc. Ngươi sẽ bước đi và Ngài sẽ chúc lành cho những bước chân. Mọi thứ đều được ghi công. Hãy dâng mọi đau khổ nhỏ lên cho Chúa. Tốt đẹp biết bao nếu biết dâng mình, dâng ngày, dâng mọi sự cho Chúa!”.

Trong thư an ủi người anh em họ là Lm Chalovet, Thánh Gioan Vianney viết: “Tôi vội viết những dòng này để nói anh đừng bỏ đi, dù có những thử thách mà Chúa muốn anh chịu đựng. Hãy can đảm! Nước Trời đủ để làm phần thưởng cho anh. Hãy nhớ rằng ma quỷ trong thế giới này muốn giành lấy các Kitô hữu tốt lành. Anh đang trong hành trình tử đạo. Nhưng phúc thay nếu anh là người tử đạo vì bác ái! Đừng để mất triều thiên vinh hiển đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Phúc cho ai chịu bách hại vì Ta’. Xin chào tạm biệt. Hãy kiên trì và chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Nước Trời... Hãy can đảm lên, hỡi người anh em! Chúng ta sẽ sớm thấy Thiên đàng vinh quang. Sẽ không còn thập giá cho chúng ta! Thật là thiên phúc! Chúa Giêsu đã yêu chúng ta quá nhiều và Ngài sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc!”.

Từ nhỏ, Thánh Gioan Vianney đã yêu mến Đức Mẹ. Khi là linh mục, ngài luôn cố gắng truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Các gia đình trong xứ Ars đều có tượng Đức Mẹ trước nhà, và trong nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ với chữ ký “M. le Curé” (Cha sở Maria, tức là Lm Gioan Maria Vianney). Năm 1814, ngài cho dựng tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ xứ. Tám năm trước đó, ngày 1-5-1836, ngài đã dâng xứ Ars cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Những ngày lễ Đức Mẹ, giáo dân rước lễ rất đông, và nhà thờ không bao giờ vắng người. Chiều các ngày lễ Đức Mẹ, không ai muốn bỏ lỡ các bài giảng của ngài về Đức Mẹ. Người nghe rất phấn khởi khi nghe ngài nói về sự thánh thiện, sức mạnh và tình yêu của Đức Mẹ.

Giáo dân xứ Ars nói với nhau: “Cha xứ của chúng tôi luôn làm những điều ngài nói và thực hiện những điều ngài giảng. Không bao giờ thấy ngài nghỉ ngơi thoải mái”. Ngài ăn chay nghiêm ngặt, đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Ngài ngủ ít, mà chỉ nằm trên chiếc chiếu giản dị, và việc ăn uống của ngài cũng rất sơ sài, có khi chỉ là mấy củ khoai. Thánh Gioan Vianney đọc sách nhiều, và thường đọc hạnh các thánh. Ngài ấn tượng với cách sống thánh thiện của các thánh, ngài muốn chính ngài và người khác cũng noi theo những tấm gương đạo đức đó. Cách sống của ngài khiến chúng ta phải thẳng thắn tự xét mình rất nhiều! Đúng là “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Ngài nói: “Nếu chúng ta không là thánh bây giờ, thật bất hạnh cho chúng ta, vì thế mà chúng ta phải nên thánh ngay bây giờ. Trong lòng chúng ta không có tình yêu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm thánh”.

Từ năm 1827, bắt đầu có nhiều người đổ về xứ Ars. Khách hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Anh và từ Mỹ châu. Động lực chính của khách hành hương là muốn xưng tội với vị thánh sống và nghe lời khuyên của cha sở thánh thiện của xứ Ars. Tất cả là hồng ân Chúa, việc Chúa làm, chứ ngài không bao giờ xía vào chuyện riêng của người khác. Ngài hoàn toàn không tò mò, thọc mạch, hoặc chỉ trích giáo dân. Cũng như Thánh Giám mục Phanxicô Salê, ngài có biệt tài “thấy những cái mà người khác không thấy”. Khi giải tội, ngài thực sự thương yêu các hối nhân, đến nỗi ngài thường khóc ngay tòa giải tội. Người ta hỏi sao ngài khóc thì ngài trả lời: “Tôi khóc vì bạn không khóc”.

Người ta nói rằng “phép lạ vĩ đại của cha sở xứ Ars là tòa cáo giải”, vì ngài giải tội suốt ngày suốt đêm. Cũng có người nói rằng “phép lạ vĩ đại nhất của cha sở xứ Ars là hoán cải tội nhân”. Một hôm, có người tới xưng tội, người này chỉ đến nhà thờ vào ngày lễ Giáng sinh và Phục sinh. Thánh Gioan Vianney hỏi: “Ông xưng tội bao lâu rồi?”. Người này trả lời: “Bốn mươi năm rồi”. Ngài ngạc nhiên: “Bốn mươi năm thật sao?”. Người này nói: “Dạ, đúng là bốn mươi năm”. Và rồi người đàn ông này đã trở lại và chết tốt lành.

Ngày nay, mỗi năm có hơn 500.000 lượt người đến thăm giáo xứ nhỏ bé Ars để kính viếng thi-hài-không-hư-nát của một Đại thánh nhân của Giáo hội Công giáo. Cuộc đời Thánh Gioan Vianney là câu chuyện dài về sự thánh thiện và đức khiêm nhường, ngài có trí thông minh kém cỏi nhưng rất thông minh về Thiên Chúa. Ngài chỉ thành công khi trở thành linh mục, ngài đã hoán cải cuộc đời rất nhiều tội nhân và ảnh hưởng mọi lớp người.

Suốt đời linh mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn mọi tội nhân được giải hòa với Thiên Chúa. Từ năm 1827, Lm Gioan Vianney trở nên nổi như cồn khắp thế giới, người từ khắp nơi bắt đầu tuôn đến xứ Ars để được gặp “thánh sống” và xin ngài linh hướng. Năm 1855, số khách hành hương lên tới 20.000 lượt người mỗi năm. Do đó, có những ngày ngài giải tội 11 giờ hoặc 12 giờ vào mùa Đông, và thậm chí là 16 giờ vào mùa Hè. Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có rất ít thời gian để ngủ vì ngài thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”.

Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có ít thời gian để ngủ vì thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”. Ăn ít và ngủ ít, khuôn mặt ngài rất khắc khổ, má hóp, da nhăn, tóc hóa “bạch kim” vì hết mình làm công việc mục vụ đến nỗi quên cả chăm sóc bản thân và hành xác theo quan niệm ngày xưa. Ngài rất sùng kính Đức Mẹ và Thánh Philomena – Trinh nữ Tử đạo, vì chính ngài đã cầu xin Thánh nữ chữa khỏi bệnh cho ngài.

Thánh Gioan Vianney sinh sinh ngày 8-5-1786 tại TP Dardilly (Pháp quốc). Ngày 4-8-1859, Lm Gioan Vianney trút hơi thở cuối cùng để về với Chúa tại xứ Ars (Pháp quốc), làm cha sở xứ Ars được 41 năm. Ngài được ĐGH Piô X tôn phong chân phước, và được ĐGH Piô XI tôn phong hiển thánh năm 1925. Ngài còn được tôn phong là bổn mạng các linh mục, thế nhưng có những linh mục vẫn chưa thực sự noi gương ngài để trở thành khí cụ hiệu quả của Thiên Chúa!

Cuộc đời Thánh Gioan Maria Vianney là mục tử đích thực, vì ngài đã thực sự hoàn tất theo Thánh Ý Chúa, đúng như lời Thầy Chí Thánh Giêsu đã xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Trong phòng áo lễ của tu viện, Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta treo tấm bảng ghi: “Xin linh mục của Chúa dâng lễ này như Thánh lễ mở tay, như Thánh lễ sau cùng, như Thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi”. Một nữ tu mà có ý tưởng sâu sắc, đầy chất thần học, và ý hướng thánh thiện quá, vì cử hành thánh lễ là cử hành bí tích, nhiệm vụ rất quan trọng!

Có quy-trình-trao-đổi thế này: Nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành, giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng. Thánh Gioan Vianney đã và đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm! Hãy tự đấm ngực chứ đừng vỗ ngực, tự nhận lỗi mình chứ đừng biện hộ bằng những cái NẾU, VÌ, BỞI, TẠI, GIÁ MÀ,...

Lúc sinh thời, Thánh Giáo hoàng Piô X (1835-1914) đã xác định: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn”. Ngài đã tỏ ra lúng túng vì một số nghi thức long trọng dành cho ngài trong lễ đăng quang giáo hoàng. Ngài nói trong nước mắt: “Nhìn kìa! Người ta cho tôi mặc đẹp biết bao!”. Rồi ngài nói thêm: “Phải chấp nhận như thế là việc đền tội. Họ dẫn tôi đi với lính tráng vây quanh như Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt trong vườn Gếtsimani vậy”. Hay quá! Tuyệt quá! Nhân đức quá!

Hình ảnh vị Giáo hoàng Phanxicô đang cho chúng ta thấy rõ nét chân dung Đức Kitô: Nghèo khó, khiêm nhường, giản dị, hòa nhã, tươi cười,… nhưng vẫn cương trực, thẳng thắn và dứt khoát.

Ngày 9-7-2013, trong khu vườn Vương Cung Thánh Đường Buenos Aires, nơi trước đây ĐHY Jorge Mario Bergoglio đã cai quản trước khi trở thành vị Giáo hoàng của Mỹ Châu Latin đầu tiên trên thế giới, bỗng dưng xuất hiện bức tượng chân dung ĐGH Phanxicô. Bức tượng chân dung này do nghệ sĩ Fernando Pugliese thiết kế, và họ cũng chỉ muốn tỏ lòng quý mến ngài thôi. Nhưng khi hay tin như vậy, ngài đã gọi điện thoại cho những người hữu trách phải gỡ bỏ ngay lập tức bức tượng tạc ngài ra khỏi khu vườn đó. Độc đáo lắm!

Và rồi ngày 22-7-2013, khi đáp trực thăng tới Rio de Janeiro để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới, ĐGH Phanxicô đã đích thân xách cặp chứ không để cho ai xách dùm. Ngài muốn đến gần các bạn trẻ nhưng không ai cho ngài tới vì lý do an ninh, ngài bảo: “Tôi như bị nhốt trong lồng vậy”. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều mà chấn chỉnh cách sống và lề thói làm việc. Vì chúng ta còn rất quan liêu, mỗi cấp mỗi “định dạng” và “mặc định” khác nhau. Hãy “sờ gáy” mình trước, đừng vội trách ai!

Lạy Thánh Gioan Vianney, xin cho chúng con biết noi gương thánh thiện của ngài, và xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con để chúng con có thể mau mắn hoán cải và sống theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

TRẦM THIÊN THU
(*) 2 Cr 12:15

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh I Nhã Loyola, Julian Élizaldé Thành, Sj (7/31/2015)
Chủ Chăn Đích Thực (7/30/2015)
Thánh Phêrô Chrysologus (406-450?) (7/30/2015)
Thánh Mácta, 29/7 (7/29/2015)
Thánh Leopold Mandic (7/29/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Câu Chuyện Sáng Hôm Chúa Phục Sinh (7/28/2015)
Có Phải Maria Magdalene Và Maria Em Của Martha Là Cùng Một Người? (7/28/2015)
Thánh Martha, Chị Của Maria Và Lazarô (7/28/2015)
Tin/Bài khác
Tiểu Sử Thánh Catarina Siena (7/27/2015)
Thánh Catarina Định Nghĩa Đức Ái (7/27/2015)
Bốn Điều Ước Nguyện Từ Linh Đạo Thánh Catarina (7/27/2015)
Chân Phước Antôniô Lucci (1682-1752) 27/3 (7/27/2015)
Thánh Gio-a-kim Và Thánh An-na, 26/7 (7/27/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768