TIỂU SỬ THÁNH CATARINA SIENA
Thánh Catarina, tên gọi trong gia đình là Caterina di Giacomo di Benincasa, sinh ngày 25-7-1347 tại thành Siena nước Ý. Thánh nữ là con thứ 24 trong số 25 anh chị em, người em sinh đôi mất năm 1363 nên Catarina trở thành con út trong gia đình, một gia đình nghèo khó nhưng đạo đức.
Thân phụ của Thánh nữ là ông Giacôbê Benincasa, hội viên dòng Ba Phansinh, làm nghề thợ nhuộm. Thân mẫu là bà Lapa Piacenti, con của một thi sĩ nổi tiếng. Hai ông bà sinh hạ được 25 người con.
Catarina được sinh ra với thân xác yếu ớt. Từ thuở bé, Catarina đã được học giáo lý và biết đọc kinh Mân Côi cách sốt sắng. Thỉnh thoảng, bé Catarina quỳ gối leo từng bậc thang trong nhà để lần chuỗi. Hồi lên 6, một hôm đang cùng anh Stefano đi bộ trên đường từ nhà anh về nhà cha mẹ, Catarina nhìn lên bầu trời, hướng về nhà thờ Thánh Đaminh, được nhìn thấy một cảnh tượng làm thay đổi cả cuộc đời.
Catarina nhìn thấy Chúa Giêsu, y phục như đức Giáo hoàng, áo viền kim tuyến, đội vương miện rực rỡ. Chúa ngự trên ngai vàng, bên cạnh có Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và Thánh Gioan Thánh sử. Chúa Giêsu không nhìn các vị đó mà lại đưa mắt nhìn Catarina cách rất âu yếm và mỉm cười. Catarina đứng sững sờ nhìn, Chúa Giêsu tiến lại gần Catarina, làm dấu Thánh Giá trên em và ban phép lành. Em ngây ngất nhìn ngắm Chúa như không cảm thấy sự gì bên ngoài nữa nhưng cảm nhận tình mến yêu Chúa đầy ắp linh hồn, với một niềm hoan hỷ chưa từng cảm nhận bao giờ.
Cuộc gặp gỡ nhiệm mầu khiến Catarina ước ao đời sống hiến dâng và cầu nguyện. Trong thời gian này, Catarina chỉ bạn bè với các trẻ em cùng lứa tuổi, chia sẻ với chúng cách cầu nguyện và học giáo lý.
Khi lên 7, Catarina dược Đức Maria cùng với Chúa Giêsu hiện ra, Catarina đã hiến dâng cuộc đời trinh trắng của mình cho Chúa Giêsu qua bàn tay Đức Mẹ.
Khi Catarina lên 12 tuổi, thân phụ muốn con mình kết hôn, lập gia đình, nên bắt con mình ăn mặc sang trọng, uốn tóc làm đẹp. Để làm vui lòng cha, Catarina đã vâng theo, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nàng trở lại đời sống khổ hạnh và quyết tâm sống độc thân. Để tỏ lòng quyết tâm, Catarina đã tự cắt bỏ mái tóc nâu vàng xinh đẹp của mình. Vì nhất định muốn con mình đổi ý nên ông Giacobe Benincasa đã bắt Catarina làm mọi việc nặng nhẹ trong nhà. Trong hai năm ròng rã này, Thiên Chúa đã dạy cho Catarina tự tạo trong linh hồn mình một căn phòng của bình an mà không ai có thể quấy phá được. Sau cùng, vì thấy không thể lay chuyển ý định của con nên thân phụ đã để Catarina sống theo Thánh ý Chúa. Như vậy, Catarina đã làm tròn cả 2 bổn phận, bổn phận làm con cha mẹ và bổn phận làm con Thiên Chúa.
Năm lên 16, bắt đầu tuổi xuân xanh trẻ đẹp, Catarina đã lâm một cơn bệnh nặng. Sau khi bình phục, nàng đã nài xin cha cho phép gia nhập dòng Ba Đaminh. Cũng nên biết Thánh Đaminh đã thành lập một dòng tu gồm ba ngành, và ba ngành cùng hiệp thông. Dòng nhất gồm các linh mục, tu sĩ chuyên chăm giảng thuyết. Đó là “những chiến sĩ đức tin và ánh sáng thế gian”, được thành lập năm 1216. Dòng Nhì (kín), gồm các nữ tu sống chiêm niệm Lời Chúa, thành lập từ năm 1206. Dòng Ba gồm các tong đồ giáo dân, thành hình năm 1220, thành lập năm 1286. Thuộc dòng Ba Đaminh, ngoài Thánh Catarina, còn có nhiều vị Thánh và nhiều Giáo hoàng (đức Leo XIII, đức Pio XII). Mục đích của dòng Đaminh là “chiêm niệm và hoạt động tong đồ”, thánh hoá bản thân và cứu vớt các linh hồn.
Sau khi chính thức nhận áo dòng Ba Đaminh hồi 17 tuổi, Catarina đã tiến bộ mau lẹ trên đường nên thánh, thấm nhuần tinh thần dòng Đaminh, tự giam mình trong một căn phòng nhỏ, sống hãm mình, ăn chay và cầu nguyện, chỉ ra khỏi nhà để đi dự Thánh Lễ hàng ngày. Năm 20 tuổi, Catarina có cuộc thành hôn thiêng liêng với Chúa Giêsu, qua bàn tay Đức Mẹ, nhận chiếc nhẫn thiêng liêng trên tay mình và chỉ mình nàng nhìn thấy được.
Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, từ đây cũng như trước đó, theo sự hướng dẫn của Cha linh hướng Raymundo Capua, Catarina phục vụ mọi người chung quanh, nhất là những người bệnh tật già yếu, những người nghèo khổ và những kẻ bị tù đày. Trong thời gian này (1374), Catarina thường thăm viếng Andrea, một bệnh nhân rất khó tính, nóng nảy và miệng lưỡi thô tục, mỗi khi đến chăm sóc cho y là mỗi lần nàng nhận lấy những tràng chửi rủa và mỉa mai. Vì muốn đưa Andrea về với Chúa nên Catarina đã dâng mọi hy sinh cho Chúa, không một lời than trách chống lại. Sau một thời gian, bệnh tình của Andrea trở nên trầm trọng, y thay đổi tính tình, tỏ ý muốn trở về với Chúa. Hôm đó, khi chăm sóc vết thương ung thư ngực của Andrea, mở băng ra thì mùi hôi thối xông lên, Catarina đã giật nẩy mình và muốn ói mửa. Catarina đã hối hận mình vì hành động quá tự nhiên, nghịch với ý chí yêu thương và phục vụ của mình, nàng sợ đã vô tình làm Andrea buồn lòng. Bởi vậy, sau khi đã rửa sạch vết thương của anh ta trong một cái chậu, nàng đã uống thứ nước đầy máu mủ đó.
Catarina đã kể lại với Cha linh hướng Raymundo rằng: “Từ khi sinh ra, con chưa bao giờ ăn hay uống thứ gì ngọt ngào và ngon lành đến thế”. Cũng đêm ấy, trong khi Catarina đang cầu nguyện, Chúa Giêsu đã hiện ra và khen thưởng nàng vì đã để đức Bác ái chiến thắng những phản ứng tự nhiên của mình. Rồi Chúa Giêsu bảo Catarina kề miệng vào để uống từ vết thương nơi cạnh sườn Ngài, Chúa nói: “Con yêu dấu, hãy uống từ cạnh sườn Thầy, nhờ đó linh hồn và thân xác con sẽ vui mừng hân hoan, bởi con đã từ bỏ mình vì Thầy, con sẽ được tràn ngập sự trọn lành”.
Cha linh hướng Raymundo, cũng là người viết tiểu sử Catarina, đã coi đây là một sự kiện phi thường, là tột đỉnh đời sống của một tâm hồn anh hùng. Cha còn cho biết, từ khi Catarina được uống từ vết thương cạnh sườn Đấng Cứu Thế, linh hồn nàng tràn ngập ân sủng, và tràn cả ra ngoài thân xác. Bởi vì thân xác Catarina gần như không cần đến lương thực đời này nữa. Trong thời gian ăn chay 40 đêm ngày, nàng chỉ uống nước lã và rước Thánh Thể, cầu nguyện và làm việc tông đồ.
Có một lần ma quỷ hiện ra dưới hình người ghê tởm để cám dỗ Catarina, một sự cám dỗ thô bỉ chưa từng bao giờ xảy ra cho nàng. Catarina cảm thấy mình trải qua một sự cô đơn đau khổ nhất đời, và thấy như Thiên Chúa bỏ rơi mình. Nàng đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa, Chúa ở đâu khi tâm hồn con quá đau đớn và buồn bực vì sự cám dỗ ghê tởm và tồi tệ đó?”. Chúa đã hiện ra và nói: “Con yêu dấu, Cha vẫn ngự trong linh hồn con, thêm sức cho con bằng ân sủng Cha”. Bởi vì nếu Thiên Chúa không ở trong tâm hồn Catarina, thì linh hồn đã trống vắng, và tên ác quỷ đã chiếm ngự nơi đó rồi. Sự xấu xa kinh tởm của ma quỷ đã được Catarina lập lại trong cuốn “Đối thoại”, nàng viết: “Thà con bước đi trên đống lửa cho đến ngày phán xét chung, chẳng thà nhìn thấy tên quỷ ghê tởm đó một lần nữa” (Số 38).
Ngoài những lần Chúa hiện ra như thế, và ngoài công việc bác ái xã hội, Catarina là một thiếu nữ đơn sơ chất phác, được Chúa cho làm nhiều dấu lạ, như chữa lành bệnh nhân trong thời gian ôn dịch lây lan khắp Bắc Ý. Ngoài ra, lịch sử còn nói cho biết, tuy là một thiếu nữ vốn yếu đuối và ít học, vậy mà Thiên Chúa đã dùng Catarina làm người giảng hoà giữa nhiều tiểu vương và nhiều thành trì của nước Ý, cũng như đã thuyết phục và lo đưa đức Giáo hoàng Grêgoriô XI (1370-1378) cùng toàn bộ Giáo triều từ Avignon (Pháp) về lại Rôma (1376), chấm dứt cuộc lưu đày 67 năm. Được đặt vào ban Cố vấn Giáo triều, Catarina nhiều lần thúc giục đức Urbanô VI (1378-1389) khẩn cấp cải cách hàng giáo sĩ và tu sĩ. Theo một bức thư của nữ cố vấn này, đức Thánh Cha ban nhiều Sắc lệnh cải cách hàng giáo sĩ và giáo phẩm.
Một việc khác đáng ghi nhớ trong cuộc đời Thánh Catarina là trong 2 năm cuối đời (1377-1378), nàng đã viết cuốn sách rất thời danh trong giáo hội nhan đề là “Đối thoại”. Sự thực, Catarina đã không viết một chữ nào: nội dung, tất cả mọi lời trong cuốn sách đều là của Thiên Chúa Cha, đã nói với “người con rất yêu dấu” của Ngài là Catarina.
Người ta có thể đọc được trong sách này những tri thức sâu sắc. Trong Sắc Tuyên thánh Catarina (1461), đức Piô II đã khẳng định rằng: “Giáo lý của Thánh nữ là giáo lý được Chúa phú bẩm, không do học hỏi mà có. Thánh nữ là một vị tôn sư… Các tiến sĩ, các Giám mục đã đặt cho Thánh nữ những câu hỏi khó khăn nhất về thần học, và đã nhận được những câu trả lời rất thoả đáng”. Ngoài ra, Giáo hội còn giữ lại 381 bức thư, Catarina gửi cho đức Giáo hoàng, nhiều Hồng y, Giám mục, nhiều nhà cầm quyền, nhiều chính trị gia, các Cha linh hướng, nhiều huynh đoàn và môn đệ.
Trong những năm cuối đời, từ năm 1375 (tại một nhà thờ ở Pisa), Catarina đã được in 5 Dấu thánh cách kín nhiệm. Catarina qua đời ngày Chúa nhật 39-4-1380, mới 33 tuổi đời, cùng tuổi Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh giá. Ngay sau khi qua đời, năm Dấu thánh hiện ra rõ ràng cho mọi người xem thấy.
Đức Giáo hoàng Pio II đã ghi tên Catarina Siena vào Sổ bộ các Thánh năm 1461.
Năm 1861, Đức Pio IX tôn phong Thánh nữ làm bổn mạng thứ hai của thành Rôma, sau Thánh Phêrô tông đồ. Thời đức Pio XII, Thánh nữ được đặt làm bổn mạng của Giáo hội nước Ý, cùng với Thánh Phanxicô thành Assisi.
Và năm 1970, Đức Phaolô VI đã tôn phong Thánh nữ lên bậc Tiến sĩ Hội thánh, biệt hiệu “Tiến sĩ Tình yêu”, người đã được Thiên Chúa dạy và ban trí thông minh, với lòng sốt mến như Thiên thần Seraphim, nên cũng có biệt hiệu là “Virgo Seraphica” (người Trinh nữ Seraphim).
Lễ kính Thánh Catarina hàng năm vào ngày 29 tháng 4.
|