Bài Học từ Thánh Mác-ta
Cuộc sống có nhiều thứ phải quyết định. Có các quyết định nhỏ như chọn bàn chải đánh răng hoặc chiếc áo. Rồi có các quyết định lớn như mua xe, mua nhà, chọn nghề, chọn ơn gọi...
Sự tự do chọn lựa của chúng ta là tặng phẩm từ Thiên Chúa – Ngài tạo dựng chúng ta có ý muốn tự do, chúng ta có thể chọn cách này hay cách khác, cách của Chúa hoặc cách của chúng ta. Có thể không là sự lưỡng lự về luân lý khi chúng ta chọn mua bàn chải đánh răng, nhưng cách chọn đó là để chăm sóc sức khỏe, tránh hư răng. Sau khi chúng ta quan tâm và cầu nguyện, chúng ta có thể quyết định đi tu hoặc lập gia đình, và chúng ta hy vọng mình quyết định đúng đắn để có thể “chọn phần tốt nhất”.
Thánh Mác-ta được đề cập vài lần trong các Phúc Âm theo Thánh Lu-ca và Thánh Gio-an. Bà là chị của La-da-rô, người được Chúa Giêsu quý mến. Bà cũng là người dạy chúng ta về đời sống thường nhật và đời sống tâm linh. Cuộc đời bà là tấm gương về sự tập trung, tín thác vào Chúa và sự phục vụ tận tình.
Phục vụ và hiếu khách: ưu tiên người khác hơn mình
Trước hết, Thánh Mác-ta dạy chúng ta biết giá trị của sự phục vụ và lòng hiếu khách. Trong Phúc Âm theo Thánh Lu-ca, chúng ta thấy Thánh Mác-ta tận tình phục vụ các thực khách của bà, coi trọng nhu cầu của người khác hơn của mình. Trái tim của một tông đồ phải là trái tim của sự phục vụ. Chúng ta được mời gọi phục vụ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân và phục vụ vì lòng yêu mến. Hành động phục vụ đòi hỏi sự hy sinh, nhưng hành động hy sinh không quan trọng bằng cách sắp xếp nội tâm của người trao tặng. Hành động của Thánh Mác-ta rất tự nhiên. Có những vị khách trong nhà bà và bà muốn làm cho họ cảm thấy được ấm áp tình người. Bà không muốn họ phải lo lắng về những điều vụn vặt. Bà muốn họ có thể lắng nghe Chúa Giêsu dạy dỗ mà không phải chia trí.
Đừng chú ý các chi tiết không cần thiết
Rất dễ để sự tập trung của chúng ta trở thành một chiều trong cả đời sống thường nhật và đời sống cầu nguyện. Chúng ta cũng rất dễ bận rộn với công việc gì đó và làm chúng ta mù quáng. Chẳng hạn, khi hai người đã đính hôn, họ lo việc tổ chức đám cưới, và đó là ưu tiên số một. Chúng ta cũng thường bỏ ra nhiều công sức và thời gian để lo lắng đủ thứ, thậm chí cả về âm nhạc, thơ văn, hội họa,... Chúng ta vẫn tự nhủ đó là “phần tốt nhất”, nhưng thật ra cũng chưa chắc, vì chúng ta bảo rằng chúng ta làm nghệ thuật vì Chúa, làm vinh danh Chúa, để rồi chúng ta quên rằng mục đích chính là chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa. Đối với một ứng viên chuẩn bị tiến tới chức linh mục cũng vậy, rất dễ ảo tưởng khi được người khác tôn trọng, lo sắm áo lễ, lo tổ chức tiệc tùng, lo mời khách, lo phải nói cho hay trong lời cảm ơn ngày lễ tạ ơn. Những thứ đó chỉ là thứ cấp so với “phần tốt nhất” của việc trở thành linh mục của Đức Giêsu Kitô – hoàn toàn tự hiến để phụng sự Thiên Chúa qua việc cử hành các bí tích, giảng dạy, và phục vụ dân Chúa.
Đừng lo lắng, hãy nghe Chúa Giêsu dạy dỗ
Khi phân biệt được đời sống linh mục và đời sống hôn nhân, chúng ta có thể có quyết định cuối cùng. Hãy tự hỏi: “Sẽ thế nào nếu tôi quyết định sai lầm?”. Hãy quan ngại câu hỏi này. Như Thánh Mác-ta, chúng ta cứ lo lắng về những thứ không cần thiết thì chúng ta sẽ ra sao? Nhìn vào gương Thánh Mác-ta, chúng ta có thể thấy rằng bà đã lo lắng về các chi tiết sai, nhưng bà đã để cho Chúa Giêsu sửa sai, và bà theo hướng dẫn của Ngài.
Chúa Giêsu nhẹ nhàng nhắc nhở: “Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10:41-42). Câu nói đơn giản của Chúa Giêsu đã tái định hướng sự tập trung của Thánh Mác-ta. Khi cầu nguyện, chúng ta hãy cho Chúa Giêsu biết mọi lo lắng của chúng ta, Ngài thường đáp lại bằng lời nói đơn giản để tái định hướng chúng ta tới “phần tốt nhất”. Không có gì sai về việc chúng ta đặt mọi lo lắng của chúng ta trước mặt Chúa, nhưng chúng ta phải để cho Ngài phản ứng đối với chúng ta và chúng ta phải làm theo hướng dẫn của Ngài.
Biết đến với Chúa và hoàn toàn tín thác vào Ngài
Trong Ga 11:1-44, chúng ta thấy một sự thật rõ ràng về Mác-ta. Bà rất buồn vì cái chết của em trai, nhưng bà vẫn đến với Chúa Giêsu bằng cả niềm tín thác: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Thánh Mác-ta quẫn trí vì lo buồn, nhưng bà không than phiền hoặc thử thách Chúa Giêsu, bà vẫn vững tin vào kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bảo La-da-rô sẽ sống lại. Bà thưa ngay: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Đức tin của bà rõ ràng và mạnh mẽ. Bà vững tin vào Chúa Giêsu, bà biết bà có thể dựa vào Ngài về mọi thứ – ngay cả những điều xem chừng là không thể.
Chúa Giêsu quý mến Thánh Mác-ta
Chúa Giêsu biết rõ lòng của Thánh Mác-ta như thế nào. Ngài biết bà không muốn em trai chết yểu và Ngài biết bà muốn Ngài giúp bà trong hoàn cảnh bi đát như vậy. Có thể đây là bài học quan trọng nhất, không phải vì Thánh Mác-ta làm đúng hay sai để xứng đáng nên thánh hay không, mà vì lòng thương xót bao la mà Chúa Giêsu đã dành cho bà. Ngài cũng yêu thương mỗi chúng ta bằng tình yêu không thể giải thích. Chúng ta phải luôn tự nhủ rằng Thiên Chúa mãi mãi yêu thương chúng ta, Ngài hành động vì chúng ta và hy vọng chúng ta là những đứa con đáng yêu của Ngài để xứng đáng được “phần tốt nhất”.
Mừng lễ Thánh Mác-ta (ngày 29-7), chúng ta hãy mở mắt nhìn vào những gì thực sự quan trọng – mối quan hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Mong sao chúng ta không bị chia trí vì những nỗi lo lắng trần tục, nhưng luôn biết tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài nói gì thì Ngài chắc chắn làm. Trong mọi quyết định lớn hoặc nhỏ, và với nhận thức sâu sắc, có thể chúng ta sẽ chọn được “phần tốt nhất”.
Nói đến Thánh Mác-ta, chị của Ma-ri-a và La-da-rô, có lẽ người ta nhớ đến “đặc điểm” của bà là lăng xăng lo lắng đủ thứ, và bị Chúa Giêsu trách thẳng: “Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá đấy!” (Lc 10:41). Nhưng đó cũng là lời Chúa trách mỗi chúng ta, vì chúng ta vẫn thường có “máu lo” của Thánh Mác-ta.
Hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a là những người thành tín và chiêu đãi Con Thiên Chúa. Nếu Đức Kitô gõ cửa nhà bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn hành động như thế nào? Bạn ngồi lặng im bên Chúa Giêsu như Thánh Em Ma-ri-a hay bạn lăng xăng chuyện bếp núc như Thánh Chị Mác-ta?
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
|