Ơn
gọi làm ngôn sứ
(Suy
niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh
bỉ ở quê hương mình” (Mc 6,4).
Theo Điển Ngữ Đức Tin
của Linh mục Hồng Phúc, danh từ tiên tri hay ngôn
sứ có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp là
chữ prophẻte, có nghĩa là nói nhân danh người khác.
Tiên tri là người được Thiên Chúa soi sáng và sai
đến nói cho người ta nhân danh Thiên Chúa, để
truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài. Họ
chuyển đến cho dân những đòi hỏi có trong
sách luật, lời cảnh cáo hay lời hứa cho dân.
Không ít lần Thánh Kinh đã nhắc
đến cảnh dân Do thái bị lưu đày, sầu
khổ, hoạn nạn, truân chuyên, và các ngôn sứ
được phái tới để loan báo cho dân một
niềm hy vọng hay niềm vui của sự cứu thoát.
Tiên tri Êgiêkien, Isaiah, Giêrêmia đã loan báo về lòng
thương xót cảm thông của Giavê đối với
nỗi khổ của dân, và Ngài sẽ ra tay cứu thoát
họ.
Thế nhưng không ít lần các tiên tri
cũng vạch cho dân biết các nỗi thống khổ là
do họ đã bỏ Thiên Chúa. Các ngài can đảm lên
tiếng phê phán, cảnh cáo lối sống sai lạc, và báo
trước một hình phạt sẽ sảy đến
hoặc sẽ kéo dài nếu người ta không đổi
mới cuộc đời.
Kết quả của lời cảnh
báo thường sẽ là: “hoặc họ nghe, hoặc
họ không nghe” (Ez 2:5). Thậm chí, lắm khi mạng
sống của vị ngôn sứ còn bị đe doạ,
nhất là khi phải nói lời Chúa cho những vị có
quyền lực trong dân.
Ai lại không biết trong một
quốc gia phong kiến, vua là trên hết. Mọi uy
quyền sức mạnh đều nằm trong tay vua.
Đụng đến vua thì chẳng khác chi tự
đưa mình vào hang cọp. Thế mà để chu toàn
sứ mạng, các tiên tri đã không quản liều mình.
Thánh Kinh có ghi lại hình ảnh của
một tiên tri Nathan đầy khôn ngoan, dám tố cáo tội
ngoại tình, giết người, cướp vợ
của vua Đavít; hay hình ảnh can đảm của tiên
tri Elia, dám nói thẳng với hai vợ chồng vua Akhab
việc họ đã giết Nabot và chiếm đoạt tài
sản của ông cách bất công, nên Thiên Chúa sẽ giáng
phạt tội ác của họ; hoặc dưới
triều vua Yosya, tiên tri Sophonia đã trách cứ các tư
tế và chỉ trích thói tục ngoại lai khi tôn sùng các
thần giả.
Trước lời loan báo, cảnh
tỉnh của tiên tri, “hoặc là họ nghe, hoặc là
họ không nghe”- một là người ta sẽ lùi
bước trước điều gian ác để sám
hối canh tân hoặc chính các tiên tri sẽ phải
chuốc hoạ khổ đau, như trường hợp
của ngôn sứ Gioan Tiền hô khi dám lên tiếng phản
đối hành động loạn luân của Hêrôđê.
Các tiên tri của Chúa không những dám
đánh mất sự sống thân xác khi đụng
đến những kẻ có thế lực và quyền hành
trong dân, các ngài còn dám hy sinh cả an toàn tình cảm khi lên
tiếng cảnh cáo răn đe dân chúng. Như tiên tri
Giêrêmia, Amos, Giôna, Nahum, Mica, những vị dám lên án dân Do
thái, dám thoá mạ bọn nhà giàu cướp bóc người
nghèo, những kẻ cho vay vô lương tâm, những con
buôn gian lận, những gia đình chia rẻ, các tư
tế tham lam, hay các quan án hối lộ.
Giữa một xã hội vô luân, giữa
một dân tộc bị tục hoá, giữa những con
người đang chạy theo những điều vô
đạo, vô phép, mà một mình dám đứng lên để
mở ra một hướng đi mới, dạy dỗ
một giáo lý mới nhân danh Chúa, tất khó tránh khỏi
cảnh kẻ chê người ghét, kẻ phản
đối người hận thù. Đức Giêsu, vị
tiên tri tối cao, cũng không được miễn
trừ. Phúc âm nói rõ: khi trở về quê nhà Nazaret, Ngài vào
hội đường để giảng dạy. Ngài rao
truyền một giáo lý yêu thương “họ không nghe.”
Hơn nữa họ còn “vấp phạm vì Người” (Mc
6:3b).
Tất nhiên sự vấp phạm này
không chỉ là thái độ thiếu kính trọng
đối với “anh thợ mộc con bà Maria” của
những người hàng xóm, nhưng còn cả hành vi phủ
nhận không tin của bà con thân cận (Ga 7:5). Chính Chúa Giêsu
đã phải thốt lên: “Không tiên tri nào mà không bị khinh
bỉ nơi quê quán, bà con, họ hàng nhà mình” (Mc 6:4).
Thế nhưng, dù bị ngược
đãi khinh khi, dù phải đối diện với lòng chai
dạ đá, Đức Giêsu vẫn không ngã lòng từ
bỏ sứ vụ. Thánh kinh ghi nhận: lúc đám đông
không tin phục thì Ngài đi đến với “một vài bệnh
nhân;” khi thành này từ khước Tin Mừng thì Chúa Giêsu
lại đi rao giảng cho “các làng chung quanh.” Đây
phải là thái độ không thể thiếu
được nơi các ngôn sứ, những người
được mời gọi rao truyền Lời Chúa cho
muôn dân. Nói đến ngôn sứ xin đừng chỉ liên tưởng
đến các vị tiên tri trong Cựu ước hay
những đấng “bạo mồm bạo miệng” dám lên
tiếng hăm doạ, kết án những kẻ sống
đời nghịch luân, nghịch thường. Song, ngôn
sứ chính là “tất cả những người Kitô
hữu, nhờ phép rửa tội, được hiệp
thân với Đức Kitô, kết thành dân của Chúa và do
đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức
vụ tư tế, sứ ngôn, và vương giả
của Đức Kitô. Theo điều kiện của
mỗi người, họ được kêu gọi
thực hành sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho Giáo hội
chu toàn trong thế giới” (Giáo Luật số 204).
Như thế, ẩn sâu trong bản
chất Kitô hữu của tôi là cả một chức
năng ngôn sứ. Với chức năng đó, đời
sống tôi phải đi đôi với việc loan báo chân
lý, bảo vệ luân lý, bênh vực nhân lý nhân danh Thiên Chúa
Hằng sống. Nhưng thử hỏi mấy ai sẽ
nghe lời tôi khi đời tôi là một phản chứng.
Làm sao người ta nhận ra chân lý khi mà tôi cứ mãi
sống trong gian dối, lọc lừa, tham lam. Ai có thể
nghe tôi dạy dỗ về luân lý khi mà đời tôi
đầy dẫy những thứ vô luân, rối vợ
rối chồng, nghiện ngập đam mê. Và ai có thể
đồng tình với tôi để bênh vực nhân phẩm
đang khi tôi xúc phạm nhân phẩm, huỷ diệt thai
nhi, cắt đứt tình người.
Như vậy, để đóng
trọn vai trò ngôn sứ, đời tôi phải là một
nỗ lực chứng tá liên lỉ. Nhưng tôi tự
hỏi: ngay như cuộc đời toàn hảo của
Chúa Cứu Thế cũng không được mọi
người chấp nhận và bước theo, huống
hồ là cuộc đời chứng tá của mình?
Nhưng tính chất cần có của
đời ngôn sứ vẫn là không ngã lòng bỏ cuộc.
Dù với khó khăn trắc trở của môi trường
hay của lòng người, tôi vẫn cứ tiến
tới. Trong niềm tin như Thánh Phaolô, tôi dám nói: “Ơn
Chúa luôn đủ cho tôi. Vì chính trong sự yếu hèn
của tôi mà quyền năng Thiên Chúa được tỏ
bày” (2 Cr 12,9).
|