Mình Máu Thánh
Chúa
Dân Do Thái được giải
thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và
được đào luyện để trở thành dân
riêng của Chúa. Một thứ giao kèo đã được thực
hiện giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Thiên Chúa ban
cho họ một lề luật quy định thái độ
và cách sống của họ đối với Chúa, và của
mọi người đối với nhau. Người
Do Thái đã đồng thanh thề hứa xin thi hành mọi
lời Chúa đã phán. Maisen lập bàn thờ
và toàn dân cử hành nghi lễ ký kết giao ước với
Thiên Chúa. Người ta giết bê để làm lễ
tế. Máu bê một nửa được rưới trên
bàn thờ, một nửa được rảy trên dân.
Ở đây lễ ký kết giao ước
đã được thực hiện bằng máu bê. Và trong lịch sử của dân Chúa, giao ước
này đã không được tuân giữ từ phía dân Ngài.
Nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong
lòng yêu thương của Ngài. Và Ngài
đã thực hiện một giao ước mới.
Nhưng lần này, giao
ước được thiết lập không phải
trong một nghi lễ, mà là bằng một cuộc sống. Lễ vật giao hoà không phải là
chiên bò hay máu của chúng, mà là chính Con Thiên Chúa làm người,
đã sống giữa con người, để mạc khải
tình thương của Chúa đối với con người
và cuối cùng đã đổ đến giọt máu cuối
cùng không phải trên bàn thờ mà trên thập giá.
Tin Mừng của thánh lễ hôm nay cho
chúng ta thấy: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài
đang chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua, lễ
kỷ niệm dân Chúa được giải thoát khỏi
ách nô lệ người Ai Cập. Nhưng chúng ta lại
cũng có thể thấy được rằng cảnh
tượng diễn ra không còn ở trong một nghi lễ
mà là ở trong chính cuộc sống. Hay nói cách
khác trong chính việc cử hành lễ Vượt Qua này, cái
ý nghĩa thâm sâu nhất, cái nội dung đích thực của
mọi nghi lễ được cử hành đang trở
thành hiện thực.
Chúa Giêsu và các môn đệ đang sống
biến cố Vượt Qua, đang sống cuộc giao
ước giữa Thiên Chúa và con người. Cử chỉ
của Chúa Giêsu, hãy cầm lấy bánh, hãy cầm lấy
rượu, mang ý nghĩa là Mình Máu Ngài, nói lên cái chết của
Ngài, một cái chết cho nhiều người mà đại
diện là 12 môn đệ, đồng bàn với Ngài,
nhưng cũng là những người sẽ chối Chúa,
sẽ bỏ Chúa để thoát thân, những con người
tội lỗi, yếu đuối như bao con người
tội lỗi và yếu đuối khác. Nhưng với bữa
tiệc ly trở thành tiệc Thánh Thể này, khi trao cho các
môn đệ Mình Máu Ngài, Chúa Giêsu tự báo cho các môn đệ
ơn tha thứ, ơn cứu thoát. Khi lãnh nhận Mình Máu
Chúa, các môn đệ lãnh nhận cho mình cuộc hy sinh của
Chúa Giêsu và ơn cứu rỗi được dành cho con
người.
Chính vì vậy mà sau khi Chúa
Giêsu phục sinh, nghĩa là sau khi các môn đệ đã có
những cử chỉ bất trung, các ông vẫn có thể
đồng bàn với Người. Sự đồng bàn ở
đây có ý nghĩa của một sự giao hoà. Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử, đã
không ngừng lặp lại cử chỉ này như Chúa Giêsu
đã truyền dạy để tưởng nhớ đến
Ngài. Nhưng không phải chỉ là một
sự tưởng nhớ trong tưởng tượng,
trong tình cảm, mà là trong chính cuộc sống bằng cách sống
trọn vẹn ý nghĩa, nội dụng của nghi lễ
mình làm.
Việc cộng đoàn
Kitô hữu họp lại với nhau trong nhà thờ để
cử hành thánh lễ phải là điểm khởi đầu
và kết thúc của một giai đoạn dấn thân. Nghĩa là thánh lễ
được cử hành trong nhà thờ cần phải
được nối tiếp trong cuộc sống và cuộc
sống cũng cần phải được cử hành
trong thánh lễ tại nhà thờ chứ không được
tách thánh lễ ra khỏi cuộc sống. Bởi
đó chúng ta thực sự kéo dài thánh lễ trong cuộc sống
bằng cách thực thi bái ái yêu thương hay chưa.
Đồng thời chúng ta có biết gom góp những hy sinh của
cuộc sống để dâng tiến trong thánh lễ hay
chưa.
|