Hiến lễ
tình yêu – Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Đối với tất cả những
người Công giáo chúng ta thì Hiến tế trên Thập Giá
là nơi Chúa Giê su đã đổ máu ra để ban ơn
cứu độ, là nơi Chúa tuyên bố: “Mọi sự
đã hoàn tất”(Ga 19,30), vì hiến lễ Misa chính là Hiến
lễ Thập Giá kéo dài. Thế nhưng, khi chúng ta cùng các
tông đồ đi vào bàn tiệc dự bữa Tiệc Ly
với Chúa, chúng ta đã thấy Máu Chúa đổ ra ngay từ
trong bữa Tiệc ly, vào lúc Chúa Giêsu cầm lấy chén và
trao cho các tông đồ: “Này là Máu Thầy, Máu giao ước
mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người
được tha tội”(Mc 14,24). Không
phải ở trên cây Thánh Giá, Máu Chúa mới đổ ra, mà
ngay giờ phút này, Máu Chúa đã đổ ra cho nhiều
người được tha tội, và các tông đồ
là những người đầu tiên được
ăn Thịt Chúa và uống Máu Chúa từ Nhà Tiệc Ly.
Hiến lễ Misa là hiến lễ
được kéo dài từ Hy tế Thập Giá nhưng
cũng bao hàm cả giờ phút xúc động Chúa lập phép
Mình Thánh, Máu Thánh trong bữa Tiệc Ly. Có thể thấy,
Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta chương trình cứu
độ, không phải bằng mồ hôi – là những biểu
hiện vất vả đời trần thế – hay bằng
những con đường chông gai vác Thập Giá, mà ở
đỉnh cao nhất, đó là Hiến Tế Cuộc
Đời, trao ban Mình và Máu Ngài cho toàn dân.
Máu là biểu hiện của
sự sống. Vì thế,
khi người ta thề hứa với nhau một điều
gì trọng đại thì người ta thường gọi
là “Uống máu ăn thề” (Thành ngữ).
Người Do Thái ngày xưa, khi muốn hiến dâng cho Thiên
Chúa một lễ vật tinh tuyền và đẹp lòng Thiên
Chúa thì người ta muốn dâng sự sống của
mình, nhưng vì mạng sống của con người cao
quý nên được thay thế bằng mạng sống của
chiên cừu dâng tế lễ cho Thiên Chúa. Do đó, máu chiên
được bôi lên thành cửa (tại đất nước
Ai Cập) được biểu hiện là sự sống.
Sự sống không chỉ của thể xác,
mà sự sống của linh hồn. Sự sống thể
xác là lễ Vượt qua của thời Cựu Ước,
khi Thiên thần Chúa đi qua, thấy máu chiên bôi trên thành cửa
thì để cho nhà đó được bình an, nhưng nhà
nào không có máu bôi trên thành cửa thì Thiên thần Chúa lập tức
giết chết con đầu lòng của nhà đó (x. Xh 12,
1-14). Năm ấy, cả đất nước
Ai Cập đều có đại tang. Còn bên đất
nước Israel thì sự sống tràn đầy và bình an
đã làm cho toàn dân Do Thái được sống hạnh phúc.
Sang thời Tân Ước, Máu của Chiên Thiên
Chúa, từ nhà Tiệc Ly cũng như từ trên Thập
Giá đổ ra đã trao ban cho tất cả mọi người,
cho sự sống linh hồn được bảo đảm.
Vì vậy, máu là biểu hiện của tình
yêu, của giao ước. Và Chúa Giêsu gọi
giao ước này là giao ước mới, mặc dầu
xét về bề ngoài, trước sau vẫn là máu, nhưng
giao ước mới được đổ ra từ
Chiên Thiên Chúa. Giao ước ấy mới
hoàn tất được Chương trình Cứu độ
và trao ban sự sống đời đời cho những kẻ
tin.
Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi
ngày là nhắc lại cho chúng ta một hiến tế tình
yêu, một hiến tế mà Chiên Thiên Chúa đã bị sát tế
và lễ Vượt qua của thời Tân Ước hôm nay
không phải chỉ vượt qua Biển Đỏ, mà còn
vượt qua cả sự chết để được
vào đất hứa là Thiên Đàng. Với một ý
nghĩa quan trọng đó, Bí tích Thánh Thể là nơi hội
tụ của tình yêu, là nơi kết tinh của trời
đất, là trung tâm điểm của ơn cứu độ.
Nơi đây, chúng ta đến không phải bằng lòng tin
mà cả bằng lòng kính mến, vì tình yêu phải đáp
đền bằng tình yêu, mà bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình
yêu đã được Đức Giê su thiết lập
không phải là bằng một lời phán, và cũng không phải
chỉ là bằng những biểu tượng bên ngoài
nhưng là chính Thịt và Máu Ngài từ tay Ngài trao cho các tông
đồ, Ngài nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, các con
hãy cầm lấy mà uống. Này là Mình Ta, này là
Máu Ta”. Một giao ước mới
được ký kết trong chính Thân Mình và Máu Chúa Giêsu.
Giao ước ấy là Giao ước Tình yêu
Hiến tế. Vì vậy, đức tin chưa đủ
mà cần phải có lòng mến tha thiết để
đáp lại tình yêu vô cùng của Chúa đã trao ban cho chúng
ta nơi Bí tích Thánh Thể yêu thương.
Điều lạ lùng trong
Bí tích Thánh Thể đó là dùng tình yêu để xóa đi hận
thù; dùng tình yêu để cảm hóa những oán ghét. Đức Giêsu đã dùng tình yêu của
mình trên Thập Giá để xóa tội trần gian, và tình
yêu ấy đã làm cho những kẻ thù của Chúa Giêsu phải
thốt lên: “Người này đích thực là người
công chính”(Lc 23,47). Tình yêu ấy
đã làm cho bao nhiêu những người từ trong cõi chết
sống lại. Tình yêu đánh thức tất
cả nhân loại và đánh thức tất cả những
ai đang ở trong cõi chết. Đến với Bí
tích Thánh Thể không chỉ bằng lời nói mà bằng cả
việc làm, bằng lòng yêu mến, bằng những hy sinh
có thể được và bằng sự kết hợp
tha thiết với Chúa Giêsu. Lời Chúa Giêsu tha thiết
thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con muốn rằng con ở
đâu thì những kẻ Cha ban cho Con cũng ở đó với
Con” (Ga 17,24). Bí tích Thánh Thể đã phát
xuất từ lời cầu nguyện Hiến tế của
Chúa Giêsu để đưa chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm
sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, và khởi đi từ
Bí tích Thánh Thể với việc chúng ta ăn Thịt và uống
Máu Ngài, chúng ta được trở nên sự sống trong
Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa Hằng Sống.
Chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta
không chỉ mặc lấy danh hiệu Kitô hữu mà còn
được nên đồng hình đồng dạng với
Ngài, vì được ăn Thịt và uống Máu Ngài,
được ở trong Ngài. Khi chúng ta ý thức
như vậy thì Bí tích Thánh Thể làm cho người ta
được tẩy sạch tội lỗi. Như
trong sách Khải Huyền của thánh Gioan diễn tả:
“Tôi thấy một trăm bốn mươi bốn ngàn
người thuộc đủ mọi thành phần, giai cấp.
Họ mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành
thiên tuế”. Và thánh Gioan tả tiếp: “Tôi hỏi những
người này từ đâu mà đến thì được
trả lời ‘họ từ đau khổ lớn lao mà
đến, họ giặt áo và tẩy áo trong Máu của Con
Chiên’”(Kh 7, 9,14). Chính Máu
Đức Giêsu Kitô đã tẩy sạch trần gian, đã
tha thứ tội lỗi và đã đưa những người
yêu Chúa vào sống trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tất cả được khởi
điểm từ Bí tích Thánh Thể. Cho nên, điều mà
Chúa Giêsu tiên quyết: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì
có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ
ấy sống lại vào ngày sau hết”(Ga 6,54). Những lời
tiên quyết của Chúa Giê su đã khiến nhiều môn
đệ của Người thốt lên: “Lời này chói
tai quá, ai mà nghe được. Từ lúc đó nhiều môn
đệ rút lui, không còn theo Người nữa”(Ga 6, 60, 66). Chỉ có tông đồ Phê rô
đại diện tông đồ đoàn mười hai
đã thưa với Chúa Giê su rằng: “Chúng con bỏ Thầy
thì chúng con biết theo ai? Thầy mới
có những lời ban sự sống đời đời”(Ga 6, 68-69).
Hôm nay, sự sống đời đời
nơi Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta: Hãy cầm lấy
mà ăn; hãy cầm lấy mà uống. Một lần nữa,
mỗi người chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể
trong tất cả lòng tin yêu của người Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu Kitô Thánh Thể,
Chúa đã cho chúng con được
mặc lấy danh hiệu Kitô hữu.
Chúa còn cho chúng con ăn Thịt
và uống Máu Chúa,
để chúng con
được đồng hóa trong Chúa
và
được sống bằng sức sống của Chúa
là sự sống
của Tình yêu Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người.
Xin cho chúng con thực hiện
được lời Chúa đã cầu nguyện, đó là:
“Chúa ở đâu, chúng con
cũng ở đó với Chúa”,
và để
chúng con được nên một
trong tình yêu của
Thiên Chúa Ba Ngôi
là Cha và Con,
và Thánh Thần. Amen.
|