Qùa tặng Thần khí – Peter Feldmeier
(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển
ngữ)
“Và họ được đầy
Thánh Thần” (Cv 2,4)’
Lễ Hiện
xuống mang một ý nghĩa sâu xa đặc biệt đối
với từng người chúng ta, cũng như đối
với các tông đồ năm xưa. Chúng
ta khởi đầu với lễ Hiện xuống nơi
các tông đồ, rồi đến chúng ta ngày hôm nay.
Các tông đồ quy tụ lại mừng lễ ngũ tuần của người Do Thái,
tưởng nhớ việc Chúa ban bố lề luật cho
dân trên núi Sinai. Biến cố gợi nhắc đến việc
Thiên Chúa quyền năng đã đưa dân ra khỏi Ai Cập,
dùng cột lửa soi sáng ban đêm trong hành trình sa mạc và đã tỏ lộ uy quyền của
Ngài trên đỉnh núi Sinai. Lễ ngũ tuần ngày xưa
là dịp tưởng niệm việc Thiên Chúa tặng ban lề
luật, là quà tặng đặc thù Thiên Chúa gửi trao cho
dân. “Chúa bày tỏ Lời Người cho nhà
Gia cóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel.
Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không
cho họ biết những luật điều của
Người” (Tv 147,19-20).
Chúng ta cũng gợi nhắc
việc Gioan tẩy giả công bố phép rửa “Bằng lửa
và Thần khí” (Lc 3,16). Trong
lễ Hiện xuống đầu tiên, Thiên Chúa cũng thực
hiện lời tiên báo của Thánh Gioan. Ngài
cũng đem Thần khí và lửa từ trời xuống
trên các tông đồ. Bài đọc trong sách Tông đồ
công vụ của phụng vụ hôm nay đã mô tả: “Bỗng
từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng
gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ
đang tụ họp. Rồi họ thấy
xuất hiện những hình lưỡi giống như
lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng
người một. Ai nấy đều được
tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu
nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần
ban cho (Cv 2,1.4). Sự việc đó diễn
ra, khiến mọi người hiện diện, kể cả
các du khách đến từ mọi nơi, thuộc các nền
văn hóa và các ngôn ngữ khác nhau, có thể nghe và hiểu
những gì các tông đồ nói theo ngôn ngữ riêng của
mình. Sự kiện đó biểu thị hành
động uy quyền của Thiên Chúa. Chúng
ta đừng nên nghĩ rằng các tông đồ lúc ấy
đang cầu nguyện bằng tiếng lạ giống
như một ơn xuất thần mà Thánh Phaolô đã nhắc
tới trong thơ gửi giáo đoàn Côrinthô (1 Cor 14). Nhưng, lễ Hiện xuống đầu tiên là
thời điểm Tin mừng được quảng bá rộng
khắp cho mọi dân mọi nước. Qùa tặng Thần Khí là động thái cuối
cùng của Mầu nhiệm Vượt qua. Cũng như Đức Kitô biến đổi
tình trạng tội lỗi nơi Adam, Thần Khí cũng biến
đổi tình trạng hủy diệt nơi sự kiện
tháp Babel ngày xưa. Khi xây tháp Babel, con người
đã tỏ ra kiêu ngạo và cố chấp, nên Thiên Chúa
đã phân rẽ họ ra thành nhiều nhóm ngôn ngữ để
họ không thể thông tri được với nhau. Ngược lại, khi Thần Khí được
ban xuống, Ngài nối kết muôn người thuộc mọi
sắc tộc và ngôn ngữ. Điều
này cũng biểu thị sứ mạng của Hội
thánh, đó là công bố Tin Mừng cho mọi dân mọi
nước. Bởi lẽ, tình yêu và ơn cứu
độ của Thiên Chúa được ban tặng cho tất
cả mọi người.
Động
thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua, mà
ngày hôm nay chúng ta mừng kính, là tột đỉnh và tóm kết
lễ Phục Sinh. Thiên Chúa thực hiện việc
chuẩn miễn thần thiêng sâu xa nhất: Đó là ban
Thánh Thần để Thần khí giờ đây thuộc về
chúng ta. Đây là điểm nhấn mà Thánh
Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai của phụng
vụ hôm nay. Thánh Phaolô đã khuyến cáo tín hữu
Galat hãy đón nhận tự do thực sự trong Đức
Kitô, chứ không phải tự do qua việc tuân thủ luật
Moise. Luật lệ cựu ước rất
thánh thiêng. Nó giúp tôi luyện và rèn dũa con người
đi vào khuôn phép. Nhưng khi Đức Kitô đến, thời
đó đã qua (Gal 3,24). Bây
giờ là thời của Thần Khí, thời mà chúng ta
được thông dự vào chính sự sống của
Đức Kitô trong Thánh Thần.
Với suy
nghĩ như thế, Thánh Phaolô đưa ra sự đối
kháng giữa hoa trái của Thần khí và những công việc
của xác thịt. Từ ngữ “xác thịt”
(sarx) ở đây không phải chỉ nói về thân xác
(soma), nhưng nói về cả tổng thể con người
khi sống dưới sự khống chế của những
đam mê tội lỗi. Thánh Phaolô liệt kê một loạt
những đam mê thuộc về “xác thịt”, từ việc
dâm dật đến những hành vi tôn thờ ngẫu
tượng đang xảy ra giữa dân. Cụ thể
như tội dâm bôn, sự ô uế, phong đãng, thờ quấy,
phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận,
tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè
chén... Đối nghịch với những tội lỗi
theo xác thịt là hoa trái của Thần khí :
Tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, quảng
đại, trung tín, hiền lành, tiết độ (Gal
5,20-23). Đây là hai phạm trù tương phản
và đối kháng nhau mà Thánh Phaolô nhấn mạnh. Thánh Phaolô không nhằm đến việc nêu ra những
nhân đức để chúng ta thực thi hầu hoàn thiện
chính mình. Ngài muốn nói rằng, nơi một
tâm hồn có những phẩm tính cao đẹp này, chính là dấu
chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bên
trong. Chúng là dấu chứng cụ thể
biểu tỏ sự hiện lộ của Thần Khí.
Thánh Phaolô
muốn nói cho chúng ta phương cách nhận ra sự hiện
diện năng động của Thánh Thần nơi các
tâm hồn. Mọi người đều biết rằng,
một con người bề ngoài xem ra có vẻ nghiêm túc về
mặt luân lý, nhưng đôi khi đầu óc lại rất
u tối, đồng thời trái tim của
họ lại quá chật hẹp và sơ cứng. Tôi sợ
rằng khi đến trước cổng Thiên đàng, họ
sẽ nghe tiếng Chúa nói : “ Ta không biết
các người là ai, hãy đi cho khuất mắt ta” (Mt
7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở : “ Khi anh
em được Thần khí hướng dẫn, anh em không
còn sống dưới lề luật”. Luật
bắt chúng ta phải tuân phục, còn Thần khí thì mời
gọi đi vào tình yêu và sự hiệp thông. Những ai sống tràn ngập yêu thương
trong Thần khí, đương nhiên sẽ hiển thị
hoa trái của sự hiệp thông sâu xa này.
Mỗi lần
chúng ta hát thánh thi Veni Sancte Spiritus, chúng ta khẩn nài xin Chúa
Thánh Thần đến, nhưng thực sự Ngài đã
đến và đã hiện hữu sẵn nơi ta.
Tuy nhiên chúng ta cần phải làm hiện lộ sung mãn hoa
trái của Ngài. Tất nhiên với tự do, con người
có thể cản che hoặc làm suy yếu hoạt động
của Thánh Thần nơi họ, nhưng chúng ta không thể
chối từ một sự thật, đó là Thần khí
đã được ban cho chúng ta và thuộc về chúng ta.
Đó là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa đã
hiến tặng. Thánh Thần chính là quà tặng
được ân ban cách nhưng không, còn
chúng ta, chúng ta phải khai mở món quà đó ra và để
Thánh thần tác động. Ngay bây giờ và
ngay tại nơi đây, chúng ta cần phải thực hiện
công việc này.
|