Đấng Bảo trợ
– ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Một câu chuyện vui kể lại, có anh thanh niên
đang học giáo lý dự tòng, khi học kinh Chúa Thánh Thần,
anh học mãi mà không thuộc. Khó nhất là nhiều lần
cứ lặp đi lặp lại “Chúa Thánh Thần xuống…
Chúa Thánh Thần lại xuống….”. Anh sốt
ruột nói với bà xơ dạy giáo lý: “Sao không thấy
Chúa Thánh Thần lên mà thấy cứ xuống hoài?” Bà xơ
trả lời: “Nếu Chúa Thánh Thần mà lên thì thế giới
này sẽ bị hủy diệt còn ghê gớm hơn là bom
nguyên tử!”
Kinh Chúa Thánh Thần nhắc
lại một biến cố quan trọng trong lịch sử
cứu độ: đó là ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa
Thánh Thần đến để canh tân Giáo Hội. Kể từ ngày ấy, Chúa Thánh Thần luôn hiện
diện để nâng đỡ và bảo trợ Giáo Hội.
Sở dĩ người tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần,
vì họ xác tín rằng, mọi hoạt động, nếu
muốn thành công, cần có ơn của Chúa Thánh Thần, vì
Ngài là Đấng Bảo trợ.
“Thày sẽ
sai Đấng Bảo trợ đến với anh em” (x.Ga
16, 7). Chúa Thánh Thần đã đến
để quy tụ nhóm các môn đệ đang hoang mang sợ
hãi, biến đổi lòng họ và làm cho họ trở
thành những nhân chứng trung kiên của Đấng Phục
Sinh.
Lịch sử Giáo Hội,
nhất là mở miền Bắc Việt Nam, chứng minh sức
mạnh kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Trong những
năm tháng khó khăn, thiếu vắng linh mục, không có lớp
giáo lý, không có những hoạt động tông đồ,
nhưng Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm hoạt động.
Ngài tác động nơi những ông trùm, bà quản,
văn hóa rất khiêm tốn, nhưng lại mạnh mẽ
lạ thường. Lý lẽ của họ rất
đơn giản mà mang tính thuyết phục. Kiến thức của họ rất sơ sài mà lại
là nền tảng cho một đức tin chắc chắn.
Có những cụ ông cụ bà đạo đức thánh thiện
truyền lại đức tin cho con cháu chỉ bằng những
lời kinh đơn sơ. Nhờ những “chứng nhân
đức tin” này mà biết bao ngôi thánh đường
được gìn giữ, biết bao cộng đoàn đức
tin được duy trì, tồn tại ….. Chúa Thánh Thần
hoạt động nơi người tín hữu và ban cho họ
sức mạnh, soi sáng cho họ biết những gì cần
phải làm. Giáo Hội tồn tại là nhờ sức mạnh
của Chúa Thánh Thần, thông qua những con người
bình dân và trung tín ấy. Là Đấng Bảo
trợ, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn và làm cho
Giáo Hội phát triển.
Và hôm nay, hai mươi
thế kỷ sau sự kiện Ngũ Tuần, Ngôi Ba Thiên
Chúa vẫn đang từng giờ từng phút bảo trợ
Giáo Hội và làm cho Giáo Hội sống. Cũng
như Chúa Thánh Thần luôn làm cho vũ trụ được
sống, Ngài cũng luôn luôn thông truyền sức sống
siêu nhiên cho Giáo Hội “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng
chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của
mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng
được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái
đất” (Tv 103,29). Nếu
một ngày nào đó, không có ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ,
Giáo Hội sẽ trở thành xác không hồn. Chính Chúa
Thánh Thần làm cho Giáo Hội của Chúa Ki-tô lan
tỏa một vẻ đẹp diệu kỳ. Vẻ đẹp ấy thể hiện qua tình hiệp
nhất giữa các tín hữu, qua sức mạnh của
đức tin, qua tính linh thiêng của những nghi thức
phụng vụ. Chúa Thánh Thần còn làm
cho vẻ đẹp Giáo Hội rạng ngời nơi khuôn
mặt và cuộc đời các tín hữu, giúp họ dấn
thân hy sinh, kiên vững trung thành sống chết vì Chúa.
Sách Giáo lý của Giáo Hội
công giáo đã liệt kê những biểu tượng chỉ
Chúa Thánh Thần như: nước, sự xức dầu,
lửa, áng mây và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay,
ngón tay, chim bồ câu. Tất cả những biểu tượng
trên diễn tả những nhu cầu cần thiết để
con người có thể sống trên trần gian. Thế
gian sẽ vắng bóng sự sống nếu không có Chúa Thánh
Thần. Cuộc sống con người sẽ mất
định hướng nếu không có Chúa Thánh Thần.
Ca Tiếp
liên của phụng vụ hôm nay cũng diễn tả những
hoạt động đa dạng của Ngôi Ba Thiên Chúa.
Ngài luôn thực thi sứ mạng “bảo trợ” trong suốt
đời sống con người và đời sống
đức tin “Nếu không có Chúa hộ phù, trong con người
còn chi thanh khiết?”.
Nhờ sự
bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà các tín hữu
được liên kết với nhau trong tình hiệp thông.
“Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một
Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào
đó chúng ta được kết hợp với nhau và với
Thiên Chúa. Mặc dầu chúng ta nhiều
người và mặc dầu Đức Ki-tô đã làm cho Thần
Khí của chúa Cha và của Người cư ngụ trong mỗi
người chúng ta” (thánh Cyrillô thành Alexandria).
Bài đọc I và bài đọc II trong Phụng
vụ đều diễn tả vai trò của Chúa Thánh Thần
là Đấng liên kết mọi tín hữu nên một.
Lễ Ngũ Tuần hàn gắn những chia rẽ
đổ vỡ của thời Ba-ben trong Cựu ước.
Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sống
động như một thân thể, gồm nhiều chi thể
khác nhau, nhưng cùng chung một sự sống.
Việc nhận
lãnh Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu thực hiện
được biết bao điều kỳ diệu.
Khi Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ, Người
cũng ủy thác cho các ông quyền tha tội và cầm buộc
và biết bao quyền năng khác, đến nỗi các ông
có thể làm được phép lạ, như chính Chúa Giêsu
đã làm. Khi chúng ta được tràn đầy
ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thực hiện
được những “phép lạ” trong cuộc sống,
đó là vượt lên sự chết, canh tân đổi mới
cuộc đời để sống cuộc sống mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân cõi
lòng chúng con. Xin soi sáng cho chúng con và mọi người trong
thế giới hôm nay, để hết thảy cùng chung tay xây dựng một thế giới an bình hạnh
phúc. Amen.
|