Yêu
thương.
(Trích trong Sợi Chỉ Đỏ)
Nhà văn nữ Harriet Beecher Stove
có viết một quyển tiểu thuyết nhan đề
“Túp lều bác Tôm” kể chuyện đời của một
người nô lệ da đen tên là Tôm. Chủ
của bác Tôm là một trong số rất ít những người
chủ da trắng biết thương yêu những người
nô lệ da đen của mình. Đáp lại
bác Tôm cũng rất yêu thương chủ và tận tụy
hết lòng phục vụ chủ. Nhưng ông chủ
này vì làm ăn thua lỗ nên đã nợ
một món tiền rất lớn. Một tên da trắng khác
chuyên buôn bán nô lệ đã tìm cách nắm được các
giấy nợ và dùng chúng để làm áp lực với ông
Senbi, tên của ông chủ da trắng nhân hậu ấy. Hắn buộc ông phải bán bác Tôm cho hắn
để trừ nợ. Lúc đầu
ông Senbi nhất định không chịu. Nhưng vì tên
lái buôn hăm dọa sẽ tịch thu tất
cả tài sản của ông, nên cuối cùng ông đành phải
bán bác Tôm. Sau đó cuộc đời bác Tôm đã phải lao đao lận đận chịu đủ
thứ khổ sở và cuối cùng phải chết.
Câu chuyện này đã giúp ta hiểu rõ hơn bài Tin Mừng
của Chúa nhật hôm nay. Trong bài Tin Mừng
này, Đức Giêsu nói “Chúng con hãy yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương chúng con”. Trong câu này, có ba
chữ then chốt, là: yêu thương, nhau, và như.
. Chữ thứ nhất yêu thương thì chúng ta dễ hiểu, bởi vì
Đức Giêsu luôn luôn dạy chúng ta phải sống yêu
thương. Yêu thương là điều răn quan
trọng nhất của Chúa, là điều
răn gồm tóm tất cả mọi điều răn
khác.
. Chữ thứ hai: nhau.
Yêu thương nhau là yêu thương ai?
Đây không phải là câu Chúa nói với hai vợ chồng
hay với một cặp tình nhân, người này yêu
thương người kia và người
kia yêu thương người này. Nhưng
Chúa nói với tất cả mọi người. Vì thế
ta không nên hiểu chữ nhau này theo
nghĩa hẹp, chỉ nhắm đến lòng yêu
thương đối với một ít người thân
thiết với ta thôi, mà phải hiểu theo nghĩa rộng,
chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người.
Giới răn của Chúa là như vậy. Nhưng thực
tế, chúng ta chỉ mở rộng con tim
để yêu thương một số người rất
ít thôi, có thể đếm trên đầu ngón tay, như:
cha mẹ, anh chị em ruột, một vài bè bạn thân thiết,
và người yêu của chúng ta. Chỉ thế
thôi. Còn lại biết bao nhiêu người
khác chúng ta chưa yêu thương, chúng ta không muốn yêu
thương, và thậm chí chúng ta còn ghét nữa. Vì thế,
vấn đề đặt ra là làm thế nào để
chúng ta có thể yêu thương hết tất cả mọi
người như giới răn Chúa đã dạy?
. Chữ thứ ba là chữ như. Đây
là chữ quan trọng nhất trong câu. Nếu
muốn yêu thương tất cả mọi người,
thì chúng ta phải làm như Đức Giêsu đã làm. Vậy, Đức Giêsu đã làm như thế nào?
Ta hãy đọc tiếp đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức
Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy không coi các
con là tôi tớ, nhưng Thầy coi các con là bạn hữu của
Thầy”. Đức Giêsu là Chúa, là Thầy; còn
các môn đệ là người, là đệ tử. Cho nên nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ thì
cũng được thôi. Nhưng không,
Chúa không muốn coi họ là tôi tớ thấp hèn, mà muốn
coi họ là bạn hữu ngang hàng với Chúa. Nghĩa là Chúa tôn trọng họ. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi đôi với lòng
tôn trọng. Vậy nếu chúng ta muốn
có thể yêu thương tất cả mọi người
thì chúng ta cũng phải tôn trọng tất cả mọi
người, như Đức Giêsu đã yêu thương.
Đến đây chúng ta có thể rút ra những kết
luận thực hành:
* Chúng ta đang thương một số người,
như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, chồng vợ,
người yêu của mình. Để cho những
tình yêu thương ấy được bền vững,
chúng ta hãy biết tôn trọng nhau. Dù những
người đó có điều gì trái ý ta, dù có điểm
tính tình họ khác ta, ta cũng phải tôn trọng họ, bởi
vì mọi người là một cá thể độc đáo
không ai hoàn toàn giống ai. Ta không được bắt
buộc ai phải giống như mình. Ta phải tôn trọng
cái quyền họ có quyền khác với ta. Có
thế mới tránh được những xung đột,
sứt mẻ trong tình yêu thương nhau.
* Và còn rất nhiều người mà chúng ta chưa
yêu thương. Tuân giữ giới răn của Chúa, ta
cũng phải cố gắng yêu thương họ. Muốn
vậy, việc đầu tiên phải làm là ta phải dẹp
bỏ mọi thành kiến, mọi kỳ thị, phải
tôn trọng họ: tôn trọng những điểm khác biệt
nơi họ, tôn trọng quyền tự do của họ,
ngay cả khi họ có những khuyết điểm lỗi
lầm ta vẫn phải tôn trọng con người của
họ, bởi vì lỗi lầm là lỗi lầm, nhưng
con người vẫn là con người, vẫn có nhân phẩm,
và ta yêu thương là yêu thương chính con người
đó, yêu thương chính nhân phẩm đó.
Đức Giêsu nói “Chúng con hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng
con”. Theo lời Chúa
dạy, chúng ta hãy cố gắng yêu thương tất cả
mọi người, và theo gương
Chúa làm, chúng ta hãy cố gắng tôn trọng tất cả mọi
người.
|