Xin hiệp
nhất chúng con nên một
(Suy
niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)
Nhớ hồi tôi còn học ở
Đai Chủng Viện, vào những ngày Tuần Thánh, Cha
Linh Hướng thường khuyên chúng tôi trong giờ suy niệm
Lời Chúa (Lectio Divina) mỗi ngày, nên đọc Phúc Âm theo
Thánh Gioan, các Chương 13, 14, 15, 16 và 17. Trong đời sống
Linh Mục, vào những ngày Tuần Thánh, dù rất bận rộn,
nhưng chúng tôi vẫn dành thời giờ để đọc
và suy gẫm những đoạn Thánh Kinh rất cảm
động và rất quan trọng này. Hơn nữa,
trong bầu khí thánh thiêng của Tuần Thánh, khi đọc
những đoạn Thánh Kinh này, tâm hồn càng thêm thấm
thía những Lời Chúa nhắn nhủ.
Đây là những đoạn Thánh Gioan
đã ghi lại những lời ‘trối trăn’ tâm huyết
Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ vào những giờ phút
cuối cùng cuộc
đời trần thế của Chúa, trong bữa Tiệc
Ly, cũng là bữa ăn ‘Tình thương’ (Agape).
Đặc biệt, Chúa Giêsu nêu lên tình
yêu hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và kêu gọi
cũng như cầu xin cho các Tông Đồ luôn biết sống
kết hiệp nên một với Chúa, và hiệp nhất với
nhau trong tình yêu Chúa.
Để nhấn mạnh sự quan trọng
của tinh thần yêu thương và hiệp nhất với
Chúa và với nhau, vào cuối Chương 17, trong lời cầu
xin với Chúa Cha, bốn lần Chúa Giêsu đã xin để
tất cả được “Hiệp Nhất Nên Một!” (Ut Sint Unum! - That They Be ONE!)
(Ga 17, 11, 21, 22, 23). Nhưng Chúa Giêsu không
phải chỉ cầu nguyện cho các Tông Đồ thân tín
của Chúa được hiệp nhất nên một, mà còn
cầu xin cho mọi tín hữu luôn biết đồng tâm
hiệp nhất với Chúa và với nhau (Ga 17, 20-22).
Để cụ thể hóa, Chúa Giêsu
đưa ra hình ảnh Cây Nho, là loại cây rất phổ
thông tại Do Thái, và đã được nhắc đến
nhiều lần trong Thánh Kinh Cựu Ước (trong sách
Tiên Tri Isaia, Gieremia, Egiekien, Hosea và Thánh Vịnh), cũng
như Tân Ước.
Đoạn Phúc Âm hôm nay (Ga 15,1-8) nhắc
đến hình ảnh và lời mời gọi của Chúa
Giêsu với các Tông Đồ và mọi người tín hữu
chúng ta: Thày là Cây Nho, chúng con là ngành nho… Như những ngành
nho chỉ sinh hoa kết trái nếu gắn liền với
thân cây nho, thì chúng ta cũng chỉ có thể là môn đệ
đích thực của Chúa , và ‘sinh nhiều
hoa trái’ nếu chúng ta biết sống hiệp nhất với
Chúa và hiệp nhất với nhau trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khi Chúa Giêsu đã về trời, và sau
khi đã được ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa (Cv.
2, 1-4), các Tông Đồ theo lời Chúa dạy, đã đi
rao giảng Tin Mừng và tập hợp các tín hữu thành MỘT
trong Hội Thánh Chúa, và tất cả các tín hữu đều
đồng tâm nhất trí với nhau (Cv. 2, 44-47).
Tinh thần yêu thương, hiệp nhất
trong Hội Thánh rất quan trọng, nên trong Bài Đọc
II hôm nay (Gioan 3, 18-24), Thánh Gioan nhấn mạnh “Đây là Giới
Răn của Chúa, là chúng ta hãy yêu thương nhau… và yêu
thương không phải chỉ bằng lời nói, mà bằng
chính việc làm…”
Trong Bài Đọc I (Cv 9, 26-31), Thánh Luca
ghi lại sự việc Thánh Phaolô, sau khi được
ơn trở lại, đã mạnh dạn rao giảng
Đạo Thánh Chúa, và đã tìm đến Giêrusalem để
cùng hiệp thông với các Tông Đồ và các Tín Hữu
trong Hội Thánh. Sau đó, Thánh Phaolô lại nhấn mạnh
nhiều lần: Các tín hữu phải hiệp nhất với
nhau trong cùng Một Hội Thánh để có thể hiệp
nhất với Chúa. Ngài đã nói đến Hội Thánh
như Thân Thể Mầu Nhiệm mà Chúa Giêsu là đầu
(Ep 5, 23) và tất cả các tín hữu là các chi thể. Mặc
dầu các chi thể thì nhiều và khác nhau, nhưng cũng
trong một thân thể (1Cr 12,12-17); vì thế,
Hội Thánh ở nhiều nước trên khắp thế
giới, nhưng duy nhất: “Chỉ có một Thiên Chúa, một
Đức Tin, một Phép Rửa…” (Ep 4, 5-6). Trong Hội
Thánh, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ,
đàn ông hay phụ nữ, nhưng tất cả chỉ là
một trong Chúa Kitô là đầu Hội Thánh (Gl 3, 26-28).
Chúa Giêsu là đầu Hội Thánh, là Chúa
Chiên Nhân Lành, nhưng Ngài đã đặt Thánh Phêrô đại
diện Ngài ở trần gian (Mt 16, 18-19; Ga 21, 15-17). Các vị Giáo Hoàng và hàng Giáo Phẩm cũng là những
vị Chúa đã chọn qua các thời đại để
chăn dắt đoàn chiên Chúa ở trần gian. Khi chúng ta hiệp nhất với Chúa và Hội
Thánh, là chúng ta cũng hiệp nhất với hàng Giáo Phẩm
và toàn thể Dân Chúa trên toàn thế giới.
Dù Hội Thánh luôn thích nghi với nền
văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ của mỗi
dân tộc, nhưng chúng ta tin “Giáo Hội duy nhất”, và vì
thế không thể có Giáo Hội tự trị; không thể
có Giáo Hội quốc doanh! Khi chúng ta tách ra khỏi
Hội Thánh Chúa, là chúng ta ‘như ngành nho đã tách rời khỏi
thân cây nho’, hay như một chi thể đã tách rời khỏi
thân thể. Vậy, sau khi chúng ta đã chịu Phép
Thánh Tẩy và được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần,
chúng ta trở thành một chi thể trong gia đình Giáo Hội,
và được hưởng muôn ơn Thánh Chúa qua các Phép
Bí Tích, và lúc đó ‘chúng ta như ngành nho được liên
kết với thân cây nho, được chung cùng một ‘sức
sống’ và sẽ sinh hoa kết quả dồi dào là những
‘việc lành phúc đức’ trong tình bác ái phụng sự Chúa
và giúp đỡ lẫn nhau trên cuộc hành trình về Quê
Hương Nước Trời.
Lạy
Chúa, “xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.
Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa, chia rẽ!
Xin liên kết muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn
đời…” (Thành Tâm, Bài Ca
Hiệp Nhất).
|