Tại
sao cành phải liền thân?
(Suy
niệm của Lm. Raphael Amore Nguyễn)
1. Tình yêu và tham lam
Có hai thầy
tu nọ sống với nhau đã 40 năm trời, họ
chưa bao giờ cãi cọ, dù chỉ một lần. Cho
đến một ngày nọ, người này nói với
người kia: “Này, anh bạn không
nghĩ đã đến lúc chúng ta phải cãi nhau, ít nữa
một lần sao?” Người kia
đáp: “Đúng vậy, nào chúng ta hãy bắt đầu! Nhưng chúng ta bắt đầu cãi nhau về chuyện
gì?”
Người
này bảo: “Về chiếc bánh mì này được không?” “Được, hãy tranh luận về chiếc
bánh này. Chúng ta sẽ làm thế nào đây
nhỉ?” Người này liền nói: “Chiếc bánh này của
tôi; nó thuộc về tôi.” Người kia
đáp: “Nếu thế, thì bạn hãy lấy nó đi”.
Sở dĩ cuộc sống có xích mích
và giận hờn, là do chính cái ngã to lớn có trong con người.
Khi cái ngã càng trở nên bé nhỏ, sự bình an sẽ càng lớn.
Cái ngã sẽ huỷ hoại sự bình an. Bình an chỉ có
trong những trái tim mềm mại và trải
rộng. Trái tim xơ cứng hoặc
khép kín sẽ không thể cho được bình an. Cái ngã chỉ
có làm một công việc duy nhất, đó là cột chặt
trái tim lại - một trái tim bị ràng buộc. Trái tim này, vì thế, được gọi là ích
kỷ. Và, những ai có trái tim này sẽ
khổ đau, khổ đau cho chính mình, và làm cho người
khác cũng đau khổ.
Tình yêu chỉ trở nên
đúng nghĩa khi cái ngã không còn nữa. Hay nói cụ thể
hơn, khi ta yêu, ta không còn là ta nữa. Thế
giới cũ của ta sẽ biến mất nhường
chỗ cho thế giới mới mẻ. Tại sao vậy? Khi yêu, là
đi vào mối tương quan. Ta yêu cây yêu cỏ, ta
nghĩ đến chúng, ta bảo vệ chúng, ta chăm sóc
chúng, ta chờ đợi chúng lớn lên. Ta vui khi chúng lớn
lên từng ngày và mạnh khoẻ.
Có bé trai nọ,
vui mừng khi những chó con ra đời. Nó đi học
cũng nhớ cún, nó học xong là quăng tập vở
dưới sàn nhà, chạy ra nâng niu những chú cún con, nó nhịn
uống sữa của nó để dành cho cún, nó đút từng
thìa vào miệng cún, nó vui mừng khi cún và nó hiểu nhau.
Vì thế, yêu có nghĩa là
đi vào mối tương quan giữa ta và đối
tượng. Đi vào mối tương quan, có nghĩa là
đi vào nguy hiểm, là liều mình. Liều
mình, là vì ta chấp nhận không còn là ta như xưa nữa,
mà trở thành cái ta khác. Vẫn có nhiều chàng thanh
niên đã từng là tay bợm rượu,
nhưng khi lấy vợ thì tay ấy không đụng một
giọt rượu nào! Cho dù bị bạn bè cười
chê là sợ vợ. Vẫn thấy đó đây những cô
nàng, khi chưa yêu thì không bao giờ hề đụng vào bếp,
nhưng khi đã có tình yêu, bỗng dưng nàng biết nấu
ăn ngon, làm bánh và pha café! Người ta vẫn thường
nói,“love makes wonders” rất là chí lý. Tình yêu luôn làm nên những việc diệu kỳ.
Vâng. Phải can đảm lắm mới
dám yêu, vì yêu là dám ra khỏi mình để thiết lập mối
tương quan. Tương quan như là sợi
dây nối hai thế giới xa lạ - hai cái tôi khác biệt.
Sợi dây càng thu hẹp lại thì tình
yêu càng lớn. Tình yêu sẽ trọn vẹn
khi sợi dây đó không còn nữa, vì hai thế giới
đã trở nên một, không gọi là tương quan nữa,
vì “mình với ta tuy hai mà một” rồi vậy. Khi sợi dây vẫn còn dài, có nghĩa là hai thế
giới vẫn không chạm nhau được. Người ta có thể ngộ nhận là tình yêu,
nhưng đó chỉ là xã giao bề mặt, chỉ là kinh
doanh buôn bán lẫn nhau, chỉ là sự đổi trác
đôi bên đều có lợi nào đó. Không lạ gì,
trái đất ngày hôm nay có nhiều người đang sống
như thế, cho nên nảy sinh nhiều cuộc ly dị,
nhiều tình bạn đổ vỡ, nhiều vụ tự
tử, nhiều kẻ bị tâm bệnh, nhiều người
nóng nảy không thể tự chủ... Căn nguyên là hầu
như phần lớn không mấy ai hiểu được
tình yêu. Ai cũng nghĩ mình biết yêu, ai
cũng nghĩ tình yêu là đẹp. Đúng! Tình yêu là
đẹp, là vĩ đại hơn bất
cứ điều gì trên trần gian này, vì tình yêu mở cửa
Thiên Đàng. Nhưng thực tế, con người
hôm nay lại chỉ thấy cửa Hoả Ngục.
Khi sợi dây tương quan không còn, khi
hai thế giới xưa kia khác biệt
giờ đây đã hoà nhập làm một để trở
thành một thế giới mới - đó là thế giới
của tình yêu. Thế giới này không phải để chiếm
đoạt, thống trị, thao túng, điều khiển,
nhưng đểhướng đến tự do và bình an mãi nơi nhau. Không thể nào có tình yêu khi một
trong hai bên muốn phụ thuộc hay bị phụ thuộc.
Phụ thuộc là không tự do. Khi ta làm tất cả mọi
sự cho người mình yêu, nhưng khi người kia cảm thấy không thể sống thiếu
ta, hay không thể không thể sống được khi ta
hết cung cấp những gì là bên ngoài, là trau chuốc cho vỏ
bọc, thì ta đang làm cho người yêu ta trở nên phụ
thuộc vào ta. Đây chỉ là sự ích kỷ
của ta, là sự tàn nhẫn nhất, vì ta đang làm cho
đối tượng bị thương mà không thể
kêu đau. Triết gia Phạm Công Thiện nói: “Trong
dòng sinh diệt thời gian, Tình Yêu vẫn bất diệt
vĩnh cửu sẽ vượt thời gian và không gian. Ai nghĩ khôn khéo cho chính mình là người sẽ
biết đối xử tốt với người khác,
vì rằng, cuối cùng về lâu về dài, chính kẻ ấy
sẽ được nhiều lợi lộc. Tôi gọi đó là ích kỷ cách trí tuệ”.
Trong tiếng Anh, chữ love tưởng
như bắt nguồn từ tiếng Latinh là amor, nhưng
không phải, mà nó lại bắt nguồn từ tiếng Phạn
(Sankrit) là lobha. Nguyên nghĩa Lobha có nghĩa là sự tham lam.
Tình yêu là trải rộng, cho đi, sống cho, sống vì;
còn tham lam thì ngược lại, là thu vén, chiếm giữ,
thống lĩnh, chỉ biết nhận, biết lấy.
Chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ học, chúng ta
cũng đủ thấy rằng cha ông ta xưa kia rất uyên thâm về cuộc sống
như thế nào mới sử dụng ngôn từ bên
phương Đông một cách độc đáo như thế.
Thật vậy, tình yêu và tham lam cũng đang trộn lẫn
vào mỗi con người chúng ta. Có không ít cha mẹ người
Việt bắt con cái học đủ thứ, và còn lên kế
hoạch tương lai cho chúng, làm chúng phải “chạy” bở
hơi tai. Cha mẹ kỳ vọng vào chúng, và
rất hãnh diện khi chúng thoả mãn niềm ước
mong của chính mình. Như vậy, không
phải cha mẹ có tình yêu với con cái, nhưng chính là thống
trị chúng trong lòng tham khôn khéo của mình. Con cái
được đối xử như những món trang sức
để tăng vẻ đẹp của bản thân cha mẹ.
Tình yêu là sự sống, lòng tham thì đưa
đến cõi chết. Chính vì thế, nhiều người
con quá căng thẳng, hay quá bế tắc đã tìm đến
cái chết, hoặc phản ứng ngược lại
như quậy phá, chơi bời, bụi đời... Vì chúng không còn thấy chúng nữa. Chúng bị
tước mất tự do. Chúng ta dễ ngộ nhận
tình yêu, vì hầu như chúng ta sống tham lam thông qua chiếm
hữu, điều khiển, thống lĩnh hơn là yêu
đúng nghĩa.
Sự tham lam sẽ không làm cho hai thế
giới chạm vào nhau để sinh ra tình yêu được.
Người tham lam không dám liều để yêu, vì họ sợ
mất thế giới của riêng mình. Họ
cho rằng khi thế giới bên trong của mình bị
đánh mất, thì họ sẽ chết. Nhưng họkhông biết được rằng,
chính khi thế giới cũ của họ mất đi,
thì họ mới sống viên mãn. Chính vì
thế họ ra sức giữ gìn, bảo vệ. Chỉ có người nào biết trải rộng,
có nghĩa là dám liều, dám bỏ trung tâm mình để
đi sâu vào trung tâm của đối tượng, mới
có kinh nghiệm sự sống viên mãn này.
2. Cành liền thân
Hìnhảnh cành nho gắn liền
với thân cây nho trong Tin Mừng Gioan mà Chúa Giêsu diễn tả
cho các môn đệ là hình ảnh thật đẹp về
tình yêu.
Trước tiên, thiết tưởng
cũng nên nhắc lại, Tin Mừng theo
thánh Gioan là Tin Mừng vềtình yêu, hay còn gọi là thần
học về tình yêu. Tình yêu của Gioan là một thếgiới
mới - một thế giới được tạo dựng
nên bởi hai thế giới cũ xưa kia
của hai đối tượng can đảm dám liều.
Đây là thế giới mà Chúa Giêsu gọi là điều
răn mới: “Anh em hãy yêu thương như Thầy
đã yêu thương anh em”(Ga 13,34). Như ở đây, có nghĩa là Chúa Giêsu muốn
hướng chúng ta đến cội nguồn Tình Yêu của
Ngài để kín múc, để tắm gội và để
hoà tan vào trong toàn thể châu thân của ta, và từ đó
chúng ta sẽ tưới gội cho đồng loại
đang khao khát. Tình yêu theo Thánh Gioan là con người cần
phải kín múc nơi nguồn mạch yêu thương từ
Chúa Giêsu thì con người mới có tình yêu đúng nghĩa,
và từ đó, để trao ban.
Ở đây, chúng ta sẽ
thấy sự khác biệt. Không phải ta có tình yêu đúng nghĩa là do tự bản
thân ta có, nhưng mà ta phải nài đến Chúa Giêsu để
kín múc thứ tình yêu đó. Để có tình yêu đúng
nghĩa và thật, chúng ta phải bước ra khỏi thế
giới cũkỹ của mình để đi sâu vào Thánh
Tâm của Ngài - Thánh Tâm vẫn không ngừng tuônđổ
tình yêu cho con người. Tình yêu không kín múc từ Chúa Giêsu
là tình yêu thếgian (x. Ga 15,19), còn tình yêu kín múc từ Ngài thì
được gọi là tình yêu trongđiều răn mới,
là tình yêu trải rộng cho đến vô cùng như Chúa
Giêsu đã trải rộng cho đến chết trên Thánh
Giá.
Và Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn cây nho
để diễn tả về tình yêu qua một dòng nhựa
lưu chảy từ gốc rễ lên thân, ra đến
cành nhánh, rồi đến lá kết hoa kết trái. Toàn bộ
cây nho đều được nhựa sống ban sức
sống cho. Khi cành nho gắn liền vào thân nho có nghĩa là
đã có chung một dòng chảy nhựa
sống, cho nên tương quan biến mất, và chỉ còn
lại sự hợp nhất giữa thân và cành. Đến
đây, có một chi tiết nhỏ rấtđáng cho chúng ta
suy nghĩ: điều quan trọng trong dụ ngôn cây nho
chính là “cành nho”. Thánh Gioan đã nhắc đi
nhắc lại nhiều lần từ “ở trong” trong trình
thuật này. Như thế, chúng ta không thể
đặt dấu chấm hỏi nữa về gốc, về
nhựa sống, về thân nho nữa, nhưng chính là liệu
cành có ở trong, có gắn liền với thân không?
Thông thường phần
đông chúng ta đòi hỏi đối tượng mình yêu
hơn là chính bản thân ta. Có đôi cặp
tình nhân nọ đi chơi với nhau. Nàng hỏi chàng: “Anh có yêu em
không?” Chàng có vẻ tự ái, hỏi lại: “Thế còn em
thì sao?” Và thế là, đôi bạn trẻ mang từ những
chuyện quá khứ ra bàn cãi, nào là người yêu xưa của
nàng, của chàng... Cuối cùng họ đi
đến cãi nhau. Chúng ta thường nói nhiều
về đối tượng trong tình yêu, nhưng không bao
giờ biết tự hỏi: “Tôi thì sao? Tôi có
phải là người yêu thật sự của người
ấy không?” Khi chúng ta chỉ hỏi
người khác, có nghĩa là chúng ta đang tham lam, đang
chiếm hữu họ cách tinh tế. Đối
tượng của chúng ta trở thành một con thú cho chúng
ta thoả mãn. Họ không còn là người nữa
trong cách xử sự của chúng ta. Vì thế, cũng
thật chí lý khi người ta nói rơi xuống tình yêu
(fall in love) Chữ yêu khó được hiểu đúng
nghĩa của nó, nên phần lớn người ta không biết
yêu, nên phần lớn đang từ trên cao người ta
rơi xuống, từ cao đẹp rơi xuống nhỏ
nhen, từ hồn nhiên rơi xuốnghậm hực, từ
người rơi xuống thành con. Khi anh ta trả lời
rằng có yêu, thì chị kia vẫn sẽ
thắc mắc mãi trong tâm trí: “Liệu anh ấy có thực
lòng không?”Làm sao chúng ta có thể chắc chắn
về người khác được. Không
thể nào xác quyết một cách tuyệt đối về
một ai, khi mình thậm chí còn không dám chắc chắn vềmình.
Nhưng cho dù anh ta phải trả lời triệu
lần rằng anh ta yêu đó, thì lại càng nguy hiểm
hơn vì sự thật không cần phải lập đi lập
lại nhiều lần đến thế. Sự thật là sự thật, nó có ngôn ngữ
riêng của nó. Chính vì thế, khi quan tổng trấn
Philatô hỏi Chúa Giêsu trước khi đem ra xử tử:
“Sự thật là gì?” Chúa Giêsu thinh lặng.
Sự thật không nằm trong địa hạt
lý trí hoặc cảm xúc. Sự thật không cần chứng
minh hay phải lặp đi lặp lại.
Vì vậy, điều quan
trọng nhất trong tình yêu, đó là chính bản thân chúng
ta. Chính chúng ta là chìa khoá mở
cửa cho tình yêu toả sáng. Tình yêu đã có sẵn, đã
chờ đợi, chỉ cần chúng ta can đảm
đứng lên, đi đến tra chìa để mở
cánh cửa ấy. “Hãy ở trong Thầy... Ai không ở
trong Thầy...”. Chúa Giêsu
như đã dọn sẵn tất cảnhững phần
thưởng mà chúng ta khát mong nhất, và Ngài mời gọi
chúng ta. Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Vì Ngài là Tình Yêu, nên Ngài không ép buộc, không chiếm
hữu, không lôi kéo... chúng ta. Ngài mời gọi,
còn chúng ta có quyền chối từ. Vì là Tình Yêu, Ngài muốn
chúng ta tự do trong viên mãn. Ngài tôn trọng tự do chúng ta
đến nỗi Ngài chấp nhận đau khổ khi thấy
chúng ta vẫn chọn tách xa trung tâm của Ngài. Vì Tình Yêu,
Ngài tôn trọng tự do của chúng ta cách tuyệt đối,
và Ngài đau khổ không phải vì Ngài sợ đau đớn,
nhưng vì đau khổ với cái khổ đau của ta.
Ngài chỉ cần chúng ta bước đến với
Ngài, và chúng ta sẽ được toại nguyện: “Nếu
các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các
con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được”.
Lời mời gọi “ở trong” của
Chúa Giêsu là lời mời gọi con người đi vào
tình yêu của Ngài, để hai bên chỉ thở cho nhau,
hoà quyện và hoà tan vào nhau như cành liền cây với nhựa
sống tuôn chảy mãi bên trong. Chúa Giêsu mời gọi vì yêu
chúng ta, Ngài muốn chúng ta đạt đến sự viên
mãn nhất, là cứu cánh của con người chúng ta. Chỉ hoà quyện vào trong nhựa sống Ngài,
chúng ta mới thể hiện chính mình cách tuyệt đối.
Tình yêu của Chúa tuyệt đối
đến nỗi Ngài cho con người khả năng
đáp lại hay khước từtrước tình yêu
đó. Chính vì thế, khi con người được khả
năng tự mình quyết định tất cả, ngay cả
sống chết, ngay cả chọn cứu cánh đời
mình như thế nào - một cứu cánh đưa đến
hạnh phúc thật hay đưa đến trầm luân
trong khổ đau - cho thấy Chúa tôn trọng con người
cách tuyệt đối. Vì tình yêu, Chúa không muốn
con người tách khỏi “thân nho”, vì tách khỏi thân là tự
mình đánh mất hạnh phúc thật của mình.
Trong trình thuật về cây nho cành nho,
chúng ta thấy đằng sau đó không chỉ là lời mời
gọi yêu thương của Ngài để cho con người
bước vào cứu cánh hạnh phúc của mình, nhưng
hơn thế nữa, lời mời gọi đó của
Ngài còn chất chứa sự van xin con người cho Ngài một
ân huệ cuối cùng nào đó. Trong bữa tiệc
cuối cùng, sự van xin đó rõ nét hơn khi Chúa Giêsu
đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để
thức tỉnh các môn đệ. Trước khi chịu
khổ hình và chịu chết, lời mời gọi ấy
vẫn không ngừng biểu lộ qua thái độ
cũng như lời nói và cho môn đệ tự chọn
và tự quyết cứu cánh của mình: “Này Giuđa, anh
dùng nụ hôn để nộp Con Người sao?” (Lc 22,48). Và chỉ có sự mời gọi của
tình yêu chất chứa trong cái nhìn của Chúa Giêsu gởi
đến cho Phêrô, Phêrô đã rung động và bừng tỉnh,
ông đã bước ra khỏi chính mình để đi sâu
vào tình yêu của Chúa. Giọt nước mắt lăn trên má của Phêrô là giọt nước
tẩy rửa tấm gương soi cho ông thấy rõ thân phận
hạn giới của ông trước tình yêu vô hạn của
Thầy, cho ông thấy trung tâm ở trong ông còn xa trung tâm Thầy
lắm. Giọt nước mắt này của
Phêrô cho thấy từ trước tới giờ ông
chưa ra khỏi chính ông để tạo nên tương
quan, vì thế chưa từng nên một với Thầy.
Phêrô đã quá kỳ vọng vào Thầy, quá mơ tưởng
đến tương lai sáng lạn mà Thầy sẽ giải
thoát dân tộc theo nghĩa chính trị. Càng kỳ vọng, càng thất vọng. Phêrô kỳ vọng vào Thầy vì Phêrô yêu chính mình.
Phêrô không hiểu được tình yêu thật
là gì. Cảnh tượng Thầy mình bị truy bắt
và bị lôi ra xử tử đã làm đảo lộn mọi
giá trị mà Phêrô đã có trong ông: Thầy của ông đang
ở trước mặt ông cách trần trụi. Trần trụi là thuộc tính của tình yêu.
Sự giả dối thì không trần trụi,
vì nó được mặc nhiều lớp áo đẹp và
hấp dẫn. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới
dùng ngôn từ“Thầy là cây nho thật”. Khi
hai người yêu nhau mà quá lịch thiệp với nhau, có
nghĩa là cả hai đang giả dối.
Giả dối là ích kỷ
và chỉ xảy ra trong mua bán đổi trác. Đôi tình nhân đó, thực
sựhọ bên nhau, nhưng họ chưa từng gặp
nhau, vì họ không cho trung tâm của nhau chạm vào. Họ không thể trở thành hơi thở của
nhau nên họ chưa bao giờ có tình yêu. Vì thế, họ chỉ là trò chơi của nhau mà
đôi bên đều vui. Tình yêu không phải là trò
chơi hay tương quan suy tính lợi hại. Tình yêu là sức sống và sẽ thăng hoa nhân vị.
Tình yêu thật thì mang tính tâm linh.
Cành nho gắn vào thân nho là sự trần
trụi, là sự thật, vì cành và thân nho có nhưthế
nào đều biết được lẫn nhau, vì họ
có chung một dòng nhựa sống bên
trong. Chính vì thế, tình yêu phải là sự hiệp
nhất và chân thật. Thân nuôi cành và cành
sẽ cho hoa trái.
Chúa Giêsu - là thân nho đã yêu thương
sinh ra cành nho - con người chỉ có thể sống viên
mãn khi gắn kết vào Ngài qua dòng nhựa sống của
tình yêu không ngừng muốn chảy tràn trề trong họ.
Để từ đó, tất cả những
gì con người có đều là từ Chúa, cho Chúa và vì
Chúa. Mong sao, từng hơi thở ra-vào của
chúng ta cũng chính là hơi thở trong Hơi Thở của
Chúa. Từ đó, chúng ta mới có thể
mạnh mẽ và nhiều nội lực để tiếp
sức cho những ai đang thoi thóp và héo khô.
Chúa là dưỡng chất nuôi sống
con người, nên việc ở lại trong Chúa là tối
quan trọng để con người thể hiện tuyệt
đối tự do và cứu cánh đời mình, ngoài ra,
không còn chỗ nào khác. Chỉ có thân nho thật mới mang sức
sống, thế mà phần lớn mọi người vẫn
cứ bám vào những cây nho giả vốn được
trang hoàng rất đẹp và nhiều lời gọi mời
hứa hẹn rất hấp dẫn đang lan
tràn trên khắp thế giới ngày nay... Cái thật thì thầm
lặng, không nhiều lời, nhưng đang hiện hữu,
ngay lúc này đây, dù cái thật có bị khước từ
hay đón nhận, cái thật vẫn toả sáng toả hương,
như những đoá hoa đồng nội, dù ai có ghét hay
thương, hoa vẫn nở.
Lạy
Chúa Giêsu, “nếu không có Thầy, chúng con không thể làm
được gì”. Amen.
|