HẠT CHÂU NGỌC (142bis 2) (ngoại lệ)
MẸ DẠY SỐNG MÙA PHỤC SINH
Bài chia sẻ của lm. HMTuấn,
tại nhà thờ
Huyện Sĩ, Mùa phục sinh, 4-2015
Anh chị em thân mến,
Chắc ace. còn nhớ, tháng
trước chúng ta đã chia sẻ đề tài “Mẹ
dạy sống Mùa Chay”, tháng này là Mùa Phục sinh, chúng ta
lại cùng nhau đến nghe Đức Mẹ dạy
sống Mùa Phục sinh.
Có một gia đình khá giả kia,
hai vợ chồng lấy nhau khá muộn, nên khó khăn
lắm mới sinh được một cậu con trai. May
thay, thằng bé thật kháu khỉnh, đẹp trai như
bố nó, và nhất là rất thông minh. Khỏi cần nói,
cả hai vợ chồng đều yêu thương,
chăm chút cục cưng đó đến mức nào : “nâng
như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, và
đứa bé cứ mỗi ngày lớn lên càng ngoan, càng
giỏi, làm niềm vui và hạnh phúc của hai vợ
chồng. Nhưng không hiểu sao lúc cháu lên 6 tuổi,
thấy càng ngày nó càng biếng ăn, biếng chơi, và
xanh xao mòn mỏi dần dần… Bắt đầu không ai
để ý, tưởng đó là vì mùa hè nóng nực, nó chán
cơm chán cháo…, mong rằng đến mùa thu đông sẽ
khác, nhưng rồi thu đông đã đến khí hậu
mát mẻ, đứa bé càng ủ rũ ẻo lả trông
thấy… Sợ quá, hai vợ chồng đưa cháu đi
khám bác sĩ. Kết quả là một tin sét đánh : cháu
bị một bệnh quái ác : “bạch huyết”, nói nôm na
nghĩa là máu gần như nước lã không chứa
những chất dinh dưỡng để nuôi cơ
thể. Thương con, hai vợ chồng một mặt
chạy thầy chạy thuốc tốn kém bao nhiêu cũng
không tiếc, mặt khác cùng nhau đi hết đền này
đến thánh thất kia cầu xin ơn trên, không có
nơi nào mà họ không đến… Nào cùng nhau quì cầu
nguyện Lòng Thương xót Chúa lúc ba giờ chiều,
rồi đến đền Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp làm hết tuần cửu nhật này đến
tuần cửu nhật kia để xin Mẹ thương
cứu con mình, rồi chạy đến đền Th.
Giuse, rồi đến cùng Đức Mẹ Mễ Du
tại nhà thờ Huyện sĩ đây…Nhưng bệnh tình
đứa bé chẳng thuyên giảm mà hình như càng
hiện tỏ những dấu hiệu tuyệt vọng…
Người cha ngậm ngùi nhìn con, ông không khóc
được, nhưng lòng ông tê tái đau đớn
như dao cắt ; còn người mẹ, cứ thấy con
trước đây xin đẹp ngoan ngoãn, vui đùa
trước mắt mình, nay nhìn con còm cõi xanh xao, lịm
dần vào cõi chết, bà thổn thức đau đớn
khóc lóc không ai an ủi được…Bất ngờ,
đùng một cái, một hôm đứa bé mở mắt ra
và đòi uống sữa… Thế là từ đó đứa
bé lại sức dần dần… Cả gia đình coi đó
là Chúa và Đức Mẹ đã thương nhậm
lời họ tha thiết van xin, mà ban cho con họ được
phục sinh, từ cõi chết sống lại! Khỏi
nói, gia đình họ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ
đến thế nào… Lần này hai vợ chồng cũng
đi hết mọi đền thờ thánh thất
để cầu nguyện, với chan hòa nước
mắt, nhưng không phải nước mắt đau đớn mà là nước
mắt vui mừng.
Kể
câu truyện trên đây, là cốt ý cho ace. khi cảm
nhận được sự đau khổ tan nát cõi lòng
của người mẹ, lúc thấy đứa con trai yêu
dấu lịm dần trong sự chết, và sau đó
thấy nỗi vui mừng trào dâng của bà lúc con mình
được cải từ hoàn sinh, để chúng ta
cảm thông nỗi đau đớn xé lòng của Mẹ
Maria khi chứng kiến Con mình chết thảm khốc trên
thập giá. Rồi cũng để chúng ta chia sẻ
niềm vui khôn tả của Mẹ khi Con của Mẹ, sau
ba ngày, đã từ cõi chết sống lại vinh hiển.
Nào ta hãy hát lên mừng Mẹ : “Lạy Nữ Vương
Thiên đàng, hãy vui mừng, Alleluia…. Vì Chúa đã sống
lại thật, Alleluia !” (Nếu
tiện : cho phát thanh bài thánh ca này, do cha Kim Long phổ
nhạc, và mời cộng đoàn cùng hát, ít nhất các câu
“Allêluia”)
Không
chỉ một mình Mẹ vui mừng, mà :
“Cả
Thiên Đàng đang vui mừng ! Các con hãy vui mừng cùng
Thiên Đàng!” (SĐ Chúa nhật Phục sinh, 22-4-1984)
Mỗi năm, cứ đến
Mủa phục sinh, cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu
sống lại, thì cả Thiên Đàng đều vui
mừng và Mẹ mời chúng ta cũng hãy vui mừng cùng
Thiên đàng : trời vui mừng, đất cũng
được mời cùng vui. Nhưng chúng ta mừng Chúa
phục sinh như thế, Đức Mẹ chưa coi là
đủ… vì thường chúng ta mừng Chúa, mừng
Mẹ bằng lời nói, bằng môi miệng nhiều
hơn là thật lòng, cho nên Mẹ bảo chúng ta : “Hãy giang tay lên, hãy khao khát Chúa Giêsu,
vì trong sự Phục Sinh của Người, Người
muốn đổ tràn đầy ơn phúc cho các con.” (SĐ 21-4-1984). Mẹ muốn chúng ta khao khát Chúa Giêsu, Mẹ còn
bảo chúng ta giang tay lên trời, để cử chỉ
ấy càng biểu lộ niềm khao khát mãnh liệt, vì Chúa
Phục sinh muốn ban các ơn phúc đặc biệt
cho chúng ta. Khao khát Chúa, là dấu hiệu của tình yêu mong
chờ. Chứ không chỉ mừng lễ phục sinh
giống như chúng ta đi mừng một đám
cưới. Xong thôi, chẳng còn gì đọng lại trong
tâm hồn.
Ace. ơi ! Thế nào, chúng ta đã thi
hành lời Mẹ dạy chưa ? Hãy khao khát Chúa Giêsu ! Hãy
giang tay lên biểu lộ lòng khao khát cháy bỏng các ơn
phúc phục sinh ! Nếu chúng ta chưa thi hành, thì e rằng
những ơn phúc Chúa Giêsu phục sinh muốn đổ
tràn vào lòng chúng ta, chúng ta chưa nhận được. Vì vậy
mà sau lễ Phục sinh, đời sống thiêng liêng
của chúng ta không thấy tiến bộ hơn, vẫn ì
ạch dậm chân tại chỗ. Chưa kể có lẽ
còn có nhiều người trong chúng ta lại dễ dàng
trở lại con đường cũ, lại bắt
đầu phạm tội lại như trước …!
Đức Mẹ còn
nói một lời gây ngạc nhiên : “Tất cả Chúng Ta trên Thiên Đàng đều vui
mừng, nhưng Chúng Ta vẫn cần niềm vui từ
trái tim các con.” Ngộ quá ! Mẹ bảo “tất
cả Chúng ta trên Thiên đàng đều vui mừng” Chúng
ta là những ai ? Trên Thiên đàng “Chúng ta” ắt hẳn là
Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ, các Thiên
Thần, các Thánh. Và Mẹ bào rằng các Ngài vui mừng,
nhưng có vẻ vẫn chưa thấy đủ, nên còn cần
niềm vui của con cái dưới trần ! Lúc
ấy niềm vui của các Ngài mới trọn vẹn.
Nhưng niềm vui mà thiên đàng cần nơi chúng ta,
phải là niềm vui từ trái tim !
Mà niềm vui từ
trái tim là thế nào ? Không phải niềm vui tưng
bừng bề ngoài. Trong cuộc đời, chúng ta ai
chẳng có lần vui vẻ chúc mừng người nọ
người kia…, những lời chúc mừng vì xã giao, vì
lịch sự, xong rồi chẳng cần biết họ
được như mình chúc hay không ! (vd. chúc họ 100
năm hạnh phúc, thế mà năm sau họ ly hôn). Không !
Niềm vui từ trái tim là niềm vui vì tình yêu, như khi
chúng ta có một người yêu, và được tin
người ấy đỗ đạt cao, thì cái vui
ấy, vì yêu mà nó nên nồng nàn, mãnh liệt chẳng khác gì
chính mình được hạnh phúc vậy. Vì thế mà
Mẹ bảo: như Con Mẹ đã sống lại và
bước vào đời sống mới, tốt
đẹp, thánh thiện, trong hạnh phúc thiên thai thế
nào, thì “Mẹ mong muốn cho tất cả các con (cũng)
được phục sinh trong Con của Mẹ”(như vậy) (2-4-2009).
Hạnh
phúc ấy, Mẹ không muốn chỉ cá nhân ta
được hưởng mà còn mong nó lan tỏa sang
cả gia đình ta nữa : “Chớ
gì Chúa Giêsu thật sự phục sinh trong gia đình các con
!” Vì có lẽ Mẹ thấy trong
nhiều gia đình Công giáo, mùa phục sinh đến
rồi, mà vẫn còn có người không chịu đến
toà Hòa giải để làm hòa với Thiên Chúa, vẫn
ở lại trong tội lỗi, tức là ở lại
trong sự chết, chưa được phục sinh.
Mang sự sống phục sinh cho gia
đình vẫn chưa đủ, Mẹ còn dạy : “Các con hãy mang niềm
vui của Đấng Phục Sinh vào trong thế giới
này, nơi mà Con của Mẹ đã tử nạn và là
nơi mà người ta không còn cảm thấy cần
thiết phải tìm kiếm Người và nhận ra
Người trong cuộc đời của họ.” Ace. có thấy trong câu nói
này của Mẹ có đượm chút giọng buồn
không ? Buồn vì Chúa Giêsu Con yêu dấu của Mẹ đã
chịu Tử nạn để đền tội cho
họ, thế mà ngày nay người ta không thèm tìm kiếm
Người và không chấp nhận Ngài hiện diện
trong đời sống họ nữa. Bởi vậy Mẹ
xin chúng ta đem tin mừng Chúa phục sinh vào trong thế
giới này, tức là giới
thiệu Chúa Giêsu phục sinh cho họ, nói cho họ
biết Ngài đem lại một đời sống
mới bình an, yêu thương cho nhân loại đang bị
xâu xé vì hận thù.
Nghe
Mẹ dạy cách sống Mùa phục sinh như thế,
chúng ta giật mình, vì quả thật, cách sống Mùa
phục sinh của chúng ta từ trước tới nay quá
là hời hợt, bằng lời lẽ, bằng môi mép
hơn là thật lòng. Chẳng trách được
đời sống cá nhân chúng ta chẳng hề thay
đổi nên tốt hơn sau nhiều mùa phục sinh qua
đi ; xã hội và thế giới loài người vẫn
lầm lũi đi trong tội lỗi, trong hận thù,
trong chiến tranh vắng bóng hòa bình…
Mong
rằng từ Mùa phục sinh năm nay, chúng ta để ý
thực hành những lời Mẹ dạy, chắc chắn
những điều tốt lành sẽ xảy ra cho cá nhân,
gia đình và cho cả thế giới.
|