Cho họ
xem tay và cạnh sườn
(Suy
niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Biến cố Đức Giêsu Phục
Sinh quả là một biến cố vô cùng quan trọng, vì nhờ
biến cố này các tông đồ, và qua các tông đồ
đến các Kitô hữu, hiểu biết hơn về
Đức Giêsu và về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã
và đang làm những điều tuyệt vời qua Đức
Giêsu Kitô.
I.
Đức Giêsu cố chứng minh cho các tông đồ Ngài
thực sự đang sống
Theo tin mừng Luca hôm nay, trong khi hai môn
đệ trên đường Emmau trở về đang
loan báo tin mừng Phục Sinh cho các tông đồ và các môn đệ
khác, thì Đức Giêsu Phục Sinh hiện
ra cho các ông. Họ rúng động và sợ hãi vì tưởng
mình thấy ma. Đức Giêsu đã cố gắng trấn
an và thuyết phục họ: “Nhìn chân tay
Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ
xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy
có đây?” (Lc.24, 39). Và không chỉ vậy,
chính Đức Giêsu đã đưa tay
chân cho các tông đồ kiểm chứng (Lc.24, 40).
Tuy vậy, dường như các tông
đồ vẫn còn chưa tin, nên Đức Giêsu nói với
các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không?
Các ông đưa cho Người một khúc cá
nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc.24, 41-43). Người ta có cảm tưởng Đức
Giêsu cũng vất vả thuyết phục và chứng minh
cho các tông đồ rằng Ngài đã sống lại, Ngài
hiện đang sống. Phục sinh là một
biến cố rất đặc biệt, vượt dự
đoán của con người. Các tông
đồ cũng không phải là những người dễ
tin. Tuy dù được báo trước ba lần
Đức Giêsu sẽ chết và sẽ sống lại
(Mc.8, 31; 9, 31; 10, 33-34), nhưng các tông đồ cũng chẳng
dễ dàng chấp nhận việc Ngài sống lại
(Mc.16, 9-13); và Đức Giêsu, tuy dù biết trước mình
sẽ sống lại, cũng rúng động trước
cái chết (Mc.14, 35-36).
Thân phận con người,
lúc này biết, lúc khác phân vân nghi ngờ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự hủy
để nhập thể làm người, nên Ngài chấp nhận
thân phận con người cách hoàn toàn, nghĩa là, cũng bị
cám dỗ, và ngay cả không biết, hoặc lúc này biết
lúc khác phân vân nghi ngờ. Vì vậy, Đức
Giêsu sống lại, là điều rất mới đối
với các tông đồ và con người. Tuy nhiên, một
khi được ơn trở thành chứng nhân phục
sinh, các tông đồ luôn loan báo tin mừng đặc biệt
này, và đã đem chính mạng sống làm chứng cho tin mừng
các ngài rao giảng.
II. Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh
Thánh
Trong cuộc tranh luận với những
người Do Thái, Đức Giêsu nói: “Các ông nghiên cứu
Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm
được sự sống đời đời. Mà
chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi… Vì nếu
các ông tin Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ
ông ấy đã viết về tôi” (Ga.5, 39.47). Kinh Thánh
được một số người coi như lá thư Thiên Chúa viết cho tất cả mọi
người qua trung gian dân tộc Do Thái. Đức Giêsu
cũng có thể được coi là lá thư,
là biểu hiện, biểu chứng, biểu tượng
tình yêu của Thiên Chúa cho con người.
Đức Giêsu là tột đỉnh mặc
khải của Thiên Chúa cho con người. Qua Đức
Giêsu, con người biết hơn về Thiên Chúa và
cũng biết hơn về chính con người. Các tạo vật đều mặc khải Thiên
Chúa ở một mức độ nào đó. Những
nhân vật đáng kính trong lịch sử dân tộc Do Thái
cũng như trong lịch sử những dân tộc khác, và
nhất là trong những tôn giáo khác, cũng là chứng nhân của
Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, nhưng
Đức Giêsu là một con người đặc biệt,
phản ánh Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa một cách tuyệt
vời, bởi vì Ngài là chính Lời Thiên Chúa nhập thể,
Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
Kinh Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa,
nhưng cũng là tác phẩm của con người. Người
ta có thể đọc Kinh Thánh đơn thuần như một
tác phẩm thuần túy nhân loại, và người ta có thể
hiểu được phần nào con người và xã hội
thời đó. Hôm nay, theo tin mừng Luca,
các tông đồ đã được Đức Giêsu mở
trí để hiểu Kinh Thánh. Kinh Thánh không
được viết để dạy chân lý khoa học,
nhưng để giúp con người biết hơn về
Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với con người,
giúp con người biết hơn về Đức Giêsu là
tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa cho con người.
III. Thật sự biết Thiên Chúa hàm chứa
tuân giữ lệnh truyền của Ngài
Niềm tin và cuộc sống
phải đi liền với nhau. Niềm tin không chỉ là những
điều một người chấp nhận và không liên
hệ hay chi phối đời sống họ. Đức tin không có việc làm là đức tin chết
(Gc.2, 17). “Nếu nói mình biết Thiên Chúa
mà không giữ các lịnh truyền của Thiên Chúa, thì
đó là kẻ nói dối” (1Ga.2, 4).
Biết Thiên Chúa, không phải là chấp
nhận một số mệnh đề phát biểu về
Thiên Chúa, nhưng còn bao hàm chính thái độ sống và cuộc
sống của mỗi người. Cái “biết sống
động” này được diễn tả qua đời
sống cầu nguyện, qua việc chọn lựa trong
đời sống thường ngày, qua cách cư xử với
người khác… Tuy vậy trong thực tế, có nhiều
người “tin” nhưng không “sống”, những người
này họ chưa thực sự biết Thiên Chúa, cái biết
của họ mới chỉ trên bình diện chấp nhận
một điều là đúng. Những ai giữ
lệnh truyền của Thiên Chúa, là những người
biết Thiên Chúa thực sự.
Niềm tin vào Đức Giêsu Phục
Sinh đã chi phối trọn vẹn đời sống các
tông đồ. Các ngài đã ra đi rao giảng
tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh. Các
ngài đã dám chết vì chính đạo. Niềm tin vào
Đức Giêsu Phục Sinh đã biến đổi đời
bao con người, đã biến đổi đời các
tông đồ, đã làm bao người “bỏ thế gian”
để sống dành riêng cho Thiên Chúa. Các ngài
là những người biết Thiên Chúa thật sự.
Câu hỏi
gợi ý chia sẻ
1. Theo bạn, khi Đức
Giêsu cố gắng làm cho các tông đồ thấy Ngài
đang sống thực sự bằng cách cho các tông đồ
xem tay và cạnh sườn Người,
hàm chứa điều gì?
2. Theo bạn, đức tin Kitô
hữu hàm chứa gì? Tại sao lại gọi là ơn? Có
gì quý hoặc được lợi gì khi tin Đức
Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể?
|